Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thế Giới

Tìm thấy lông chim và máu trong cả hai động cơ của máy bay Jeju Air gặp nạn

Huy Văn: Thứ năm 23/01/2025, 21:57 (GMT+7)

Đã gần 1 tháng kể từ khi xảy ra vụ tai nạn với máy bay của hãng hàng không Jeju Air, Hàn Quốc. Vậy tiến trình điều tra nguyên nhân vụ tai nạn đã có gì mới? Vụ tai nạn đã gây ảnh hưởng như thế nào tới hàng không Hàn Quốc?

 

Cuối tuần qua, chi tiết mới trong quá trình điều tra nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn hàng không khiến 179 người thiệt mạng của Jeju Air đã được hãng tin Reuters tiết lộ. Theo đó, các nhà điều tra đã tìm thấy lông chim và máu trong cả 2 động cơ của chiếc máy bay gặp nạn. Trước đó điều tra cũng cho biết đã ghi nhận đoạn phim cho thấy đã có chim đâm vào động cơ thời điểm trước khi xảy ra tai nạn.

Hiện bộ giao thông vận tải Hàn Quốc từ chối bình luận trước thông tin này. Tuy nhiên, nếu thông tin là chính xác, thì đây sẽ là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử ngành hàng không toàn cầu. Cho đến nay, hàng không thế giới mới chỉ ghi nhận 2 trường hợp chim đâm hỏng cả 2 động cơ máy bay, bao gồm vụ việc “phép màu trên sông Hudson” tại Mỹ năm 2009 và một trường hợp máy bay hạ cánh trên cánh đồng ngô ở Nga năm 2019.

Hiện trường vụ tai nạn hôm 29/12. Ảnh: Bloomberg

Hiện trường vụ tai nạn hôm 29/12. Ảnh: Bloomberg

Liên quan tới quá trình điều tra, trước đó đã có thông tin về việc 2 hộp đen của chiếc máy bay đều ngừng hoạt động 4 phút trước khi máy bay đâm vào tường bê tông ở cuối đường băng. Các nhà chức trách nghi ngờ rằng cả hai động cơ đã tắt ngay trước khi phi công cố gắng hạ cánh khẩn cấp, khiến máy bay gần như mất toàn bộ nguồn điện trong những giây phút cuối cùng trước khi va chạm.

Phát hiện này là một trở ngại lớn đối với nhóm điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Nó cũng nêu bật lên một thiếu sót đáng kể của máy bay cũ. Hộp đen ghi âm buồng lái trên tất cả máy bay mới phải có nguồn điện dự phòng, có thể giữ cho chúng hoạt động trong khoảng 10 phút sau khi nguồn điện chính bị hỏng, một hệ thống mà nhiều máy bay cũ thiếu và không bắt buộc phải được trang bị thêm.

Ngày 7/1 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc Park Sang Woo thông báo sẽ từ chức để chịu trách nhiệm về vụ tai nạn:

“Việc trích xuất dữ liệu từ 2 hộp đen đã hoàn tất và được chuyển tới Mỹ để phân tích. Là Bộ trưởng phụ trách an toàn hàng không, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm nặng nề đối với thảm kịch đã xảy ra. Sau khi giải quyết tình hình hiện tại, tôi sẽ tìm một thời điểm thích hợp để từ chức”.

Về phía hãng hàng không Jeju Air, vụ việc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của hãng. Vào đầu tháng 1, hãng này cho biết sẽ cắt giảm gần 1.900 chuyến bay tính tới cuối tháng 3, chiếm khoảng 15% tổng số chuyến bay của hãng, trong đó số chuyến bay quốc tế chiếm khoảng 55%.

Theo Reuters, sau vụ tai nạn của Jeju Air, niềm tin của người dân xứ sở kim chi với các hãng hàng không giá rẻ đã sụt giảm nghiêm trọng, khi mà nhiều người dân đã lựa chọn huỷ vé bay giá rẻ để chuyển sang các hãng hàng không lớn. Theo ngành hàng không Hàn Quốc, tỷ lệ đặt vé của các hãng hàng không lớn nước này đã tăng lên gần 90%, trong khi hàng không giá rẻ chỉ đạt 50%. Ước tính 7 hãng hàng không giá rẻ của Hàn Quốc sẽ phải chịu khoản lỗ lên tới 340 triệu đô-la Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2025.

Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Reuters cũng ghi nhận tỷ lệ huỷ đặt phòng tại một số công ty lữ hành tại Hàn Quốc tăng 30% so với những năm trước, đặc biệt tại các khu vực gần sân bay quốc tế Muan, nơi xảy ra vụ tai nạn.

Hiện Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải Hàn Quốc cho biết sẽ cải tạo cấu trúc bê tông có lắp đặt thiết bị ăng-ten hướng dẫn máy bay hạ cánh, thường đặt ở cuối đường băng tại các sân bay nội địa của Hàn Quốc.

Theo báo cáo kiểm tra an toàn hàng không của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải, 7 sân bay nội địa, bao gồm cả sân bay Muan, có công trình dạng tường hoặc nền móng làm bằng thép hoặc bê tông, cần thiết phải cải tạo lại.

Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông vận tải yêu cầu phải chuẩn bị phương án cải tiến các cấu trúc này trong tháng 1/2025 và hoàn tất vào cuối năm nay.

Còn tại Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, đã có nhiều vụ chim trời va vào động cơ, thân vỏ máy bay ở nước ta. Hiện tượng này đặc biệt gây nguy hiểm trong quá trình vận hành và gây thiệt hại tài chính tới các hãng bay khi phải sửa chữa tàu bay.

GS Nguyễn Đức Cương, Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam (VASA) cho biết, chim trời ảnh hưởng đáng kể đến an toàn bay. Đến nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này nhưng kết quả chưa đáng kể. Theo chuyên gia, tùy theo đặc điểm sinh thái và các loài chim, mỗi sân bay áp dụng giải pháp xua đuổi riêng.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Theo thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các hãng hàng không, sự cố va chạm giữa chim và tàu bay có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Dù nhà chức trách hàng không sử dụng rất nhiều biện pháp để ngăn chặn sự xâm phạm của chim trời vào khu vực sân bay nhưng chưa thực sự hiệu quả.

Vào tháng 1/2024, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM thông báo lựa chọn nhà thầu triển khai dự án "Lắp đặt thiết bị hỗ trợ xua đuổi chim bằng âm thanh trong sân bay". Theo báo cáo, tổng chi phí cho dự án này gần 400 triệu đồng. Kế hoạch nêu rõ dự án kể trên sẽ lắp đặt 8 thiết bị hỗ trợ xua đuổi chim bằng âm thanh của các loài chim săn mồi.

Hiện việc gắn thiết bị phát âm thanh đuổi chim được triển khai ở nhiều sân bay khác trên toàn quốc. Sân bay Nội Bài (Hà Nội) hiện sử dụng âm thanh của các loài chim săn mồi gắn trên xe bán tải, còn sân bay Cát Bi (Hải Phòng) dùng xe cứu hỏa để xua đuổi.

Các sân bay cũng tổ chức nạo vét mương trong khu bay nhằm giảm thiểu nguồn thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, để chim không dừng chân trong quá trình di cư. Cỏ cũng được cắt thường xuyên, tránh thu hút chim đến tìm kiếm thức ăn.

Huy Văn/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn