Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Làng Nghi Tàm (Phần 2): Làng hoa giờ chỉ còn trong ký ức

Phóng viên - 23/04/2018 | 12:00 (GTM + 7)

VOVGT - Đền khác thông thường chỉ thờ từ 1 đến 3 vị Thành Hoàng làng thì đình Nghi Tàm thờ tới 6 vị Thành Hoàng làng.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dấu tích Cổng làng Nghi Tàm - Ảnh Huyền Phương.

Nhiều người vẫn thường nói với nhau rằng, ở Hà Nội, Hồ Tây là khu vực đẹp hơn cả. Khám phá các làng cổ ven Hồ Tây cũng là một điều vô cùng thú vị mà du khách và những người yêu Hà Nội không thể bỏ qua. Quanh Hồ Tây, có rất nhiều làng cổ với bề dày văn hóa đặc sắc.

>>> Làng Nghi Tàm (Phần 1): Bí ẩn vùng đất nuôi tằm?

Mỗi ngôi làng lại có vẻ đẹp văn hóa riêng, với nghề truyền thống từ xa xưa đã mang lại cho họ cuộc sống phồn vinh. Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến – báo HN Mới chia sẻ thêm một vài điểm nhấn tâm linh gắn với những câu chuyện lịch sử đặc biệt của mảnh đất này: 

"Nghi Tàm hiện tại còn có 1 cái miếu nhỏ ở ven đường, gọi là miếu Bà Cô. Đây là cái miếu thờ 1 người con gái họ Đoàn, khi Nghi Tàm là nơi có rất nhiều hành cung ở đó,đặc biệt là cung Thụy Liên. Người con gái họ Đoàn này 1 hôm đi thuyền hái hoa sen cho Nhà chúa thì thuyền bị đắm, người con gái này bị chết. Người dân cho rằng con gái mà chết trẻ thì rất thiêng nên lập 1 cái miếu thờ, cái miếu này hiện vẫn còn nhưng nó rất nhỏ.

Tuy nhiên cánh đồng bông ở Nghi Tàm không tồn tại được lâu nên nghề trồng hoa, nuôi tằm cũng mất vì người thì đông mà đất không sinh sôi nảy nở. Người Nghi Tàm chủ yếu sống nhờ vào Hồ Tây như hái sen, mò cua bắt ốc…bởi vì trước khi người Pháp chiếm Hà Nội thì ở Hồ Tây ai cũng có quyền khai thác thủy hải sản ở đấy. Sau khi người Pháp chiếm Hà Nội và tổ chức cho đấu thầu ở Hồ Tây nên ai muốn đánh cá thì phải mua vé ở chủ thầu nên cuộc sống của người Nghi Tàm cũng rất khó khăn. Cũng giống như người Yên Phụ, khi người Yên Phụ có nghề trồng hoa hay nuôi cá cảnh thì người Nghi Tàm cũng bắt chước. Mặc dù ngày xưa ở Yên Phụ cũng quy định các nghề nuôi cá hay trồng cây đều không cho con gái biết để khi đi lấy chồng thì không mang nghề của làng đi nhưng những người làng Nghi Tàm vẫn học được bí quyết làm nghề từ người làng Yên Phụ.

Ở làng Nghi Tàm ngày xưa có 1 ông tên là Lý Tiến. Ông này những năm thập niên 30 thế kỷ trước thấy ở Hà Nội phát triển bơi lội nên lập ra 1 cái bể bơi, cũng làm nhà tắm, chỗ bơi, nhưng người ta không thích bể bơi Nghi Tàm bằng bể bơi Quảng Bá nên 1 thời gian thì sập tiệm. Nghi Tàm cũng là quê hương của bà Nguyễn Thị Hinh hay là Bà Huyện Thanh Quan. Và là nơi xây 1 công trình rất đáng chú ý đó là khách sạn Thắng Lợi. Tuy nhiên khách sạn này đã chắn 1 phía tây nam của chùa Kim Liên, làm một đi 1 phần không gian khiến người ta cảm thấy không gian chùa không còn được trọn vẹn như ngày xưa".

Nghi Tàm có lịch sử lập làng và nền văn hoá truyền thống lâu đời. Tại đây còn giữ được nhiều di tích lịch sử ghi lại tiến trình phát triển của lịch sử làng xã và những sinh hoạt văn hoá tinh thần của địa phương. Đình Nghi Tàm chính là điểm sáng văn hoá và là nơi gửi gắm niềm tin, ước vọng của nhân dân trong vùng.

