Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xe cơi nới thành thùng: Quản lý, giám sát và xử phạt sao cho hiệu quả, đủ sức răn đe…

Thái Sơn - 13/06/2022 | 16:05 (GTM + 7)

Tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng ngang nhiên chạy trên đường vẫn đang là vấn nạn nhức nhối tại nhiều địa phương. Ngoài việc phá hủy mặt đường, gây ô nhiễm môi trường, những ‘hung thần xa lộ’ này còn là nỗi khiếp đảm đối với người tham gia giao thông.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Bài liên quan

“Thực ra nhiều khi bằng mắt thường cũng thấy đấy là xe cơi nới, bởi có khi họ chỉ buộc tấm ván rồi căng bạt tạm bợ vào thùng xe thôi. Nhưng không hiểu sao những xe này vẫn chạy được ngoài đường mà không bị phạt”.

“Thấy mấy anh xe tải hay xe ben chở đất đá thì tốt nhất cứ tránh thật xa vì chẳng phải đầu cũng phải tai”.

“Theo tôi cần làm sao ngăn chặn chứ để thế này rất nguy hiểm cho người đi đường”

Vừa rồi là chia sẻ của một số người khi chứng kiến những chiếc xe tải, xe ben cơi nới thành thùng chở đất đá, vật liệu xây dựng ngang nhiên lưu thông trên nhiều tuyến đường.

Anh Nguyễn Đức Minh, người thường xuyên lưu thông trên tuyến Quốc lộ 5, đoạn khu công nghiệp Đại An, thành phố Hải Dương cho biết thêm: “Đoạn này đường đông mà rất hay gặp xe tải to chở vật liệu. Hôm nào trời mưa mà đi xe máy cạnh mấy anh xe tải này thấy rất ghê”.

Thực tế thời gian gần đây, không ít vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ những phương tiện cơi nới thành thùng, chở quá khổ, quá tải gây ra.

Bài liên quan

Mới đây nhất là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra hôm 4/6 trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Xe tải chở đất mang BKS 29H - 770.16 bị lật rồi đè lên ô tô con đi ngược chiều khiến 3 người trên ô tô con tử vong tại chỗ, 1 người bị thương.

Đáng nói, qua kiểm tra thực tế chiếc xe tải gây tai nạn tại hiện trường, tổ công tác Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định xe này đã vi phạm nghiêm trọng về quy định chở hàng vượt quá tải trọng cho phép. Cụ thể thùng xe được cơi nới thêm 28cm chiều dài và tới 1,13m chiều cao (gấp 2 lần so với kích thước được phép lưu hành)

 Hiện trường vụ xe tải chở đất bị lật rồi đè lên ô tô con đi ngược chiều khiến 3 người trên ô tô con tử vong tại chỗ, 1 người bị thương - Ảnh: Báo Hoà Bình

 Hiện trường vụ xe tải chở đất bị lật rồi đè lên ô tô con đi ngược chiều khiến 3 người trên ô tô con tử vong tại chỗ, 1 người bị thương - Ảnh: Báo Hoà Bình

Bài liên quan

Theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy, việc tự ý thay đổi kết cấu sẽ ảnh hưởng lớn tới vị trí trọng tâm xe, do đó khi phanh gấp hoặc vào cua ở những nơi có bán kính nhỏ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn giao thông: “Xe quá khổ tạo ra trọng tải rất lớn và nó ảnh hưởng đến tay lái, ảnh hưởng đến hệ thống phanh cho nên thường thường là mất lái do không điều khiển được bánh chủ động.

Nếu lên dốc, xuống dốc thì rất nguy hiểm, vì trọng tải lớn mà hệ thống phanh, hệ thống tay lái chỉ có giới hạn chịu lực. Hoạt động trên đường cũng rất khó làm chủ tốc độ nếu trọng tải lớn.

Trường hợp tai nạn ở Hòa Bình, rõ ràng là tay lái không thể làm chủ được nên dẫn đến lật xe đè lên xe khác. Đây là ví dụ rõ ràng về trường hợp xe trọng tải quá lớn xác xuất gây ra tai nạn rất cao”.

Thực ra, không phải đến khi xảy ra vụ tai nạn ở Hòa Bình, mà từ lâu tình trạng xe cơi nới, quá khổ, quá tải vẫn luôn là vấn nạn đáng báo động tại nhiều địa phương.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, lợi nhuận từ việc cơi nới thành thùng để chở quá tải khá cao, trong khi mất ít chi phí cải tạo, do đó nhiều chủ xe và tài xế biết là rõ vi phạm nhưng vẫn bất chấp pháp luật:  “Người ta phá luật để tìm ra lợi nhuận cao nhất. Nhất là các xí nghiệp vận tải tư nhân thường cố gắng nới thùng xe, chở quá tải càng nhiều càng tốt, trốn tránh các cơ quan chức năng, trốn tránh các trạm cân để lọt lưới càng nhiều càng tốt.

Vì vậy tác hại càng ngày càng rõ ràng. Trọng tải đường xá có tiêu chuẩn, nhưng khi những xe quá khổ quá tải này lưu thông thì gây tác hại phá đường rất lớn”.

Xe tải cơi nới thùng, quá khổ, dấu hiệu quá tải lao ra ven đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Hòa Bình rồi lật ngửa ngược chiều hướng Thanh Hóa - Hà Nội, ảnh chụp 5/6/2022. Ảnh: Báo Dân Việt

Xe tải cơi nới thùng, quá khổ, dấu hiệu quá tải lao ra ven đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Hòa Bình rồi lật ngửa ngược chiều hướng Thanh Hóa - Hà Nội, ảnh chụp 5/6/2022. Ảnh: Báo Dân Việt

Dù chế tài xử phạt đã đầy đủ, rõ ràng, nhưng đến nay việc kiểm soát và xử lý xe vi phạm quá tải của lực lượng chức năng vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, một phần nguyên nhân là do hoạt động giao thông đường bộ diễn ra trên phạm vi rộng, trong khi lượng phương tiện lưu thông suốt ngày đêm. Nếu chỉ dựa vào lực lượng thanh tra giao thông tuần tra, kiểm soát trên đường như cách làm truyền thống lâu nay thì sẽ chỉ giải quyết ở từng thời điểm chứ khó có thể xóa tận gốc vấn nạn này.

Ông Nguyễn Văn Quyền đề xuất: “Các cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường về mặt thể chế, tức là nên nghiên cứu thêm, có những quy định và đi cùng những quy định đó là những chế tài về trách nhiệm của các đơn vị hoán cải các thùng xe đó.

Thứ hai là những đầu mối hàng hóa xếp quá tải lên phương tiện cũng phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó cần tăng cường áp dụng chuyển đổi số để theo dõi một cách có hệ thống tình hình phương tiện hoạt động, vi phạm và đã bị xử lý như thế nào để chế định theo hướng các vi phạm nhiều lần sẽ bị tăng nặng mức xử phạt”.

Chia sẻ quan điểm trên, TS. Phan Lê Bình cho rằng, có thể nghiên cứu giải pháp rút giấy phép kinh doanh của những doanh nghiệp vi phạm nhiều lần. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng cần trang bị công nghệ mới để thuận lợi hơn trong việc xác định tải trọng xe.

“Công nghệ mới có thể thực hiện việc cân trong khi xe đang lưu thông, tức là không cần dừng xe lại mà vẫn có thể biết được chiếc xe đó có tải trọng bao nhiêu. Kỹ thuật này đã được phát triển và kiểm chứng ở nhiều nơi. Nếu chúng ta đưa vào áp dụng thì việc tài xế biết trước để né vị trí trạm cân cũng khó có thể xảy ra”, TS. Phan Lê Bình nói.

Còn nhìn nhận ở góc độ pháp lý, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty luật Minh Bạch nêu quan điểm: “Về mức xử phạt quan điểm của tôi là đã đủ sức răn đe rồi. Ví dụ quá khổ quá tải thì tổ chức có thể bị xử phạt tối đa lên tới 40 triệu, hay cơi nới thùng thì phạt từ 16-18 triệu, ngoài ra nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì đối mặt hạn tù tới 15 năm.

Tuy nhiên, ở đây vấn đề còn lại chính là con người, chính là những cán bộ có chức trách trong việc xử lý các phương tiện vi phạm. Chúng ta đang xử lý các phương tiện giao thông quá khổ, quá tải, cơi nới thùng đúng theo cách bắt cóc bỏ đĩa. Tức là chúng ta chỉ ra quân trấn áp những hành vi vi phạm trong 1 tháng, sau đấy là bỏ bẵng đi và các vi phạm lại diễn ra thường ngày, thường xuyên. Rõ ràng đây là vấn đề con người chứ không phải là vấn đề liên quan đến quy phạm pháp luật nữa”.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, để ngăn chặn tình trạng xe tải có kích thước thùng xe không đúng thiết kế lưu thông trên đường có thể nghiên cứu xử lý cả các cá nhân hay cơ sở thực hiện việc gia công cơi nới trái quy định.

Trước đó hôm 9/6, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ nghiên cứu phạt thật nặng xe quá tải: “Sắp tới chúng ta sẽ xử lý khắt khe với xe quá tải. Hiện nay trong các quy định và Nghị định 100 cho phép xe quá tải đến 50 – 60%, sắp tới Bộ GTVT sẽ kiến nghị giảm xuống còn 10%. Nếu xe nào quá tải trên 20% thì tịch thu xe luôn. Chúng ta không hình sự nhưng chúng ta hành chính. Hành chính bằng cách là nếu mà anh vượt 10% thì tôi phạt nặng, phạt rất là cao. Quá tải 20% là tịch thu luôn xe toàn bộ để đảm bảo răn đe, đảm bảo những công trình giao thông của chúng ta”. 

Thời gian qua, không ít quy định mới đã được ban hành, nhưng thực trạng xe quá khổ, quá tải, xe cơi nới thành thùng ngang nhiên lộng hành vẫn là vấn đề ‘nóng’ tại nhiều địa phương. Trong khi đó, người tham gia giao thông vẫn hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ tai nạn rình rập.

Ảnh minh họa: Báo Giao thông

Ảnh minh họa: Báo Giao thông

Góc nhìn của VOV Giao thông qua bài bình luận: “Bao giờ ra đường mới hết lo”

Hằng ngày, khi lưu thông trên Quốc 5, quốc lộ 1A hay đường Hồ Chí Minh… không khó để bắt gặp hàng loạt xe tải, xe ben, xe Howo có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở đầy đất, đá, xi măng, vật liệu xây dựng chạy bạt mạng, thậm chí rơi vãi vật liệu, đất đá xuống đường.

Còn người dân khi nhìn thấy những ‘hung thần xa lộ’ này thì luôn phải tìm cách tránh xa bởi lo sợ có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào.

Thực tế, sau mỗi vụ tai nạn chết người, có nguyên nhân trực tiếp từ những phương tiện quá khổ, quá tải gây ra, cơ quan chức năng thường mở các đợt ra quân xử lý vi phạm. Tuy nhiên, kết quả chỉ như ‘bắt cóc bỏ đĩa’, bởi tình trạng này tái diễn ngay khi vắng bóng lực lượng chức năng.

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2021/NĐ-CP, bổ sung một số điều của Nghị định 100, tăng nặng mức xử phạt với hành vi vi phạm tải trọng xe.

Trong khi đó, để ngăn chặn tình trạng phương tiện cơi nới thành thùng trái quy định, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam mới đây cũng yêu cầu các Sở Giao thông vận tải, các Cục Quản lý đường bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông sử dụng thiết bị ghi hình làm căn cứ ‘phạt nguội’.

Có thể nói, quy định pháp luật đã có, chế tài đã đủ, nhưng đến nay việc kiểm soát và xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế dẫn tới tình trạng xe chở quá khổ, quá tải vẫn là vấn đề nhức nhối trên nhiều tuyến đường.

Ngoài ra, dư luận cũng đặt câu hỏi, dù đã triển khai nhiều giải pháp như trang bị trạm cân lưu động, cân xách tay cho lực lượng chức năng, xử lý vi phạm tải trọng ngay từ đầu nguồn kho bãi, bến cảng nhưng vì sao xe quá tải vẫn có thể hoạt động công khai, làm hư hại đường xá và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Thực tế, để không còn tình trạng ‘bắt cóc bỏ đĩa’ hay ‘kiểm tra là ra vi phạm’, trước hết nên gắn trách nhiệm giải trình đối với từng đơn vị chức năng, bởi không loại trừ tình trạng một bộ phận những người ‘cầm cân nảy mực’ có hành vi cố tình làm ngơ cho xe quá tải.

Bên cạnh đó, duy trì các tổ tuần tra kiểm soát thường xuyên trên những tuyến đường, phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm.

Cùng với các giải pháp trên, cũng cần nghiên cứu xử lý cả các cá nhân hay cơ sở gia công thực hiện việc cơi nới, đề xuất chế tài theo hướng tịch thu phương tiện vi phạm vượt tải để tạo hiệu ứng răn đe, cảnh tỉnh những người coi thường sự an toàn, tính mạng của cộng đồng.

Có như vậy, người dân mới bớt cảnh nơm nớp lo sợ phải đối mặt với những ‘hung thần xa lộ’ khi lưu thông trên những con đường. 

Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //