Biến động kinh tế thế giới và tỷ giá: doanh nghiệp gặp khó
Như Ngọc - Anh Thư - 03/10/2022 | 18:21 (GTM + 7)
Những biến động kinh tế thế giới như lạm phát cao kỷ lục, việc thắt chặt chi tiêu của các nước và biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay đã tạo ra tác động nhiều chiều tới hoạt động thương mại, đặc biệt là các DN xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Thông tin trong nước và quốc tế
# Chính phủ ban hành công điện về việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.
# Còn trong 9 tháng qua, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đạt mức tăng cao nhất từ đầu năm, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 15,4 tỷ USD.
# Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các DN về việc thúc đẩy XK gạo và cân đối tiêu dùng nội địa.
# Và tính từ đầu năm, Việt Nam nhập siêu hàng hóa nhiều nhất từ Trung Quốc, vượt mức hơn 51 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
# Các cơ quan chức năng cho biết, sẽ xử lý nghiêm tình trạng gom USD từ NH bán ra chợ đen, khiến thị trường ngoại tệ mất cân đối, đẩy giá USD lên cao, tạo nguồn cung ảo.
# Ở lĩnh vực BĐS, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có kiến nghị, cho phép chủ đầu tư dự án được quyền chủ động đầu tư xây dựng công trình y tế, giáo dục, công viên trong khu đô thị, qua đó giúp đẩy nhanh tiến độ.
# Chiều nay, giá xăng tiếp tục giảm mạnh hơn 1.000 đồng, về mức thấp nhất trong hơn 1 năm qua. Còn giá dầu diesel chỉ giảm nhẹ hơn 300 đồng.
Cụ thể, giá mới của mỗi lít xăng E5 là 20.730 đồng, xăng RON95 21.440 đồng, dầu diesel là 22.200 đồng.
# Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa thông qua một cơ chế cho vay khẩn cấp mới nhằm hỗ trợ các nước đang đối mặt với tình trạng "mất an ninh lương thực nghiêm trọng" trong bối cảnh giá cả tăng cao trên toàn cầu.
# Còn các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) vừa đưa ra cam kết giảm tiêu thụ điện 5% trong giờ cao điểm nhằm đối phó với khủng hoảng khí đốt toàn cầu.
# Cũng tại châu Âu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của khu vực này đã lên mức 10% trong tháng 9, tương đương mức cao nhất kể từ khi đồng Euro được thành lập hơn 20 năm trước.
# Còn theo nghiên cứu của hãng Ned Davis Research, xác suất suy thoái toàn cầu năm sau là 98%, cao tương đương dự báo của họ với suy thoái 2020 và khủng hoảng tài chính 2008.
Những biến động kinh tế thế giới như lạm phát cao kỷ lục, việc thắt chặt chi tiêu của các nước và biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay đã tạo ra tác động nhiều chiều tới hoạt động thương mại, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng cuối năm.
Những tháng gần đây, tình trạng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh ở nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu…và dự báo khó khăn về thiếu đơn hàng có thể còn kéo dài đến hết quý 2 năm sau.
Trong khi đó, doanh nghiệp thiếu lao động sau đại dịch cũng là một thách thức lớn được ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương chỉ ra: "Nhiều doanh nghiệp cũng rất khó khăn trong việc tuyển dụng cũng như là mời công nhân trở lại làm việc. Việc duy trì nguồn nhân lực trong bối cảnh xuất khẩu gia tăng như trong thời gian vừa qua thì đây là một thách thức đối với các doanh nghiệp…"
Trong khi đó, những áp lực về tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ hay hàng rào kỹ thuật và đối mặt với các biện pháp chống bán phá giá từ thị trường xuất khẩu cũng đang là thực tế diễn ra với nhiều sản phẩm hàng hoá.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thì bên cạnh sự chủ động, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành hàng:
"Đối với một số thị trường đặc biệt là thị trường châu Âu hay là thị trường của Mỹ thì họ đưa ra những hàng rào kỹ thuật rất lớn và doanh nghiệp thì khó có thể thích ứng ngay được với những tiêu chuẩn như vậy. thì tôi nghĩ trong những trường hợp thế này thì đòi hỏi cần có sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ trong việc làm thế nào để chúng ta cùng với doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, và thỏa thuận, đàm phán với các nước đối tác để chúng ta có được những bảo vệ tốt nhất cho doanh nghiệp trong nước…", TS Nguyễn Minh Thảo cho biết.
Cùng với khó khăn về nguồn vốn, áp lực lãi vay tăng cao, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có nguy cơ lỗ lớn do áp lực tỷ giá. PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc nhiều ngoại tệ mất giá cũng sẽ tác động trực tiếp lên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhưng xét tổng thể nền kinh tế thì việc đồng USD tăng giá mạnh đem lại cơ hội cho xuất khẩu, bởi có tới hơn 70% các hợp đồng xuất khẩu của chúng ta ký kết bằng đồng USD.
Và như vậy, giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh chính là phải giữ ổn định được tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng đô la Mỹ: "Nếu chúng ta giữ ổn định được đồng Việt Nam so với đô la Mỹ thì có nghĩa là chúng ta đã giữ được ổn định được hơn 70% các hợp đồng xuất nhập khẩu của chúng ta. Còn gần 30% các hợp đồng xuất khẩu được ký bằng các kênh ngoại tệ khác. Nhưng chúng ta cũng nhìn thấy là khi mà đồng Việt Nam tăng giá so với các đồng tiền khác, nếu nhập khẩu từ các quốc gia đó thì chúng ta lại được lợi, còn nếu chúng ta xuất khẩu vào thì chúng ta sẽ chịu thiệt hại. Như vậy, nếu giữ ổn định được tỷ giá đồng Việt Nam so với USD có nghĩa là về tổng thể chúng ta có lợi về mặt xuất khẩu tính chung của nền kinh tế".
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, để đạt được mục tiêu xuất khẩu của cả năm 2022, các doanh nghiệp, ngành hàng cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa, trong đó cần quan tâm đến các thị trường mới, nhất là những thị trường có tiêu chuẩn cao trong khối Liên minh châu Âu (EU); trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương v.v. để có thể tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà chúng ta đã ký kết và có hiệu lực:
"Các doanh nghiệp cần phải phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ khả năng thị trường nào có sức mua. Vẫn có cơ hội, nhưng không còn cơ hội truyền thống, mà đây là những cơ hội mới cần được phát hiện ra, cần xác định rõ. Khi có cơ hội cần tận dụng ngay không chậm trễ bởi các nước khác cũng đang rất nhanh tay. Hiện nay, cơ hội mở rộng đầu tư hợp tác với Ấn Độ là cơ hội có thực…"
Không chỉ có thị trường xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi những biến động kinh tế thế giới mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác cũng đang phải đối mặt với khó khăn. Vậy các doanh nghiệp cần ứng phó ra sao trước thực trạng này? Nội dung này sẽ được chúng tôi tiếp tục đề cập trong bài viết tiếp theo.
Thông tin thị trường chứng khoán
# Chứng khoán Việt Nam có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày giữa tháng 6, chỉ số VNIndex dừng lại tại mốc 1.086,44 điểm, mất 45,67 điểm so với phiên trước.
# Tất cả các nhóm ngành cùng chìm trong sắc đỏ. Giảm mạnh nhất ở các ngành Bảo hiểm, Chứng khoán, Hóa chất, Thép-Tôn mạ, Ngân hàng. Trong khi đó, các nhóm ngành còn lại vẫn mất điểm khá nhưng thấp hơn mặt bằng chung như Dầu khí, Tiêu dùng, Điện nước, Y tế.
# Theo SSI Reseach, tính chung trên HOSE, GTGD khớp lệnh đạt 10 nghìn tỷ đồng, sụt đáng kể so với mức 13 nghìn tỷ đồng ở phiên liền trước. Khối ngoại hôm nay bán ròng mạnh -534 tỷ đồng trên HOSE.
Một Noel an lành đang đến, đường phố Hà Nội tấp nập, đông vui. Trong niềm vui ấy, người Hà Nội không quên ngày Noel lịch sử năm 1972 – ngày “Giáng sinh màu lửa”, nhắc nhở người Việt Nam niềm tự hào về chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chấn động địa cầu.
Hàng chục điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đã được xử lý khắc phục kịp thời, công tác bảo trì sửa chữa thường xuyên, xử lý cầu yếu và tăng cường chất lượng mặt đường tại các tuyến quốc lộ khu vực phía Bắc về cơ bản hoàn tất, giúp nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo TTATGT, đặc biệt trong kỳ nghỉ Tết.
Từ giữa năm 2024, TP. Hà Nội đã thí điểm triển khai trông giữ xe không dùng tiền mặt. Mô hình này được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho người dân và minh bạch trong thu phí trông giữ phương tiện.
Công tác xóa bỏ điểm tập kết rác ban ngày đồng thời chỉ tổ chức thu gom rác thải 1 lần/1 ngày vào sau 19 giờ đã giúp quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) dỡ bỏ 45 điểm tập kết rác ban ngày, mang lại diện mạo đô thị sạch đẹp và khang trang cho khu vực trung tâm Thủ đô.
Nhắc đến Đại tá Võ Tấn Dũng, nhiều người dân ở đất Tây Đô (TP. Cần Thơ) đều biết đến, bởi ông là một cán bộ hưu trí gần gũi, dễ bắt chuyện và đang thực hiện tâm niệm: Dành trọn cuộc đời mình làm nhiều việc ý nghĩa cho đồng đội năm xưa và thế hệ trẻ hôm nay.
Tại Trung Quốc, hệ thống trạm sạc được xây dựng rộng khắp và vô cùng đa dạng về chủng loại. Từ đó, không chỉ giúp ngành công nghiệp xe điện tăng trưởng bền vững mà còn thúc đẩy nước này trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về chính sách khí hậu.