Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Vạn cấy miền Tây

Trúc Thi: Chủ nhật 26/11/2023, 21:02 (GMT+7)

Đi cùng những cuộc trường chinh khai phá, khẩn hoang, mở cõi trong hành trình xuôi về vùng châu thổ Cửu Long, vùng đất một thuở hoang vu, khắc nghiệt, tứ bề sông rạch, cây cối um tùm, các thế hệ cha ông đã tìm cách chinh phục thiên nhiên, khai phá đầm lầy, lung láng làm nên những cánh đồng trù phú.

Nghề trồng lúa nước cũng theo đó mà phát triển, dần dà hình thành các hình thức canh tác tập thể sơ khai. “Vạn cấy” cũng ra đời từ đó.

Một thời, đi đâu cũng thấy vạn cấy miền tây. Họ đã dệt nên tên đất, tên làng, dệt nên nét văn hoá bưng đồng chân phương mà độc đáo.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mặc dù vẫn chưa có nhiều tài liệu nghiên cứu cụ thể về sự góp mặt của vạn cấy  trong tiến trình phát triển của nghề trồng lúa nước, nhưng theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, vạn cấy là hình thức hợp tác sản xuất tập thể giản đơn trước khi nông dân hình thành các hình thức canh tác cao hơn. 

Mỗi vạn cấy có khoảng 15-20 người, có khi lên tới 30 người. Bởi vậy mà đôi khi người đầu tiên bắt đầu xuống ruộng cấy thì mươi mười lăm phút sau người cuối cùng mới xuống ruộng. Công cấy khi cấy phải giữ đúng nhịp.

Nghĩa là người cấy bìa trong phải theo người cấy bìa ngoài, gọi là cấy “leo dây”. Ở Miền Tây, vạn cấy nổi tiếng thời đó có thể kể đến như: vạn cấy An Hữu, Tân Hội (Cái Bè, Tiền Giang), Bình Hòa Phước (Vĩnh Long).

Người đứng đầu một vạn cấy gọi “Trùm vạn”, là người biết tập hợp các thợ cấy giỏi, lãnh ruộng, chấm công, lãnh tiền chia cho thợ cấy. Cứ cấy xong một công là “Trùm vạn” cấp cho mỗi người một thẻ cấy, khi cấy xong thửa ruộng người ta cộng thẻ lại lãnh tiền. Rồi cũng có khi những vạn cấy đổi công hay gọi là “vần công” cho nhau, nay làm ruộng này, mai qua ruộng kia trả công lại.

Chuyện vần công giúp không khí lao động trở nên khí thế, vơi bớt mệt nhọc của những ngày đồng án tất bật, tạo tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong những năm tháng còn nhiều gian khó. Tình làng nghĩa xóm có lẽ vì vậy cũng dần thêm thắt chặt.

Chị Trần Thị Thanh Tuyền ngụ tỉnh Cà Mau chia sẻ: "Trong một khuôn khổ của một cái nơi mình ở, khoản chừng 5 đến 10 nhà vậy, người ta gọi là làng. Nhà hôm nay cấy lúa thì nhà khác có thể qua làm cho mình hôm nay. Bữa nay làm xong rồi thì tới mình giúp lại người khác, người ta gọi là vần công".

Trời vừa hừng đông, trong màn sương sớm, những cô thợ cấy lại í ới gọi nhau ra đồng. Cũng có những ngày chiều mát hay trong những đêm trăng sáng, người ta lại tranh thủ kéo nhau ra cấy đồng khuya, ánh trăng soi cho người làm, soi cả cho những đôi tay của những người nông dân quanh năm ngụp lặn trong bùn nước để cấy từng rẻ lúa non.

Hình ảnh các dì, các mẹ đi cấy đồng gần, đồng xa trong những tháng ngày lam lũ cùng những buổi cơm trên ruộng đồng có lẽ là hoài niệm khó quên trong lòng những người con lớn lên trên mảnh đất nặng nghĩa, nặng phù sa.

Ông Trần Minh Trí, Phó giám đốc công viên văn hóa An Hòa, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang chia sẻ: "Nó cực, nó khổ nhưng mà vui lắm. Ví dụ như hôm nay, gia đình anh làm cấy một chục công lúa thì sẽ tầm có 10 đến 12 người  trở lên. Bạn cấy ví dụ anh cấy rồi công trước mà em chưa rồi thì anh tiếp để cùng nhau đi về cho một buổi vậy đó. Đi cấy vậy tầm khoảng 11 giờ mấy 12 giờ, đôi khi muộn hơn xíu là xong buổi cấy ngày hôm đó. Để chuẩn bị làm cái buổi quá xế vậy đó, mang cơm theo ra ngoài ruộng ăn, ngày xưa ra ruộng cấy vậy đó chỉ mang mắm kho, mắm chưng.

