Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện trò trên phố

Rộn ràng vị Tết ở làng “xôi tiến vua”

Hoàng Anh: Thứ sáu 20/01/2023, 09:00 (GMT+7)

Ven sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội vài cây số, có một ngôi làng rất đặc biệt. Cứ đến những ngày cận Tết là cả làng rộn ràng như mở hội. Một trong những đặc sản của làng là món xôi thượng hạng, còn được gọi là “xôi tiến vua”.

Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, khoảnh sân trước nhà bà Công Thị Mão lại biến thành điểm nhộn nhịp, đông vui nhất làng Phú Gia, quê hương của món xôi Phú Thượng trứ danh đất Hà Thành.

Người thì tuốt lá dong từ Sơn Tây, người ninh ngô nhập từ Lạng Sơn, người xếp các bao gạo nhung, nếp cái hoa vàng tuyển lựa kỹ càng từ Bắc Ninh, Nam Định, người phi hành, làm lạc, làm đỗ. Hết thảy đều là loại đầu bảng, được lấy về từ những vùng trồng cây ngon nhất.

Cứ đến những ngày cận Tết là cả làng rộn ràng như mở hội.

Cứ đến những ngày cận Tết là cả làng rộn ràng như mở hội.

Hộ bà Mão là một trong những nơi cung cấp nguyên liệu chính cho các hộ làm xôi truyền thống. Bà phấn khởi nói, sản xuất ngày nào là tiêu thụ hết ngày ấy: “Ngày thường người ta bán một nửa, nhưng ngày ông Công ông Táo thì gấp đôi gấp ba lên. Ví dụ xôi gấc đi được 10-15 cân/ngày thì đến ngày Tết phải 30-40 cân, nhà nhiều người thì có khi đi được 1 tạ”.

Khi được hỏi, bà Mão say sưa nói về cách làm thế nào để có một mẻ xôi ngon, thơm dẻo nức tiếng của làng mình: “Xôi thì gồm đỗ, lạc, vừng, ruốc, ngô, hành. Chuẩn bị đồ bán xôi thì thứ nhất, đỗ xanh phải ngon, đong loại bở, phải đứng đầu bảng luôn. Lạc cũng thế phải trắng hạt, củ dài hạt mới ngon. Vừng thì ngày nào trộn ngày đấy thì thơm, ngon. Hành cũng thế, phi ngày nào hết ngày đấy. Bây giờ đang có đợt mới, hành ta phi lên nó thơm ngon lắm”.

20220106_112858

Theo bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Hội làng nghề truyền thống xôi Phú Thượng, nhà nào trong làng cũng trữ cả tấn gạo để phục vụ mùa Tết. Ước tính hiện Hội làng nghề có hơn 400 hội viên, nếu tính cả những người theo nghề nhưng chưa gia nhập hội thì có khoảng 700-800 người.

Bà Loan tự hào khi nói về việc xôi Phú Thượng vẫn bán được đều, ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch hoành hành mấy năm qua. Các sản phẩm xôi vò chè đường, xôi ngũ sắc và xôi xéo Phú Thượng được Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) công nhận xếp hạng 4 sao, tức là sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. “Người ta có câu ví ‘Làng Gạ có gốc cây đề, có sông tắm mát, có nghề nấu xôi’. Nghề nấu xôi truyền thống cha ông để lại bao đời nay, xôi Phú Thượng có đặc sắc là để từ sáng đến chiều vẫn dẻo”.

20220106_112851
20220106_113350

Chính vì sự kỹ càng trong chuẩn bị nguyên liệu, quá trình đồ xôi và bảo quản, những mẻ xôi dẻo, hạt căng mọng Phú Thượng đã len lỏi khắp các giai tầng trong xã hội, trở thành một thức quà phổ biến từ cung đình tới ngoài chợ, từ khách sạn cao cấp tới những gánh hàng rong vỉa hè.

Bà Nguyễn Thị Loan chia sẻ, nếu chịu thương chịu khó theo nghề, nghề xôi sẽ không phụ người, có thể đem lại mức thu nhập tương đối khá. Và cũng chính vì giữ được nghề nên nhân dân trong làng có người đã từ bỏ các nghề nghiệp khác như văn phòng, kế toán về theo nghiệp bán xôi.

“Nhiều nhà nhờ xôi mà nuôi con đi học đại học, không đi chợ mà cũng xây được cửa được nhà. Đấy nhờ xôi đấy, người ta dành dụm được, xây nhà cửa, nuôi được con. Nói chung là được”.

20220106_112914

Nếu có dịp đi qua những con ngõ nhỏ trên khu vực phố cổ Hà Nội, có thể người dân sẽ bắt gặp những gánh xôi vỉa hè khách bu kín. Thông thường, chỉ bán vài tiếng buổi sáng là hết hàng, thậm chí có người xếp hàng muộn cũng không còn xôi để mua.

Đơn cử như tại con ngõ nhỏ trên phố Bát Đàn. Gánh xôi ấy do nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, thuộc làng nghề truyền thống Phú Thượng, ngồi bán. Bà Tuyến từng được mời đến nấu xôi chiêu đãi cho các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam, như cuộc thăm của cựu Tổng thống Mỹ G.Bush tại khách sạn Sheraton hay Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Cung văn hóa hữu nghị Việt-Xô.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vừa thuần thục gói xôi cho khách, vừa trao đổi với VOV Giao thông về thương hiệu xôi tiến vua Phú Thượng:

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến bán hàng tại con ngõ nhỏ trên phố Bát Đàn

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến bán hàng tại con ngõ nhỏ trên phố Bát Đàn

PV: Thưa bà, bà có biết nghề nấu xôi Phú Thượng có từ bao giờ?

Nghề này thì tôi cũng không biết có từ bao giờ. Khi tôi lên 5, lên 7 là bà ngoại đã đi chợ. Đến đời mẹ tôi thì bảo rằng, có từ hàng trăm năm nay, chứ chính xác tôi cũng chưa biết là bao nhiêu năm.

PV: Xôi Phú Thượng được xưng tụng là thức quà “tiến vua”. Điều gì tạo nên sự đặc biệt cho sản phẩm này?

Riêng xôi truyền thống làng nghề Phú Thượng có đặc điểm nổi trội là hạt xôi bóng, mẩy, độ thơm dẻo được lâu. Các loại xôi ở nơi khác nó không có sự tinh túy như thế. Nguyên liệu thì với tôi và các chị em trong hội làng nghề thì luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải lấy loại ngon nhất, loại đầu bảng để phục vụ bà con nhân dân.

PV: Ngày xưa, xôi tiến vua sẽ được dự những dịp lễ hội, cung đình của vua chúa ngày xưa. Vậy ngày nay, những giá trị ấy có còn được lưu giữ?

Xôi Phú Thượng được mệnh danh là xôi tiến vua từ rất lâu rồi. Ngày xưa với xôi chỉ chủ yếu làm trong những ngày lễ, tết, những ngày trọng đại của đất nước, ngày hội mới có. Nhưng bây giờ, có tiếng và sức lan tỏa, thì xôi Phú Thượng không chỉ là món quà sáng, mà còn phục vụ cho tất cả nhà hàng, khách sạn, rồi còn vinh dự được phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đấy.

PV: Theo bà, nghề làm xôi có ý nghĩa như thế nào với người làng?

Nghề xôi thì không cần học cao, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó, có sức khỏe, vẫn làm ra được loại xôi ngon. Tuy thu nhập không cao, nhưng khách biết đến nhiều thì việc đi nấu xôi thế này vẫn tích lũy cho con ăn học đến nơi đến chốn. Hoặc tiết kiệm hơn nữa thì xây được cả nhà.

20230105_093017

PV: Trong dịp Tết Nguyên đán, những sản phẩm nào sẽ bán chạy?

Những dịp Tết thì bà con nhân dân Hà Thành rất chú trọng ngày rằm tháng 12, và ngày ông Công ông Táo, và ngày 30 Tết. Số lượng xôi Phú Thượng chú trọng sẽ không chỉ xôi xéo, xôi ngô, mà còn làm nhiều xôi lá nếp cẩm, ngũ sắc, hoàn toàn an tâm về chất lượng vệ sinh ATTP. Ngày 30 thì lượng xôi phải gấp 4-5 lần các ngày thường. Bà con vẫn chú trọng lễ tết cúng tổ tiên với xôi sắc màu không cần đến phụ gia, nhu cầu rất lớn.

PV: Để phát huy nghề truyền thống, rất cần giới trẻ nối nghề, việc này có diễn ra thuận lợi ở Phú Thượng?

Bây giờ cũng có nhiều bạn trẻ đã làm quảng bá xôi này rất tốt. Không chỉ bán như chúng tôi ngồi vỉa hè như thế này mà còn mở nhà hàng, bán trên mạng cho rất nhiều nhà hàng, khách sạn lớn. Cánh trẻ cập nhật thông tin tốt, bán được các loại xôi với số lượng lớn, không chỉ ở Hà Nội đâu mà ship khắp các tỉnh thành. Bây giờ có nhiều bạn trẻ đã thổi hàng tạ xôi ngũ sắc để phục vụ ông Công ông Táo về chầu trời.

PV: Tôi để ý, nghệ nhân Tuyến hoàn toàn có thể có điều kiện để mở cửa hàng, nhưng tại sao bà vẫn ngồi ở một ngõ nhỏ, mang một không khí Hà Nội rất duyên dáng như thế này?

Chủ yếu xôi Phú Thượng là xôi truyền thống, từ xưa đến nay, cho dù thời đại 4.0, bán online phát triển thế nào, thì bán xôi vỉa hè đã đi vào lòng người dân từ xưa đến nay rồi. Cứ cha truyền con nối thôi. Khi mình không còn sức nữa thì vẫn có nhiều truyền nhân vẫn ngồi vỉa hè, vẫn phục vụ đơn giản nhưng rất truyền thống.

Tôi là đời thứ tư. Sau đời tôi, con gái con dâu cũng có thể làm. Sau này, số lượng khách đặt lớn thì các cháu bé 7-9 tuổi đã làm được rất nhiều việc lặt vặt, các cháu cũng làm được, đỡ nhiều việc nhỏ, xếp lá, các cháu đều sốt sắng làm; đó cũng là những truyền nhân của tôi trong tương lai.

PV: Xin cảm ơn nghệ nhân xôi Nguyễn Thị Tuyến

Với những chia sẻ của các hội viên, nghệ nhân thuộc Hội làng nghề truyền thống Phú Thượng, chúng ta đã phần nào hình dung được một thức quà được mệnh danh là “xôi tiến vua”. Dù có cái tên rất sang trọng nhưng lại là một món ăn bình dân, mọi tầng lớp, từ sinh viên, nhân viên văn phòng tới giới thượng lưu cũng đều có thể tiếp cận dễ dàng.

Có lẽ, ngoài sự thơm, dẻo, vị ngon độc đáo, xôi Phú Thượng lan tỏa xa rộng được như ngày nay cũng bởi đã mang được hồn cốt, sự tinh tế, tài hoa, chăm chỉ và đôn hậu của người dân Hà Thành. Tết này, sẽ thật tuyệt nếu trong mâm cỗ nhà bạn có một đĩa xôi tiến vua như thế!

Hoàng Anh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, số lượng taxi truyền thống ở Singapore đang ngày một ít đi. Điều này gây ra không ít khó khăn với những người không có thói quen sử dụng ứng dụng, nhất là người cao tuổi.

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Ngày 20/4, tại TP.HCM, Bệnh viện FV đã tổ chức buổi hội nghị Tim Mạch thường niên lần 2 với chủ đề “Điều trị Bệnh Tim Mạch: Hiện tại và tương lai” với nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tham dự nhằm chia sẻ những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán, điều trị.