Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Khuyến khích tư nhân làm dịch vụ công tác xã hội

Quách Đồng - 06/06/2022 | 14:33 (GTM + 7)

Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đang soạn thảo Nghị định về Công tác xã hội. Đáng chú ý, đơn vị soạn thảo đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm phát triển hệ thống và nâng cao chất lượng công tác xã hội.

Dự thảo nghị định về Công tác xã hội do Bộ Lao động, Thương binh và xã hội soạn thảo gồm 8 chương, 56 Điều, bao gồm: những quy định chung; quyền, nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; người hành nghề công tác xã hội; quyền, nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ công tác xã hội…

Cụ thể, về nguyên tắc hoạt động công tác xã hội, dự thảo nghị định quy định: dịch vụ công tác xã hội là bình đẳng, công bằng và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; Tôn trọng quyền của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; Ưu tiên cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với trường hợp khẩn cấp, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người từ đủ 80 tuổi trở lên, người có công với cách mạng, phụ nữ có thai…

Về các nguồn tài chính phục vụ cho công tác xã hội, sử dụng từ ngân sách nhà nước; kinh phí từ nguồn chi trả chi phí sử dụng dịch vụ công tác xã hội và nguồn vận động và các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Về hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội bao gồm cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội công lập, ngoài công lập và cơ sở cung cấp dịch vụ.

Đáng chú ý, về chính sách của Nhà nước về công tác xã hội, dự thảo nghị định về Công tác xã hội quy định Nhà nước có chính sách khuyến khích xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Đặc biệt, dự thảo nghị định cũng quy định thực hiện xã hội hóa công tác xã hội, trong đó Nhà nước thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ công tác xã hội; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng, thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội; khuyến khích cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tư nhân hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; Hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các lĩnh vực phù hợp với các đối tượng có nhu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu về cung cấp dịch vụ công tác xã hội và bảo đảm chất lượng dịch vụ công tác xã hội.

Dự thảo nghị định về Công tác xã hội đang được Bộ Bộ Lao động, Thương binh và xã hội gửi xin ý kiến các Bộ, ngành và các địa phương. Dự thảo nghị định sẽ được gửi xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

ảnh minh hoạ (vov.vn)

ảnh minh hoạ (vov.vn)

NGĂN CHẶN TRỤC LỢI

Dự thảo Nghị định về Công tác xã hội có những chính sách cụ thể như thế nào để đa dạng hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng công tác xã hội?

Phóng viên VOVGT đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Cảnh Tùng, Trưởng Phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội)-  đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định:

PV: Xin ông cho biết những chính sách mới nổi bật để nâng cao chất lượng, hiệu quả về dịch vụ công tác xã hội?

Ông Trần Cảnh Tùng: Thứ nhất, đó là quy định về chất lượng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường, nhân viên cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tiêu chuẩn quy trình để cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Thứ hai là nhóm chính sách chuẩn hóa đội ngũ những người làm công tác xã hội, các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, về nhiệm vụ, phân công công việc.

Thứ ba là nhóm chính sách về mở rộng, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội, quy định về các điều kiện hoạt động, thành lập của các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Thứ tư, đó là phát triển công tác trong ngành, lĩnh vực khác như: y tế, giáo dục, tư pháp, trại giam, trường giáo dưỡng.

Thứ năm là chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác xã hội, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia vào cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Với 5 nhóm chính sách như thế này triển khai đồng bộ thì sẽ thúc đẩy nâng cao được hiệu quả chất lượng dịch vụ công tác xã hội.

PV: Dự thảo nghị định cũng đặt ra những quy định gì nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng công tác xã hội để trục lợi?

Ông Trần Cảnh Tùng: Dự thảo cũng đưa ra một số quy định, hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm ngăn chặn ngay từ đầu việc lợi dụng chức trách, quyền hạn của người cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi.

Một trong những điểm đó là nghiêm cấm việc tổ chức, hỗ trợ xúi giục, ép buộc người sử dụng dịch vụ công tác xã hội để làm hoặc không làm những việc ngoài ý muốn của họ.

Cấm lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế của người sử dụng dịch vụ công tác xã hội để xâm hại người sử dụng dịch vụ công tác xã hội; hoặc lợi dụng chế độ chính sách để trục lợi.

PV: Nếu dự thảo nghị định được ban hành nó sẽ có tác động xã hội như thế nào?

Ông Trần Cảnh Tùng: Những quy định của dự thảo nghị định công tác xã hội hướng đến trợ giúp cho các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng, đặc biệt là các nhóm đối tượng yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già, nạn nhân bạo lực bạo hành và các vấn đề tệ nạn xã hội khác.

Mục tiêu của công tác xã hội là hướng đến và phát triển những khả năng hỗ trợ, phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp cho các đối tượng cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng và sử dụng các nguồn lực riêng của họ cũng như vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn của các nhóm đối tượng như thế này.

PV: Xin cảm ơn ông!

CẦN QUY ĐỊNH NGUYÊN TẮC ĐỂ HÌNH THÀNH KHUNG GIÁ

Dự thảo nghị định về Công tác xã hội đã đáp ứng được yêu cầu bức thiết hiện nay hay chưa? Cần bổ sung những gì để thúc đẩy hoạt động công tác xã hội, nhất là ngoài khu vực nhà nước?

Phóng viên VOVGT có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hải Hữu, Phó Chủ tịch Hiệp hội giáo dục nghề và công tác xã hội Việt Nam

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tính cấp thiết của dự thảo Nghị định này?

