Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Góc Nhìn

TP.HCM “phủ xanh” xe buýt: Cần chuẩn bị và tính toán ra sao?

Minh Thùy: Thứ sáu 04/10/2024, 13:06 (GMT+7)

Dự kiến đến năm 2030, TP.HCM phủ xanh 100% xe buýt điện. Các tuyến buýt mở mới từ năm 2025 trở đi sẽ sử dụng 100% phương tiện điện, năng lượng xanh. Đây là mục tiêu theo đề án Giao thông xanh của Sở GTVT TP.HCM.

Quyết định đưa ra nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm khí thải cấp bách tại đô thị hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, TP.HCM cần những bước chuẩn bị nào và tính toán ra sao? 

Theo Sở GTVT TP.HCM, hiện thành phố đang thí điểm một tuyến buýt điện D4 với 13 xe, có sức chứa từ 65-70 chỗ, do Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái VinBus triển khai. Sản lượng 9 tháng đầu năm 2024 đạt 681.037 hành khách, trung bình hàng ngày là 29 hành khách/xe, cao gấp 2,5 lần so với xe buýt thông thường.

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, tuyến buýt điện D4 mang lại những tín hiệu tích cực. Khối lượng vận chuyển của tuyến ghi nhận tăng; đồng thời được người dân đánh giá cao và ủng hộ lựa chọn làm phương tiện đi lại.

"Đây là loại hình không chỉ mang dịch vụ tốt mà còn mang không khí trong lành cho thành phố trong thời gian tới".

"Phương tiện này đảm bảo không ô nhiễm khói bụi vì hoàn toàn bằng điện. Người dân cũng có thêm một lựa chọn và tôi cũng hy vọng từ việc bảo vệ môi trường chung này sẽ mở rộng ra khu vực khác để người dân được trải nghiệm".

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, tuyến buýt điện đang mang lại những tín hiệu tích cực

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, tuyến buýt điện đang mang lại những tín hiệu tích cực

Tuyến xe buýt điện số D4 là tuyến cỡ lớn đầu tiên hoạt động tại thành phố từ tháng 3/2022. Giá vé dao động từ 3.000 đồng đến 7.000 đồng tùy đối tượng và tuyến xe. TPHCM cũng đang có 516 xe buýt chạy bằng nhiên liệu khí thiên nhiên nén (CNG) trên 18 tuyến có trợ giá, với 3 trạm sạc.

Theo đề án chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện của Sở Giao thông vận tải, giai đoạn 1, các tuyến buýt mở mới từ năm 2025 trở đi sẽ sử dụng 100% phương tiện điện, năng lượng xanh. Đến năm 2030, 100% xe buýt chạy bằng điện. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng hoàn thành việc kiểm soát khí thải.

Ông Bùi Hòa An – Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, để thực hiện lộ trình chuyển đổi, Sở đang nghiên cứu nhiều phương án hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư phương tiện và trạm sạc, giúp giảm thiểu áp lực tài chính cho các doanh nghiệp:

"Một số chính sách chúng tôi đang kiến nghị là hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phương tiện vận chuyển hành khách bằng xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh. Thứ 2 là hỗ trợ cho lãi vay cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước tham gia đầu tư trạm cung cấp năng lượng, trạm nạp khí CNC phục vụ cho phương tiện giao thông. Hai việc đó phải có chủ trương trước, chúng ta mới có lượng xe buýt xanh, xe buýt sạch trong thời gian tới".

Chính sách hỗ trợ lãi vay của Sở GTVT là rất cần thiết. Song, vấn đề hàng đầu các doanh nghiệp và hợp tác xã xe buýt quan tâm hiện nay là các khâu thực hiện đề án, bao gồm: quy chuẩn phương tiện, đơn giá, đơn vị cung cấp, quy mô trạm sạc, thời gian khai thác tuyến… vẫn chưa được thành phố đề cập và có văn bản hướng dẫn.

Sự đồng hành của doanh nghiệp là khâu quan trọng để hiện thực hóa đề án 'phủ xanh' xe buýt

Sự đồng hành của doanh nghiệp là khâu quan trọng để hiện thực hóa đề án "phủ xanh" xe buýt

Ông Võ Minh Vũ Dũng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp công ty TNHH vận tải TP.HCM (Citranco) kiến nghị, thành phố cần sớm có những chính sách cụ thể để doanh nghiệp có kế hoạch chủ động.

“Khó khăn hiện nay là bộ đơn giá xe điện chưa có, thứ hai là quy chuẩn xe điện, buýt điện, thứ ba là những nhà cung cấp xe buýt điện hiện nay ở đâu cũng chưa biết để liên hệ. Chúng tôi cũng đề xuất cần có bộ đơn giá và quy chuẩn xe buýt điện để chúng tôi có những bước tính toán, kế hoạch”.

Ngoài giải pháp tháo gỡ nguồn lực đầu tư mới xe điện, ông Võ Minh Vũ Dũng cũng cho rằng, thành phố cũng cần có hướng xử lý các phương tiện xe buýt cũ nhưng vẫn còn niên hạn sử dụng hoặc còn trong thời gian đầu thầu, đặc biệt là xe buýt CNG, tránh gây thất thoát nguồn đầu tư của doanh nghiệp.

Ủng hộ chủ trương của thành phố, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiếu – chuyên gia giao thông đô thị trường đại học Việt Đức cũng cho rằng, đây là hướng đi tốt nhưng muốn làm phải đảm bảo về mặt chính sách, thị trường và tính pháp lý rõ ràng, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phương tiện sạch.

“Rõ ràng là khi chuyển đổi lợi ích xã hội phải gắn với lợi ích doanh nghiệp. Chứ chúng ta không nên đặt mục tiêu theo kiểu hô khẩu hiểu mà phải gắn với những chính sách thiết thực đảm bảo lợi ích của các bên tham gia. Có thể phải tính đến năng lực của họ, khả năng khai thác, đặc điểm tuyến vận chuyển và lượng khách. Tất cả những bài toán kinh tế đó phải có lời giải cụ thể”.

Để toàn bộ xe buýt trên địa bàn thành phố sử dụng nhiên liệu sạch vào năm 2030, Sở GTVT cần tính toán kỹ lưỡng và kế hoạch cụ thể, trong đó sự đồng hành của doanh nghiệp là khâu quan trọng để hiện thực hóa đề án.

Giao thông xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam

Giao thông xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam

Mục tiêu “xanh hóa” 100% xe buýt vào năm 2030 của TP.HCM là cần thiết nhưng cũng là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi quyết tâm cao từ nhiều phía cùng cơ chế đột phá. Đây cũng là góc nhìn của VOV Giao thông: “Phủ xanh” xe buýt: Càng cấp bách, càng phải kỹ lưỡng

Cùng với Hà Nội, TP.HCM nằm trong top 50 thành phố ô nhiễm trên thế giới, theo hệ thống theo dõi chất lượng không khí IQAir. Thống kê đến cuối năm 2023, thành phố có khoảng 10 triệu phương tiện giao thông, với hơn 7,6 triệu xe máy, 700 nghìn ô tô và hơn 2 triệu phương tiện của người dân từ khu vực khác di chuyển vào thành phố.

Tỷ lệ sở hữu phương tiện giao thông cá nhân cao dẫn đến ùn tắc giao thông thường xuyên, phát thải từ giao thông là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí ngày càng tệ hơn; nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng trong những năm qua.

Cấp bách bảo vệ môi trường là thế. Kể từ năm 2010, UBND TP.HCM đã có chủ trương “xanh hóa” xe buýt. Song với hơn 500 xe chạy bằng điện hoặc nhiên liệu sạch trong tổng số hơn 2.000 xe buýt hoạt động, không phải là con số quá lớn trong hơn 10 năm.

Chưa kể, những doanh nghiệp tiên phong đầu tư loại phương tiện này vẫn không ngừng than khó. Dễ thấy nhất là sản lượng hành khách vẫn không thể cạnh tranh với các loại hình vận chuyển khác như taxi, xe công nghệ, xe máy, ô tô cá nhân.

Kinh phí đầu tư lớn nhưng sản lượng và mức trợ giá của thành phố không đủ để doanh nghiệp thu hồi vốn và bù đắp cho những khó khăn về chi phí vận hành và bảo trì. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ, chỉ cố gắng duy trì đoàn phương tiện hiện có, không thể tiếp tục đổ tiền đầu tư xe buýt.

Đặc biệt là tuyến buýt điện D4 dù mang lại lợi ích về môi trường và giao thông nhưng trợ giá thấp, thiếu trạm sạc, hạ tầng hỗ trợ chưa đồng bộ nên sau 2 năm thí điểm đơn vị vận hành từng xin thành phố dừng hoạt động vì thua lỗ.

Đây là những việc mà chính quyền thành phố, đặc biệt là Sở GTVT phải bàn tính và có những quyết sách tháo gỡ. Cụ thể là ưu đãi lãi suất vay, giảm thuế phương tiện, trả góp theo chu kỳ đầu tư để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

“Xanh hóa” xe buýt là một tiến trình cần sự đồng lòng, đồng bộ để phá vỡ các rào cản tiến tới mục tiêu phát triển bền vững hạ tầng xanh, kinh tế xanh

“Xanh hóa” xe buýt là một tiến trình cần sự đồng lòng, đồng bộ để phá vỡ các rào cản tiến tới mục tiêu phát triển bền vững hạ tầng xanh, kinh tế xanh

Mức trợ giá cần được “tính đúng, tính đủ” sát với chi phí trượt giá nhiên liệu thực tế, tiền lương nhân công, sửa chữa. Thời gian hợp đồng thầu nên từ 5-10 năm; nhất là cân nhắc kéo dài gói thầu với những tuyến buýt có lượng hành khách thấp để khuyến khích doanh nghiệp ổn định.

Bên cạnh đó, tăng hợp đồng thời gian sử dụng xe, thay vì chỉ dưới 10 năm trong khi niên hạn xe theo quy định pháp luật là 20 năm, nhằm tránh bài toán “đầu tư lớn, thu lợi nhỏ” cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là sau năm 2020 do ảnh hưởng sau dịch COVID-19, hành khách đi xe buýt giảm hẳn, để tránh gây khó cho doanh nghiệp, thành phố chỉ nên đấu thầu đối với các tuyến hiện hữu có phương tiện đang hoạt động hơn mười năm, hay theo niên hạn sử dụng phương tiện từ cao đến thấp.

Vấn đề quan trọng nữa là sớm ban hành các văn bản pháp lý về điều kiện đấu thầu, quy chuẩn phương tiện, niên hạn sử dụng, nhà cung cấp, chính sách hoán cải, thanh lý phương tiện đã qua khai thác… để doanh nghiệp, hợp tác xã có căn cứ thực hiện và tham gia đấu thầu công bằng, minh bạch.

Ngoài ra, thành phố cần vận hành cơ chế đặc thù để sớm đầu tư đồng bộ về hạ tầng trạm sạc, nhiên liệu, bãi đỗ, cơ sở sửa chữa, đầu tư công nghệ tiên tiến, cũng như từng bước tổ chức mạng lưới giao thông ưu tiên cho xe buýt để tăng tầng suất hoạt động. Kết hợp với biện pháp tuyên truyền, thu hút hành khách bằng chính sách giá vé, chương trình ưu đãi góp phần tăng sản lượng hành khách.

Giao thông xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. “Xanh hóa” xe buýt là một tiến trình cần sự đồng lòng, đồng bộ để phá vỡ các rào cản tiến tới mục tiêu phát triển bền vững hạ tầng xanh, kinh tế xanh.

Minh Thùy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
“Cô tiên” vẫn còn trong ký ức?

“Cô tiên” vẫn còn trong ký ức?

Trên các phương tiện truyền thông, câu chuyện về “người tốt, việc tốt”, những tấm gương sáng, hành động thiện nguyện truyền cảm hứng luôn được ngợi ca và lan toả rộng rãi. Tuy nhiên, không ít những góc khuất liên quan đến đạo đức sau đó khiến cho dư luận ngỡ ngàng.

Đường Giải Phóng, xe khách vẫn “rùa bò” khi xuất bến

Đường Giải Phóng, xe khách vẫn “rùa bò” khi xuất bến

Hiện nay trên đường Giải Phóng (Hà Nội) lại tái diễn tình trạng xe khách, xe limousine đi “rùa bò” bắt khách gây cản trở giao thông. Đặc biệt là trên tuyến này cũng đang có công trường thi công Hầm chui Kim Đồng – Giải Phóng nên vào giờ cao điểm tình trạng ùn tắc lại càng kéo dài.

Quy hoạch 2 bên sông Hồng, cần đảm bảo trữ nước và thoát lũ

Quy hoạch 2 bên sông Hồng, cần đảm bảo trữ nước và thoát lũ

Quy hoạch sông Hồng cần ưu tiên dành không gian cho nước, bảo đảm thoát lũ nhanh mùa nước, hạn chế phát triển đô thị, công trình xây dựng trên hành lang này, mới có thể giúp thành phố dễ dàng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hà Nội sống và yêu: Bánh rán Việt Nam

Hà Nội sống và yêu: Bánh rán Việt Nam

Vài năm trở lại đây, ẩm thực của Việt Nam đã được nhiều du khách nước ngoài, các tạp chí quốc tế khen ngợi, một số món ăn đã được vinh danh, lọt vào top những món ngon hàng đầu thế giới.

Tăng cường giám sát, giáo dục và siết chặt Luật Giao thông là bảo vệ trẻ em

Tăng cường giám sát, giáo dục và siết chặt Luật Giao thông là bảo vệ trẻ em

Thời gian gần đây liên tiếp những vụ vi phạm pháp luật về an toàn giao thông xảy ra, mà trong đó có liên quan đến trẻ em, trẻ vị thành niên, khiến dư luận rúng động và lo ngại về sự “trẻ hóa” trong hành vi vi phạm pháp luật.

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có thiếu nhân lực vận hành?

Đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có thiếu nhân lực vận hành?

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, việc tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội buộc phải dừng tàu sau khi xảy ra sự cố tại ga Cầu Giấy hôm 24/10, tại thời điểm xảy ra sự cố, Hanoi Metro - đơn vị vận hành không có nhân sự trực.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Lễ kỉ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau

Tối ngày 16/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình cầu truyền hình “Tập kết ra Bắc - Tình sâu nghĩa nặng” tại 3 điểm Cà Mau, Hải Phòng và Thanh Hóa.