Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Phố thơm mùi cốm

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 12/10/2024, 10:28 (GMT+7)

Ai là người đầu tiên nghĩ ra việc dùng cốm để làm quà cưới? Không nhớ rõ. Chỉ biết là từ lâu, phố Hàng Than đã được gọi là “phố cưới hỏi”. Chẳng những vậy, không chỉ vào mùa thu, phố thơm mùi cốm quanh năm.

Empty

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Hàng Than có con dốc ở đầu phố khá cao, trong dân gian gọi đây là phố Dốc bụi than. Tính từ ngã sáu Hàng Đậu lên đê Yên Phụ, con phố này chỉ dài độ 400 mét nhưng lại cất giữ bí quyết làm bánh cốm gia truyền, thức quà đặc sắc của đất Hà thành.

Hầu hết các nhà trên phố Hàng Than đều kinh doanh mặt hàng này. Xuyên qua lớp tủ kính là san sát những hộp bánh hình khối vuông vức cùng giấy trang trí nổi bật. Nhiều nhà còn bán cốm tươi gói lá sen ngay trên vỉa hè. Nắng lên, cả phố long lanh như bức tranh ngày hội. 

“Mùa thu nào mình cũng ăn bánh cốm cả. Khi ăn bánh cốm mình sẽ nhận ra đấy là mùa thu của Hà Nội rồi. Hương vị dịu dàng, ngọt và dẻo. Mình nghĩ vào mùa thu Hà Nội mọi người nên thử bánh cốm đây ít nhất là một lần”.

“Bánh cốm là đặc sản của Hà Nội đấy, và vào mùa thu là ngon nhất. Hàng Than có rất nhiều hàng, cô cảm nhận bánh cốm chỉ có ở dốc 11 Hàng Than mới chuẩn đúng vị”.

“Ngày xưa ở số 11 Hàng Than bánh cốm rất ngon nhưng bây giờ bánh cốm Hàng Than không được như xưa nữa. Mà trên đấy cũng có nhiều hàng bánh cốm cứ lấy tên na ná như Nguyên Ninh”.

Empty

Quả thật, hầu hết các hàng bánh cốm trên phố đều có tên gọi na ná nhau, như Nguyên Ninh, An Ninh, Bảo Minh,... Xuất hiện dày đặc hơn cả là biển hiệu màu xanh lá sen có in dòng chữ “Nguyên Ninh” đỏ thẫm. Không rõ đâu là chính gốc, nhưng người dân trên phố đều tin rằng cửa hàng số 11 Hàng Than mới là cái nôi của bánh cốm.

Ấy là niềm tự hào của dòng họ Nguyễn Duy, là động lực để anh Nguyễn Duy Mạnh, sinh năm 1983, tiếp nối truyền thống làm bánh cốm trăm năm của gia đình:

“Nguồn gốc thương hiệu Nguyên Ninh bên mình bắt đầu từ năm 1865, do cụ Trần Thị Luân, tức cụ trưởng ái đã làm ra bánh cốm đầu tiên và đặt tên là Nguyên Ninh. Nguyên Ninh nghĩa là gì? Nguyên là nguồn, Ninh là làng Yên Ninh xưa, một phần của Hồ Tây. Cụ đặt tên ấy để nhắc nhớ con cháu về nguồn gốc gia đình.

Bánh nhà mình đặc biệt hơn so với nhà khác ở chỗ làm toàn bộ bằng nguyên liệu tự nhiên, không chất bảo quản nên chỉ để được ngắn ngày. Bánh được làm từ nguyên liệu tự nhiên nhất, đơn giản nhất, thô sơ, bình dân nhất. Hiện nhà chỉ tập trung vào thế mạnh là bánh cốm, bánh xu xê và một số sản phẩm quà khác như bánh chả, bánh khảo và bánh đậu xanh..."

Ai là người đầu tiên nghĩ ra việc dùng cốm để làm quà cưới? Không nhớ rõ. Chỉ biết là từ lâu, phố Hàng Than đã được gọi là “phố cưới hỏi”. Nhà văn Thạch Lam từng ví von: “Hồng cốm tốt đôi ... Màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già. Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền”.

Tục lệ ấy đến bây giờ vẫn vẹn nguyên trong ký ức của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: 

“Các gia đình khi mà biếu quà cưới cho hàng xóm, cho người thân bạn bè thì bao giờ cũng kèm theo trầu cau, cặp bánh phu thê (xu xê) hoặc là bánh cốm. Bánh cốm được đưa vào trong đám hỏi, đám cưới của người Hà Nội chưa phải quá lâu đời, chỉ mới xuất hiện ở đầu thế kỷ 20 thôi. Còn lý do vì sao người ta đưa bánh cốm vào thì bởi bánh cốm là đặc sản của Hà Nội, trông rất lịch sự, sang trọng”.