Ngôi đình được xây dựng để thờ các vị thành hoàng làng nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đình Nghi Tàm hiện thuộc cụm 4 phường Quảng An quận Tây Hồ, phía trước là khách sạn Thắng Lợi, bên phải là thắng cảnh hồ Tây, phong thủy linh thiêng với cảnh quan tươi đẹp, thoáng đãng, trong lành.

Hằng năm, cứ đến mùng 9 và 10 tháng 2 âm lịch, làng Nghi Tàm lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ các vị Thành Hoàng. Ngày mùng 9, dân làng mang lễ vật lên đình dâng hương lễ Thành Hoàng làng. Ngày mùng 10, dân làng rước nước, rước kiệu từ đình ra chùa Kim Liên xin nước làm lễ rồi trở về đình. Nước này sẽ sử dụng làm nước cúng thánh trong cả năm. Đặc biệt, ngày lễ hội đình làng, người dân Nghi Tàm có tục kiêng nói từ “hoa” do phạm húy tên vị thần thứ sáu thờ tại làng là Quỳnh Hoa công chúa. Bà Lê Thị Bàn, một người dân sống tại đây chia sẻ:

"Hội làng thì vẫn giữ cái nền nếp gia phong. Hôm mùng 9,10,11, 12 trong mấy ngày coi như là rước,mọi năm năm nào cũng rước nhưng năm nay mình sống theo lệnh của chính phủ, mình cũng hạn chế rước. Hội làng theo nền nếp gia phong, cúng giỗ chứ cũng không chơi gì quá để vi phạm pháp luật."

Nghi Tàm là nơi trồng hoa nổi tiếng ngày xưa

Cũng theo bà Lê Thị Bàn cho biết: trước kia hội đình Nghi Tàm còn có bơi chải của Giáp Thượng, Giáp Hạ. Trước hôm hội làng mỗi tích cử ra hai thuyền nan dự thi. Thuyền trao lá cờ thần cho hai đô đóng khố đỏ, người cầm trịch đánh trống, mặc áo dài, khăn xếp, thắt bao lưng đỏ. Từ sân đình, nhịp trống dồn dập, âm vang thôi thúc. Thuyền bơi ba vòng trên hồ Tây, đường đua cắm ba lá cờ màu, tương ứng với giải nhất, nhì, ba mà các đô bơi lao tới cuốn cờ nhận giải.

Người làng Nghi Tàm cũng tự hào so với các đình, đền khác thông thường chỉ thờ từ 1 đến 3 vị Thành Hoàng làng thì đình Nghi Tàm thờ tới 6 vị Thành Hoàng làng là Thượng đẳng tối linh thần. Trong đó, bốn vị Thành Hoàng: Minh Khiết Dực Thánh Thần, Triều Đình Phù Quốc Thần, Bảo Trung Cương Đoán Thần, Lỗ Quốc Thái Sư Thần – tương truyền là những vị tướng tài đã cùng Phùng Hưng đánh đuổi nhà Đường, giành lại độc lập cho đất nước ở thế kỷ thứ 8. Hai vị Thành Hoàng còn lại của làng Nghi Tàm là Hoàng Hiệp Tây Hồ Thuỷ thần và Quỳnh Hoa Đoan Trang Công Chúa thần. Một người cao niên có gốc gác nhiều đời nay ở làng Nghi Tàm rất tự hào khi nói về truyền thống của làng mình:

"Cái đình này ngày xưa nó cổ lắm đấy. Đình này khi còn bé ông không dám ra vì các cụ đồn nó thiêng. Ngày xưa cây muỗm rụng đầy ai dám ăn, trẻ con không dám vào nghịch mà nó cũng có cổng rả gì đâu. Cứ đi qua là đi qua. Cái làng ấy ngày xưa đẹp lắm. Mà con người nó cũng đẹp. Các cụ sáng ra là cứ mấy anh em ông ở xóm trên ông ở xóm dưới xong bắt đầu ra nhà ông hai ngồi tràng kỷ uống nước, uống đến 7,8 giờ lúc bấy giờ các cụ mới ra ao làm ăn đi đâu thì đi xong tối đến lại tập trung nghe đài phát thanh Hà Nội nó bé bé bằng cái kia cơ mà thích, anh em yêu thương nhau lắm, chứ nó không như bây giờ."

Không chỉ có giá trị to lớn về mặt lịch sử, đình Nghi Tàm còn là địa điểm quần tụ sinh hoạt văn hoá tinh thần của cư dân làng xã. Điều này thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên, đồng thời giáo dục cho con người lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần giúp đỡ tương thân, tương ái trong cuộc sống thường ngày.

Nếu ai từng đến Nghi Tàm hơn chục năm trước và giờ trở lại, mới thấu hiểu câu thơ "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo" của Bà Huyện Thanh Quan. Làng Nghi Tàm hiện nay đẹp hiện đại hơn xưa với những tòa biệt thự mọc lên san sát. Ðịa danh "Ðồng Bông" tức Ðồng Hoa nổi tiếng trong Hồ Tây bát cảnh một thời cũng mờ dần trong ký ức của người dân sống tại đây, và những vườn hoa xưa chỉ còn là hoài niệm. Bà Đặng Thị Xuân sống ở Tây Hồ kể lại:

"Tôi sống ở đây năm nay là 71 năm rồi. Người ở đây 71 năm. Ngày xưa cái thời bao cấp ấy phải nói là dân chúng tôi là quá khổ. Thế cho nên là từ khi xóa bỏ bao cấp, đời sống của nhân dân khấm khá lên. Thế rồi là căn bản mình chuyển đổi không làm bãi làm bờ nữa mà làm rau, làm hoa thế rồi là chuyển sang những cái dịch vụ khác nữa. Đời sống khấm khá hơn, dễ chịu hơn ngày trước nhiều. Ngày xưa các bác ấy trồng hoa hồng hoa cúc là nhiều giờ các bác ấy chuyển đổi. Người ta làm nhà cho thuê rồi một số các hộ khác thì trồng rau ăn hàng ngày thế thôi chứ chả còn làm cái gì cả."

Nghề trồng hoa của Nghi Tàm có truyền thống từ lâu đời. Nghề hoa, cây cảnh từ đây lan tỏa đến các làng khác trong vùng. Ở đây có nhiều loài hoa, nhưng nổi tiếng nhất là hoa cúc. Cúc là loài hoa đẹp, rất bền, trồng chậu hay cắm lọ, cắm bát đều được. Có loại: cánh đơn, cánh kép, hình dáng phong phú và nhiều màu sắc.

Đặc biệt, Nghi Tàm còn phát triển nghề trồng cây thế, bon sai. Khi trào lưu chơi bonsai kiểu Nhật Bản được nhiều người ưa chuộng, những người trong làng cũng đầu tư công sức nghiên cứu bonsai Nhật Bản và nhận thấy, cách chơi cây của người Việt tinh tế hơn. Người Nhật Bản tạo hình rất đơn giản, chỉ chú ý đến dáng dấp tổng thể của cây, chứ không chú ý chi tiết.

Còn cây của người Việt có nhiều dáng, thế, phân biệt gốc, rễ, ngọn, cành, lá, như trong một gia đình có phân biệt trên dưới rõ ràng. Từ bốn nguyên lý: trực, hoành, xiêu, huyền, người Việt sáng tạo ra rất nhiều thế cây khác nhau. Mỗi thế cây không chỉ là sự thu nhỏ của thiên nhiên, mà còn chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc.

Khi Nghi Tàm trở thành nội thành, mọi điều kiện thay đổi. Người dân tìm đến những cách làm ăn mới là điều dễ hiểu. Cách chơi cây, chơi hoa ngày nay khác ngày xưa nhiều. Giờ có nhiều làng hoa mới, nhưng người ta chơi cây ít chữ tình mà chỉ chú trọng đến việc làm sao bán được cây với giá cao, chứ không gửi tâm hồn người chơi vào cây, chia sẻ tình cảm giữa người làm ra với người mua cây. Nếu thiếu đi yếu tố này, khó có thể đạt được đỉnh cao trong nghệ thuật cây cảnh.

Chơi cây cũng là để dưỡng trí, tu tâm. Những thế cây nói lên đạo làm người, luôn cương trực, ngay thẳng như dáng trực, hay dù dòng đời xô đẩy vẫn không quên nguồn cội như thế bạt phong hồi đầu... Cây thế có thông điệp của người xưa về đạo làm người. Việc làm cây, buôn cây lấy giá trị kinh tế làm đầu, đôi khi bằng cả những "thủ đoạn" đã làm ảnh hưởng đến đạo chơi cây, đến thông điệp mà những thế cây có thể chuyển tải.

Những gia đình có đời sống khá giả ngày xưa không tiếc tiền để mua cây cảnh đẹp, nhưng cách chơi của họ khác hẳn so với nhiều đại gia bỏ tiền tỷ mua cây ngày nay. Bởi họ biết trân trọng cái đẹp, biết trân trọng những giá trị, những thông điệp của cây thay vì một số người thích chơi cây cảnh bạc tỷ chỉ để khoe sự giàu có.

Làng hoa Nghi Tàm giờ chỉ còn trong ký ức. Nhiều người cao tuổi trong làng vẫn tiếc nhớ cảnh cũ, người xưa. Làng hoa, cây cảnh này mất đi, sẽ có làng hoa khác thay thế. Song, điều mà họ trăn trở nhất chính là người làm cây, chơi cây hôm nay không còn giữ được cái tâm trọn vẹn như xưa.

Chỉ khi chăm cây với tâm hồn, với tình yêu, người ta mới có thể cho ra những tác phẩm đẹp trường tồn cùng thời gian, cũng như mảnh đất Nghi Tàm này,mãi đẹp và giàu truyền thống bởi chính tình yêu mà mỗi người dân nơi đây vẫn luôn dành cho nhau, cho ngôi làng thân yêu của mình.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hà Nội sống và yêu: Chuyện về những ngôi biệt thự cổ

Hà Nội sống và yêu: Chuyện về những ngôi biệt thự cổ

Biệt thự cổ là di sản tinh thần của người Hà Nội, mỗi viên gạch, mỗi đường nét trạm trổ đều mang trong mình ký ức về một Hà Nội thời "vang bóng”. Trớ trêu thay, nét kiến trúc hiếm hoi ấy đang dần lạc lõng giữa lòng phố thị hiện đại như những mẩu chuyện nhỏ sau đây...

Khi con đường hiện đại bậc nhất Thủ đô ngập rác

Khi con đường hiện đại bậc nhất Thủ đô ngập rác

Sau khi Vành đai 2 trên cao (Hà Nội) đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở được thông xe toàn tuyến đến nay tình hình vệ sinh môi trường trên tuyến đường này như thế nào?

TP Thủ Đức: Trồng 103 cây hoa ban khánh thành công viên đường Võ Nguyên Giáp

TP Thủ Đức: Trồng 103 cây hoa ban khánh thành công viên đường Võ Nguyên Giáp

TP Thủ Đức (TP.HCM) đã ươm mầm 103 cây hoa ban tại Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố với hạt giống được mang về từ Điện Biên và được trồng tại công viên đường đại tướng Võ Nguyên Giáp bên bờ sông Sài Gòn.

Tại sao đang nắng nóng lại đi cắt tỉa cây?

Tại sao đang nắng nóng lại đi cắt tỉa cây?

Hàng loạt cây xanh rợp bóng mát trên quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn quận Bình Tân, TP.HCM bất ngờ bị cắt tỉa nhánh. Trong đó, có nhiều cây bị cắt trụi, chỉ còn phần gốc và nhánh. Nguyên nhân vì sao?

Nghề ủn khách lên tàu có gì thú vị?

Nghề ủn khách lên tàu có gì thú vị?

Để đảm bảo các chuyến tàu có thể chuyên chở một lượng lớn hành khách và vẫn chạy đúng giờ, đơn vị quản lý hệ thống tàu điện ngầm Nhật Bản Japan Rail đã tuyển dụng những nhân viên "oshiya" hay còn gọi là "pusher" với nhiệm vụ duy nhất là đẩy, nhồi nhét được nhiều khách nhất có thể vào mỗi chuyến tàu.

Tín dụng xanh: Động lực cho phát triển kinh tế xanh

Tín dụng xanh: Động lực cho phát triển kinh tế xanh

Phát triển bền vững, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới, là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.

Nỗi lòng bệnh nhân Ung bướu ĐBSCL

Nỗi lòng bệnh nhân Ung bướu ĐBSCL

Cần Thơ là trung tâm của cả khu vực ĐBSCL trong việc ứng dụng các kỹ thuật chuyên sâu để điều trị các ca bệnh khó cũng như có hạ tầng nhiều bệnh viện để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho hơn 20 triệu dân của 13 tỉnh/thành ĐBSCL.

// //