Rồi ra ngoài ruộng đó, bắt đầu nhổ rau rồi chấm với mắm ăn. Ngày xưa món chủ lực khi đi ruộng là mắm với bí hầm dừa, đứng ăn với nhau, đứng ở dưới nước, lũm bủm vừa ăn vừa giỡn vui cười với nhau thoải mái. Không may mà trời đổ mưa á, mưa té vô trong cơm mình ăn luôn á. Ăn để no bụng để mình làm công việc đồng án. Mùa cấy nó cực nhất, vất vả nhất nhưng được cái là mùa vui vẻ nhất, nó thể hiện tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm nhất. Nó có mấy cái nhất như thế". 

Trong tản văn của mình, nhà văn Kha Tiệm Ly đã từng miêu tả rằng: “Khi các công cấy bắt đầu “xuống công”. Họ dàn hàng ngang hết thửa ruộng rồi “bắt luống”. Mỗi “luống” do một người phụ trách, có thể từ 4 đến 6 bụi bề ngang, họ cứ khom lưng xuống thụt lùi mà cấy từ đầu ruộng bên này đến đầu bờ ruộng bên kia. Tới bờ ruộng bên kia là dứt luống cấy của họ.

Trường hợp bề ngang thửa ruộng quá lớn mà công cấy không đủ dàn ngang một lần, thì họ phải “bắt luống” lại từ đầu bên kia trở lại đầu khởi điểm lần trước. Nếu cũng chưa xong, thì tiếp tục quay lại “bắt luống” cho đến khi nào cấy giáp thửa ruộng thì thôi”.  

Và để có những luống mạ bén rễ, ngay hàng, thẳng lối, đòi hỏi người thợ cấy cũng phải có tay nghề cao. Tay trái đỡ bó mạ và dùng ngón rẻ mạ. Tay phải lấy mạ cắm xuống bùn. Khi cắm mạ, tay cắm vừa phải. Sâu quá mạ sẽ không nở, nông quá mạ cũng sẽ nổi lên, đôi bàn tay khi ấy cũng phải thao tác nhanh, đều đặn theo nhịp cấy. 

Các bậc cao niên còn kể lại, có một thời, công cấy khi ra đồng ai nấy đều mặc áo dài. Thường là áo dài đen, vạt trước phải quấn ra sau. Hồi ấy vải “tám” có màu trắng, muốn có màu đen phải hái lá bần nấu sôi nhúng vào nhuộm, rồi đem ngâm trong bùn khoảng một tháng cho chắc vải, sau đó lấy lên giặt sạch để dùng được lâu.

Nhọc nhằn, gian khó là vậy, nhưng trên những cánh đồng quê vào mùa cấy lại chẳng ngớt đi những tiếng cười nói râm rang, những câu hò, câu hát của các cô thợ cấy, những anh bạn cày. Những câu hò ứng tác chọc chọc ghẹo cho vui, cho quên đi những mệt nhọc ban đầu tưởng chừng đã quyện vào những cơn gió đồng quê mà bay xa hun hút nhưng chúng đã âm thầm góp nhặt để lại cho những người con đất phương Nam một loại hình diễn xướng dân gian đặc trưng, một nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của nông dân Nam Bộ xưa, đó là hò cấy lúa.

bong-lua

Theo các tài liệu nghiên cứu ghi chép, hò cấy là điệu hò mái ngắn (còn gọi là mái đoản, mái cụt) thường diễn ra ngay trên đồng ruộng. Đây được đánh giá là điệu hò rất cổ trong các điệu hò, dân ca Nam Bộ. Nó có thể kéo dài từ sáng cho đến chiều tối. Các nhóm hò, có kẻ xướng người xô, vừa lao động, vừa trổ tài đối đáp, chẳng hạn như:  

“Em thấy anh ăn học cũng thông, 

  lại đây em hỏi cái khăn bàn lông mấy đường?”

“Em ơi! cái khăn bàn lông anh đội cũng thường

 bây giờ nó cũ nó có mấy đường anh cũng quên!”. 

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, người đã bỏ nhiều năm sưu tầm, ký âm, lưu giữ các giá trị văn hóa Nam Bộ cho rằng: hò cấy Miền Tây Nam Bộ trước đây diễn khắp các tỉnh, nhất là ở miệt ruộng của huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày, Bình Đại, Giồng Lãnh, Trại Cá, Cò Công, Đồng Tháp: “Đồng Tháp nổi lên điệu hò cấy lúa, nhưng thực chất hò cấy lúa có ở khắp Nam Bộ. Mỗi huyện, mỗi vùng, chỗ nào có nhiều vạn cấy giỏi thì chỗ đó xuất hiện nhiều câu hò cấy mang tính nghệ thuật rất cao”.

Hò cấy lúa cũng rất đa dạng có thể mượn từ những câu hát xưa, ca dao, những câu thơ, như lục bát, lục bát biến thể, song thất lục bát..., hoặc do tự người trong “giàn hò” - những người hò giỏi trong một nhóm vạn cấy, tự đặt ra. Nếu hò một mình thì gọi là “hò lẻ”, nếu hai người hò đối đáp nhau thì gọi là “hò đối đáp”, mà người mở đầu gọi là xướng hay “buông”; người hò đối lại gọi là đáp hay “bắt”. Cũng từ những câu hò vui, trêu ghẹo khi cấy lúa, nhiều đôi “mê tài ứng khẩu” của đối phương, hiểu được tình cảnh rồi hẹn hò, tìm hiểu và cũng có một số cặp đôi nên duyên vợ chồng từ đó.

Nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ chia sẻ thêm: "Khi chúng tôi đi sưu tầm ở Đồng Tháp, đi đâu cũng nghe người ta kể lại, có những ông những bà đã sống với nhau đến đầu bạc răng long, họ yêu nhau, mê nhau trong các vạn cấy khi còn thanh niên, còn đi cấy mướn"

Nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian đã sưu tầm khá phong phú và đa dạng các loại hò của người dân Nam Bộ để bổ sung vào kho tàng văn hóa đa dạng của cư dân trên vùng đất phương Nam. GS.TS Vũ Gia Hiền – Chuyên gia nghiên cứu văn hoá chia sẻ thêm: "Hò cấy lúa liên quan đến phong cách cấy lúa, nâng cái tầm của lao động cấy lúa lên thành có tính nghệ thuật, có tính ngôn ngữ và cái ngôn ngữ được truyền tải qua cái giọng hò. Nâng tầm sản xuất lên một bật cao hơn thành văn hóa"

Trải qua nhiều lần biến đổi của thời cuộc, nghề trồng lúa nước của cư dân miệt đồng châu thổ cũng theo đó dần xuất hiện nhiều phương pháp canh tác hiện đại, đáp ứng tiêu chí của một nền nông nghiệp tiên tiến. Câu chuyện về những vạn cấy, vạn hò chỉ còn là những mảng ký ức quá đỗi thân thương, là nét văn hóa độc đáo, mang đậm bản sắc của cư dân miệt đồng bằng châu thổ Cửu Long một thời “dãi nắng, dầm mưa”.

Trúc Thi/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Những người trẻ tiếp nước, “giải khát” cho miền Tây hạn mặn

Những người trẻ tiếp nước, “giải khát” cho miền Tây hạn mặn

Khoảng hơn 2 tháng trở lại đây, các tỉnh miền Tây Nam Bộ xuất hiện nhiều đợt xâm nhập mặn vào sâu nội đồng cùng các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, hệ thống sông Tiền, sông Hậu.

Mở đường Láng rộng gấp đôi, cần phải làm gì?

Mở đường Láng rộng gấp đôi, cần phải làm gì?

Mới đây Sở GTVT Hà Nội có báo cáo UBND thành phố việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng), với tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng.

Garage tư nhân “mọc” trên vỉa hè

Garage tư nhân “mọc” trên vỉa hè

Những ngày hè tháng Năm này, hoa bằng lăng tím trổ bông dọc theo dòng Kim Ngưu khiến các cung đường phía Nam Hà Nội như duyên dáng hơn. Tuy nhiên, chút chất thơ đó không khỏa lấp được những bất cập trên vỉa hè khu vực này, khi người đi bộ thực sự bối rối với những chướng ngại vật không ngờ tới.

Quà chiều trên phố

Quà chiều trên phố

Cao điểm chiều, đó là thời điểm nhộn nhịp nhất của phố xá, khi dân công sở tan làm, học sinh sinh viên tan học, dòng người ngược xuôi trên phố trong sự sốt ruột, mau chóng để sớm trở về nhà sau một ngày lao động.

Giao thông thông minh, cách tiếp cận để thúc đẩy giao thông bền vững

Giao thông thông minh, cách tiếp cận để thúc đẩy giao thông bền vững

Để giải quyết những thách thức trong sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hoá thạch, giao thông công cộng chậm phát triển, các thành phố đứng trước cơ hội rất lớn trong cách tiếp cận giải quyết vấn đề hướng tới giao thông bền vững và bảo vệ môi trường.

Tăng cường xử lý, vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh

Tăng cường xử lý, vi phạm nồng độ cồn giảm mạnh

Thời gian qua, Công an TP. Hà Nội đã triển khai nhiều phương án, huy động các lực lượng phối hợp lập nhiều chốt, thành lập các tổ tuần lưu kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. nồng độ cồn.

Nỗi niềm những tài xế giao đồ ăn

Nỗi niềm những tài xế giao đồ ăn

Kể từ đại dịch COVID-19, thị trường giao đồ ăn tại Trung Quốc bùng nổ và tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những tài xế của các nền tảng giao đồ ăn tại quốc gia tỷ dân này đang phải làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt, với thời gian làm việc kéo dài nhưng thu nhập lại thấp.