Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Xe lôi miền Tây, một thời để nhớ

Mỹ Phụng: Thứ ba 29/11/2022, 20:24 (GMT+7)

Xe lôi từng thay thế cho ghe xuồng khi giao thông đường bộ ngày càng phổ biến hơn. Ngày nay, dù đã được xếp gọn vào trong quá khứ để nhường chỗ cho các phương tiện chuyên chở hiện đại hơn nhưng xe lôi vẫn trở thành một nét văn hóa xa xưa đậm đà, đáng nhớ của người miền Tây.

 

Thật khó nói chính xác xe lôi xuất hiện ở miền Tây Nam bộ từ khi nào. Chỉ biết xe lôi đã từng là đặc sản riêng của vùng đất chín rồng này. Có nhiều ý kiến cho rằng, xe lôi ngày nay có nguồn gốc từ chiếc xe kéo của thời Pháp thuộc.

Cơ cấu chiếc xe gồm: thùng xe có mui che và băng ngồi phía sau, đặt trên hai bánh xe lớn và cặp gọng gỗ dài nhô ra phía trước, người phu xe còng lưng kéo xe.

Ban đầu, loại xe kéo này chỉ phục vụ cho các quan Tây hoặc giới quan lại vương giả người Việt; dần dần xe kéo được xã hội hoá, nên đã trở thành phương tiện vận chuyển công cộng phục vụ rộng rãi cho mọi tầng lớp trong xã hội.

Theo dòng thời gian, chiếc xe kéo đã được cải biên, từ những chiếc xe lôi bộ vốn đã lùi vào quá khứ, phát triển thành xe lôi đạp, rồi cải tiến lên xe lôi máy. Cách đây khoảng 30 năm, xe lôi máy vẫn còn là phương tiện lưu thông hữu ích của người dân đồng bằng sông Cửu Long.

Đó là phương tiện thông dụng từ thành thị đến nông thôn, từ người giàu đến người nghèo, từ già đến trẻ ai ai cũng thích nghi và dễ dàng đi được với loại hình giao thông rất dân dã này.

Những chiếc xe lôi đã trở thành một phần ký ức của người miền Tây.

Những chiếc xe lôi đã trở thành một phần ký ức của người miền Tây.

Thế nhưng, từ ngày 01/1/2008, trước những quy định mới của Chính phủ để đảm bảo an toàn giao thông, xe lôi máy cũng chính thức đi vào dĩ vãng. Dù vậy, đối với những người con miền Tây đã từng được ngồi lên chiếc xe lôi máy năm nào, hình ảnh mộc mạc cùng tiếng máy nổ ì đùng chát tai vẫn in đậm ký ức như mới hôm qua.

Hồi tưởng lại thời gian từng đi đi về về bằng chiếc xe lôi, chú Trần Văn Trinh, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ vẫn nhớ rất rõ hình dáng thân quen của người bạn đường bao năm gắn bó trong những ngày đi làm hay đi công tác:  "Xe loại xe honda ôm 67 ngày xưa có thùng. Có 2 loại thùng có thùng chở 4,5 người hoặc 5, 6 người. Có thùng chở 2 người. Rồi có thêm cái bu lón nữa. Đi thì nó trống lỏng hai bên rồi chú nhìn xung quanh cảm giác cũng mát mẻ lắm. Cái bu lón trời mưa thì nó xụp xuống, trời nắng nó xụp lên. Hồi đó xe lớn nó ít lắm. Mà mình đi xe ôm thì nó mắc tiền, xe lôi thì nó gọn nhẹ lại đỡ tốn tiền hơn".    

Trên các ngả đường của miền Tây Nam Bộ, từ những đại lộ đến những con hẻm nhỏ, thường xuyên có những chiếc xe lôi xuôi ngược, như những con thoi đu đưa trên đường phố. Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc, gắn bó với đời sống văn hoá, sinh hoạt của người dân ở đây.

Đa phần người chạy xe lôi máy là lao động nghèo. Chiếc xe lôi đối với họ là cả một gia tài, là phương tiện kiếm cơm nuôi cả gia đình. Ngoài việc chở người, xe lôi máy còn là phương tiện chở tất tần tật bất cứ những vật dụng gì có thể như tivi, tủ lạnh, tủ quần áo… đến các mặt hàng nông thủy sản.

Thậm chí, nó còn là phương tiện cứu thương “bất đắc dĩ” chở người bệnh, người bị tai nạn giao thông đến bệnh viện cấp cứu vô cùng nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, do là phương tiện thô sơ nên có những lần hành khách cũng gặp những chuyện dở khóc dở cười trên đường đi.

Chú Dương Văn Nghiệp, 65 tuổi, quê ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, Tỉnh Hậu Giang kể lại kỉ niệm về chuyến đi “thót tim” mà chú từng trải qua và cũng là ký ức khó quên của của chú về chiếc xe lôi năm nào:

"Đợt đó chú đi từ Vị Thủy lên thị xã đi được nửa đường mà không biết xe lôi nó chạy sao, chở cũng 3,4 người rồi nó lật ngang cái khách ngồi cặp bên đè lên mình chú. Thằng xe lôi nó tắt máy chạy lại đỡ chú lên, rồi lên tới nơi chú trả tiền nó không lấy, chú nói không sao đâu chú không bị sao cả. Tại xe sụp ổ gà nó lật ngang chứ không có gì, chú cũng bị nhẹ à nên huề đi. Chú trả tiền đàng hoàng chứ chú không lợi dụng mà không trả liền cho người ta. Tội nghiệp người ta chạy xe cũng về nuôi vợ nuôi con mà. Ừ nhớ cái kỉ niệm xe lôi nó lật cái rồi bao gạo nó đè lên mình chú mà chú nhớ tới giờ luôn".

67897028_2349930598389196_5050464043505025024_n

Cũng như chú Nghiệp, chị Võ Thị Mỹ Diễm, ngụ phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ cũng có ký ức khó quên về chiếc xe lôi mà đối với chị ngày hôm ấy như một “cứu tinh” đã đưa chị về nhà an toàn.

Chị kể, hôm đó chị đi mua bán vịt, khi về chị đi bằng đò. Nhưng do đường qua nhà chị không có bến đò nên ông chủ đò không ghé nhà cho chị lên mà chạy thẳng về bến lớn. Hồi đó chị tầm khoảng 15, 16 tuổi lại nhác gan nên đi đường trời tối rất sợ. Vậy mà trên đường về lại gặp chuyện khá oái oăm khiến chị mỗi lần nhớ lại vẫn hoảng hồn:

"Nghĩ tức ông đó, đi ngang nhà không ghé cho người ta mà chạy ghe thẳng tới nhà ổng mới bỏ xuống. Nhà ông sợ không có xe để về nhà. Nhà ông ở bờ sông đi qua cái cầu, qua cầu, trời tối thui không đèn đuốc gì hết mà gặp ông nào đó, trong khi đang sợ ma, sợ tùm lum mà cái nghe ông rượt theo sau lưng cái hoảng hồn chạy. Chạy tới cái dốc cầu thấy đèn sáng. Nhớ ông đó ổng rượt theo rồi nghe tiếng ổng lọt xuống bờ lề một cái hự, ổng rớt bờ sông hay gì hổng biết nữa. Đi qua lộ cái gặp cái xe lôi thùng này nè, gặp anh đó anh cho quá giang về tới nhà mà trả tiền anh không lấy, nhớ kỳ đó đó", chị Diễm nhớ lại.

Bên cạnh xe lôi còn xuất hiện nhiều loại phương tiện vận chuyển công cộng khác như: xe buýt, taxi, Daihatsu, Honda "ôm", xe đạp "ôm"... nhưng vẫn còn số đông hành khách thích đi xe lôi. Sự tiện ích của xe lôi là có thể chở khách đến tận cùng ngõ hẻm, kể cả hành lý, giá cước, lại vừa túi tiền với mọi người nhất là dân lao động mua gánh bán bưng.

Xe lôi thời đó có thể chở học sinh tới trường, chở các chị, các cô ra chợ,  chở những thùng trái cây tươi rói, và nhiều xe chuyên chở cuộc sống của cả một gia đình. Khi xe lôi không còn lưu thông trên đường phố nữa thì trở thành phương tiện chở ký ức của những người con miền Tây khi muốn hoài niệm về quá khứ.

Nhắc về xe lôi, chị Võ Thị Mỹ Diễm cũng nhớ mãi những tháng ngày tuổi thơ tươi đẹp đã qua: "Giờ nhắc lại cũng có đi đám đình tháng tư nè, ra đám đình Thuận Hưng bây giờ ở gần nè. Trời ơi đám đình tháng tư vui lắm luôn. Xe lôi của mấy ổng héng, có mấy anh ở gần ảnh cũng chạy heng có có nít, người lớn đồ ảnh chở một xe đầy luôn đi coi đám đình, hát bội hồi xưa nhớ ì xèo vui dữ lắm. Xe lôi đạp, xe lôi thùng đồ heng, hồi xưa chưa làm lộ còn đường đất, bụi mà trời mưa cái là xách dép, xoăn quần đi coi cô Lệ Thủy hát vui lắm luôn".

Hiện nay xe lôi máy đã bị cấm hẳn, xe lôi đạp vẫn còn tồn tại ở một số nơi, đặc biệt là Châu Đốc (An Giang) bởi nơi đây vẫn còn là một phố thị bình dân. Riêng lễ hội Vía Bà mỗi năm đã kéo du khách từ khắp nơi đổ về, khi đó xe lôi đạp là phương tiện di chuyển hợp lý nhất những lúc muốn xuôi ngược phố phường.

"Đội quân" xe lôi làm cho Châu Đốc bớt ồn ào tiếng động cơ, cũng làm cho phố có một cái vẻ thanh bình mà dân thành thị xô bồ vốn ao ước. Một cuốc xe lôi thong dong ngắm nhìn đường phố lúc hoàng hôn để cảm nhận chiều buông thật chậm, một ngày trôi đi nhẹ nhàng, bình yên.

“Miền Tây, miền Tây, ơi miền Tây chân chất

Xe lôi chòng chành mà thẳng tắp niềm vui...”

Mỹ Phụng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.