Đó có thực sự chỉ là thiên tai, hay là hậu quả tất yếu của một chuỗi liên hoàn những tác động tiêu cực lâu nay?
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Một tháng với người miền Trung, dài hơn cả một cơn ác mộng. Khi chúng ta ngồi bình tĩnh cùng nhau, để nhìn lại xem vì sao thiên nhiên lại giận dữ, thì nhiều người miền Trung vẫn chưa thể quay trở lại cuộc sống bình thường, sau những gì đã diễn ra.
Sự dị thường của thời tiết là một thực tế. Kết cấu đặc biệt của địa chất đã được giải thích, nhưng có mối liên hệ nào ở đây, khi chỉ trong trong tháng 9 và tháng 10 năm 2020, bão lũ, sạt lở đất ở các Tỉnh miền Trung đã làm 242 người chết và mất tích, gây thiệt hại tới 28.800 tỷ đồng; còn theo số liệu mới công bố của tổ chức hợp tác phát triển Đức GIZ về môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, trên toàn lãnh thổ Việt Nam, những cánh rừng nguyên sinh còn nguyên chỉ vỏn vẹn 0.25%?
Không phải khi lũ chồng lũ và sạt lở đất liên tiếp xảy ra ở miền Trung, câu chuyện về rừng, về thủy điện mới được bàn đến, mà trước đó, nó đã tốn không ít giấy mực, gây ra nhiều cuộc tranh luận nảy lửa. Và trong khi những giải pháp quyết liệt vẫn chưa thấy rõ, thì cái giá phải trả đã quá sức chịu đựng của con người.
Trong 20 năm qua, Việt Nam đón không biết bao nhiêu cơn bão, trận lũ lớn nhỏ. Đó cũng là khoảng thời gian mà các dự án thủy điện nhỏ ồ ạt được cấp phép, xây dựng ở các quy mô khác nhau; cùng với nhu cầu phát triển của hạ tầng và tình trạng chặt phá rừng chưa được ngăn chặn triệt để, đã khiến hàng chục nghìn hecta rừng đầu nguồn biến mất.
Dù chưa thể khẳng định mất rừng là nguyên nhân trực tiếp của lũ lụt, nhưng ông Bùi Nguyên Hồng, Nguyên Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng, Chống lụt bão Trung ương, có một logic hiển nhiên không thể chối cãi:
"Nếu chúng ta có một bộ tóc dài, khi chúng ta tắm và gội đầu thì một lúc sau nước mới ướt xuống vai. Khi chúng ta cạo trọc, chúng ta dội một cái thì ngay lập tức nó ướt phía dưới. Câu chuyện rừng cũng vậy".
Theo các nhà khoa học đầu ngành, rừng trồng không thể thay thế được rừng tự nhiên, và độ che phủ không quyết định chất lượng rừng. TS. Đào Công Khanh, Phó Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho rằng, với việc vô tình hay hữu ý quên đi hoặc xem nhẹ tác động môi trường trong sự phát triển kinh tế, con người đã vô tình “chọc giận” thiên nhiên:
"Chúng ta đừng đánh đổi lợi ích kinh tế bằng việc mất đi các giá trị về môi trường và đa dạng sinh học, đi ngược lại với các nước tiên tiến. Họ đang cố gắng giữ rừng của họ chứ họ chứ họ không phát triển theo kiểu chạy theo lợi ích kinh tế để phá bớt rừng của họ để chuyển sang mục đích sử dụng khác".
Những cánh rừng đã từng ngã xuống để đổi lấy điện năng. Nhưng khi mất rừng, thì chẳng những hạ lưu chạy lũ, mà thượng nguồn cũng không còn gì để mất. Sau trận lũ lịch sử ở các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề nghị các địa phương nghiêm túc xem xét vấn đề thủy điện nhỏ để tránh việc phá rừng.
"Ví dụ như là phát triển thủy điện theo quy hoạch, an toàn, tốt hơn nữa, hạn chế hoặc không phát triển thủy điện nhỏ nữa. Nhưng chúng ta phải tính toán một cách phù hợp. Cái này chủ yếu là địa phương thôi. Thứ hai là trồng rừng tiếp tục mạnh mẽ hơn với các loại cây có bộ rễ bám sâu, gỗ lớn … Đó là việc cần thiết".
Những năm qua, Bộ Công thương cũng đã “tuýt còi” hàng trăm dự án thủy điện chưa tuân thủ quy định. Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đức Ngữ, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho rằng, cần dừng cấp phép cho các thủy điện nhỏ, không hiệu quả và cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa quy trình vận hành các hồ thủy điện.
"Theo tôi, Nhà nước phải nghiêm cấm tiếp tục cấp phép phát triển thủy điện vừa và nhỏ, Thứ hai nữa, những công trình thủy điện nhỏ nào thấy hiệu quả của việc phát điện không cao nữa, thì ta có thể xóa bỏ mục tiêu ấy, tức là công trình ấy chuyển sang công trình thủy lợi để đảm bảo điều tiết nước, chống lũ cho hạ du và điều tiết nước cho mùa khô".
Rồi nước lũ cũng tạm rút. Rồi người dân cũng phải gượng dậy làm lại cuộc đời, dẫu mất mát đau thương. Nhưng, bão lũ đi qua, bình tĩnh nhìn lại, có một thực tế sòng phẳng cần được nhìn nhận: đó là, con người đã tàn phá, xâm hại tới thiên nhiên quá nhiều, gây tổn thương cho thiên nhiên quá nhiều, để rồi cơn thịnh nộ của thiên nhiên có thể dáng xuống bất cứ lúc nào.
Và, như lời đại biểu Dương Trung Quốc, sẽ không chỉ là thảm họa của ngày hôm nay mà còn là “di họa” cho đời sau, nếu chúng ta không thay đổi./.