Empty

Ngày nay, nhiều cửa hàng còn cung cấp dịch vụ trọn gói cho lễ ăn hỏi và lễ cưới. Theo nghệ nhân Vũ Thị Tuyết Nhung, sự thích ứng nhanh chóng với nhu cầu thị trường đã giúp phố Hàng Than càng thêm đông đúc:

"Phố Hàng Than từ bánh cốm cũng phát triển thêm những món đồ phục vụ lễ cưới, như là bánh xu xê, mứt sen, cho thuê tráp rồi thì trầu cau têm rồng phượng. Thực ra lịch sử quà sêu ở Hà Nội cũng có những biến thiên. Ví dụ đến Rằm tháng 8 thì hay sêu hồng cốm, sêu bánh nướng bánh dẻo. Vượt qua những khó khăn của thời kỳ bao cấp, phố Hàng Than nay trở thành một tụ điểm để kinh doanh đồ cưới hỏi”.

Và nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến có thể được coi là một trong những người đầu tiên trải nghiệm dịch vụ quà sêu cưới trên phố Hàng Than, ở giai đoạn đầu thế kỷ 20: [Băng] “Ngay như chính đám cưới của mình cũng mua bánh cốm từ Hàng Than rồi mang sang nhà gái, nhà gái lại dùng chính bánh cốm ấy làm quà, phân phát cho người thân, dòng họ để báo tin rằng: Con gái tôi đã lấy chồng”.

Cũng vì tình cảm đặc biệt ấy mà chủ cửa hàng vẫn giữ lại một điểm bán trên phố Hàng Than, như nếp quen của người Hà Nội xưa: buôn có bạn, bán có phường, coi khách hàng như người thân, như bầu bạn. 

“Từ người lao động đến người giàu, ai ai cũng có thể mua được bánh cốm, nó giống như bát cơm bình dân vậy thôi. Nó gắn liền với nét Hà Nội xưa, bao gồm cốm và đậu xanh là những nguyên liệu cơ bản, nông dân, thân thuộc nhất. Và Hàng Than là nơi mà cụ trưởng ái làm ra chiếc bánh cốm đầu tiên, cửa hàng Nguyên Ninh trên phố cũng là nơi đầu tiên bán loại bánh này. Xuất phát từ truyền thống gia đình, bánh cốm Nguyên Ninh chỉ bán duy nhất tại đây và không có đại lý nào khác”.

Từ một góc phố nhỏ, bánh cốm trở thành nét văn hoá lâu đời của người dân Hà Nội. Những hộp bánh vuông vức màu xanh chuối của Nguyên Ninh, An Ninh, Khang Ninh đưa hương cốm bay đi khắp nước. Thứ hương ấy chứa cả mùa thu bát ngát, phảng phất mùi hoa cỏ, mang giọt sữa trắng thơm, dẻo đầy…

Hà Nội xưa (Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội)

Hà Nội xưa (Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội)

SỐNG Ở HÀ NỘI

Hà Nội là Thủ đô nhưng nói cho cùng nó cũng là vùng đất biết với bao nhiêu thế hệ đã sinh và sống ở đây.

Theo chiều dài lịch sử, Thăng Long-Hà Nội là đất thiêng bốn phương hội tụ vì thế văn học nghệ thuật xưa cũng như nay đã ngợi ca vùng đất, con người, văn hóa, lối sống, cung cách ứng xử cũng người Hà Nội cũng là một điều tự nhiên, dễ hiểu.

Tình yêu Thủ đô qua câu thơ, bài hát – là nhan đề bài viết của Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến.

Thăng Long-Hà Nội là đầu não chính trị, trung tâm kinh tế văn hóa vì thế đích đến cuối  cùng của quân xâm lược là mảnh đất này. Lịch sử Việt Nam đã ghi chép, khi quân thù kéo đến thì người Việt đời sau tiếp nối theo gương đời trước nêu cao  khí phách Thăng Long-Hà Nội  quyết chiến với quân thù.

Và văn học nghệ thuật cũng là vũ khí. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1946-1954, đã xuất hiện tác phẩm văn học lớn ngợi ca người Hà Nội là “Những người ở lại” của nhà  văn Nguyễn Huy Tưởng. Tiểu thuyết này lấy bối  cảnh  tháng ngày cuối  năm 1946 đầu năm 1947 nói về những người Hà Nội ở lại Thủ đô chống Pháp.

Trong bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi có những câu thật thật xúc động:

Sáng sớm lạnh trong lòng u Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Hay bài “Tây tiến” của nhà thơ Quang Dũng có câu viết về  thanh niên Hà Nội   đi kháng chiến, chấp nhận  gian khổ, thiếu thốn, sốt rét rụng tóc nhưng vẫn có cái lãng mạn tiểu tư sản   “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Hà Nội xưa (Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội)

Hà Nội xưa (Ảnh: Báo Gia đình & Xã hội)

Sau 1954, Hà Nội bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, ca khúc “Những ánh sao đêm” của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu cảm phục công nhân xây dựng, sự bình yên trong mái nhà trong thành phố với giai điệu dịu dàng lắng đọng nhưng phần ở điệp khúc thì nhịp điệu rất mạnh mẽ.

Giai đoạn Hà Nội chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, văn học nghệ thuật Hà Nội xuất hiện nhiều tác phẩm mang đậm bản lĩnh trong đó có bài “Tiếng nói Hà Nội” với câu “Từ Đống Đa gió gọi hồn dân tộc/Từ Ba Đình gió rung lời thề độc lập/Tiếng ngày nay hòa với tiếng ngày xưa/Như nhắc nhở truyền thống của Thủ đô”.

Thơ có tập“Hương cây-Bếp lửa” của nhà thơ Bằng Việt và  Lưu Quang Vũ tập hợp nhiều bài rất lạ. Bài “Trở lại trái tim mình” của  nhà thơ Bằng Việt có câu “Thành phố trong tim tôi yên ả/Sau rất nhiều gian lao”. Nhà văn Nguyễn Tuân có bút ký “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”, Hà Nội hiện ra trong bài ký thạt hào  hoa.

Sau ngày đất nước thống  nhất, nhiều nhạc  sỹ tập kết trở về quê hương  miền Nam nhưng vẫn da diết nhớ mảnh đất đã nuôi nấng mình. Nhạc sỹ Hoàng Hiệp có bài “Nhớ về Hà Nội” cái gì cũng đi vào nỗi nhớ của ông “Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây những đêm hoa sữa thơm nồng” hay nhớ “những con đê thành lối xe” và “Ôi nhớ Thủ đô năm ấy/Ta đánh giặc trên mâm pháo/Truyền thống cha ông gìn giữ non sông/Là thủa Thăng Long vẫn mang trong mình/Hà Nội ơi”.

Lại có những nhạc sỹ chưa từng ra Hà Nội nhưng viết  một  ca khúc tuyệt hay về mảnh đất nghìn năm văn hiến đó là  Trần Quang Lộc với ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội”. Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn sau ngày thống nhất đất nước mới ra Hà Nội  và cảm xúc dâng trào để ông bật ra  “Nhớ mùa thu Hà Nội”.

Không chỉ văn học nghệ thuật một thời ngợi ca Hà Nội mà ngày nay các nhà văn, nghệ sỹ trẻ vẫn viết tiếp những tác phẩm về tình yêu với mảnh đát này vì nó xứng đáng được như vậy!

Ảnh: Báo Giao thông

Ảnh: Báo Giao thông

TIN YÊU 

- Dịp lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), đông đảo du khách trong và ngoài nước chọn Hà Nội là điểm đến tham quan để được hòa mình vào không khí rộn ràng trong ngày lễ trọng đại của Thủ đô.

- “Thời gian tới, quận Tây Hồ, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư và nâng cao chất lượng 4 không gian văn hóa sáng tạo nữa là: Không gian trình diễn nghệ thuật truyền thống, không gian thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ tại phủ Tây Hồ - đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể; không gian công viên sách tại vườn hoa Lý Tự Trọng và "Trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch".

- Triển lãm ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ” là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động văn hóa đặc sắc do UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các cá nhân, đơn vị tổ chức.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 10/10 - 31/10, nhằm mục đích tái hiện sinh động và rõ nét về sự biến đổi của Hà Nội xưa trong từng thời kỳ đổi mới, được thể hiện qua những bức ảnh mang màu sắc đen trắng đã khiến người dân Thủ đô dù ở thế hệ nào cũng không khỏi bồi hồi, xao xuyến về một Hà Nội để thương, để nhớ.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn