Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Vi phạm khai thác tài nguyên nước, làm sao quản lý?

Hải Hà: Thứ năm 10/11/2022, 11:04 (GMT+7)

Tình trạng cá nhân, doanh nghiệp khai thác nước ngầm khi chưa được cấp phép hoặc khai thác không đúng như giấy phép được cấp diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Điều này gây ra nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm, suy kiệt tài nguyên nước. Vậy làm thế nào để ngăn chặn các vi phạm về khai thác nước ngầm?

Một trạm cấp nước của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Công an nhân dân

Một trạm cấp nước của Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Công an nhân dân

Cuối tháng 1 năm nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đã bị Thanh tra tỉnh này xử phạt và thu hồi gần 2 tỷ đồng do khai thác tài nguyên nước vượt lưu lượng, 9 trạm giấy phép hết hạn và 1 trạm không giấy phép.

Đây chỉ là 1 trong số hàng trăm trường hợp các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm về khai thác nước ngầm trên cả nước.

Tháng 8 vừa qua, Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài Nguyên và môi trường đã thành lập Đoàn kiểm tra đi kiểm tra đột xuất việc thực hiện quy định của giấy phép tài nguyên nước đối với đơn vị chủ quản của 21 công trình khai thác, sử dụng nước có tồn tại, dấu hiệu vi phạm trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Hà Nội, Lâm Đồng, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Lào Cai, Sơn La, Hưng Yên, Đăk Lăk.

Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước

Ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước

Đánh giá về tình hình vi phạm về khai thác nước ngầm, ông Ngô Mạnh Hà, Phó Cục trưởng Cục Tài nguyên nước cho biết: "Trong thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn thanh kiểm tra trên cả nước và đã phát hiện nhiều dấu hiệu vi phạm và chúng tôi đã xử phạt về mặt khai thác không đúng lưu lượng, khai thác không đúng giấy phép.

Một số công trình vượt lưu lượng so với giấy phép được cấp. Những trường hợp này chúng tôi xử phạt theo quy định đồng thời tính truy thu đối với công trình này. Trường hợp số lượng bất hợp pháp lớn chúng tôi chuyển cơ quan cảnh sát điều tra".

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến, Nguyên Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, hiện nay chưa có số liệu thống kê chính thức về tình trạng khai thác nước ngầm không phép nhưng vẫn có một bộ phận người dân ở các địa phương khai thác nước ngầm không phép phục vụ cho sinh hoạt và các hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản ở nhiều địa phương. Điều này có thể gây ra tình trạng ô nhiễm nước ngầm:

"Nếu khai thác không đúng quy định và không có giấy phép, liên quan đến việc khoan, thăm dò sử dụng nước ngầm mà không đúng trình tự về kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan. Nếu xử lý không tốt đúng hố khoan và xử lý không đúng theo các tiêu chuẩn về kỹ thuật có thể gây ô nhiễm nguồn nước trực tiếp, làm cho trữ lượng nước bị suy kiệt", PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến nói. 

Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, thống kê từ năm 2014 đến năm 2020, số lượng giếng khoan tăng thêm 1.600 giếng, cao gấp gần 4 lần so với trước đây và có đến trên 40% giếng bị nhiễm mặn. Lượng nước khai thác lên tới 22 nghìn m3/ngày, cao hơn 6 nghìn m3 được sử dụng theo khuyến cáo.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, trữ lượng nước ngầm của một số huyện Xuân Lộc, Tân Phú sụt giảm nghiêm trọng gây khó khăn trong công tác khai thác và cung cấp nước cho người dân.

Người dân đảo Lý Sơn đào giếng lấy nước ngọt tưới hoa màu. Ảnh: Đại đoàn kết

Người dân đảo Lý Sơn đào giếng lấy nước ngọt tưới hoa màu. Ảnh: Đại đoàn kết

Từ nhiều năm nay, các cơ quan quản lý Nhà nước và các chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng khai thác nước ngầm rất đáng báo động ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều tổ chức, cá nhân khai thác vượt quá trữ lượng cho phép hoặc khai thác không phép phục vụ sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Điều này, làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia sinh thái nghiên cứu độc lập về đồng bằng sông Cửu Long phân tích: "Khai thác nước ngầm gây ra nhiễm mặn cho tầng nước ngầm, cứ lấy 1 m3 nước ngầm lên là sẽ có 13 m3 nước ngọt dự trữ bị mất do xâm nhập mặn tự nhiên bị hòa lẫn với nước ngầm, nước lợ".

PGS.TS Hồ Long Phi, Nguyên Giám đốc Trung tâm Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM phân tích, hệ thống nước ngầm như một đệm nước, đỡ đồng bằng phía trên. Khi khai thác nước ngầm quá mức, áp lực đỡ của tầng đó giảm xuống gây ra sụt lún. Mặt khác, dù nước biển dâng không cao, nhưng mực nước dưới đất ở nhiều địa phương ngày càng suy giảm giảm nên xảy ra tình trạng sụt lún trên diện rộng, nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. “Tác động kép” gây ra nhiều hệ lụy:

"Hiện tượng lún và nước biển dâng cộng dồn với nhau, thứ nhất là nước mặn càng lúc càng lấn sâu hơn. Dự báo năm 2050 toàn bộ TP.HCM bị bao phủ bởi nước mặn nên các trạm lấy nước phải rời xa hơn. Ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như vậy, tình trạng xâm nhập mặn mỗi lúc một sâu, trước nằm ở khu vực Sóc Trăng giờ đã lên tới Vĩnh Long, dẫn đến nước sinh hoạt không đủ và buộc phải chuyển từ vùng xa tới. Thứ hai, hệ sinh thái trước đây nước ngọt dần chuyển sang nước mặn", PGS.TS Hồ Long Phi cho biết.

Một số chuyên gia cho biết, tình trạng sụt lún và xâm nhập mặn do khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát đe dọa đến diện tích trũng của đồng bằng, gây ra thiệt hại về cơ sở hạ tầng, mất đất và làm gia tăng lũ lụt. Bên cạnh đó, tình trạng này còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và người dân buộc phải chuyển đổi hoạt động sinh kế cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp, tổ chức khai thác tài nguyên nước không đúng giấy phép hoặc khai thác quá lưu lượng quy định sẽ bị phạt hành chính theo Nghị định 36/2020/NĐ-CP hoặc xử lý hình sự .

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc công ty Luật Phạm Danh dẫn chứng: "Hành vi khai thác tài nguyên nước không đúng giấy phép hoặc khai thác quá lưu lượng quy định sẽ bị phạt tiền với số tiền tối đa lên đến 250triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức,. Ngoài phạt tiền thì doanh nghiệp, tổ chức vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng; và biện pháp khắc phục hậu quả".

Đại diện Cục Tài nguyên nước cho biết, đơn vị này đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, chỉ đạo các Sở ban ngành giám sát chặt chẽ  đối tượng khai thác sử dụng nước trên địa bàn. Những đối tượng nào không có phép, khai thác sai phép cần phải nghiêm túc xử phạt và yêu cầu họ khẩn trương khắc phục.

Tình trạng sụt lún và xâm nhập mặn do khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát đe dọa đến diện tích trũng của đồng bằng, gây ra thiệt hại về cơ sở hạ tầng, mất đất và làm gia tăng lũ lụt. Ảnh: Lao động

Tình trạng sụt lún và xâm nhập mặn do khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát đe dọa đến diện tích trũng của đồng bằng, gây ra thiệt hại về cơ sở hạ tầng, mất đất và làm gia tăng lũ lụt. Ảnh: Lao động

Khai thác thiếu kiểm soát nước ngầm làm gia tăng nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, gây sụt lún và đe dọa đến sự phát triển bền vững của các đô thị. Bởi vậy, kiểm soát và hạn chế các tình trạng vi phạm trong khai thác nước ngầm thông qua hoạt động giám sát quá trình thực thi của doanh nghiệp sau cấp phép là điều cần thiết.

Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: Đẩy mạnh hậu kiểm doanh nghiệp khai thác nước ngầm

Hiện mức độ khai thác tài nguyên nước trung bình đạt 16,24% trên toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay việc khai thác tài nguyên nước thiếu kiểm soát, tập trung tại một số khu vực và tầng chứa nước dẫn đến tình trạng cạn kiệt và sụt lún nền đất, xâm nhập mặn.

Theo một nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội), mỗi năm Hà Nội bị sụt lún vài cm, trong đó khu vực Thành Công sụt lún 4,14cm, Ngô Sĩ Liên 3,15 cm và Pháp Vân 2,2 cm/năm.

Còn tại Tp.HCM trung bình mỗi năm nền đất sụt lún 2cm, gấp 2 lần tốc độ mực nước biển dâng, có những khu vực lên tới 6cm. Có những khu vực trong vòng 12 năm (từ năm 2005 đến 2017) sụt lún đến 23cm, thậm chí tại phường An Lạc (quận Bình Tân) lún đến 81cm. Còn tại đồng bằng sông Cửu Long, trung bình mỗi năm sụt lún 1cm/năm, có những nơi 5,7 cm/năm.

Lượng nước bị nhiễm mặn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chiếm 31,55% tổng lượng nước của cả vùng trong khi tỷ lệ này ở đồng bằng Nam Bộ lên tới 50%

Tình trạng  khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát tại nhiều khu vực đã khiến cho nhiều địa phương đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh kế của người dân. Vậy làm thế nào để quản lý tình trạng vi phạm trong khai thác nước ngầm?

Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương về môi trường sớm xây dựng, hoàn thiện các văn hản hiện hành và ban hành những quy định khung, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác nước ngầm.

Trong đó khắc phục bất cập về quy định  khai thác nước ngầm để tránh tình trạng các doanh nghiệp “lách” luật. Hiện nay, các địa phương cấp phép khai thác công suất dưới 3.000m3/ngày đêm, còn trên 3.000m3/ngày đêm do Bộ Tài Nguyên và môi trường cấp phép. Tuy nhiên hiện nay, sự phối hợp giữa Bộ và địa phương vẫn còn thiếu chặt chẽ nên bị doanh nghiệp lợi dung.

Mặc dù, Nghị định 36 của Chính phủ năm 2020 cũng đã quy định cụ thể về các chế tài xử lý vi phạm đối với những trường hợp khai thác sai quy định hoặc không phép. Tuy nhiên, lợi nhuận mang lại từ việc khai thác nước lớn hơn nhiều so với mức phạt nên vẫn còn nhiều tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Bởi vậy, sử dụng công cụ kinh tế, đánh trực tiếp vào lợi ích của các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm mới có đủ sức răn đe, ngăn chặn.

Thứ hai các cơ quan quản lý môi trường các địa phương cần tiến hành khảo sát, điều tra trữ lượng tài nguyên nước ngầm, lập quy hoạch và những giới hạn về trữ lượng khai thác cho từng khu vực. Trong đó có tính tới các khu vực bổ cập nước ngầm, trữ nước tạm thời. Việc cấp phép cho các tổ chức, cá nhân đăng ký khai thác tài nguyên nước ngầm cần thực hiện đúng theo quy hoạch của địa phương.

Hoạt động giám sát, kiểm tra, kiểm soát quá trình khai thác nước ngầm của các tổ chức, cá nhân cần được thực hiện thường xuyên. Những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần kịp thời xử phạt, tạm dừng khai thác nếu gây ô nhiễm đến nguồn nước ngầm.

Thứ ba, đổi mới và chuyển đổi số công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác nước ngầm. Với tình trạng hạn chế cả về số lượng và chất lượng nhân lực quản lý về môi trường, việc yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp khai thác nước ngầm phải lắp đặt các thiết bị quan trắc giám sát và truyền dữ liệu theo thời gian thực về các cơ quan quản lý môi trường của địa phương và Bộ sẽ giúp phát hiện sai phạm nhanh chóng và có biện pháp xử lý kịp thời.

Đồng thời, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên nước khỏi ô nhiễm và suy kiệt,

Hiện, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang xây dựng và hoàn thiện Luật Tài Nguyên nước và một số Nghị định liên quan với nhiều điểm mới giúp cho công tác quản lý Nhà nước về môi trường tốt hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là quá trình thực thi của các địa phương cần được thực hiện nghiêm túc, trong đó chú trọng công tác hậu kiểm sau khi cấp phép. Đảm bảo an ninh nguồn nước là yếu tố sống còn của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, điều này cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ an ninh nguồn nước.

Hải Hà/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Hà Nội và những 'dòng sông chết'

Hà Nội và những "dòng sông chết"

Nếu tính trên toàn bộ địa bàn Hà Nội, hiện chúng ta đang "sở hữu" 7 dòng sông lớn nhỏ khác nhau. Trong đó chảy qua địa bàn nội thành có các sông như sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, Kim Ngưu... Thế nhưng điều đáng nói, trong 4 con sông vừa kể tên, 3 trong số chúng đã... chết, đúng theo nghĩa đen

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Nút giao Chùa Bộc - Thái Hà: Gạch đá ngổn ngang, giao thông ùn tắc

Hiện dự án đầu tư hoàn thiện nút giao thông Chùa Bộc – Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn đang trong quá trình thi công. Thực tế tình hình giao thông tại đây như thế nào? VOV Giao thông đã có dịp trò chuyện với những người tham gia giao thông thường xuyên di chuyển qua khu vực này.

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Đừng để BHYT là bánh... vẽ

Tính đến cuối năm 2023, đã có hơn 90% người dân trên cả nước tham gia Bảo hiểm Y tế (BHYT). Khi nâng mức đóng BHYT của hơn 93 triệu người thì không chỉ cần tăng mức hưởng mà còn cần tăng cả khả năng tiếp cận dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được BHYT chi trả.

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Giá hàng hóa nguyên liệu thế giới biến động mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, trong tuần giao dịch vừa qua (18 - 22/3), thị trường hàng hóa biến động mạnh. Điều này thể hiện qua sự phân hóa, giằng co rõ rệt trên diễn biến giá của các mặt hàng.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Lãi suất huy động tìm đáy mới

Tính đến tuần cuối tháng 3, mức lãi tiết kiệm 5%/năm đã chính thức biến mất khỏi dải lãi suất các ngân hàng quốc doanh.