Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Cảm hứng Mekong

Tấm gương nghị lực của nữ tiến sĩ đồng bào Khmer

Tấn Khoa : Thứ sáu 23/12/2022, 14:34 (GMT+7)

Hành trình chinh phục con chữ vẫn còn lắm gian nan với không ít học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc vùng sâu vùng xa tại ĐBSCL.

Thế nhưng, không đầu hàng trước số phận, cách đây hơn 30 năm, tại vùng quê của tỉnh Sóc Trăng, có một cô gái nhỏ người đồng bào Khmer vẫn ngày ngày đi bộ men theo con đường quê để đến lớp học, dẫu cho đường sình lầy, dẫu cho tấm áo ướt nhem vì quãng đường xa. Sau nhiều năm, cô gái bé nhỏ ngày nào giờ đã trở thành nữ Tiến sĩ người Khmer đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng...

Chuyên mục Cảm hứng Mekong có cuộc gặp gỡ với Tiến sĩ Kim Thanh Tuyên – Giáo viên bộ môn tiếng Anh của Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng!

Tiến sĩ Kim Thanh Tuyên – Giáo viên bộ môn tiếng Anh của Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, TP Sóc Trăng - Ảnh baosoctrang

Tiến sĩ Kim Thanh Tuyên – Giáo viên bộ môn tiếng Anh của Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, TP Sóc Trăng - Ảnh baosoctrang

PV: Mến chào cô Tuyên! Thưa cô, chương trình có giới thiệu đến quý thính giả về nơi công tác chính của cô là Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai tại TP Sóc Trăng, còn cụ thể hơn về môi trường công tác hiện nay thì xin mời cô có thể chia sẻ thêm ạ!

Cô Kim Thanh Tuyên: Hiện tại, cô là giáo viên cơ hữu của Trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai, cô công tác ở trường đúng 20 năm. Ngoài ra, cô có ký hợp đồng thỉnh giảng với Trường Đại học Cần Thơ và trường Hội nhập quốc tế iSchool.

Như vậy, mỗi ngày, trước tiên cô cố gắng hoàn thành công việc ở nơi cơ hữu của mình trước, Ban Giám hiệu giao nhiệm vụ gì thì cô sẽ hoàn thành nhiệm vụ đó. Sau đó, cô sắp xếp hoàn thành những chương trình thỉnh giảng ở bên ngoài.

PV: Được biết, trước khi đến với cột mốc hiện tại trong công việc và cuộc sống, cô đã trải qua một tuổi thơ với không ít những khó khăn... Xin mời cô chia sẻ nhiều hơn về hành trình chinh phục con chữ của mình!

Cô Kim Thanh Tuyên: Đúng rồi em, cô sinh năm 1980. Khoảng thời gian đó, đời sống người dân rất khó khăn, đặc biệt là người dân ở quê cô, bởi vì chỗ cô sinh ra là bà con người dân tộc và đa số các em nhỏ không được đến trường.

Tuy nhiên, cô rất thích đi học, xin mẹ đi học sớm. Mới 5 tuổi mà đã đi học rồi, vô lớp cũng theo kịp bài, thầy cũng cho lên lớp. Lên lớp 4, cô hay bệnh vặt, mẹ thấy cô đi học sớm nên cũng cho nghỉ học 1 năm rồi đi học tiếp. Quá trình đi học khá khó khăn vì cô không có ba. Cô mồ côi ba từ khi 4 tháng tuổi...

PV: Rồi qua giai đoạn đó, đến khi học tiếp những lớp cao hơn thì hành trình đến trường của cô như thế nào?

Cô Kim Thanh Tuyên: Qua giai đoạn lớp 4, sức khỏe của cô khỏe hẳn rồi, mẹ chuyển trường cho cô học tại trường Mỹ Xuyên, cô được tiếp cận học tiếng Anh... Lớp 9, cô đậu được thủ khoa.

Quá trình đi học khá khó khăn, nhà rất xa khoảng 5-6 km, đường xấu, đá to, bụi mịt mù, cô tự chạy xe đạp đi một mình. Sau đó, cô đậu lớp chọn trường THPT Mỹ Xuyên và làm lớp trưởng đến năm lớp 12.

PV: Được biết sau khi học xong lớp 12, cô Tuyên tiếp tục học đại học, lấy bằng cử nhân rồi tiếp tục học Thạc sĩ và hiện giờ cô đã có bằng Tiến sĩ trong tay. Ký ức của cô về hành trình đó như thế nào?

