Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Nước sạch và dấu hỏi về sự minh bạch (Kỳ 3): “Lỗ hổng” trong quy trình xử lý sự cố Nước sạch và dấu hỏi về sự minh bạch (Kỳ 3): “Lỗ hổng” trong quy trình xử lý sự cố

Nước sạch và dấu hỏi về sự minh bạch (Kỳ 3): “Lỗ hổng” trong quy trình xử lý sự cố

Chu Đức - Hải Hà   •   10:10 25/11/2022

Trong 2 kỳ trước của loạt phóng sự “Nước sạch và dấu hỏi về sự minh bạch”, chúng tôi đã đề cập quy trình công bố thông tin về việc sản xuất, giám sát và kiểm tra chất lượng nước sạch tại Hà Nội. Vậy còn quy trình xử lý khi sự cố xảy ra?

Vì sao cả thành phố bị động, hàng triệu dân lao đao khi một nhà máy gặp trục trặc? Lỗ hổng nằm ở đâu?

Đầu tháng 11/2022, trên phố Đông Tác (Hà Nội) xảy ra một hiện tượng lạ. Cứ về đêm, một cột nước cao khoảng 20cm bắn lên từ một đường ống ngầm khiến mặt đường bị lún, lênh láng nước.

Lo ngại việc rò rỉ có thể ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt, người dân đã thông báo các cơ quan chức năng, nhưng suốt 2 tuần không nhận được hồi âm:

"Người dân ở đây đã gọi cho nhà máy nước, nhà máy nước xuống hỏi qua loa, không làm gì cả rồi đổ cho công ty nước thải nhưng có phải của họ đâu.

Gọi cho bên nước thải thì họ sang, bảo là đây không phải đường ống của bên người ta, mà là của công ty nước sạch. Chỉ biết báo thôi chứ các anh ấy đi mà chẳng sửa gì cả".

Một sự cố đường ống nước ngầm giữa đường thuộc phạm vi quản lý Xí nghiệp nước sạch Đống Đa (thuộc Cty nước sạch Hà Nội) nhưng 2 tuần liên, người dân không được giải đáp thông tin.

Một sự cố đường ống nước ngầm giữa đường thuộc phạm vi quản lý Xí nghiệp nước sạch Đống Đa (thuộc Cty nước sạch Hà Nội) nhưng 2 tuần liên, người dân không được giải đáp thông tin.

Phóng viên tìm đến Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa (thuộc Công ty nước sạch Hà Nội) để xác minh sự việc nhưng bị đại diện đơn vị này từ chối, vì lý do thiếu giấy giới thiệu, bất chấp Luật báo chí 2016 quy định phóng viên chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo.

Đến ngày 20/11, đơn vị này gửi cho VOV Giao thông văn bản đã khắc phục sự cố vỡ đường ống nước từ đêm 17/11, mà không trả lời các câu hỏi bức xúc của người dân về nguyên nhân, thiệt hại và trách nhiệm thuộc về ai!

Đề cập quy trình xử lý sự cố nước sạch, ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng cho biết, trước và sau sự cố, các đơn vị cần có báo cáo để Sở kiểm soát. Tuy nhiên, không phải 100% sự cố đều được công bố.

"Hiện nay, trong năm 2022, có mấy sự cố liên quan nước sạch sông Đà. Còn Công ty nước sạch Hà Nội thì những sự cố nhỏ, vỡ đường ống và khắc phục ngay thì không đưa vào báo cáo sự cố lớn. Vì hệ thống phân phối dịch vụ nếu vỡ đường ống do thi công, rò rỉ đường ống cũ cũng khắc phục rất nhanh, kịp thời từ các đơn vị", ông Du cho biết.

Không phải tất cả sự cố nước sạch đều được báo cáo và công bố. Theo chuyên gia Phạm Văn Sơn, đơn vị cấp nước có tâm lý sợ công khai, chưa coi sức khỏe người dân là ưu tiên hàng đầu.

