Chuyện hôm nay: Đường sắt đô thị, xây đến bao giờ?
Phạm Quang Vinh - 25/05/2022 | 6:30 (GTM + 7)
Thông tin về việc tuyến đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội được đề nghị lùi thời gian hoàn thành đến năm 2029 lẽ ra nên được nhìn nhận như một vấn đề lớn của Thủ đô. Song, thật bất ngờ khi khá nhiều người được VOVGT phỏng vấn cho hay: Chỉ sợ đến năm 2029 nó vẫn tiếp tục được đề xuất lùi thêm.
Tuần vừa rồi, Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đã đưa ra một đề xuất, với 2 điểm quan trọng. Thứ nhất, đề nghị được lùi thời hạn đưa vào vận hành và nghiệm thu tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội từ năm 2022 đến năm 2029 mới hoàn thành. Thứ hai, tăng thêm vốn cho tuyến đường sắt này 4.905 tỷ (khoảng 202 triệu euro).
Đây là một đề xuất làm không ít người ngỡ ngàng. Để nói thêm về tuyến đường sắt này, có những con số đáng chú ý như sau: đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai của Hà Nội sau tuyến Hà Đông - Cát Linh, dài 12,5 km, có 12 ga, 8,5 km đi trên cao và 4 km ngầm, được khởi công vào năm 2010 cách đây 12 năm, với số vốn ban đầu được đề xuất khi dự án được phê duyệt là 783 triệu euro.
Nếu như đề xuất lần này (và gần như không có lựa chọn khác để dùng chữ nếu như) được phê duyệt là 1.370 triệu euro (1,37 tỷ euro), thì số vốn đã gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Với độ dài như nhau, cũng là 12,5 km so với 13 km của tuyến Hà Đông - Cát Linh, thì chi phí cho tuyến đường sắt này gần gấp đôi đường sắt Hà Đông - Cát Linh (kể cả sau khi đã tăng vốn và kể cả đã hoàn thành), tức là khoảng 868 triệu euro cho tuyến Hà Đông Cát Linh.
Tại sao tôi lại nói rằng mọi người lại ngỡ ngàng? Bởi vì chúng ta có thể nhìn thấy rằng, theo như quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội, để hoàn tất sẽ có khoảng hơn 300 km (con số tôi đọc được ở đâu đó khoảng độ 319-320 km), thì hai tuyến đầu tiên là Hà Đông - Cát Linh và tuyến nhổn ga Hà Nội mới chiếm tổng cộng 25,5 km trên tổng số hơn 300 km phải xây dựng.
Và điều này đương nhiên là sẽ đe dọa phát triển giao thông đô thị Hà Nội - một thành phố gần 10 triệu dân mà cho đến bây giờ người dân vẫn chủ yếu đi lại bằng các phương tiện cá nhân, còn các phương tiện có khối lượng chuyên chở lớn hầu như chưa có (trừ một số xe buýt - mặc dù đã được sử dụng tương đối nhiều nhưng so với nhu cầu giao thông công cộng của Hà Nội thì gần như không đáng kể).
Và giao thông công cộng có khối lượng vận tải lớn như tàu điện ngầm hay đường sắt đô thị - được coi là một trong những lựa chọn đáng phát triển và cần thiết cho việc phát triển một đô thị, nhưng với tiến độ mà để xây 13 km hết 20 năm thì chúng ta không biết sẽ nên trông đợi gì ở bản kế hoạch xây được hơn 300 km đường sắt đô thị của Hà Nội?
Nhân tiện, tôi nhắc đến một tuyến đường sắt khác hoàn thành vào năm ngoái, đó là tuyến đường Viên Chăn – Boten (Lào) được khởi công tháng 12/2016 với 414 km, 75 hầm và 167 cây cầu. Sau 5 năm xây dựng, tuyến đường sắt này đã khai thác từ tháng 12/2021.
Còn tuyến đường sắt Hà Đông - Cát Linh dù được coi là một trong số tuyến đường đưa vào khai thác chậm so với kế hoạch, nhưng việc xây dựng chủ yếu cũng chỉ diễn ra trong hơn 5 năm (từ 2011 đến 2016), còn chúng ta mất nhiều thời gian trong việc nghiệm thu (5 năm), bằng thời gian Lào họ xây dựng một tuyến đường sắt dài 414 km.
Tôi nghĩ, dường như Hà Nội không có lựa chọn cho việc có hay không phê duyệt đề xuất của Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố.
Nhưng chắc chắn, Hà Nội nên làm và cần phải làm đó là xem tại sao các tuyến đường sắt, các dự án giao thông công cộng lại có thể bị đội vốn so với dự kiến? Và tại sao lại có thể bị đội thời gian so với dự kiến nhiều như vậy?
Ở đây có vấn đề nào về năng lực cán bộ, về năng lực tư vấn, về thể chế, về con người để phải giải quyết và có thể xây dựng lại, để có được những con người phù hợp?
Qua đó, Hà Nội mới có thể xây dựng được các công trình lớn như là hệ thống giao thông đô thị. Chứ nếu như chỉ là việc đáp ứng và phê duyệt yêu cầu của Ban quản lý đường sắt đô thị thì tôi nghĩ việc đó sẽ không đủ.
Nhân đây tôi muốn nhắc đến một sự kiện khác cũng diễn ra mới đây. Đó là khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu về 3 dự án giao thông được trình cho Ủy ban thường vụ Quốc hội, thì ông đã chỉ ra là cần phải có cam kết trách nhiệm, xem ai sẽ làm, ai sẽ chịu trách nhiệm vì nguồn vốn của các dự án đó còn chưa rõ ràng.
Đối với dự án đường sắt đô thị của Hà Nội, nên chăng thành phố cũng cần phải nghĩ đến chuyện nói rõ và tìm ra ai là người chịu trách nhiệm? Chịu trách nhiệm thế nào? Làm thế nào để ít nhất là năm 2029 nó sẽ không kéo dài thành năm 2030 hay 2031 và không ai phải chịu trách nhiệm cả.
Và hơn nữa, làm thế nào để có thể thật sự xây dựng được hơn 300 km đường sắt đô thị của Hà Nội như dự kiến./.
Hàng trăm người dân TP.HCM đã có cơ hội trải nghiệm tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) trước ngày tuyến này đi vào vận hành chính thức. Phóng viên VOV Giao thông đã có mặt tại ga Bến Thành để cùng trải nghiệm và lắng nghe những chia sẻ đầy hứng khởi của người dân thành phố.
Sau khi VOVGT phát sóng và đăng tải bài viết về việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong cơ sở giáo dục, đã thu hút sự chú ý và đóng góp ý kiến của dư luận, trong đó có nhiều chuyên gia, giáo viên.
Theo Phòng CSGT Công an TP.HCM, chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 12, lực lượng CSGT đã ghi nhận tình trạng nhiều xe tải trọng lớn chết máy trên cầu Phú Mỹ, gây ùn tắc giao thông; xe chạy quá tốc độ, chạy sai làn đường, dẫn đến tai nạn.
Hà Nội giờ cao điểm tắc đường đến mức, từ vỉa hè, đôi khi bộ hành ái ngại thay cho những người ngồi trên xe đang nổ máy dưới lòng đường, vì bị bỏ lại xa lắc phía sau, như ở… Xa La.
Tỉnh Long An là cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ. Địa phương này đang phải đối mặt với nhiều thách thức về giao thông do sự phát triển nhanh chóng của các khu vực lân cận, đặc biệt là TP.HCM.
Tỷ lệ thu gom nước thải của phạm vi phục vụ hệ thống thoát nước đô thị toàn quốc đạt khoảng 64%, bình quân lượng nước thải sinh hoạt được xử lý chỉ đạt 16% trên tổng lượng nước thải cần được thu gom xử lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt, nước sinh hoạt và ô nhiễm môi trường.