Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Sài Gòn sống và yêu: Kỳ tích khu đô thị mọc lên từ đầm lầy

Khương An - Diễm Thúy: Thứ tư 10/07/2024, 14:46 (GMT+7)

Sau ngày thống nhất đất nước, khu vực bờ Nam rạch Kênh Tẻ (quận 7 - Nhà Bè) vẫn là vùng đầm lầy, ruộng nước hoang vu. Với nhiều người thành phố khi đó, nơi này đã là vùng đất tận cùng của Sài Gòn, ít ai muốn đến đây sinh sống.

Nhưng có ai ngờ rằng, hơn 30 năm sau, vùng đất Nam Sài Gòn trở nên sầm uất với trung tâm là khu đô thị Phú Mỹ Hưng khang trang, hiện đại và được công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam. 

Vùng bưng biền năm xưa. Ảnh: Dân trí

Vùng bưng biền năm xưa. Ảnh: Dân trí

Theo nhiều tư liệu và ký ức của các bậc cao niên, những năm sau 1975, khu vực quận 7 – Nhà Bè vẫn còn là vùng đất hoang vu, đồng ruộng bao la, cảnh vật như ở một vùng quê Nam bộ nghèo khó. Hệ thống kênh rạch chằng chịt nhưng lại thiếu cầu đường kết nối nên cả vùng bị chia cắt, ai muốn đến đây đều phải đi bằng ghe thuyền.

Đồng ruộng thì bị nhiễm phèn, không con gì cây gì sống nổi, ngoại trừ lúa độc canh một vụ và những con cá lóc nhỏ, cá sặc bé chịu được phèn chua và nắng gắt. Điều này kéo theo đời sống người dân vô cùng khó khăn vì kinh tế không thể phát triển, dù nơi đây cách trung tâm Sài Gòn chỉ vài km đường chim bay. Đó cũng là điều trăn trở của chính quyền TP. HCM suốt gần 20 năm sau ngày giải phóng.

Để "mở cửa" nền kinh tế, TP.HCM đã nỗ lực tìm kiếm, kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài. Năm 1993, công ty Phú Mỹ Hưng (tập đoàn CT&D) được cấp phép đầu tư khai thác 750ha của vùng Nam Sài Gòn. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương (đại diện là Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận IPC) và chủ đầu tư đã dẫn đến sự ra đời của nhiều dự án như Khu chế xuất Tân Thuận, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Nhà máy Điện Hiệp Phước …

Đây đều là những dự án kinh tế trọng điểm, mang tính tiên phong trong hợp tác đầu tư với nước ngoài, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa vùng đất phía Nam thành phố và là tiền đề của dự án Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Phú Mỹ Hưng mọc lên từ đầm lầy, là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.

Phú Mỹ Hưng mọc lên từ đầm lầy, là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước.

Đề án đại lộ Nguyễn Văn Linh cũng mở ra ý tưởng về việc phát triển những cụm đô thị dọc theo tuyến đường này. Chính quyền thành phố và chủ đầu tư đã hiện thực hóa ý tưởng đó bằng việc tổ chức cuộc thi Quy hoạch quốc tế Nam Sài Gòn vào năm 1993, thu hút nhiều công ty thiết kế nổi tiếng trên thế giới tham gia.

Một nhóm tư vấn quy hoạch quốc tế có tiếng như Công ty Skidmore, Owings & Merrill (Mỹ), Kenzo Tange & Associates (Nhật Bản) và Koetter Kim & Associates (Mỹ) đã tham gia lập quy hoạch chung đô thị Nam Sài Gòn. Năm 1994, Quy hoạch tổng thể đô thị mới Nam Sài Gòn được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt.

Tháng 7/1996, Công ty Phú Mỹ Hưng bắt đầu xây dựng những cơ sở hạ tầng đầu tiên của khu đô thị bằng những kỹ thuật và công nghệ tốt nhất ở thời điểm đó.. . Do xây dựng trên vùng đầm lầy, kênh rạch chằng chịt nên việc thi công cần nhiều vật liệu so với những nơi khác để bù lún, gia cố nền... Tại một số khu vực, phương án thi công thực hiện bằng giải pháp khoan các cọc bêtông cốt thép và các cầu trên tuyến sử dụng dầm dự ứng bêtông đúc sẵn... giúp ổn định và tăng tuổi thọ công trình... Từng giai đoạn của dự án đều được các cơ quan chuyên ngành của thành phố và trung ương kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

BDTG Phu My hung 3


Đến tháng 2/1998, giai đoạn 1 của đại lộ Nguyễn Văn Linh với 2 làn xe đi vào hoạt động, dù còn nhỏ nhưng đã phá thế bế tắc, tạo lối thông thương giữa Khu Nam Sài Gòn với vùng đô thị trung tâm. Từ đây, cả vùng đất Nam Sài Gòn “cất cánh”, dân cư bắt đầu di chuyển về đây sinh sống, thương nghiệp phát triển… Những nghi ngại ban đầu về “vùng đất không chân” với định kiến nguyên sơ là sình lầy, lún sâu, "thảy con trâu còn chìm", … đã bị xóa tan hoàn toàn.

Ông Phan Chánh Dưỡng, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) cho biết: "Cứ 7 năm đổ lên lớp, 7 năm đổ lên lớp, mà hồi đó người ta tính đổ ít nhất 7 năm một lần thì nó cứng luôn".

Đến năm 2002, đại lộ Nguyễn Văn Linh tiếp tục được mở rộng thành 4 – 6 làn xe, nhiều tuyến đường nhánh trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng được mở kết nối với các khu dân cư lân cận như quận 4, Nhà Bè, Bình Chánh… Những khu phố được quy hoạch bài bản, hiện đại được thành hình, những căn biệt thự, những tòa nhà cao tầng bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều tạo thành Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại, văn minh mang tầm quốc tế.

Nhìn lại khu đô thị sau 3 thập niên phát triển, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) và là một trong những người đóng góp cho sự thành công của Phú Mỹ Hưng – Nam Sài Gòn, chia sẻ: "Tôi đọc rất kỹ sự phát triển 300 năm của Nam Bộ, đọc rất kỹ Sài Gòn. Ngay đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi, … là dòng sông, mà đã là dòng sông thì Nhà Bè có khác gì đâu. Sau này Sài Gòn phát triển lên thì mấy dòng sông này lấp, trở thành con lộ lớn đó. Mình đi sau 300 năm, kiến thức, công nghệ của 300 năm sau này đủ sức xử lý Nhà Bè…

Cho nên bây giờ nhìn lại đường Nguyễn Văn Linh, Phú Mỹ Hưng thì chúng tôi xử lý nó trong 30 năm bằng 300 năm trước, thì điều dự kiến này đều có tính toán, thầm lặng, từng bước, thuyết phục và lãnh đạo vô cùng ủng hộ mình".

Ông Phan Chánh Dưỡng còn cho biết, đề xuất làm Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cái đầu tiên các ông nghĩ đến là trường học và thành phố của thiên nhiên. Mọi người thường nói thành phố tới đâu, thiên nhiên lùi tới đó. Nhưng Phú Mỹ Hưng ngay từ bản vẽ thiết kế ban đầu, đã không như thế. Sau gần 30 năm, khu đô thị vẫn giữ được tâm huyết này của những người mở đường và màu chủ đạo của Phú Mỹ Hưng là màu xanh.

Từ những năm 2000 - 2008, nhiều công trình tiện ích được xây dựng và đi vào hoạt động như Trung tâm thương mại Crescent Mall, hồ Bán Nguyệt, cầu Ánh Sao, Bệnh viện FV, Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), công viên Cảnh Đồi, công viên Nam Viên… cùng với nhiều hoạt động cộng đồng được tổ chức  đã mang lại đời sống sinh động cho khu đô thị. Năm 2008, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng được Bộ Xây dựng công nhận là khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam. 

Công viên bờ hồ Bán Nguyệt - Phú Mỹ Hưng

Công viên bờ hồ Bán Nguyệt - Phú Mỹ Hưng

Với không gian thoáng mát, một không khí trong lành với nhiều cây xanh và mặt nước, Phú Mỹ Hưng còn được biết đến là một điểm đến văn hóa, giải trí, kết nối cộng đồng giúp cho đời sống tinh thần của người dân thành phố trở nên phong phú hơn.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, sống tại quận 7, chia sẻ: "Phú Mỹ Hưng là một môi trường rất đáng sống. Môi trường làm mình rất dễ chịu từ việc học, sinh hoạt của gia đình, con cái … Phú Mỹ Hưng là nơi mình chọn. Nó có trường học, khu trung tâm thương mại, công viên để mình đi bộ buổi sáng tập thể dục, rồi cung đường cũng đẹp nữa, hồ, ao sen… làm cho mình đi vào công viên đó cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái, thư giãn".

Sự xuất hiện của đô thị Phú Mỹ Hưng trong những năm 1990 được xem như là “cú hích” khởi động quá trình phát triển mạnh mẽ của Khu Nam Sài Gòn trong ba thập niên qua, đưa quận 7 trở thành địa phương có tốc độ đô thị hóa “chóng mặt” nhưng vẫn tuân thủ quy hoạch chặt chẽ, không phát triển tự phát, manh mún như các địa phương khác. Từ vùng đất hoang sơ đầy sình lầy không ai muốn đến, Phú Mỹ Hưng là kỳ tích của khu vực Nam Sài Gòn sau 30 năm phát triển và hiện là nơi sống mơ ước của biết bao người.

SỐNG Ở SÀI GÒN: Những khu nhà tái định cư “cô đơn” nơi phố thị

Sài Gòn – TPHCM hiện có nhiều dự án tái định cư hỗ trợ cho người dân nằm trong diện bị giải tỏa, thu hồi đất. Tuy nhiên, ẩn chứa đằng sau những tòa nhà cao tầng ấy là câu chuyện buồn về những căn hộ bị bỏ hoang, trở thành “bóng ma” trong lòng thành phố.

Giữa một siêu đô thị “đất chậc người đông” như Sài Gòn - TPHCM, người dân “khát” nhà nhưng vì sao lại không mặn mà với nhà tái định cư, thậm chí nhiều người còn “quay lưng” rời bỏ chính căn nhà mà mình đã nhận? Làm thế nào để “đánh thức” loại hình này để tránh lãng phí tài nguyên đất đai, cải thiện nguồn cung nhà ở, nâng cao đời sống cho cư dân phố thị.  

Khu tái định cư Bình Khánh (TP.Thủ Đức) đìu hiu, từng được làm nơi điều trị và cách ly tập trung cho các ca nhiễm COVID-19.

Khu tái định cư Bình Khánh (TP.Thủ Đức) đìu hiu, từng được làm nơi điều trị và cách ly tập trung cho các ca nhiễm COVID-19.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện toàn thành phố có gần chín nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Những tòa nhà cao tầng, được đầu tư xây dựng hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí nằm ở vị trí “đất vàng” của thành phố nhưng bị bỏ trống hàng chục năm qua, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng: tường bong tróc, thấm nước, sàn gạch thì vỡ vụn… bên ngoài cỏ mọc um tùm, nhiều nơi biến thành vườn rau hay bãi tập kết rác… Có những dự án tái định cư người dân đã về ở nhưng tỷ lệ lấp đầy cũng rất thấp, diện tích kinh doanh dịch vụ thì cũng “ế khách”, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.

Đơn cử như khu tái định cư trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) hay khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Huyện Bình Chánh)… Ngược dòng thời gian trở về với những năm 2020 – 2021, dịch Covid 19 bùng phát, khu tái định cư “le lói” sáng đèn khi được thành phố tận dụng làm bệnh viện dã chiến, thu dung và điều trị cho bệnh nhân Covid. Sau dịch, mọi thứ trở về với hiện trạng vắng vẻ như xưa, những khu tái định cư tiếp tục “cô đơn” giữa lòng thành phố và ngày ngày “mong ngóng” cư dân.   

Đường vào khu tái định cư Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh xuống cấp nghiêm trọng: mặt đường ngập nước, ổ gà ổ voi

Đường vào khu tái định cư Vĩnh Lộc B, Huyện Bình Chánh xuống cấp nghiêm trọng: mặt đường ngập nước, ổ gà ổ voi

Nhà tái định cư là một trong những chính sách của Nhà nước nhằm bồi thường, “bù đắp” những tổn thất về chỗ ở cho người dân bị thu hồi đất và nhà ở trên đất. Song, nhiều người dân thành phố vẫn không mặn mà với nhà tái định cư bởi nhiều nguyên nhân. Hầu hết, những người dân nằm trong diện giải tỏa là những người có thu nhập thấp, đang phải “bám víu” vào mặt đất để mưu sinh. Nếu phải phải chuyển đến các tòa chung cư tái định cư để sinh sống sẽ ảnh hưởng đến sinh kế nên họ “từ chối”.

Bên cạnh đó, nhiều dự án ở khu vực xa trung tâm, thiếu hạ tầng kết nối và các dịch vụ tiện ích như trường học, bệnh viện, chợ… hay chất lượng nhà tái định cư nhanh xuống cấp cũng khiến cho người dân không muốn chuyển về ở. Song song đó, cũng có những hộ dân muốn tạo lập cuộc sống mới trong những căn hộ tái định cư nhưng chính những “kẽ hở” trong cơ chế bồi thường (giá đền bù thường thấp hơn thị trường) khiến họ không đủ tiền để mua suất nhà tái định cư.

Sau gần 12 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Huyện Bình Chánh) trở thành “đô thị ma” vì không có người ở

Sau gần 12 năm hoàn thành, đưa vào sử dụng Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Huyện Bình Chánh) trở thành “đô thị ma” vì không có người ở

Câu chuyện nhà tái định cư bỏ hoang là thực trạng nhức nhối đang tồn tại nhiều năm qua ở Sài Gòn – TPHCM. Mỗi năm, thành phố phải chi hàng chục tỉ đồng ngân sách để tu bổ, quản lý vận hành những căn hộ “không người ở” gây lãng phí rất lớn.

Trong khi đó, giữa lòng thành phố hàng triệu người dân nghèo đang hằng ngày chen chúc trong căn phòng trọ tồi tàn, “sống mòn” trong những căn nhà ộp ẹp ven, trên kênh rạch và “mơ” về một chốn an cư. Thiết nghĩ, đã đến lúc thành phố nên có những giải pháp quyết liệt hơn để hóa giải nghịch lý này.

Các hạng mục bên ngoài trở thành nơi bãi rác hay nơi hút chích của các con nghiện

Các hạng mục bên ngoài trở thành nơi bãi rác hay nơi hút chích của các con nghiện

Để nhà tái định cư thật sự trở thành nơi "an cư lạc nghiệp" cho những hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất, nên chăng thành phố để cho họ được tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư, được tự do lựa chọn nơi tái định cư phù hợp với nhu cầu của mình. Song song đó, thành phố cần triển khai các chính sách an sinh xã hội: đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân sau khi di dời.

Còn đối với những tòa nhà tái định cư hiện đang bỏ hoang, thành phố nên nghiên cứu cho thuê hoặc chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội để hiện thực hóa “giấc mơ” an cư của hàng triệu người thu nhập thấp nơi phố thị và góp phần hoàn thành đề án xây dựng một triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2030 mà Chính phủ đã đề ra.  

TIN YÊU

# Công trình "Vườn thông Hữu nghị" đã được khánh thành tại Khu du lịch Văn hoá Suối Tiên, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Công trình "Vườn thông Hữu nghị" do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên thực hiện, với sự tham gia của 25 Tổng Lãnh sự quán và 30 Hội Hữu nghị tại TP Hồ Chí Minh; qua đó, gắn kết bền chặt sức mạnh đoàn kết dân tộc và tình hữu nghị giữa các quốc gia trong khu vực.

Nghi lễ kéo băng khánh thành Vườn thông Hữu nghị. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Nghi lễ kéo băng khánh thành Vườn thông Hữu nghị. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Khu vườn có tổng diện tích hơn 10 ngàn m2, với hơn 700 cây thông, tọa lạc tại 2 ngọn đồi là Linh Cung Thập Nhị Giáp và Quảng trường Phúc Cung Tam Phước. Mỗi cây thông được gắn bảng tên riêng của một quốc gia cũng như mỗi bảng tên là đại diện của một nền văn hóa truyền thống độc đáo của các nước. 

# Theo đề án phát triển công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, TP đã chọn 8 lĩnh vực, ngành công nghiệp văn hóa trọng điểm để phát triển đến năm 2030 gồm điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.

Trong đó, nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh, mỹ thuật trở thành ngành dịch vụ quan trọng của thành phố. Thành phố đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa của Thành phố đạt bình quân khoảng 12%/năm, đóng góp khoảng 7-8% GRDP. 

# Sở GTVT dự kiến tiếp tục mở mới 17 tuyến buýt kết nối tuyến metro số 1 để phục vụ hành khách đi lại... Sở GTVT cũng tính toán mở thêm các bãi giữ xe máy, xe đạp cho hành khách thuận tiện khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến các bến metro.

Hiện nay dự án tuyến metro số 1 đã hoàn thành hơn 98,24% nhưng vẫn chưa đưa vào hoạt động được do những vướng mắc khách quan và chủ quan. Theo đúng lịch hẹn gần nhất là sẽ chạy thử vào tháng 11-2024 và chính thức vận hành thương mại vào cuối năm nay. 

Khương An - Diễm Thúy/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
TP.HCM nên mạnh dạn thành lập Sở chuyên trách lo chuyện cây xanh

TP.HCM nên mạnh dạn thành lập Sở chuyên trách lo chuyện cây xanh

Cây xanh là tài sản quý giá của mỗi thành phố, đặc biệt trong bối cảnh đô thị hoá và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và phát triển hệ thống cây xanh đô thị hiện nay vẫn còn nhiều bất cập do thiếu tư duy quy hoạch tổng thể.

Lòng nhân ái nên được gửi đúng chỗ

Lòng nhân ái nên được gửi đúng chỗ

Bão số 3 gây ra những thiệt hại nặng nề, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc. Lúc này đây những tấm lòng nhân ái, của cộng đồng được thể hiện qua hoạt động quyên góp, ủng hộ. Tuy nhiên, đáng buồn thay, có những kẻ lợi dụng tình hình này để lừa đảo, nhằm chiếm đoạt tài sản của người hảo tâm.

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Cứu trợ bão lũ: Ứng dụng công nghệ để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm

Hàng trăm đoàn cứu trợ tự phát từ các địa phương với hàng tấn hàng cứu trợ đã và đang lên đường. Tuy nhiên, nhiều đoàn cứu trợ tập trung ở một điểm, hàng hóa dư thừa, hư hỏng, trong khi nhiều vùng khác lại rất thiếu thốn.

Để đảm bảo an toàn khi đi lại trong điều kiện mưa lũ, úng ngập

Để đảm bảo an toàn khi đi lại trong điều kiện mưa lũ, úng ngập

Mưa lũ, úng ngập là bối cảnh người tham gia giao thông phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn. Lái xe trong điều kiện này là việc không đơn giản, ngay cả với những người cầm lái nhiều năm và có thể gây nguy hiểm nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng.

800 em nhỏ ở các Mái ấm tham gia chương trình “Nụ cười đêm trăng”

800 em nhỏ ở các Mái ấm tham gia chương trình “Nụ cười đêm trăng”

Chiều 14/9, tại Công viên Văn hoá Đầm Sen, gần 800 trẻ em từ 20 Mái ấm, Cô nhi viện, Lớp học tình thương.... cùng tham gia những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Nụ cười đêm trăng”. Chương trình do CLB Những người bạn tổ chức cùng sự đồng hành của Hội Phụ nữ Từ thiện TP.HCM.

Đằng sau những mùa mía đắng

Đằng sau những mùa mía đắng

Trong khi cả nước ghi nhận giá đường tăng cao và diện tích vùng nguyên liệu được mở rộng thì tại miền Tây, “cục diện” ngành đường khá u ám. Toàn vùng hiện nay chỉ còn 2 nhà máy đường hoạt động. Trong khi nông dân chọn chuyển đổi giống cây trồng cho kinh tế cao....

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Cứu trợ thiên tai, nên làm gì và làm thế nào?

Những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân đã và đang tổ chức các hoạt động cứu trợ người dân bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3. Những nghĩa cử cao đẹp này đã giúp người dân và chính quyền ở các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua những khó khăn ban đầu.