Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Người nỗ lực hồi sinh không gian văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Hoàng Anh: Thứ hai 23/01/2023, 15:56 (GMT+7)

Tự nhận là một tờ giấy trắng về di sản khi bắt đầu công việc, ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu đã trải qua một hành trình dài sáng tạo và cống hiến để gánh vác nhiệm vụ kết nối những giá trị quá khứ với lớp công chúng hiện tại.

Những năm gần đây, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, đã có sự đổi mới mạnh mẽ về diện mạo và cách thức hoạt động. Người góp phần quan trọng vào các dự án giúp quần thể di tích này trở thành một không gian văn hóa thân thiện, giữ được giá trị truyền thống mà vẫn không lạc nhịp với hơi thở thời đại, là ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu.

Tự nhận là một tờ giấy trắng về di sản khi bắt đầu công việc, ông Kiêu đã trải qua một hành trình dài sáng tạo và cống hiến để gánh vác nhiệm vụ kết nối những giá trị quá khứ với lớp công chúng hiện tại.

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu

Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu

“Tôi là một người làm nghề giáo. Khi tôi về Văn Miếu Quốc Tử Giám, nói một cách không quá thì đúng như một tờ giấy trắng bởi vì hai môi trường làm việc hoàn toàn khác nhau. Khi tôi về đây, tôi mới thấy rõ ràng những cái gì của cha ông để lại có thể là hiện hữu, có thể mắt chúng ta nhìn thấy được nhưng có những cái rõ ràng nó ngầm ẩn sâu đó, rất sâu sắc và quý giá. Nó tạo nên sức sống mãnh liệt của một địa điểm như vậy. Nó tạo ra cho tôi một tình cảm, động lực hết sức mạnh mẽ”, ông Lê Xuân Kiêu chia sẻ. 

Cơ duyên đưa ông Lê Xuân Kiêu, đến với vị trí Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu có lẽ bắt nguồn từ những nghiên cứu của ông về các danh nhân văn hóa khi còn trong vai trò một nhà giáo, một nhà nghiên cứu. 

Năm 2016, khi chính thức tiếp quản công việc quản lý tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, ông Lê Xuân Kiêu gặp vô vàn khó khăn, trước hết từ chính bản thân ông bởi kinh nghiệm về quản lý nhân sự, tài chính, hiểu biết về di sản nói chung và về Văn Miêu Quốc Tử Giám nói riêng của ông gần như là con số không.

Không chỉ vậy, thời điểm đó, Văn Miếu Quốc Tử Giám bắt đầu thay đổi cơ chế khi phải tự chủ tài chính, trích một phần nguồn thu từ di tích cho công tác tu bổ và thực hiện các hoạt động nhiệm vụ chính trị của thành phố, dẫn tới nguồn thu để chi cho người lao động cũng như chi thường xuyên giảm. Những đòi hỏi thực tiễn về sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện là rất cấp bách, đặc biệt là về mặt con người.

Ông Kiêu chia sẻ: “Rõ ràng khi bước chân về đây, tôi thấy rằng có rất nhiều việc cần phải làm. Tất nhiên mình phải lựa chọn những việc gì làm trước, việc gì có thể làm ngay được. Đầu tiên, tôi thấy cần thiết phải thay đổi nhận thức của cán bộ và người lao động tại di tích, phải xác định đây là một di tích đặc biệt quan trọng, cần phải bảo tồn, phát huy giá trị của di tích nhưng đồng thời di tích lại là một điểm đến du lịch.

Cho nên, mình phải chuyển theo hướng của những người phục vụ, làm sao vừa thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhưng lại phải thực hiện một nhiệm vụ cũng hết sức quan trọng nữa là phải đáp ứng tốt nhu cầu của khách tham quan, làm sao cho khách tham quan đến đây phải được hài lòng, phải được thỏa mãn những nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu về di tích”.

Cùng với đó, ông Kiêu nhận thức với một di tích quan trọng như Văn Miếu Quốc Tử Giám cần phải có một cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Do vậy, ông ngay lập tức bắt tay vào công việc chỉnh trang cảnh quan từ cổng chính cho đến tất cả các khu vực của di tích trên nguyên tắc làm sao những yếu tố gốc, những yếu tố thuộc về di tích phải giữ gìn nhưng phải tạo ra một cảnh quan xanh, sạch, đẹp, đặc biệt là thuận lợi cho du khách để tiếp cận được với di tích.