Ông Nguyễn Hải Hữu: Việc xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật về công tác xã hội là hết sức cần thiết, bởi lẽ rất nhiều nước họ đã có luật rồi, nhưng ở Việt Nam mới có Thông tư và cao nhất là quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Như vậy, tính pháp lý chưa cao, mà nó đòi hỏi phải có luật hoặc là Nghị định để tạo ra một hành lang pháp lý cho việc phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam, bởi vì Việt Nam đi quá chậm rồi.

Đấy là điều hết sức quan trọng mở đầu cho giai đoạn mới khi mà chúng ta có hành lang pháp lý để phát triển nghề công tác xã hội.

PV: Dự thảo nghị định cũng đưa ra 5 nhóm chính sách nhằm khuyến khích và phát triển công tác xã hội. Theo ông, những chính sách này đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết đó hay chưa và cần bổ sung thêm những gì?

Ông Nguyễn Hải Hữu: Nghị định cũng đã đáp ứng được những nội dung hết sức cơ bản, liên quan đến các khái niệm, thế nào là nghề công tác xã hội, rồi những chính sách phát triển mạng lưới, phát triển nhân viên, rồi phát triển các trung tâm công tác xã hội.

Tuy nhiên, đối với một nghị định, hay là một luật, ngoài liên quan đến vấn đề nhân lực, mạng lưới, hệ thống cung cấp dịch vụ, thì điều quan trọng nữa là chúng ta phải xác định được vị trí việc làm của các nhân viên công tác xã hội trên 4 lĩnh vực cơ bản là: phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp.

Tư pháp thì ví dụ như hỗ trợ tâm lý trong các tòa án, hay là trong quá trình điều tra và xét hỏi thân thiện. Tức là hỗ trợ tâm lý cho những người bị nạn, thậm chí kể cả những người gây ra, có hành vi bạo lực, vi phạm pháp luật.

Thứ hai là chúng ta phải xác định được danh mục dịch vụ, những tiêu chuẩn về mặt chất lượng để làm cơ sở cho việc xây dựng định mức khung giá dịch vụ.

Hiện nay rất nhiều cơ sở tư nhân cung cấp dịch vụ công tác xã hội, nhưng họ chưa có xây dựng giá dịch vụ, mà họ thu là do thực tế của họ thôi. Ví dụ như cung cấp dịch vụ cho trẻ em tự kỷ, cũng giống như chăm sóc xã hội, nuôi dưỡng chăm sóc giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân rất khác nhau.

Các trung tâm ví dụ như trung tâm chăm sóc người cao tuổi thu có thể đến 10 triệu, trong khi đó chính sách chế độ nhà nước, các trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi thì rất là thấp. Cho nên nó thiếu cơ sở để xây dựng khung giá dịch vụ.

Vì vậy nghị định đó cũng cần quy định các nguyên tắc để hình thành khung giá dịch vụ.

PV: Theo ông, cần có những quy định như thế nào để ngăn ngừa tình trạng lợi dụng hoạt động công tác xã hội để trục lợi?

Ông Nguyễn Hải Hữu: Thực ra thì dịch vụ công tác của chúng ta rất mới, nhưng để phòng ngừa các vấn đề trục lợi thì chúng ta phải quy định điều kiện về hoạt động. Ví dụ như điều kiện đối với một cá nhân hành nghề như thế nào, nó giống như bác sĩ, dược sĩ hay luật sư hành nghề.

Thứ hai là điều kiện thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ, ví dụ như các trung tâm. Thứ ba là phải có tiêu chuẩn về chất lượng cho từng loại dịch vụ. Tiếp đến là giá dịch vụ. Nếu chúng ta làm được như vậy thì vừa bảo vệ được người sử dụng dịch vụ và vừa bảo vệ những người cung cấp dịch vụ và nó đúng luật.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hơn 10 năm hình thành và phát triển, song đến nay cơ cấu các dịch vụ công tác xã hội có sự kết hợp của các cơ quan/đơn vị công lập và ngoài công lập chưa được xác định rõ ràng. Các dịch vụ công tác xã hội chuyên nghiệp chưa được cung cấp cho người dân tại cộng đồng, việc cung cấp dịch vụ xã hội chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.

Những quy định mới tại Dự thảo nghị định về công tác xã hội được cho là sẽ khắc phục được những bất cập này.

Bạn kỳ vọng gì vào dự thảo nghị định này? Nếu được ban hành, các quy định mới của dự thảo nghị định về Công tác xã hội có trở thành động lực thu hút nguồn lực xã hội vào dịch vụ công tác xã hội ra sao? Góp phần nâng cao chất lượng công tác xã hội như thế nào?

Mời các bạn cùng chia sẻ ý kiến, đóng góp cho Dự thảo qua hotline 02437.91.91.91, qua fanpage VOVGT, hoặc có thể góp ý trực tiếp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Bộ Lao động, Thương binh và xã hội.

---

Đừng quên đón nghe và tương tác với “Dự thảo trên tay” lúc 15h30 đến 15h50, thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên FM91, vovgiaothong.vn, hoặc trên các nền tảng podcast dành cho di động: Spotify, Aple Podcast và Google Podcast.

Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Chỉ hơn một tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 , nhưng giá vé máy bay nội địa hiện tại không những “đắt đỏ” mà còn “khan hiếm”. Nhiều người thay vì “đu đỉnh” với giá vé thì đã chọn chuyển hướng du lịch.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...

// //