Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Ngổn ngang cao tốc ĐBSCL (Bài 3): Dùng cát biển thay thế cát sông, thí điểm đến bao giờ?

Thanh Phê: Thứ hai 18/09/2023, 15:13 (GMT+7)

Việc tìm đủ nguồn cát phục vụ việc thi công các dự án cao tốc đang là nỗi lo của chủ đầu tư các dự án đường cao tốc tại khu vực ĐBSCL. Phương án dùng cát biển thay thế cát sông đang được thí điểm, với kỳ vọng giải cơn khát cát, đưa việc thi công cao tốc đúng tiến độ đề ra.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, ĐBSCL có 4 công trình giao thông trọng điểm Quốc gia, tổng chiều dài 355 km, nhu cầu cát lấp nền khoảng 53,68 triệu mét khối. Riêng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, theo thống kê dự án cần tới hơn 18 triệu mét khối nhưng đến nay cát về công trình còn chậm, thiếu nguồn cát đã làm hạn chế tiến độ thi công.  

Chia sẻ về việc đưa cát biển vào thí điểm, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, cho biết: Qua kiểm tra cát biển đạt các chỉ tiêu về mặt cơ lý. Còn về hóa học, đơn vị đã kiểm tra về hàm lượng độ mặn khi lấy và đưa vào công trường, có lắp đặt các vị trí để lấy các mẫu quan trắc nước ngầm, nước mặt trong quá trình thi công.

Ông Trần Văn Thi cho biết thêm: Cứ 1 tháng lấy 1 lần, đến nay dự án đã lấy được 3 lần.Thứ nhất từ biển bơm lên sà lan, có 1 lần rửa. Thứ hai từ sông lớn bơm qua sà lan thì dùng nước sông bơm vào thì có 1 lần rửa. Hiện nay, môi trường xung quanh có độ mặn 8‰, trong nền đường khoảng 9‰.

Để triển khai được cát biển này có 2 việc cần giải quyết. Một là ngành giao thông phải giải quyết cơ lý, môi trường có ảnh hưởng hay không. Hai là, các tỉnh ven biển đều có trữ lượng cát nhưng hiện nay duy nhất chỉ tỉnh Trà Vinh đã cấp một vài mỏ nhỏ. Khoảng 1-2 triệu m3 để cho phép khai thác. Nếu muốn triển khai cái này, ngoài biển cũng làm quy hoạch, đánh giá, thủ tục để cho phép khai thác.

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho biết, về triển khai thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền, Bộ GTVT đã chỉ đạo triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng đắp nền đường cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL (thí điểm trên phạm vi đoạn tuyến hoàn trả ĐT.978 thuộc Dự án Hậu Giang - Cà Mau), đến nay đã hoàn thành thi công, đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 7-2023.

Trên cơ sở số liệu theo dõi, quan trắc, đến nay chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận) đang hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Hội đồng đánh giá kết quả thí điểm. Hội đồng dự kiến họp và có báo cáo kết quả đánh giá trong tháng 9-2023. Để tham khảo và học hỏi kinh nghiệm, Bộ GTVT đã tổ chức làm việc trực tiếp với Tập đoàn GELEXIMCO, các chuyên gia Tập đoàn Boskalis Hà Lan để cung cấp các thông tin và kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Trung ương đến kiểm tra tình hình thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác của Trung ương đến kiểm tra tình hình thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Các chuyên gia Tập đoàn Boskalis đã chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng cát biển tại các dự án xây dựng công trình giao thông tại Hà Lan và sẽ cung cấp các thông tin có liên quan cho Tập đoàn GELEXIMCO để tham khảo. Bộ GTVT đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi, quan trắc, dự kiến cuối năm 2023 sẽ có kết quả đánh giá cuối cùng.

Trong bối cảnh hàng loạt dự án cao tốc được triển khai ở miền Tây thiếu vật liệu san lấp thì cát biển đang là vật liệu được các tỉnh mong chờ, để đảm bảo tiến độ dự án. Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: Bộ Xây dựng cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang thí nghiệm cát biển sử dụng cho đường cao tốc. Chúng tôi mong rằng với việc sớm có kết quả này phục vụ cho đường cao tốc thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ khi triển khai các tuyến đường cao tốc qua địa bàn tỉnh cũng như các tỉnh vùng ĐBSCL.

Bộ GTVT cho biết theo khảo sát về trữ lượng cát biển, tỉnh Trà Vinh đã cấp phép khai thác một mỏ với 1,1 triệu m3, công suất khai thác 0,4 triệu m3 một năm. Ngoài ra, có ba vị trí mỏ đang được quy hoạch, trong đó trữ lượng lớn nhất là mỏ tại Sóc Trăng quy mô 13,9 tỷ m3, nằm cách bờ biển 40 km và hai mỏ ở Trà Vinh 2,1 triệu m3.

Liên quan vấn đề khai thác và sử dụng cát biển, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng: Không hút mãi dưới sông được. Hút ở dưới sông lên bao nhiêu thì trên đất liền sẽ xuống sông bấy nhiêu, đó là quy luật cân bằng. Tuy nhiên, vì tính cấp bách của công trình, chúng ta nâng công suất nhưng phải lấy vấn đề môi trường, giám sát sạt lở là vấn đề ưu tiên số một. Giải pháp dùng cát biển phải tính toán 3 tiêu chí: cơ lý, môi trường, kinh tế. Nếu được, chúng ta dùng phương án này thay cho tất cả các mỏ cát trên sông. Cát trên sông chỉ để xây dựng, chứ san lấp thì lãng phí mà không có nguồn cung.

Trong công điện tối 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, cùng các bộ liên quan đẩy nhanh tiến độ dùng cát biển san nền các dự án. Việc này nhằm giảm phụ thuộc vào cát sông và chủ động nguồn vật liệu, đẩy nhanh tiến độ dự án. Cát biển sử dụng phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường khi dùng cát biển đắp nền cao tốc; xác định các vùng cát biển để hướng dẫn thăm dò, khai thác.

***

Việc các dự án trọng điểm quốc gia đưa vào sử dụng các biển càng sớm càng tốt sẽ đưa dự án về đích đúng tiến độ. Các mốc thời gian được ấn định cụ thể, thí nghiệm vật liệu trong tháng 10 tới và thí điểm hiện trường và báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 11 năm nay. Điều này, sẽ giải quyết được tình hình khan hiếm cát cho các dự án cao tốc đang triển khai, trước mắt và về lâu về dài vừa hạn chế được khai thác cát sông.

Với những gì đang diễn ra cho thấy, sự cấp bách trong việc khẩn trương áp dụng thí điểm việc sử dụng cát biển vào đắp nền đường. Đánh giá của các cơ quan chuyên môn cho thấy, việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng tương đối tốt và chưa phát hiện có sự thay đổi đáng kể nào về tỷ lệ nhiễm mặn của môi trường nền ở khu vực đó.

Tuy chỉ mới là kết quả bước đầu nhưng cũng phần nào cho thấy tín hiệu khả quan. Qua đây, không chỉ tháo được nút thắt về vấn đề cát nền khan hiếm, mà còn giải quyết được câu chuyện "đội giá" cát trong thời gian qua, khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ, đặc biệt là đối với các dự án trọng điểm Quốc gia.

Thực tế là nếu cát biển vượt qua được các khâu kiểm định, đạt chất lượng để đưa vào sử dụng thay thế các sông sẽ mở ra cơ hội và tiềm năng rất lớn. Bởi nước ta có bờ biển dài hơn 3.200 km, có tiềm năng cát biển lớn. Dẫu vậy, mỗi vùng biển muốn khai thác cát trước tiên phải nghiên cứu, đánh giá, dự báo tác động đến môi trường sinh thái. Vì cát biển có những đặc điểm riêng nên rất cần phải điều tra, đánh giá rõ chất lượng, tác động trường cho từng vùng biển trước khi quyết định sử dụng các phương pháp khai thác phù hợp. Cùng với đó, cần có hành lang pháp lý trong việc quản lý khai thác.

Nhìn ra thế giới, cát biển đã được nhiều nước sử dụng trong xây dựng và san lấp từ rất lâu. Điều này cho thấy, việc sử dụng cát biển để phục vụ cho việc cao tốc thay thế cát sông là rất khả thi nếu chúng ta khai thác và sử dụng đúng cách. Tuy nhiên, những vấn đề chưa có hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, nóng vội.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ và cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị, chắc chắn việc từng bước ứng dụng công nghệ để đưa cát biển vào các công trình xây dựng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, góp phần vào chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt, để các tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang ở ĐBSCL không phải “chậm tốc” vì thiếu cát. 

Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tự sự của đêm: Bình thản nhìn mây trôi

Tự sự của đêm: Bình thản nhìn mây trôi

Bất chợt, tôi nhớ đến một người quen từng bị cuộc đời làm cho bầm dập, nhưng trong câu chuyện cuộc đời anh chưa từng oán trách hay đổ lỗi cho bất kỳ ai.

Cà phê, trà có giúp tỉnh táo khi lái xe đường trường ban đêm?

Cà phê, trà có giúp tỉnh táo khi lái xe đường trường ban đêm?

Cuộc sống khiến chúng ta phải chạy đua với thời gian, di chuyển qua nhiều múi giờ, chuyển ca - kíp liên tục khiến giấc ngủ lý tưởng từ 21 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau đều đảo lộn. Để tỉnh táo làm việc ta cần thêm nhiều thức uống như: cà phê, trà để chống chọi từng cơn buồn ngủ.

Gỡ rào chắn đường Âu Cơ – Nghi Tàm, rộng chỗ này nhưng lo “thắt” chỗ kia

Gỡ rào chắn đường Âu Cơ – Nghi Tàm, rộng chỗ này nhưng lo “thắt” chỗ kia

Hiện nay, đoạn đường từ khách sạn Thắng Lợi (đường Yên Phụ) đến đầu đường Xuân Diệu dài khoảng 260m, nằm trong dự án mở rộng đường Âu Cơ – Nghi Tàm (Hà Nội) đã tháo dỡ toàn bộ rào, di dời máy móc thi công, lòng đường tại đoạn này rộng từ hơn 16m đến khoảng 21m.

“Bí ẩn cuộc sống...”

“Bí ẩn cuộc sống...”

Cứ đến chớm hè là khắp nơi từ quán trà đá vỉa hè tới mạng xã hội, người ta lại bàn tán, kháo nhau về chuyện “bỗng dưng” hóa đơn tiền điện nhà mình đột nhiên tăng mạnh, có khi gấp hai, gấp ba lần tháng trước, mà nhu cầu sử dụng hầu như không thay đổi?...

Quản lý hay Công nghệ giúp vận hành hiệu quả đường sắt đô thị

Quản lý hay Công nghệ giúp vận hành hiệu quả đường sắt đô thị

Việt Nam sắp đưa vào vận hành 2 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM sau hàng chục năm xây dựng. Singapore được biết đến là quốc gia có hệ thống giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả hàng đầu ở khu vực châu Á. Kinh nghiệm nào của Singapore có thể áp dụng tại Việt Nam.

Lúa gạo chất lượng cao xu thế mới của thị trường

Lúa gạo chất lượng cao xu thế mới của thị trường

Mặc dù có thế mạnh về xuất khẩu gạo, thế nhưng, với những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong và ngoài nước, nông dân và doanh nghiệp nước ta cũng cần chủ động bắt nhịp, thay đổi phương thức sản xuất phù hợp, tạo ra sản phẩm chất lượng cao vừa giảm chi phí và thân thiện với môi trường.

Lãi suất tiền gửi tăng, VNĐ sẽ không giảm giá thêm

Lãi suất tiền gửi tăng, VNĐ sẽ không giảm giá thêm

Từ đầu tuần, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đã bắt đầu rục rịch tăng trở lại. Mức cao nhất trên thị trường ghi nhận hơn 6% ở kỳ dài hạn.