Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Tự sự của đêm: Lời cuối

Khương An: Thứ sáu 14/06/2024, 20:36 (GMT+7)

Tâm gọi điện cho tôi kể, ở khu nhà trọ của anh, có người chết vì COVID-19. Cô ấy tên Xuyến, quê ở Phú Yên, sống một mình trong căn phòng trọ. Người ta không biết cô chết vào lúc nào, khi hàng xóm phát hiện, Đội Y Tế địa phương đi xuống khám nghiệm tử thi, thân thể cô đã lạnh từ lâu.

Họ kết luận cô Xuyến chết vì COVID-19 nên mang thi thể đi hỏa táng. Thời gian cô sống ở đây không thấy qua lại với ai. Đến khi chết, cũng không có người nào đến nhận là bà con thân thích. Tâm bị ám ảnh nên gọi điện cho tôi giải tỏa tâm sự.

Hãy đón nghe Sóng về khuya số 13, phát sóng vào 23h, thứ Sáu (14/6) trên sóng FM91Mhz và livestream trực tiếp trên Fanpage: VOV Giao thông.

Chương trình phát thanh đêm khuya trên sóng VOV Giao thông, người bạn tâm tình trong đêm vắng giúp bạn lái xe an toàn hơn.

Ngay lát sau, facebook của anh đăng dòng thơ của Lưu Quang Vũ:

“Cả cuộc đời là ở sân ga

Trước chuyến đi vô tận

Cuộc lên đường tối tăm đơn độc

Người ta chết có một mình

Đó là điều buồn nhất…”

(Lời cuối – Lưu Quang Vũ)

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tôi đồng cảm với tâm trạng của Tâm, anh vẫn còn chưa thoát khỏi nỗi bàng hoàng thương cảm cô Xuyến. Nhưng câu chuyện cô Xuyến đâu phải chỉ xảy ra ở khu nhà trọ của anh. Trong cơn đại dịch khủng khiếp này, những cái chết diễn ra lặng thầm, vô danh, chóng vánh… đến nỗi người ta không kịp đớn đau lâu đã phải làm quen tiếp với những tang thương mới.

Có nhà trùng tang, có chồng mất vợ con, có thai phụ không kịp sinh đã ngừng thở, có gia đình để lại con cái bơ vơ, có người chết cô độc không ai hay biết… Cả nghi lễ đưa tiễn người mất cũng không thể thực hiện, chỉ được nhận về hũ tro cốt sau khi được đưa đi hỏa táng. Câu cửa miệng người ta nói với nhau “chết ở thời này cũng khổ…”

Cách đây không lâu xóm nhà tôi bị phong toả, cách ly tế vì có người nhiễm bệnh COVID-19. Anh Thắng, người hàng xóm nhiệt tình xông xáo, tình nguyện vác từng bao gạo cứu trợ từ những đoàn từ thiện đến tận nhà mỗi người. Sự nhiệt tình, năng nổ của anh khiến ai cũng cảm mến.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhưng sau lần đó, người ta không còn thấy anh nữa. Bà con nghe tin, anh bị nhiễm COVID-19 đến trở nặng, khi đưa tới bệnh viện thì một ngày sau mất. Lúc được đưa đi, vợ con không được theo cùng anh. Trước khi mất, cũng không thể gặp mặt gia đình. Cả khi chết, thi thể anh người ta mang đi hỏa táng.

Sau khi anh Thắng mất, ông Hai bảy mươi tuổi trong xóm cũng ra đi vì bị lây bệnh. Ông Hai có một người con là bác sĩ, là lực lượng trực chiến tuyến đầu chống dịch của đất nước. Khi cha mất, bác sĩ Linh không kịp trở về nhà.

Một tuần sau, tôi thấy bác sĩ Linh trở về trong bộ dạng thất thần, xanh xao. Có lẽ anh đã tự mình trải qua cú sốc tinh thần lớn trong sự dằn vặt, hối tiếc vì không ở cạnh cha. Người nhà, bạn bè động viên anh cố gắng vượt qua nhưng anh vẫn chưa thoát khỏi những trầm cảm, mất mát.

Đêm yên ắng, bất chợt tiếng xe cứu thương inh ỏi trước xóm, tôi lấp ló ra cửa xem có chuyện gì. Lại một ca nguy kịch cấp cứu cần đưa đến bệnh viện dã chiến. Cái xóm nhỏ chừng 30 hộ dân, chuyện này chưa xong chuyện kia lại tới, dịch bệnh làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người.

Giữa sự vội vã đau thương đó, tôi thấp thoáng thấy dáng bác sĩ Linh đang tất bật trong những người hỗ trợ đội y tế… Nghe ai đó nói, xóm này có thêm người bệnh trở nặng, bác sĩ Linh là người xử lý cấp cứu và gọi cứu thương. Có thể nhờ bác sĩ nằm trong đội chống dịch nên lực lượng y tế nhanh chóng xuống tới.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sáng nay, nghe tiếng cửa mở phía nhà ông Hai, tôi vội nhìn qua ô cửa sổ, thấy bác sĩ Linh trong bộ blue trắng đang vội vã kéo hành lý bước ra khỏi xóm. Tuy chưa rõ mười mươi chuyện đêm qua, nhưng tôi tin rằng đã có điều gì đó chạm đến trái tim vị bác sĩ.

Điều ấy đã kéo anh ra khỏi vũng lầy day dứt bất hạnh, đồng thời đánh thức trái tim nhân hậu và sứ mệnh nghề nghiệp nơi anh. Dẫu cuộc sống có trái ngang, khắc nghiệt thì sự thiện lương, nhân hậu vẫn tồn tại và lấp lánh. Văng vẳng đâu đó có nhà nào mở điệp khúc nhạc xưa, tôi cũng thầm thì theo.

“… Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi

Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời

Kìa còn biết bao người, dìu dắt tới quanh đây…”

(Ngẫu nhiên, Trịnh Công Sơn)

Tự sự của đêm sẽ đồng hành cùng quý vị với những trải lòng, tản mạn, câu chuyện cuộc sống trong các số chương trình Sóng về khuya mỗi thứ ba, thứ sáu hàng tuần.

Nếu quý vị thính giả có những tâm sự, nghĩ suy, …. cần giải bày và trao đi thì hãy gửi đến email [email protected], BTV sẽ lựa chọn những câu chuyện, tản mạn phù hợp và ý nghĩa để chia sẻ trong tiểu mục Tự sự của đêm ở những số phát sóng tiếp theo.

 

Khương An/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn