Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Dùng xe công vào việc tư: Một dạng tham nhũng quyền lực

Phóng viên - 14/01/2019 | 9:25 (GTM + 7)

VOVGT-Vấn đề lạm dụng xe biển xanh không dừng lại ở một vụ việc cụ thể, nó xuất hiện ngày càng nhiều hơn, dưới nhiều hình thức khác nhau, ở khắp các địa phương.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Lạm dụng xe công: Chuyện không nhỏ

Nhiều người tỏ ra bức xúc khi xe biển xanh đón người nhà bộ trưởng di chuyển ra tận chân máy bay. Ảnh minh họa:

Sự việc xe biển xanh vào khu vực hạn chế sân bay để đón người nhà một vị Bộ trưởng vừa qua đã gây xôn xao dư luận. Cá nhân vị Bộ trưởng này đã trần tình xin lỗi trước công luận, vị phó chánh văn phòng Bộ cũng bộc bạch “cảm thấy có lỗi với Bộ trưởng” khi đặt bút ký vào công văn, tạo điều kiện cho việc sử dụng xe biển xanh sai mục đích.

Tuy nhiên, vấn đề lạm dụng xe biển xanh không dừng lại ở một vụ việc cụ thể, nó xuất hiện ngày càng nhiều hơn, dưới nhiều hình thức khác nhau, ở khắp các địa phương.

Có thể kể đến vụ chiếc xe biển 80B chở phụ nữ và trẻ em hụ còi, chạy bạt mạng, gây bức xúc dư luận trên địa bàn quận 2, Tp.HCM vào tháng 10/2018; hay hàng dài xe biển xanh đi dự đám cưới ở Lai Châu tháng 12/2017, Bạc Liêu tháng 2/2018; rồi các sai phạm sử dụng xe biển xanh ở Sóc Trăng, Đà Nẵng khiến nhiều cán bộ, quan chức bị kỷ luật.

Mời quý vị cùng nghe một số ý kiến bàn luận của người dân về thực trạng này:

# Về vụ xe biển xanh đón người nhà quan chức ở sân bay thì tôi không đồng tình, vì rõ ràng nó tạo sự mất công bằng với những hành khách trên chiếc máy bay đó. Đó là chưa kể xe công theo tôi biết thì chỉ sử dụng vào mục đích công tác của cán bộ, lãnh đạo thôi, chưa có quy định nào xe cơ quan lại đi chở phu nhân của lãnh đạo cả.

# Tôi thì thấy việc xe công, xe biển xanh đi lễ chùa, đi đám cưới thì quá thường gặp rồi. Vài năm nay có quy định siết chặt hơn việc này thì cũng đỡ, nhưng không hết được. Vì thế, việc dùng xe công đưa đón người nhà của lãnh đạo cơ quan thì tôi cũng không bất ngờ.

Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Tuyên, một người dân sinh sống ở quận Tây Hồ, Hà Nội, lại đề cập đến nguyên nhân sâu xa lý giải hiện tượng xe biển xanh bị lạm dụng.

“Việc sử dụng xe biển xanh vào việc riêng, việc tư đấy, rõ ràng là sự vi phạm pháp luật, là sai. Tại sao vẫn có tình trạng này, biết sai người ta vẫn làm. Có khi người thực thi pháp luật, biết sai nhưng sợ cái người ngồi trên xe biển xanh bởi vì xe là xe nhà nước mà, xe cơ quan công quyền, là người ta ngại. Nhưng cũng có thể là người ta thấy chẳng xử lý gì. Có chăng chỉ phê bình hoặc là nhắc nhở thôi. Chứ nếu bây giờ những vi phạm đó bị xử lý nghiêm túc thì chắc chắn là những người dùng biển xanh chẳng ai dám dùng việc tư, chả ai để cho lái xe của mình chạy láo cả. Cho nên theo tôi là phải nghiêm túc cái chuyện này. Vi phạm pháp luật quy định là phải xử lý”.

Dàn xe công ở tỉnh Quảng Bình đi đám cưới con một quan chức vào tháng 12/2017 Ảnh: Người lao động

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, hành vi sử dụng xe biển xanh vào những mục đích không hoàn toàn vì công vụ mà được gán nhãn như vậy rất phổ biến trong thời gian gần đây. Điều này tạo cái nhìn thiếu thiện cảm từ công luận đối với xe biển xanh, và rộng hơn là với hình ảnh người cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước.

“Bản thân việc sử dụng sai mục đích là lạm dụng quyền lực. Những xử sự kiểu đó cộng dồn lại, xét đến cùng là tiêu tốn, lãng phí rất nhiều, và đặc biệt là cái nguy hại hơn là gây mất lòng tin của nhân dân đối với các nhà lãnh đạo, với các giới chức và các nhà quản lý”.

Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc văn phòng luật Minh Bạch, đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: Theo Nghị định 192 năm 2013 liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, mức phạt với hành vi lãng phí trong sử dụng xe công rất nhẹ, chỉ từ 300.000 đến 500.000 đồng.

Phân tích sâu hơn vào tâm lý của những người lạm dụng xe công, luật sư Trần Tuấn Anh nhận định, họ đang bị một căn bệnh là bệnh tham nhũng quyền lực.

“Tôi đánh giá, một số lãnh đạo các đơn vị đang xem xe công là đặc quyền dành riêng cho bản thân, chứ không xe đó là công cụ, phương tiện mà nhà nước, nhân dân trang bị cho họ để họ làm công vụ, phục vụ người dân. Rõ ràng, đây là sai lầm từ trong tư duy các lãnh đạo. Thực ra, đi xe công không phải là để oai, để được miễn giảm thu phí, được đi nhanh hơn các phương tiện khác”.

Đề cập ý kiến cho rằng nên xóa biển số xanh để đảm bảo công bằng với tất cả các loại phương tiện, luật sư Trần Tuấn Anh khẳng định: Màu biển số không tạo ra bất công bằng, mà sự bất bình đẳng xuất phát từ chính những người thực thi công vụ và người sử dụng xe công.

“Theo tôi, đó không phải là biện pháp gốc rễ, bởi vì có thể các quan chức, lái xe của quan chức đi xe biển trắng, khi vi phạm, bị dừng xe, thì họ lại trình thẻ, lại cậy quan hệ để xin và được đi. Vì vậy, để giảm thiểu hiện tượng này, cần bắt đầu từ công tác giáo dục, công tác cán bộ”.

Ở khía cạnh khác, PGS.TS Trịnh Hòa Bình chia sẻ, ở các nước, màu sắc biển số chỉ dùng để phân loại tải trọng, hoặc tính chất sự vụ đặc biệt. Ở Việt Nam, màu sắc biển số cũng không nhằm phân biệt đối xử với các loại phương tiện khác nhau, nhưng có một bộ phận lực lượng thực thi công vụ có sự phân biệt đối xử, có phần kiêng nể, dè dữ, tránh việc đụng chạm đến nhân vật này, nhân vật kia. Do đó, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng đề nghị các cơ quan hữu trách cân nhắc đến đề xuất chỉ cấp biển số đặc biệt cho những trường hợp thực thi công vụ đặc biệt.

“Chúng ta cũng có thể thấy được là trên hệ thống thông tin truyền thông lâu nay mỗi khi đề cập đến vấn đề xe biển xanh thì nó còn hàm cái nghĩa không chỉ là xe biển xanh mà đấy còn là biển xe mang số 80 nữa. Có lẽ vì nhiều lý do tế nhị mà người ta không đề cập đến biển số xe đó. Nhưng rõ ràng rằng là cái việc đặt ra hệ thống biển xe cũng tạo ra những cái mặc định của xã hội, vừa là lãng phí, vừa là phân biệt đối xử, vừa là mất đi bình đẳng xã hội trong quá trình thực thi nhiệm vụ này của phát triển xã hội. Có lẽ chỉ nên để tồn tại những hình thức biển xe đặc biệt cho những trường hợp thực thi công vụ đặc biệt”.

Quyền lực biển xanh (Bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến)

Cần chấm dứt lạm dụng xe công. Ảnh: nld.com.vn

Không khó để giải thích chuyện người nhà một Bộ trưởng dùng xe biển xanh vào đón ở sân bay.

Đó là chuyện “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Khi cái tâm lý muốn thể hiện sự quan trọng của bản thân quá lớn, người ta dễ dàng bất chấp hậu quả để tìm kiếm cảm giác đó. Cái xe công ở cửa máy bay, một thứ tiện nghi của Nhà nước, như miếng cỗ giữa làng ngày xưa, không phải bất cứ ai cũng có cơ hội được sử dụng, dù giàu có đến đâu.

Trên cùng một chuyến bay, dẫu có hàng chục người thừa tiền để ngồi ghế hạng thương gia, nhưng chẳng thương gia nào được đón bằng xe công tại cửa máy bay.

Trên cùng một chuyến bay, dẫu có hàng chục người là quan chức nhà nước có phẩm hàm, nhưng đủ phẩm hàm để được đón ở cửa máy bay bằng xe công thì thiên hạ chẳng nhiều.

Cái xe công đón cửa máy bay là miếng cỗ giữa làng, mà lại là miếng cỗ quan trọng, chỉ ở chiếu trên mới được hưởng. Nó quả là một sự cám dỗ lớn, thứ mà tiền bạc, thậm chí là quyền lực cũng không dễ dàng chạm tới. Vì thế, một người đàn bà vốn quen với những hào quang của quyền lực, thật khó cầm lòng khi cái miếng giữa làng ấy được cấp dưới của người nhà mang đến.

Chỉ có điều, họ quên rằng thời đại mình đang sống thực ra không phải thời phong kiến, và sân bay là không gian công cộng chứ không phải đất tập ấm nhà mình.

Sự ngộ nhận về quyền lực của con người ta trong những việc như này vốn dĩ không khó hiểu. Nhưng, điều khó hiểu ở đây là từ đâu ra cái việc những chiếc xe biển xanh trở thành một miếng giữa làng?

Sự nghiệp của Trịnh Xuân Thanh, nguyên phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang đã bắt đầu xuống dốc bởi bị phát hiện sử dụng biển xanh gắn trên xe tư. Dùng xe sang không đủ thỏa mãn cái sự oai. Bởi nếu dùng biển xanh, người ta có thể dễ dàng tránh được những điều phiền hà mà những đại gia đi xe sang biển trắng vẫn thường gặp phải. Ví dụ như bị cảnh sát giao thông chặn khi đi quá tốc độ, khi đậu xe trái quy định, thậm chí là đi qua cổng cơ quan công quyền mà không cần dừng lại xuất trình giấy tờ.

Cái biển số màu xanh cám dỗ như một tấm thẻ bài mà người mang nó có thể đứng ngoài, đứng trên pháp luật, dù cho không có bất cứ một quy định nào cho phép bất cứ ai đứng trên, hay đứng ngoài pháp luật. Vì thế, bà vợ hợm hĩnh của ông Bộ trưởng, hay vị quan chức ngông nghênh của tỉnh Hậu Giang rất đáng chê trách khi lạm dụng biển số màu xanh, nhưng đáng trách hơn là thái độ của một bộ phận không nhỏ những người thừa hành luật pháp đã mặc nhiên thừa nhận quyền đứng trên luật pháp của những người sử dụng biển xanh.

Cái biển số xe màu xanh vốn không có lỗi gì. Bởi màu sắc biển số chỉ đơn thuần là ký hiệu quy ước để quản lý phương tiện. Nó chỉ trở nên tai tiếng khi người ta sử dụng nó để nhân danh quyền lực nhà nước, để sử dụng quyền lực nhà nước như một thứ trang sức cá nhân. Vì thế, chấn chỉnh việc sử dụng xe biển xanh không chỉ là chấn chỉnh các quy định về quản lý, sử dụng phương tiện của nhà nước, mà quan trọng hơn là chấn chỉnh thói quen sử dụng, và lạm dụng quyền lực nhà nước.

Những người đại diện cơ quan quyền lực nhà nước, những người sử dụng xe biển xanh, có được phép đứng trên pháp luật, thông qua hình thức ưu tiên không bị áp dụng các quy định pháp luật (về giao thông đường bộ, về khả năng tiếp cận các không gian công cộng) hay không?

Những người thừa hành luật pháp như cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự có được phép bỏ qua vi phạm của những người sử dụng xe biển xanh hay không?

Những hành vi vi phạm luật của người điều khiển, sử dụng xe công khi bị phát hiện có được xử lý một cách nghiêm túc và công khai hay không?

Về lý thuyết, những câu hỏi này đều rất dễ trả lời vì không ai có đặc quyền đứng trên luật pháp. Nhưng trên thực tế, những chiếc xe biển xanh vẫn thường được bỏ qua khi vi phạm luật pháp, bởi sự e ngại của lực lượng thừa hành luật pháp đối với những nhân vật sử dụng xe biển xanh, bởi họ là đại diện của quyền lực nhà nước.

Nhưng, khi người ta có thể nhân danh quyền lực nhà nước để vi phạm những quy định của pháp luật thì điều tất yếu người ta có thể lạm dụng nó. Và, bất cứ điều gì có thể dễ dàng lạm dụng đều sẽ thành thói quen, thậm chí là gây nghiện.

Lý trí của con nghiện mong manh như thế nào thì chúng ta đều đã biết!

Tags:
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

// //