IMG_5630

Để tạo nên sinh khí cho cho di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám trên nền tảng những giá trị của di tích, ông Kiêu quan niệm phải đa dạng hóa các hoạt động: các hoạt động văn hóa, hoạt động giáo dục, hoạt động khoa học. Thứ nhất, những hoạt động đấy được tổ chức trên nền tảng phát huy những giá trị của di tích và thứ hai là những hoạt động đó tổ chức để thu hút được những cộng đồng sáng tạo, thu hút được những tổ chức, cá nhân mong muốn được hoạt động văn hóa tại di tích.

“Rõ ràng, với việc đa dạng hóa hoạt động làm cho Văn Miếu Quốc Tử Giám trở nên sống động hơn và khách đến tham quan không chỉ được thưởng thức những giá trị về mặt cảnh quan, về mặt kiến trúc mà những giá trị phi vật thể, những cái rất trừu tượng cũng được khách tiếp cận thông qua những hoạt động và những sản phẩm mà di tích mang lại”, ông Kiêu nói.

Với những nỗ lực của ban lãnh đạo Trung tâm, Văn Miếu Quốc Tử Giám đã có một diện mạo mới hơn, được du khách đánh giá cao.

“Tôi thấy khâu tổ chức ở đây càng ngày càng hoàn thiện hơn. Về diện mạo của Văn Miếu thì cũng ngày càng khang trang hơn, tổ chức nhiều hoạt động sự kiện văn hóa ở đây. Mình thấy cũng rất hấp dẫn. Nhìn chung, khách đến đây rất là vui, rất là thích Văn Miếu. Người ta rất thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của mình, có nhiều cái rất mới lạ với khách.

"Cuộc sống ở Hà Nội rất là ồn ã, bước vào đây như bước vào một không gian khác, nó yên tĩnh, nó trang trọng. Nó khiến mình cảm thấy rất dễ chịu”.

Ông Kiêu nhớ mãi một kỷ niệm vào đầu năm 2016, khi ông mới về công tác tại Văn Miếu được 1 tuần. Vào một chiều tối muộn, sau khi tham qua di tích, một du khách người Pháp đã đến phòng làm việc của ông và hỏi ông một câu hỏi khiến ông đau đáu, không thể nào quên.  

“Đến bây giờ tôi vẫn nhớ ông khách có nói một câu: Trước khi sang Việt Nam đến Hà Nội đến Văn Miếu Quốc Tử Giám thì tôi được giới thiệu đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nhưng khi tôi đến đây, thì tôi không thấy thông tin hay những gì liên quan đến trường đại học đó còn hiện hữu tại chỗ này. Ông có thể giải thích cho tôi về việc đó như thế nào.

Câu hỏi của du khách đó đã theo suốt tôi trong suốt cả một quãng thời gian vừa qua và luôn luôn vậy nghĩ là làm thế nào để giúp cho những người khách tham quan, đặc biệt là những người trẻ đến di tích biết được địa điểm này trước kia trường quốc học đầu tiên của Việt Nam nơi đây đã tạo ra rất nhiều những nhân tài cho đất nước”, ông Kiêu nhớ lại. 

Đó cũng là động lực để ông Lê Xuân Kiêu cùng các cộng sự dành gần ba năm kể từ khi lên ý tưởng và bắt tay vào thực hiện các công đoạn từ nội dung, thiết kế mỹ thuật đến thi công để cho ra đời Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” vào cuối năm nay. Hơn 200 tài liệu, hiện vật, trong đó có những tấm ảnh màu lần đầu tiên được công bố trưng bày tại di tích và hiện vật khảo cổ rất quý giá minh chứng sự ra đời của Quốc Tử Giám.

Ông Kiêu hy vọng trưng bày này sẽ giúp cho khách tham quan quốc tế và cả trong nước hiểu được nguồn gốc ra đời của trường Quốc Tử Giám cũng như quá trình hình thành, phát triển và sự vận động của nó cho đến ngày nay.

Tái hiện lớp học tại không gian trưng bày ngoài trời tại Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”. Ảnh: vanhoanghethuat.vn

Tái hiện lớp học tại không gian trưng bày ngoài trời tại Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”. Ảnh: vanhoanghethuat.vn

Ông Kiêu cho rằng để những giá trị cao quý của Văn Miếu về truyền thống hiếu học, tôn trọng hiền tài, tôn sư trọng đạo vẫn có sức sống trong đời sống đương đại với rất nhiều đổi thay, đặc biệt đối với những người trẻ, cần đưa Văn Miếu Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa của Thủ đô Hà Nội.

Qua đó, nuôi dưỡng cho những bạn trẻ một tinh thần, một lòng yêu mến những giá trị di sản văn hóa dân tộc và trên nền tảng đó tạo ra động lực để có sự sáng tạo những giá trị trong điều kiện của cuộc sống đương đại.

Và trong quá trình “đánh thức các giá trị truyền thống của di tích bằng những hình thức mới mẻ” ấy, đã có những lúc ông phải dừng lại để tự hỏi “mình đang đi đúng hướng hay không?”.

“Vào năm 2022 này, chúng tôi tổ chức một triển lãm có tên là “Đối thoại Thư pháp và Graffiti. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, bên cạnh ý kiến rất hào hứng thì cũng có nhiều ý kiến e ngại rằng tại sao không gian thiêng như Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi mà biểu tượng cho văn hóa, cho tri thức, cho văn hiến, cho việc dạy và học, cho chữ nghĩa mà lại có thể đặt Graffiti vào đây. Một số người nói là không thể được. Và việc đó cũng tạo cho tôi những băn khoăn nhất định.

Sau một thời gian suy nghĩ, tôi cũng quyết định là nếu chúng ta không có những đổi mới, nếu chúng ta vẫn làm theo cách cũ thì rõ ràng là nó không tạo ra những cảm xúc, cảm hứng cho sự sáng tạo. Một điều bất ngờ rằng cuộc triển lãm lại vượt ra khỏi mong muốn ban đầu, rất thành công trên các phương diện”, ông Kiêu kể lại.

IMG_5637

Đặc biệt, trải qua đại dịch Covid-19 với nhiều thách thức, ông Kiêu và các cộng sự đã càng thấy được sự cần thiết phải “chuyển mình” để giúp khách tham quan dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu về các giá trị văn hóa, lịch sử của không gian văn hoá Văn Miếu bằng nhiều hình thức mới mẻ hơn, bằng công nghệ, số hóa…

“Chúng tôi đã nhận thức rất sớm vai trò của chuyển đổi số, nhưng vấn đề bây giờ là chuyển đổi sổ đó được triển khai cụ thể tại di tích như thế nào để nó phù hợp. Đó là một câu chuyện mà chúng tôi rất trăn trở. Chúng tôi xác định chuyển đổi số là làm thế nào để kết nối được hoạt động trong đơn vị, kết nối được trung tâm với các cá nhân, tổ chức bên ngoài liên quan đến hoạt động văn hóa di sản, kết nối của thế hệ hôm nay và cho thế hệ sau nữa. Và từ sự kết nối đó làm sao chuyển đổi số phải gia tăng thêm những giá trị”, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu cho biết.

IMG_5631

Xuất phát từ nhận thức đó, trong năm 2022, ông Kiêu đã thực hiện rất nhiều các công việc liên quan đến chuyển đổi số tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Văn Miếu là di tích đầu tiên triển khai hệ thống vé điện tử, mang đến sự thay đổi rất mạnh mẽ trong công tác phục vụ khách tham quan cũng như tạo sự minh bạch, công khai trong công tác quản lý, đặc biệt là làm cho du khách cảm thấy thuận lợi hơn khi vào thăm di tích.

Cũng theo ông Kiêu, hiện Ban quản lý Văn Miếu Quốc Tử Giám đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa 3D cho toàn bộ di tích. Theo đó, những hạng mục quan trọng của di tích, những hiện vật và đặc biệt là 82 bia tiến sĩ và cả những giá trị phi vật thể, những tài liệu nghiên cứu liên quan, những tác phẩm về Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng sẽ được số hóa.

Điều này hết sức quan trọng bởi vì nó đáp ứng cho nhu cầu của việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong thời điểm hiện nay cũng như lâu dài sau này.

Cùng với việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa 3D, hiện Văn Miếu – Quốc Tử Giám cũng đang phát triển những sản phẩm trên nền tảng ứng dụng công nghệ, trong đó có hệ thống thuyết minh tự động 12 ngôn ngữ đáp ứng rất tốt nhu cầu khách tham quan. Ngoài những ngôn ngữ phổ biến như là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, chúng ta còn có những ngôn ngữ như tiếng Thái, tiếng Nhật, tiếng Italia, tiếng Đức… nhờ vậy đáp ứng tốt nhu cầu khách tham quan.

Các sinh viên trường Đại học Xây dựng tham gia giờ học ngoại khóa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Các sinh viên trường Đại học Xây dựng tham gia giờ học ngoại khóa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Bên cạnh hệ thống thuyết minh tự động thì một loạt các sản phẩm nữa trong thời gian tới sẽ sản xuất hiện tại Văn Miếu Quốc Tử Giám như kính thực tế ảo, những trạm ki ốt thông tin, những ứng dụng trên điện thoại để khách có thể tự truy cập thông tin về di tích mà không cần phải có hướng dẫn viên.

Tiến sĩ Thương Huyền, giảng viên trường Học viện Báo chí và tuyên truyền chia sẻ cảm nhận về những đổi thay khi ghé thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám trong nhiều năm qua: "Tôi thấy không gian trưng bày của Văn Miếu có sự kết hợp giữa mới và cũ, mang lại cảm giác mới lạ nhưng cũng rất tinh tế. Màu sắc và cách bài trí cũng rất dễ hiểu. Đặc biệt là còn có nhiều ngôn ngữ khác nhau, có thể quét mã QR, rất thuận tiện giúp cho du khách có thể tìm hiểu dễ dàng hơn”.

Còn đối với anh Darren Radu, người Mỹ hiện đang làm giáo viên tại một trường quốc tế tại Hà Nội, Văn Miếu là một nơi rất đặc biệt với bản thân anh. Nơi đây không chỉ giúp anh hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống hiếu học của đất nước nơi anh đang sinh sống mà di tích này còn mang đến cho anh những tư liệu quý giá, câu chuyện sinh động cho bài giảng của anh khi đứng lớp.

“Văn Miếu Quốc Tử Giám là điểm đến yêu thích của tôi tại Việt Nam. Ở đây có những không gian văn hóa đẹp phi thường, có cây xanh, có vườn Giám, có nhà Văn. Rất nhiều thông tin giáo dục với những kỷ vật hàng nghìn năm, mà các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam có thể ghé thăm và cảm nhận.

Tôi đã dành thời gian bất kể khi nào có thể để tới đây để tận hưởng một trải nghiệm độc đáo, an tịnh. Tôi thấy Văn Miếu Quốc Tử Giám được tổ chức rất tốt, có nhiều hướng dẫn viên, nhiều bản đồ chỉ dẫn, hy vọng sẽ có thêm cả hướng dẫn bằng phát thanh nữa thì càng tốt.

Mỗi lần tôi đến lại khám phá ra một điều thú vị. Đó là những bia đá tự nhiên, những nét chữ, văn tự cổ. Đó là những giá trị mà dứt khoát bạn phải đến thăm nơi này”, anh Darren Radu nói.

Không vội hài lòng với những kết quả đạt được, ông Lê Xuân Kiêu vẫn tràn đầy nhiệt huyết khi chia sẻ về những dự định, kế hoạch sắp tới nhằm đưa Văn Miếu Quốc Tử Giám thực sự trở thành một không gian sáng tạo, trung tâm hoạt động văn hóa có những hoạt động thường xuyên đồng thời kết nối được Văn Miếu Quốc Tử Giám với các điểm du lịch khác của thành phố để tạo thành những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và đáp ứng tốt nhu cầu khách tham quan trong nước và quốc tế.

 

Hoàng Anh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

TP.HCM: UBND quận Bình Tân phản hồi về cơ sở sản xuất bao bì gây ô nhiễm

TP.HCM: UBND quận Bình Tân phản hồi về cơ sở sản xuất bao bì gây ô nhiễm

Ngay sau phản ánh của VOV Giao thông về hộ kinh doanh Thái Khá hoạt động sản xuất bao bì đóng trú tại hẻm 688 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Chính quyền địa phương đã có chỉ đạo kiểm tra và giải quyết những nội dung phản ánh.