Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Về Lung Tràm nghe chuyện Bác Ba Phi

Nhóm PV: Thứ bảy 05/11/2022, 09:07 (GMT+7)

Trong buổi đầu khai hoang mở đất đầy gian khó ấy, bác Ba Phi và những câu truyện cười của ông đã nổi lên như một hiện tượng riêng có của vùng đất U Minh. Thế nhưng, đằng sau những câu chuyện dân gian gọi là “nói dóc” ấy là những giá trị văn hóa lưu giữ hồn cốt của đất và người Nam Bộ.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chỉ cách đây trên dưới trăm năm, vùng đất Cà Mau vẫn còn “cọp um, sấu lội, đĩa lềnh tựa bánh canh”, đời sống tuy vất vả nhưng sản vật vô cùng trù phú. Dân gian có câu rằng:

"Ở đâu bằng xứ Lung Tràm

Chim kêu như hát bội, cá lội vàng tợ mắm nêm".

Trong buổi đầu khai hoang mở đất đầy gian khó ấy, bác Ba Phi và những câu truyện cười của ông đã nổi lên như một hiện tượng riêng có của vùng đất U Minh. Người ta nói, nghe chuyện bác Ba mà “cười lộn ruột”.

Thế nhưng, đằng sau những câu chuyện dân gian gọi là “nói dóc” ấy là những giá trị văn hóa lưu giữ hồn cốt của đất và người Nam Bộ một thời đi khai mở đất U Minh.

maxresdefault

Nhắc tới truyện dân gian ĐBSCL, không thể không nói đến bác Ba Phi. Không chỉ sáng tác nhiều truyện tiếu lâm lưu truyền khắp Nam kỳ lục tỉnh, mà bác Ba Phi còn là biểu tượng cho khí chất người miền Tây: chân chất, hào sảng, phóng khoáng và nghĩa hiệp.

Theo tài liệu ghi chép, Bác Ba Phi tên thật là Trần Long Phi, sinh năm 1884, tại Đồng Tháp. Do gia đình quá nghèo nên từ nhỏ ông phải đi cày thuê để nuôi 8 người em. Tuy cuộc sống cơ cực, ban ngày phải đi khẩn hoang, nhưng khi trời vừa nhá nhem, ông thường tham gia tụ họp đờn ca và được bà con trong xóm thương yêu bởi tính tình vui vẻ, dí dỏm, khẳng khái.

Vốn làm tá điền cho Hương quản Tế (tức Trần Văn Tế) - một địa chủ giàu có vùng Bảy Ghe, ông được Hương quản hứa gả cô con gái Ba Lữ (tức Trần Thị Lữ) với điều kiện phải làm công trong ba năm. Nhờ sự chịu thương chịu khó, nên ba năm sau thì ông cưới được vợ. Sau khi gả con gái, Hương quản Tế giao hàng nghìn công đất ruộng đang được khai hoang cho vợ chồng Ba Phi làm kế sinh nhai.

Hai người lấy nhau một thời gian mà không có con, vì vậy bà Ba Lữ đã đứng ra cưới vợ hai cho chồng. Vợ hai (tức bà Lê Thị Lượng) sinh được một người con trai tên là Nguyễn Tứ Hải. Không rõ vì lý do gì mà khi Nguyễn Tứ Hải mới ba tuổi, bà đã gửi con cho chồng rồi về quê ở Mỹ Tho cho đến lúc qua đời.

Ông Nguyễn Tứ Hải về sau lập gia đình với bà Nguyễn Thị Anh, sinh hạ một người con trai – cháu đích tôn của bác Ba Phi – tên là Nguyễn Quốc Trị. Trong những câu chuyện của bác Ba Phi thì đây chính là nhân vật thằng Đậu nổi tiếng. Về sau bác Ba Phi cưới thêm vợ ba. Bà tên Lữ Thị Cham (còn gọi là Cà Cham), là người dân tộc Khmer và sinh được hai người con gái.

Các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, Bác Ba Phi thuộc lớp hậu duệ của những tiền nhân đi khai mở đất rừng U Minh. Cả quãng đời của ông là quá trình khai phá đất rừng U Minh nguyên sinh, vốn rất hào phóng mà cũng lắm khắc nghiệt.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thuận – con gái út của bác Ba Phi, thì Bác Ba là người cao ráo, trán trợt, sức vóc nhưng hiền lành, hay cười nói. Ông từ Đồng Tháp trôi dạt về miệt Cái Rắn (Cái Nước), rồi sau đó về Lung Tràm khẩn hoang, an cư lập nghiệp. Cũng nhờ “chịu thương chịu khó” mà bác Ba Phi đã làm chủ cả ngàn héc-ta đất nơi đây. Bác Ba được cái tính thương người, hào sảng, hễ ai “sa cơ lỡ vận”, ông đều cưu mang, đùm bọc.

Câu chuyện bác Ba Phi gỡ bộ ván gỗ rất quý cho người nghèo xẻ ra đóng quan tài chôn người chết và cả câu chuyện hiến ruộng cho làng xã để cấp cho dân nghèo sản xuất vẫn được người đời lưu truyền cho đến tận bây giờ:

"Hồi đó thì vùng này tràm không à, không có ai mần ruộng, ba về đây ở khai phá. Ổng không có tóc, hồi đó thì mặc quần lãnh, khăn quấn ngang, đội nón lá chằm…", bà Thuận nói.

Cũng theo lời kể của bà Út Thuận, danh xưng bác Ba Phi thật ra là theo thứ bên vợ. Mỗi bận kể câu chuyện tiếu lâm nào, cứ kết thúc thì ông luôn có một câu kèm theo: “Không tin, hỏi bác Ba gái mầy coi”. Cả nhân vật thằng Đậu, cháu nội của bác Ba lúc nào cũng theo sát bên ông. Các nhân vật chính cũng xoay đi, xoay lại bấy nhiêu người trong nhà, cho thấy bác Ba rất trọng tình cảm gia đình.

Cũng chính vì điều này, mà cô Nguyễn Thị Dung – cháu nội Bác Ba Phi mấy mươi năm qua đi nhưng ký ức về người ông đặc biệt của mình chưa bao giờ xóa nhòa trong tâm trí cô. Cô nhớ về những đêm ông nội mình say sưa kể chuyện tiếu lâm mà người nghe thì ngồi chật cả bộ ván nhà đến đun nước pha trà thôi cũng thấm mệt.

Cô Dung kể: "Ông nội kể chuyện thì mấy chú ngồi quanh bộ ván vậy đó. Ông ngồi ở giữa. uống nước trà rồi kể sáng đêm…."

Di ảnh bác Ba Phi và bằng danh hiệu nghệ nhân dân gian - Ảnh: Tuổi trẻ

Di ảnh bác Ba Phi và bằng danh hiệu nghệ nhân dân gian - Ảnh: Tuổi trẻ

Nhiều người đọc các truyện: “Thu hoạch lưỡi nai”, “Cọp xay gạo”, “Tàu rùa”, “Cá nuôi của bác Ba”, “Rắn tát đìa”, “Săn heo”… đều thấy rằng, miệt Lung Tràm hiện lên với nguồn huê lợi thiên nhiên trù phú. Trên thực tế, bác Ba không “nói dóc” như nhiều người lầm tưởng, mà đó chỉ là cách nói “quá”, “nói cho có ấn tượng” những điều mắt thấy tai nghe, bám sát vào hơi thở, nhịp sống của người dân bấy giờ. Chẳng hạn như nói về cọp, về rùa, ở cái xứ U Minh hồi đó “hà hà sa số”, nên những câu chuyện của Bác Ba Phi đều có cơ sở. Nó trở nên gần gũi và dễ dàng đi vào đời sống xã hội là lẽ vậy: "Ba ổng nói lại là rùa thì nhiều lắm, đi bắt một chút là đầy bao…".

Một điều khác biệt của truyện tiếu lâm bác Ba Phi so với những truyện cười đương thời là không mang tính chỉ trích, mỉa mai, dè bĩu, lên án hay đả phá, mà tiếng cười trong truyện bác Ba Phi rất vô tư, hào sảng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thành – người đã dành nhiều năm nghiên cứu về Bác Ba Phi và những giai thoại của vùng đất U Minh cho rằng: Đến nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu đầy đủ các biến dị từ những câu chuyện gốc của bác Ba Phi. Những văn bản hình thành ở các tuyển tập in hiện nay, rất có thể là sản phẩm của tập thể, qua thời gian “thêm thắt” mà thành: "Đầu tiên là phải hấp dẫn, không hấp dẫn thì không ai cười. Những câu chuyện gần gũi thôi…"

Ngôi mộ của bác Ba Phi nằm giữa hai ngôi mộ của hai người vợ. Ảnh: VTC

Ngôi mộ của bác Ba Phi nằm giữa hai ngôi mộ của hai người vợ. Ảnh: VTC

Không chỉ là vua tiếu lâm, bác Ba Phi còn được xem là một trong những người có công khai phá vùng đất Lung Tràm - Kinh Ngang ở Cà Mau. Thuở ấy nơi đây còn lắm hoang sơ, “Chèo ghe sợ sấu ăn chưn / Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma”. Lúc bấy giờ, bác Ba Phi đã đào những con kênh để người dân tiện việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, lúa thóc từ ruộng ra kênh lớn.

Một trong số những con kênh ấy là con kênh Lung Tràm mà người dân nơi đây hay quen gọi là kênh Ba Phi. Trong chính cái không gian rừng U Minh thời mới khai hoang ấy, với đặc trưng của con người Cà Mau vui tính, bác Ba Phi đã sáng tác và kể miệng biết bao câu chuyện cười trong những lúc nghỉ ngơi trên bờ mẫu hoặc những bữa tiệc trà dư tửu hậu, hay những lúc bộ đội hành quân ngang nhà. Truyện cười Bác Ba Phi từ đó lưu truyền khắp nơi.

Bác Ba Phi qua đời ngày 3 tháng 11 năm 1964 tại ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Phần mộ của ông được đặt giữa hai ngôi mộ của bà Ba Lữ và bà Cham ở một góc rừng U Minh Hạ - trên mảnh đất mà cả cuộc đời ông gắn bó.

Sau khi bác Ba Phi mất đi thì gia đình ông cũng bắt đầu lâm vào cảnh khốn khó. Người con trai trưởng của bác Ba Phi - ông Nguyễn Tứ Hải cũng chết trận trong rừng, không tìm được xác. Còn người cháu ngoại trai duy nhất: Liệt sĩ Nguyễn Hoàng Ân (con bà Nguyễn Thị Thuận) hy sinh trong một trận đánh ác liệt giữa ta và địch. Xui rủi lại ập đến khi “thằng Đậu” (anh Nguyễn Quốc Trị - đứa cháu nội đích tôn của bác Ba Phi) đi biển bị chìm tàu, mất tích và không tìm được xác trong cơn bão dữ.

Bác Ba Phi mất đi nhưng đã để lại một kho tàng truyện tếu lâm cho thế hệ sau, mặc dù không được ghi chép rõ ràng nhưng những mẫu chuyện kể như: Tàu rùa, Câu ếch, Rắn tát cá, Nếp dẻo, Cọp xay lúa,…vẫn được truyền miệng và lan tỏa từ Bắc chí Nam. Hễ khi thấy ai nói “chuyện dóc” hay kể chuyện tếu lâm thì mọi người đều ví von: “nói dóc như bác Ba Phi”.