Cô Kim Thanh Tuyên: Giai đoạn học Tiến sĩ rất cực nhọc, chi phí sinh hoạt chỉ có 360 USD thôi mà sống ở nước ngoài, nên cô phải đi làm thêm. Vả lại có mang theo con nhỏ nên phải sắp xếp thời gian khá cực nhọc, nhưng cô vẫn cố gắng vượt qua. Đến giai đoạn gần bảo vệ luận văn, năm cuối Tiến sĩ, cô lại có bé nhỏ. Với trách nhiệm, cô không thể bỏ học được...

Cô vẫn cố gắng sinh con cho ông xã để cân bằng hạnh phúc gia đình. Khi mang thai, cô ở Việt Nam được 3 tháng đầu rồi cô trở về Malaysia học. Ở đó rồi tới ngày sinh, cô mới trở về Việt Nam để sinh, sau 3 tháng thì cô lại trở về Malaysia tiếp và hoàn thành chương trình.

PV: Trong một hành trình dài nỗ lực không ngừng, đâu là động lực để cô luôn cố gắng và không từ bỏ?

Cô Kim Thanh Tuyên: Có một động lực rất lớn, đó là cô có một người mẹ. Mình nghĩ rằng mình là nơi nương tựa của mẹ lúc tuổi già, không ai chăm sóc.

Do đó, dù cho có bệnh một chút thì cũng cố gắng vượt qua, luyện tập. Phải trở về tỉnh để dạy phục vụ lại cho những thời gian đã ký cam kết trước khi đi học. Lúc nào cũng phải vượt qua những khó khăn để có được ngày hôm nay.

PV: Nhiều người biết đến cô Tuyên với câu chuyện nghị lực của “nữ tiến sĩ người Khmer đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng”. Thông qua chương trình, cô muốn gửi đi thông điệp gì?

Cô Kim Thanh Tuyên: Cô muốn các em dân tộc Khmer đừng nghỉ học sớm, ít nhất cũng cố gắng học hết lớp 9 để mình có thể đọc được, hiểu được. Sau đó, mình có thể đi học nghề, có thể đi làm, tự lo cho cuộc sống của mình.  

PV: Xin cảm ơn cô Tuyên đã dành thời gian chia sẻ cùng chương trình! Mến chúc cô nhiều sức khỏe, công tác tốt và sẽ luôn là tấm gương về tinh thần hiếu học cho nhiều thế hệ học sinh!

uom-mam-tuong-lai

Mồ côi ba khi còn nhỏ, cô Tuyên được mẹ dạy tính tự lập từ rất sớm. Hành trình mỗi ngày đến trường của cô bé 5 tuổi là những hôm lội bộ trên con đường sình lầy, nhiều kênh rạch. Cô tập quen với cách bám lấy bờ ruộng hay ở chỗ bờ kè có cây thì phải bám lấy để không bị ngã. Cô nghe lời mẹ dặn, hôm nào cũng tới trường một cách an toàn, tuy nhiên áo quần lúc nào cũng bị ướt đẫm vì nhiều khi bị trượt chân. Trong ký ức của cô, trường học ngày ấy chỉ có 2 phòng học được che bằng lá, tường thì đắp bằng đất. Cô cố gắng đi học, lúc nào cũng đứng đầu lớp và được thầy cô rất tin tưởng.  

Những năm tháng đó, đời sống còn vất vả, ăn uống không đủ chất dinh dưỡng nên cô thường hay bị bệnh vặt. Vậy là cứ học rồi lại nghỉ vì sức khỏe không cho phép, nhưng may mắn là cô học giỏi, vẫn đến trường thi đủ buổi, điểm cũng đủ tốt nên thầy cô giáo cho lên lớp.   

Cô đam mê học tiếng Anh nên tự học vì ngày đó không có học thêm hay trung tâm chuyên ngoại ngữ như bầy giờ. Rồi cô đậu đại học Cần Thơ, lớp Sư phạm Tiếng Anh K24. Năm 2022, cô ra trường và may mắn được về trường chuyên công tác. Cô Tuyên kể: Thời điểm đó, giáo viên cũng ít lắm, Ban Giám hiệu phân công việc gì thì cô cũng cố gắng hoàn thành.

Tới năm 2008, cô thi đậu Thạc sĩ và đến năm 2010 thì cô tốt nghiệp Thạc sĩ. Cô vẫn trở về công tác tại trường THPT chuyên Nguyễn Thị Minh Khai. Như một cái duyên, sự cảm mến sau quá trình gắn bó cùng trường, nên sau khi đi học Tiến sĩ ở nước ngoài theo đề án Mekong 1000, cô trở về và tiếp tục chọn ngôi trường quen để công tác. Cô mang theo bên mình tinh thần cống hiến cho hoạt động giáo dục tại tỉnh nhà, chăm lo cho các em học sinh, chăm lo đội tuyển học sinh giỏi.  

Khi được hỏi rằng quyết tâm nào giúp cô hoàn thành hết chương trình học Thạc sĩ rồi đến Tiến sĩ mà không chọn phương án “duy trì công việc ổn định” khi mới về công tác tại trường chuyên, cô Tuyên chia sẻ vì từ nhỏ, xung quanh cô, bà con người dân tộc được đi học rất ít nên cô cảm thấy mình cần có trách nhiệm với dân tộc của mình. Cô muốn tôn vinh dân tộc mình... Theo cô, bản thân có kiến thức để thứ nhất là dạy cho con cái, dạy cho thế hệ mai sau và cũng là tấm gương tốt cho cộng đồng người Khmer. 

"Ở quê cô, đâu có ai đi học nhiều đâu... Hồi xưa chỉ có cô đi học thôi. Các bạn, các em nhỏ nghỉ học sớm, đi làm ruộng. Như vậy, cô nhận thức được rằng: Mình không có gì cả, chỉ có đi học mới có thể thay đổi được cuộc sống của con người. Có muốn đó là động lực lớn nhất để cho đồng bào dân tộc Khmer nhìn thấy được mình vẫn có thể đi học được như vậy".

Theo thầy Nguyễn Hoàng Nam - Hiệu trưởng Trường Hội nhập Quốc tế iSchool Sóc Trăng, nơi cô Tuyên đang dạy thỉnh giảng: Ở trường có giáo viên người nước ngoài tham gia công tác giảng dạy, nhưng cô Tuyên vẫn luôn chứng tỏ được năng lực của mình. Cô dạy nhiều cấp độ, luyện tiếng Anh cho học sinh, bồi dưỡng học sinh giỏi, cho đến cả những em học sinh còn yếu kém. Sự tâm huyết, nhiệt tình của cô Tuyên được nhà trường cũng như phụ huynh ở địa phương đánh giá rất cao.

"Khi tôi về làm hiệu trưởng trường iSchool thì tôi có mời cô Tuyên về dạy thỉnh giảng. Cô là người rất nhiệt tình, tâm huyết, quan tâm đến chất lượng giáo dục. Cô được phụ huynh ở địa phương và các em học sinh đánh giá rất cao về năng lực chuyên môn cũng như sự tâm huyết đối với học sinh. Cô dành rất nhiều thời gian để đầu tư cho bài giảng và tập trung vào từng đối tượng học sinh khác nhau, làm sao để các em phát triển năng lực tiếng Anh của mình. Đồng thời, cô cũng hỗ trợ cho trường, giúp cho công tác đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh".  

Trong nhịp phát triển của xã hội, cánh cửa đến trường ngày càng rộng mở với mọi người. Câu chuyện của Tiến sĩ Kim Thanh Tuyên đã trở thành nguồn động lực lớn không chỉ cho các bạn học sinh người đồng bào Khmer mà còn cho tất cả những bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những người trẻ vẫn đang trên hành trình trau dồi tri thức và còn có những bậc phụ huynh đang nuôi dưỡng ước mơ học tập của con em mình:

"Sau khi nghe câu chuyện của cô Tuyên, em cảm nhận giá trị của giáo dục không chỉ riêng với thế hệ trẻ mà với tất cả mọi người đều mang giá trị rất lớn về mặt kiến thức, nhận thức về cuộc sống... Em cảm nhận được những khó khăn trong hành trình mà cô đã đi qua. Đó như một ngọn lửa sống, tiếp lửa cho em để em có thể đối diện với những khó khăn sắp tới hoặc hành trình tiếp theo mà em sẽ đi trong tương lai"

 "Con gái của mình đang học lớp 12 và cuộc sống của gia đình mình cũng còn nhiều khó khăn. Câu chuyện của cô Tuyên là một trong những động lực để mình cố gắng... Cố gắng là nguồn điểm tựa cho con, cả về vật chất lẫn tinh thần để con được học đến nơi đến chốn, để con có tương lai tươi sáng hơn".

 

Tấn Khoa /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.