Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Theo thống kê, chuyển đổi số có thể đóng góp 24 - 30 tỷ USD vào GDP vào năm 2024. Đánh giá tầm quan trọng của chuyển đổi số, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh:
"Theo khảo sát, chuyển đổi số đóng góp 20-30% GDP ở nhiều nước trên thế giới. Và nhiều doanh nghiệp đã thay đổi khi có sự tác động của công nghệ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp truyền thống bị thay thế bởi các doanh nghiệp đổi mới. Và tại Việt Nam, chuyển đổi số với doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam là một hướng đi rất quan trọng. Đó không chỉ đơn thuần là tự động hóa dây chuyền, hay phân tích tốt hơn các dữ liệu, mà chính là nhận thức".
Lợi ích của chuyển đổi số là rõ ràng. Tuy nhiên, theo khảo sát của Công ty Công nghệ CISCO, hiện có tới hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phản ứng thụ động với những thay đổi của thị trường.
Đề cập đến thực trạng chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay, ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc, Bộ Kế Hoạch và Đầu tư cho biết:
"Các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về sử dụng máy móc, khoảng 80% máy móc, công nghệ cũ. Đa phần, các doanh nghiệp chưa có chiến lược chuyển đổi số phù hợp, có nhiều quan điểm sai lầm và lạc hậu về chuyển đổi số. Chưa kể thiếu kỹ năng số và nguồn nhân lực, thiếu thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh".
Ghi nhận những khó khăn trong việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp sản xuất, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký cho rằng, mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số song các doanh nghiệp chưa tiếp cận cụ thể để số hóa hoạt động trong chính doanh nghiệp mình:
"Về nhận thức chuyển đổi số thì các doanh nghiệp hầu hết đều nhận thức được. Nhưng khả năng tiếp cận cụ thể để số hóa hoạt động của mình trong đặc thù doanh nghiệp của mình còn thiếu đơn vị hỗ trợ đủ tin cậy, gần gũi để họ cùng đồng hành chuyển đổi với các doanh nghiệp".
Đề cập thêm về những thách thức trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp sản xuất, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết thêm:
"Hiện nay, các doanh nghiệp mới chỉ dừng lại bước chuyển đổi về số liệu. Và những thách thức trong bối cảnh công nghệ thay đổi, đầu tiên là về ngân sách, các doanh nghiệp cần phải thay đổi toàn diện. Bên cạnh đó là thách thức về thay đổi tư duy".
Các chuyên gia nhận định, dù COVID-19 gần như đã đóng băng ngành sản xuất, nhưng đây lại là yếu tố thôi thúc các doanh nghiệp trong ngành phải đổi mới để ứng phó với những thách thức trước mắt và chuẩn bị cho tương lai lâu dài.
Và hiện nay, khá nhiều cơ quan bộ, ngành đang triển khai các chương trình chuyển đổi số. Vậy cần những giải pháp gì để việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp sản xuất đạt hiệu quả?
Tin tức trong nước và quốc tế
# Bộ Tài chính vừa yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm soát chặt việc kê khai và thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng, ngăn chặn tình trạng gian lận, lập hồ sơ khống, gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Còn Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, hiện cơ quan thuế đã ban hành hơn 12.300 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng, với tổng số tiền thuế hoàn là hơn 81.600 tỷ đồng, bằng gần 60% so với dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm.
# 8 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước.
Và theo Bộ Công thương, hiện cả nước đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
# Giãn cách xã hội tại Hà Nội khiến 8/11 nhóm hàng hóa thiết yếu có chỉ số giá tăng trong tháng 8, tăng cao nhất là các mặt hàng thực phẩm.
Tương tự, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8 của TPHCM ước tính giảm 22,4% so với tháng 7.
Còn mới đây, Ngân hàng Thế giới dự báo, năm 2021, khoảng 30% hộ gia đình tại Việt Nam có thu nhập thấp hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân do tác động kéo dài của đại dịch đến các hộ gia đình đang trở nên rõ nét hơn.
# Sức tiêu thụ chung toàn thị trường ở loại hình BĐS Condotel vẫn ở mức rất thấp, có nơi chỉ bằng 2-5% so với thời điểm trước dịch.
Và trên thị trường đang xuất hiện bán “cắt lỗ” sâu căn hộ mùa dịch, nhưng theo nhiều chuyên gia, phần lớn đây đều là căn hỗ đã đưa vào sử dụng trên dưới 5 năm, thực chất phần lỗ chính là chi phí khấu hao của căn hộ.
# Ghi nhận tại TPHCM, do tình hình dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp thông báo ngừng sản xuất, trong khi một vài doanh nghiệp còn cầm cự thì giảm số lượng hơn 50%.
Còn với những ai có nhu cầu mua xe hơi, giá xe ô tô sẽ không giảm nhiều từ nay đến cuối năm, do nhiều showroom phải đóng cửa vì giãn cách, vấn đề tài chính, nhân sự,… của các đại lý xe ở Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề.
# Với thị trường hàng hóa, phiên 30/8, 25 mặt hàng đang được giao dịch tại Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam đang diễn biến trái chiều nhau. Chỉ số hàng hoá MXV-index tăng 1.46% lên mức 2241 điểm. Dẫn đầu đà tăng của thị trường nông sản là lúa mì với mức tăng vọt hơn 1%..
Trong khi đó, giá dầu quay đầu giảm trong phiên giao dịch sáng nay sau khi bão Ida suy yếu thành bão cấp 2.
# Hội nghị bàn tròn tài chính Mỹ-Trung có thể diễn ra vào tháng hoặc tháng 10, một năm sau cuộc họp trước vào tháng 10năm ngoái.
Và mới đây, Thủ tướng Singapore khẳng định sẽ duy trì chính sách mở cửa để giữ vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu, tuy nhiên vẫn tiếp tục thắt chặt các chính sách về lao động nước ngoài.
# Doanh thu từ Kênh đào Suez của Ai Cập có thể sẽ đạt 6,34 tỷ USD trong tài khóa 2021-2022, tăng cao hơn so với mức 5,84 tỷ USD ghi nhận trong tài khóa trước.
Còn tại Ấn Độ, quốc gia này đang nỗ lực để đạt mục tiêu xuất khẩu 400 tỷ USD tài khóa 2021-2022.
# Cuộc khủng hoảng nguồn cung toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2022, do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng đột biến từ các kỳ nghỉ lễ cuối năm, khi các nhà máy gấp rút dồn hàng hóa đến Mỹ và châu Âu.
Với thị trường dầu mỏ, mức tăng sản lượng dầu thô 400.000 thùng/ngày có thể sẽ được OPEC+ xem xét lại tại cuộc họp sắp tới, dự kiến diễn ra vào ngày 1/9.
Thị trường chứng khoán
# VN Index duy trì sắc xanh trong toàn bộ thời gian giao dịch, trước khi đóng cửa tại ngưỡng 1.328.
# Lĩnh vực Ngân hàng tiếp tục đi lên trong phiên hôm nay, trong đó VCB, CTG là các cổ phiếu đóng góp nhiều nhất cho số điểm tăng của VN Index. Giao dịch khởi sắc còn có lĩnh vực Chứng khoán, BĐS, đặc biệt Dược phẩm và Thủy sản có nhiều cổ tăng trần, có thể kể đến như DHG, TRA, VHC, FMC.
Các lĩnh vực có câu chuyện đầu tư hấp dẫn như giá hàng hóa hồi phục hay đẩy mạnh giải ngân đầu công cũng đều chứng kiến sắc xanh chiếm ưu thế, bao gồm Thép – Tôn mạ, Dầu khí, Xi măng
# Theo SSI Rseach, Khối ngoại bán ròng 388,6 tỷ đồng trên HOSE. Ở chiều ngược lại, nhóm Tài chính được ưu tiên mua ròng với các cổ phiếu VCB, CTG, MBB, SSI trong đó VCB dẫn đầu với gần 80 tỷ đồng.