Không phải tất cả sự cố nước sạch đều được báo cáo và công bố. Theo chuyên gia Phạm Văn Sơn, đơn vị cấp nước có tâm lý sợ công khai, chưa coi sức khỏe người dân là ưu tiên hàng đầu.

Sự thiếu minh bạch này dễ khiến nhiều người liên tưởng tới sự cố nước sạch vào năm 2019, ảnh hưởng tới 2 triệu dân Hà Nội.

Khi đó, người dân không hề được thông báo về sự cố và phải sử dụng nước sinh hoạt đục ngầu, bốc mùi khét suốt 1 tuần mới được cơ quan chức năng thông báo về sự cố 2,5 tấn dầu thải bị đổ trộm ở thượng nguồn, xâm nhập vào hệ thống của công ty nước sạch sông Đà (Viwasupco).

Nguyên nhân sâu xa của sự lúng túng này, theo GS.TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật môi trường, là do các đơn vị sản xuất và cấp nước còn thiếu công cụ để phát hiện rủi ro: "Nhà máy nước sông Đà bị đổ dầu tràn vì người ta không thực hiện cấp nước an toàn, giám sát nguồn nước, không có thiết bị tự động phát hiện nồng độ dầu cao trong nước, nên nó thâm nhập nhà máy, đi xuyên nhà máy vào hộ gia đình mấy ngày liền".

Theo GS Nguyễn Việt Anh, sự cố xảy ra mà nhà máy nước không thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn, nước ô nhiễm sẽ chảy xuyên hệ thống nhà máy đến hộ dân.

Theo GS Nguyễn Việt Anh, sự cố xảy ra mà nhà máy nước không thực hiện Kế hoạch cấp nước an toàn, nước ô nhiễm sẽ chảy xuyên hệ thống nhà máy đến hộ dân.

Theo tìm hiểu của phóng viên, 3 năm sau sự cố đó, đến nay, Viwasupco vẫn chưa được… phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn, dù đây là nội dung bắt buộc các nhà máy nước phải có theo quy định của Bộ Xây dựng.

Bên cạnh đó, Viwasupco cũng mới bắt đầu triển khai thi công đường ống truyền tải số 2 về Hà Nội. Vì vậy, nhà máy này chưa đảm bảo hệ số an toàn là 2 đơn nguyên, để khi 1 dây chuyền gặp sự cố, dây chuyền còn lại vẫn cấp nước liên tục. Đây là những tồn tại đáng kể với một nhà máy đang đảm nhận việc cấp nước cho 20% cư dân đô thị Hà Nội.

Một cán bộ kỹ thuật của công ty Viwasupco thừa nhận, công ty đang thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn theo tiêu chuẩn… nội bộ: "Kế hoạch cấp nước an toàn thì từng địa phương lập, thẩm định, phê duyệt. Tất cả sở, ban ngành các đơn vị trên địa bàn tuân thủ kế hoạch đó, nhưng về mặt liên vùng lại không có.

Nhà máy đặt tại Hòa Bình, cấp nước về Hà Nội. Ông Hòa Bình bảo ông có cấp nước cho tôi đâu mà phê duyệt, ông Hà Nội bảo ông có đặt nhà máy ở dưới này đâu. Nên chúng tôi phải tự lập nên, gửi các cơ quan, có nhiều công văn rồi, nhưng cái này liên quan tới pháp lý, không thể nhanh được"

Điều đáng nói là khi một nhà máy gặp sự cố, về nguyên tắc đơn vị phân phối phải ngừng nhập nước từ nguồn của nhà máy đó. Nhưng trong câu chuyện này thì khác, người dân không được biết trách nhiệm của đơn vị phân phối nước sạch đến đâu, vì sao nguồn nước có vấn đề mà vẫn được đơn vị phân phối nước sạch tiếp nhận và phân phối đến người dân?

