Nông sản
Giá đậu tương mở cửa chìm trong sắc đỏ nhưng kết phiên đã hồi phục mạnh mẽ nhờ mức hỗ trợ kĩ thuật quan trọng quanh 1335 và số liệu lạc quan về mức giao hàng đậu tương Mỹ trong tuần kết thúc ngày 22/07, đạt 241,000 tấn và tăng mạnh 68% so với báo cáo trước đó.
Giá dầu đậu tương dẫn đầu mức tăng của thị trường nhờ đà tăng mạnh và liên tục của giá dầu cọ bên cạnh sự suy yếu của đồng ringgit Malaysia.
Thị trường cũng chứng kiến diễn biến đảo chiều của giá ngô khi bước vào gần cuối phiên. Mực nước ở sông Parana đang giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 77 năm. Điều này gây cản trở tới quá trình xuất khẩu ngũ cốc ở đây và hỗ trợ giá ngô.
Hãng tư vấn SovEcon vừa tăng dự báo xuất khẩu lúa mì trong tháng 7 của Nga lên mức 1.8 triệu tấn, từ mức 1.6 triệu tấn trong dự báo trước do mức thuế xuất khẩu đã được giảm xuống. Điều này tăng tính cạnh tranh cho lúa mì của Nga trên thị trường thế giới và tạo áp lực lên giá lúa mì Chicago trong phiên hôm qua.
Nguyên liệu công nghiệp
Giá Cà phê trên hai sàn hồi phục và tăng mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần. Giá Arabica tăng gần 10% lên 207 cents/pound, tương đương mức 4581 USD/tấn. Giá Robusta cũng tăng 3.4% lên 1964 USD/tấn. Sau phiên sụt giảm vào cuối tuần trước, dòng tiền ồ ạt quay trở lại thị trường Cà phê nhằm đầu cơ trước những lo ngại về một đợt sương giá mới sẽ tấn công vành đai Cà phê của Brazil vào thứ 5 và thứ 6 tuần này. Không chỉ những nông dân trồng Cà phê, giới đầu tư cũng hết sức lo ngại về tiềm năng của vụ mùa 2022, vốn đã gặp nhiều khó khăn do thiếu nước vì đợt hạn hán nghiêm trọng diễn ra trong nửa đầu năm 2021, nay càng có nguy cơ bị tổn hại nặng nề vì sương giá. Tâm lý lo ngại này cộng với yếu tố đầu cơ ngày một cao thúc đẩy giá cà phê bứt phá hẳn so với các mặt hàng khác của thị trường hàng hóa trong vòng chưa đầy hai tuần. Giá Arabica đã tăng hơn 60%, và giá Robusta tăng hơn 40% so với đầu năm.
Kim loại
Sắc xanh bao phủ toàn bộ các mặt hàng kim loại được niêm yết trên Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam. Giá Bạc tăng 0.34% lên 25.32 USD/tấn, giá Bạch kim cũng tăng 0.84% lên 1070 USD/tấn. Nhóm kim loại quý được hỗ trợ nhờ vào sự suy yếu của các loại tài sản an toàn khác như đồng USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế rất nhiều khi dòng tiền từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại đổ dồn về thị trường chứng khoán khiến cho chỉ số S&P500 lại lập đỉnh mới. Xu hướng đi ngang hiện đang dần được hình thành ở cả hai thị trường Bạc và Bạch kim.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng tiếp tục duy trì được đà tăng phiên thứ 5 liên tiếp với mức đóng cửa tăng 4.2% để quay trở lại cột mốc hơn 10000 USD/tấn. Trận lũ lụt nặng nề tại thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc mới đây đã làm trầm trọng thêm mối quan ngại về nguồn cung Đồng khi nhu cầu tiêu thụ trong thời gian sắp tới được dự báo sẽ tăng mạnh để khắc phục các hậu quả về cơ sở hạ tầng.
Giá Quặng sắt tăng nhẹ lên mức 199 USD/tấn trước những lạc quan của thị trường khi biên lợi nhuận sản xuất thép ở Trung Quốc phục hồi. Bên cạnh đó, dự báo cho thấy nguồn cung sẽ tiếp tục thiếu hụt và khối lượng Quặng sắt cập cảng Trung Quốc sẽ sụt giảm nhanh hơn mức tiêu thụ nội địa cũng là yếu tố củng cố cho đà tăng lần này.
Năng lượng
Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, các mặt hàng dầu thô đóng cửa trái chiều với giá WTI giảm 0.22% xuống 71.91 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 0.54% lên 74.5 USD/thùng.
Cả WTI và Brent đều chịu lực bán mạnh ngày hôm qua, khi số liệu cho thấy các quỹ đầu tư bán ra một lượng lớn các hợp đồng WTI (tương đương 74 triệu thùng), Brent (51 triệu thùng). Đây là tuần bán ra mạnh nhất kể từ tháng 7/2018. Tuy nhiên, lực mua “bắt đáy” và giá USD giảm đã giúp cho giá dầu phục hồi trở lại vào cuối phiên.
Dịch COVID-19 gia tăng tại Mỹ khiến giá WTI chịu tác động mạnh hơn giá Brent. New York và California đã yêu cầu nhân viên chính phủ phải tiêm vắc-xin COVID-19 khi số ca nhiễm mới gia tăng trong khi tỷ lệ tiêm chủng chậm lại trong những tuần gần đây.
Trong khi đó, giá khí tự nhiên tiếp tục tăng 0.99% lên 4.082 USD/MMBTu, kéo dài chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp. Theo các nhà phân tích, với nhiệt độ nóng kỷ lục tại Texas, nhu cầu xuất khẩu tăng cao tại Mexico, giá khí tự nhiên sẽ đạt mức kỷ lục trong mùa hè năm nay.