Với kho tàng truyện kể dân gian để lại, năm 2003, Bác Ba Phi được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian”.

Giá trị về những câu chuyện của bác Ba Phi đến nay đã được đánh giá là tài sản tinh thần quý báu của vùng đất Minh Hải xưa, Cà Mau nay. Trong kho tàng “truyền miệng” và “ứng khẩu” của bác Ba Phi, một Cà Mau hoang sơ nhưng trù phú sản vật, con người tuy vất vả nhưng trượng nghĩa, thông minh, lạc quan, cả những tình cảm thiêng liêng của gia đình cũng được tái hiện…

Những câu chuyện kể của ông, truyện nào cũng mang lại cho người nghe trước hết là tiếng cười sảng khoái, mượt mà âm sắc trào lộng, rất đặc hiệu Ba Phi, đồng thời nó còn ẩn chứa tính hào hùng của lớp người đi mở đất, tính cách đặc trưng Nam Bộ, lòng yêu thương thiên nhiên và con người.

Bấy nhiêu đó cũng đủ làm xao xuyến và nhận được sự ngưỡng vọng của hậu thế hôm nay. Càng đào sâu tìm hiểu, người ta sẽ mỉm cười mà nể phục bác Ba Phi, người duy nhất “nói dóc” mà nổi tiếng khắp cả nước Việt Nam.

 

Nhóm PV/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

"Quyền giám sát các lực lượng thực thi pháp luật là quyền của người dân. Việc giám sát theo kế hoạch chuyên ngành là câu chuyện giám sát trong các báo cáo. Còn trong hoạt động thường ngày, với mỗi sự kiện chúng ta đều có thể giám sát theo quy định".

Chưa thanh toán, cắt điện: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mất an toàn

Chưa thanh toán, cắt điện: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mất an toàn

Tối 12/4, nhiều tài xế phản ánh đến đường dây nóng của VOV Giao thông về việc một số nút giao lớn trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tối om, khiến tầm nhìn bị sụt giảm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia lưu thông trên tuyến này.

Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Trong khi lộ trình tuyến cố định được giao cho Sở GTVT hai đầu tuyến chấp thuận, trên cơ sở khảo sát, đề xuất của doanh nghiệp vận tải, thì việc thay đổi lộ trình tuyến lại phải chờ quyết định của Bộ GTVT, khiến hiệu quả khai thác bị ảnh hưởng.

Nuôi con gì? Ăn con gì?

Nuôi con gì? Ăn con gì?

Với người Việt, việc ăn thịt chó mèo hay nuôi chó mèo để giết thịt là chuyện hết sức bình thường từ xưa tới nay, và có thể nói rằng với lịch sử ẩm thực của người Việt, thịt chó mèo như một phần nét văn hóa ẩm thực… Nhưng rồi thói quen nào cũng sẽ thay đổi cùng với thời gian và nhận thức.

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

Mới đây TP.HCM đã chính thức khai trương đưa vào sử dụng hệ thống xe điện 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô thành phố. Điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Hà Nội sống và yêu: Quang gánh cuộc đời

Hà Nội sống và yêu: Quang gánh cuộc đời

Những đôi quang gánh tô điểm cho cái hồn phố thị, thu hút sự chú ý của khách du lịch bao năm qua. Không thể đếm nỗi những vất vả, những câu chuyện đằng sau đôi quang gánh của các bà các chị trên khắp các con phố Hà Nội.

Hàng trăm tấm đan mương thoát nước trên QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp tiếp tục bị đập phá

Hàng trăm tấm đan mương thoát nước trên QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp tiếp tục bị đập phá

Sau khi được lắp đặt lại, hàng trăm tấm loạt tấm đan bê tông mương thoát nước trên tuyến QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua TP. Thủ Đức (TP.HCM) lại tiếp tục bị phá hoại, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến trật tự và mỹ quan đô thị.