Ông Phạm Văn Sơn- Giám đốc công ty ứng phó sự cố môi trường (SOS) cố gắng lý giải hiện tượng này: "Khi mà xảy ra sự cố đối với an toàn nguồn nước, đơn vị cấp nước thường có trạng thái lo lắng và sợ công bố thông tin công khai do lo ngại gây hoang mang cho người dân.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định cái gì quan trọng nhất? Nếu lấy sức khỏe người dân là quan trọng nhất, khi phát hiện sự cố, đơn vị quản lý cần thông báo cho cơ quan chức năng và thông báo công khai cho người dân trong vùng cấp nước về thực trạng ô nhiễm để người dân có cách phòng ngừa chủ động".

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian tới mọi số liệu nhà máy nước sẽ được truyền về Trung tâm quản lý kỹ thuật hạ tầng mà thành phố vừa thành lập để giám sát, điều tiết

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thời gian tới mọi số liệu nhà máy nước sẽ được truyền về Trung tâm quản lý kỹ thuật hạ tầng mà thành phố vừa thành lập để giám sát, điều tiết

Theo lời ông Lê Văn Du – Phó trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng, theo quy định hiện hành, Sở Tài nguyên Môi trường chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng nguồn nước đầu vào thông qua các trang thiết bị đặt ở các nguồn nước thô. Còn chất lượng nước đầu ra hoàn toàn do các nhà máy… tự chịu trách nhiệm.

"Thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội. Dự kiến, thời gian tới, tất cả thông số kỹ thuật nhà máy sẽ được truyền số liệu về Trung tâm để cơ quan quản lý nhà nước căn cứ vào đó thực hiện công tác quản lý chất lượng và công tác điều tiết. Khi xảy ra sự cố có sự điều phối nguồn nước từ các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn", ông Du nói.

hời gian tới là thời gian nào? Và tại sao bao năm qua các cơ quan quản lý lại thuần túy trông chờ vào tính tự giác của các doanh nghiệp đối với một mặt hàng có tác động trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng?

KTS Trần Huy Ánh khẳng định, sự thiếu minh bạch thông tin, dù là sự cố quy mô nhỏ hay lớn, nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng, tại nhà máy nước mặt hay nhà máy nước ngầm, hoặc đơn vị phân phối, bán lẻ cũng đều gây xói mòn niềm tin của người dân, khách hàng.

"Với một năng lực chỉ trong phạm vi ngành, bị phân tán như vậy, để đảm bảo chất lượng, an ninh nguồn nước, thì hiện tại là cả một khoảng trống mà cả xã hội đang không biết bấu vào đâu để quy trách nhiệm", KTS Trần Huy Ánh nói.

Đấu tranh đảm bảo sự minh bạch thông tin về nước sạch là bảo vệ quyền của người dân theo Luật Tiếp cận thông tin.

Đấu tranh đảm bảo sự minh bạch thông tin về nước sạch là bảo vệ quyền của người dân theo Luật Tiếp cận thông tin.

Toàn thành phố Hà Nội hiện có trên 20 nguồn cấp nước sạch tập trung, trong đó có đơn vị 100% vốn nhà nước, có cả doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, có nhà máy đặt tại Hà Nội và nhà máy không đặt tại Hà Nội.

Với một mạng lưới cấp nước và phân phối chằng chịt, việc minh bạch hóa thông tin liên quan tới nước sạch luôn là mối quan tâm hàng đầu của người dân đô thị. Đây cũng là quyền của người dân, được quy định tại Luật tiếp cận thông tin, nhưng đến nay chưa được đảm bảo ở lĩnh vực nước sạch, một trong những lĩnh vực thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân.

Đấu tranh để đảm bảo sự minh bạch thông tin về nước sạch cũng là mục tiêu của loạt phóng sự Hành trình phóng viên hướng tới. VOV Giao thông sẽ tiếp tục các đề tài liên quan tới nước sạch trong thời gian tới.