Nguồn nước ĐBSCL (Bài 1): Đang suy kiệt, thiên tai hay nhân tai?
Phóng viên - 10/03/2020 | 13:17 (GTM + 7)
Thời gian gần đây, rất nhiều người dân tại ĐBSCL đang bị đảo lộn cuộc sống vì tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt hàng ngày. Hạn hán và xâm nhập mặn hiện nay đã khiến kênh rạch và sông ngòi dần cạn kiệt hoặc bị nhiễm mặn, đe dọa
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Nước ngọt khan hiếm
ĐBSCL hiện có 12/13 tỉnh, thành bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Tính đến đầu tháng 3-2020, hạn, mặn đã làm khoảng 600.000 người dân thiếu nước sinh hoạt, 160.000 ha đất nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng.
Tại Bến Tre, hiện nguồn nước từ các kênh rạch, sông ngòi và các nhà máy cung cấp nước sạch hầu hết đã bị nhiễm mặn. Nước ngọt khan hiếm, nhiều nơi trong tỉnh Bến Tre, người dân phải chấp nhận mua nước giếng khoan với giá dao động từ 80.000 đồng - 100.000 đồng/m3 nước, thậm chí có nơi phải trả 200.000 đồng cho một mét khối nước.
Cụ thể, gia đình bà Tiền Ngọc Nga ở xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre Mặc dù, tại nhà có gần 10 dụng cụ trữ nước mưa nhưng đến thời điểm này đã phải đổi nước ngọt để dùng. 170.000 đồng là chi phí mà gia đình bà phải trả cho 2 mét khối nước lấy từ giếng khoan.
Mặc dù giá nước cao nhưng bà Nga và nhiều gia đình khác trong xã vẫn phải chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác: “Giá nước cao, bây giờ mình hổng đổi thì đâu có nước ngọt đâu xài. Bây giờ cao cỡ nào cũng phải đổi thôi”.
Hiện nay, nhiều gia đình nằm ở vùng sâu, vùng xa hay gần kênh rạch ở các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách của tỉnh Bến Tre đã cạn nguồn nước ngọt nên giải pháp duy nhất đối với họ là mua nước ngọt để dùng. Do phải qua nhiều khâu trung gian nên khi đến được với người dân thì giá nước đã tăng rất nhiều, có nơi lên tới 200.000 đồng/m3. Anh Huỳnh Văn Diệp, Xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre ngậm ngùi: "Vì mình cần thiết nên bao nhiêu cũng phải đổi thôi. Một tháng 4 tuần đổi nước, chi phí cũng khoảng 500.000 đồng”.
Anh Hồ Văn Bảy, ấp Tân Thuận, xã Tân Xuân huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết, trước đây chỉ làm nông và chạy xe công nông chở đồ thuê. Hơn tháng nay, thấy bà con thiếu nước sinh hoạt, anh Bảy bắt đầu làm thêm nghề đi đổi nước ngọt. Mỗi ngày anh Bảy bắt đầu chạy chuyến xe đầu tiên từ 2 giờ sáng nhưng vẫn không đáp ứng kịp những yêu cầu đổi nước của người dân: "Chạy suốt luôn chứ. Mỗi ngày trung bình mỗi xe chạy từ 8 - 10 chuyến, một ngày khoảng 20 người điện, giờ khoảng 30 người điện keo chở. Mần (làm) nhà, bò uống cũng chở."
Bên cạnh Bến Tre, tại Long An, nắng hạn kéo dài, kết hợp với hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng nhiều tháng nay đã làm người dân ở các huyện vùng hạ như Cần Đước, Cần Guộc, Tân Trụ… cũng lâm vào tình trạng lao đao vì thiếu nước sinh hoạt.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Ấp Tân Đông, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc cho biết, vài ngày nay, nhiều hộ gia đình phải cắt cử người canh chừng các xe nước đến khu vực này để mua. Hiện giá bán 1 m3 nước từ 120-130 ngàn đồng. “Khô quá trời hạn không có nước. Giờ có tiền cũng không đổi nước được, phải năn nỉ người ta. Mấy ông chủ xe không chịu đổi nước, và đổi phải giá cao thì người ta mới đổi. Nhờ địa phương chính quyền hỗ trợ cho người dân có nước xài”. - Bà Thủy chia sẻ
Thiếu nước tưới, nông dân đứng trước nguy cơ trắng tay
Đồng ruộng nứt nẻ, kênh rạch cạn trơ đáy từ hạn mặn khốc liệt dẫn đến nước ngọt khan hiếm. Vì vậy bên cạnh người dân ĐBSCL “khát” nước sinh hoạt thì nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất cũng chẳng khá hơn. Tại trà Vinh, có hàng nghìn hộ dân đang đứng trước nguy cơ trắng tay do lúa bị thiệt hại vì thiếu nước tưới.
Ở huyện Trà Cú, nông dân đang lao đao do nhiều diện tích lúa không thể cứu được, đành cắt cho bò ăn. Đơn cử như gia đình bà Phan Thị Lan ở xã Tân Hiệp, với ruộng lúa 1,7 ha, những năm trước năng suất luôn đạt từ 6 - 7 tấn/ha. Nhưng vụ Đông Xuân này, mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng khiến gia đình trở tay không kịp, hiện có nguy cơ mất trắng.
Bà Lan tiếc nuối: “Năm nay xuống giống 17 công mà bị hạn, mặn này tát cứu không được 10 công rồi, còn 7 công đang bơm nước lên cứu vớt coi được đỡ chút nào không”.
Thiếu nước ngọt, lúa héo rũ, vườn cây ăn trái của người dân miền Tây cũng đang dần liêu xiêu khiến bà con như ngồi trên đống lửa. Tại Bến Tre, toàn tỉnh hiện có trên 2.000ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành và Chợ Lách.
Hiện nay, hạn mặn khiến nhiều vườn sầu riêng ở các xã Phú Đức, Phú Túc và Tiên Long (huyện Châu Thành) bị ảnh hưởng do thiếu nước ngọt tưới dẫn đến rụng lá, rụng quả. Trong đó, ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long, huyện Châu Thành là nơi có diện tích sầu riêng bị ảnh hưởng nặng nhất. Bởi đây là địa phương nằm trên cồn, bao quanh bởi sông Hàm Luông.
Từ khi mặn xâm nhập, độ mặn lúc nào cũng trên 7 phần nghìn nên nơi đây thiếu nguồn nước ngọt trầm trọng để sinh hoạt, sản xuất. Chị Lê Thị Kim Thùy, một chủ vườn sầu riêng nơi đây chia sẻ: “Giữ cây cho sống là quý rồi. Rụng đỏ đất hết trơn vậy đó. Có nước tưới như năm rồi là trái bự bự rồi đó”.
Theo chị Huỳnh Thị Đặng, Ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, vì nguồn nước tưới tiêu bị nhiễm mặn nên vườn sầu riêng nhà chị đang bị rụng lá nghiêm trọng. Chị Đặng cũng bày tỏ lo lắng: “Nhiễm mặn từ hôm đó đến nay chừng nửa tháng rồi. Tưới cây không đủ nước tưới, ứ (trữ) nước tưới không đủ, cây không đủ sức tưới nhín nhín không đủ sức, có chút đỉnh mặn nên cũng bị rụng lá trụi lủi”.
Sầu riêng là loại cây rất mẫn cảm với nước mặn, chỉ chịu được độ mặn dưới 0.5 phần nghìn. Trong khi đó, mọi nguồn nước ở huyện Châu Thành hiện nay đều bị nhiễm mặn trên 2 phần nghìn, có nơi thậm chí trên 10 phần nghìn. Nếu tình trạng này kéo dài thì thiệt hại kinh tế sẽ rất nhiều. Ông Đặng Từ Thức - Cán bộ nông nghiệp xã Tiên Long, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre chia sẻ: “Nếu mà về lâu dài sẽ thiệt hại có thể không cứu sống cây được, nếu nước mặn kéo dài thêm 2 tháng nữa thiệt hại rất lớn, có thể 50% diện tích”.
Nguồn nước suy kiệt
Tại Tiền Giang, vườn cây ăn quả, hoa kiểng, cây giống cũng đang bị hạn, mặn bủa vây. Hiện rất nhiều nhà vườn thuê ghe gỗ, sà lan, hay các phương tiện khác để chở nước về phun, tưới, giảm thiệt hại. Ông Đặng Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết, sà lan chở nước ngọt đến “cứu nguy" cho vườn cây sầu riêng rất hiệu quả nhưng không đủ phương tiện. Những vườn cây không tiếp cận được nguồn nước này đang bị khô héo và chết trắng:
“Hiện nay, đối với địa bàn xã Tam Bình chỉ có 4 chiếc sà lan từ 70-150 mét khối/ chiếc nên không đủ đáp ứng cho người dân bơm nước. Những mảnh vườn cặp sông lớn sà lan vô được thì bơm nước nước được còn khu phía sâu bên trong thì người dân chở bằng can, túi ni lông tưới nhỏ giọt cho cây nhỏ”.
Được mệnh danh là vùng sông nước mênh mông bao đời nay vậy mà thời điểm này, người dân ĐBSCL vẫn đang phải từng ngày, từng giờ “vật lộn” với tình trạng thiếu ngọt trên diện rộng, từ nước dùng cho sản xuất, đến nước uống, nước sinh hoạt hàng ngày. Có thể thấy, nguồn nước hiện nay đang bị suy kiệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hạn mặn năm nay đã được các chuyên gia cảnh báo từ tháng 7 năm trước, khi nước sông Mekong hạ thấp kỷ lục trong hơn nửa thế kỷ, ngay đầu mùa nước.
Vậy nguyên nhân là do đâu? Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL phân tích:
“Nguyên nhân chính là do từ đầu năm đến tháng 9-2019, có hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực Mekong, tức là ở tất cả các nước thuộc sông Mekong, lượng mưa thấp nên mực nước sông Mekong hạ thấp kỷ lục ngay trong mùa lũ.
Về ảnh hưởng của thủy điện Mekong, thủy điện khác với thủy nông ở chỗ thủy điện không làm mất lượng nước mà chỉ tích rồi xả để phát điện.
Do đó, bản thân thủy điện không tự gây ra thiếu nước, nhưng khi gặp tình huống mưa ít thì việc tích xả của chuỗi đập thủy điện sẽ làm chậm đường đi của nước, làm tình hình gay gắt càng gay gắt hơn.
Ngoài ra, chuyện hạn mặn của ĐBSCL bây giờ gay gắt hơn ngày xưa cũng một phần vì hệ thống tự nhiên của đồng bằng đã bị thay đổi. Các ô đê bao khép kín khắp nơi chiếm không gian hấp thu lũ, nước lũ ít vào được ruộng, vườn nên tăng ngập các thành phố và chảy tuột ra biển trong mùa nước. Đến mùa khô khi dòng Mekong yếu thì bản thân ĐBSCL đã không còn nhiều nước, nên mặn lấn sâu hơn”.
Có thể thấy, hạn mặn khốc liệt tại ĐBSCL dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt năm nay, bên cạnh do thiên tai thì cũng có một phần từ nhân tai. Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chính con người đã góp phần làm trầm trọng hơn tình trạng hạn mặn, mà nguyên nhân chính từ sự can thiệp, tác động quá mức vào môi trường thiên nhiên đã dần khiến nó trở nên thiếu cân bằng.
Vậy cần làm gì để ứng phó trước thách thức an ninh nguồn nước tại ĐBSCL? Mời xem tiếp Bài 2: Chủ động để không phụ thuộc
Sau 2 tuần triển khai, Nghị định số 168 quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (TT ATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã có tác động như thế nào đến thói quen, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông?
Sắp đến Tết Nguyên Đán Ất Tỵ, không khí nhộn nhịp thường thấy của những ngày cận Tết dường như vắng bóng tại làng mai Bình Lợi (huyện Bình Chánh) và làng mai Thủ Đức (TP.HCM).
Lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2025, thủ đô Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu và giải pháp được triển khai đồng bộ nhằm kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông cả về số vụ, số người tử vong và bị thương. Đồng thời, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và xây dựng văn hóa giao thông.
Nghị định số 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Bộ hành đến con phố Hàng Rươi không sẽ bị thu hút bởi sắc màu rực rỡ của những bông hoa từ cửa hàng hai bên đường. Nếu không tinh mắt, sẽ khó lòng nhận ra được đây là hoa lụa.
Sáng ngày 17/01/2025, UBND Quận 5 phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã tổ chức Lễ khánh thành công trình xây dựng đoạn kênh Hàng Bàng trên địa bàn Quận 5.