Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Một thời “hoa lửa” nghề rèn

Kim Loan: Thứ tư 07/08/2024, 10:25 (GMT+7)

Trong công cuộc khai phá vùng Đồng Tháp Mười đất rộng, người thưa, những bậc thầy tài hoa đã tự tay chế tác các công cụ phục vụ khai hoang, trồng trọt, chăn nuôi và xua đi thú dữ. Cũng từ đó, trong dân gian xuất hiện nghề rèn, đỏ lửa quanh năm, song hành với đời sống con người như lẽ đương nhiên.

Ngày nay, công nghiệp hóa hiện đại nhưng nghề rèn vẫn giữ được chỗ đứng dù không còn phồn thịnh. Chuyên mục Người Cũ Cảnh Xưa sẽ ghé thăm xóm “hoa lửa” lò rèn nổi tiếng Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp – cái nôi nghề rèn ở Nam Bộ ngày nay.

 

Những năm 1978 - 1988, nông dân tập trung khai phá đất hoang vùng Đồng Tháp Mười. Ở Cái Tàu Hạ bắt đầu nổi lửa rèn phản và lưỡi hái để phục vụ lao động

Những năm 1978 - 1988, nông dân tập trung khai phá đất hoang vùng Đồng Tháp Mười. Ở Cái Tàu Hạ bắt đầu nổi lửa rèn phản và lưỡi hái để phục vụ lao động

Nam Bộ có những xóm rèn rạng danh song hành với lưu dân từ thuở mở cõi phương Nam. Nhất có Nhị Thành ( Thủ Thừa – Long An), nhì có Nhị Quý ( Cai Lậy – Tiền Giang), tam có Vàm Đình ( Cái Nước – Cà Mau). Đã từng có một thời, hầu hết những nông cụ sản xuất như: cây phảng, dao phay, dao yếm, dao mác, kể cả dao ăn trầu…đều làm từ bàn tay của những người thợ rèn của vùng đất này.

Nhưng phần lớn trong số các xóm rèn ở Nam Bộ, mà đặc biệt là quanh khu vực Đồng Tháp Mười rộng lớn được bậc tiền nhân xác định, đều xuất phát từ xóm lò Bà Nhưng – Kiến Hùng (nay là thị trấn Cái Tàu Hạ, Châu Thành, Đồng Tháp) - nơi có 5 thế hệ theo nghề cha truyền con nối giũa mác – mài dao.

Hiện nay dao bào là loại bán chạy nhất của làng rèn Cái Tàu Hạ

Hiện nay dao bào là loại bán chạy nhất của làng rèn Cái Tàu Hạ

Ông Lê Văn Trước – thợ rèn nổi danh của trại rèn Tám Niễn, khóm Phú Hòa, thị trấn Cái Tàu Hạ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Theo Ba tôi kể lại, nghề rèn xuất phát từ Cái Tàu Hạ rồi mới lan tỏa đi các tỉnh khác. Hồi xưa làm phảng để phát cỏ, làm lưỡi hái cắt lúa. Giờ chế tác ra dao chặt củi, dao bào… nên có tiếng đến hôm nay. Cái nghề này đã nuôi gia đình con cháu nhà tôi từ nhỏ đến lớn nên không bỏ được”.

Ở Cái Tàu Hạ, có nhiều gia đình 5 đời hành nghề rèn dao

Ở Cái Tàu Hạ, có nhiều gia đình 5 đời hành nghề rèn dao

Đường vào xóm lò rèn Cái Tàu Hạ không khó, gần đến nơi đã nghe tiếng đập sắt nhịp nhàng, người thợ thoăn thoắt, tỉ mỉ, hoa lửa bắn ra như pháo hoa. Nghề thủ công truyền thống này đã từng là một nghề “hái ra tiền”.

Đến nay, chưa có tư liệu nào xác định cụ thể về thời điểm xuất hiện của nghề rèn ở Cái Tàu Hạ, chỉ biết, thời hoàng kim của nghề là những năm 1978 - 1988. Đó là thời kỳ nông dân tập trung cho công cuộc khai phá đất hoang vùng Đồng Tháp Mười. Một vài chiếc máy cày và những đôi trâu không thể đảm đương nổi những cánh đồng rộng lớn.

Vì thế, khắp nơi nơi xuất hiện nhu cầu cấp bách phải có nông cụ để khai hoang, chủ yếu là: cây phảng, dao phay, dao yếm, dao mác. Từ đó, khắp nơi ở Cái Tàu Hạ bắt đầu nổi lửa, nện búa cả ngày lẫn đêm để cung ứng cho thị trường.

Phôi thép được nung đỏ bằng tay nghề tỉ mỉ của người thợ

Phôi thép được nung đỏ bằng tay nghề tỉ mỉ của người thợ

Nghề rèn là một nghề vất vả, phải trải qua 6 công đoạn mới cho ra sản phẩm như ý. Người thợ rèn hay những thợ phụ quai búa đập đều phải có sức dẻo dai để làm việc từ hừng đông cho đến chiều tối.

Sức nóng của miếng phôi thép được nung lên hàng ngàn độ và cái lò than lúc nào cũng đỏ rực từ người thụt ống bể bằng tay một cách điêu luyện.

Người thợ cả là linh hồn của lò rèn, vừa có tính kiên nhẫn vừa khéo tay.

Đây là khâu giũa, mài

Đây là khâu giũa, mài

Ngày trước, ở Cái Tàu Hạ, mỗi lò rèn cần có ít nhất 4-5 lao động. Ngoài người thợ cả còn có 2 thợ phụ quai búa, một người thổi bể và một người làm nguội. Sau khi phôi được nung đỏ sẽ đến khâu quai búa đập. Những nhát phải búa mạnh mẽ, đều đặn, dứt khoát và đúng đích. Sau đó qua khâu giũa, mài. Cuối cùng là đưa vào lò trui trước khi xuất xưởng.

Dao của Cái Tàu Hạ được tiêu thụ khắp miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ

Dao của Cái Tàu Hạ được tiêu thụ khắp miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ

Cái tài của người thợ cả là trui đúng lửa, nếu già lửa thì lưỡi giòn, còn non lửa thì lưỡi lụt. Sản phẩm chủ chốt của làng nghề Cái Tàu Hạ là: dao, búa, lưỡi hái, rựa, cuốc, lưỡi cày. Người dân Nam Bộ ưa chuộng lưỡi dao của Cái Tàu Hạ suốt một thời gian dài cũng bởi ở đây có những bậc thầy tài hoa trui mài bén ngót.

“Nghề này cực mà nguy hiểm nữa, mà là nghề của ông cha để lại nên theo luôn. Nhiều khi lửa băng trúng phỏng tay mà kệ… làm luôn”.

“Vô lò rèn ngồi là phải biết nghề mới vô được, trui kỹ lửa già, lưỡi bén. Kỹ chút không thôi mẻ búa văng trúng mình, có khi trúng mắt là hư mắt luôn. Nào giờ nghề này nuôi mình nhưng mình ráng đeo. Thấy người ta đạp dao thấy ham lắm, bỏ không được”.

“Tôi có đứa con út, mà nó theo nghề từ hồi còn học lớp 4. Đi học về buông tập là vô lò làm với cha. Tôi ước mơ nghề này còn hoài, khách hàng thấy mình trui dao là thích mua liền”.

Thời làm ăn được, Cái Tàu Hạ quy tụ hơn 100 hộ mở lò trui rèn, trung bình mỗi ngày một hộ cho ra lò 2.000 chiếc lưỡi hái cắt lúa. Nhóm 4 người thợ làm được khoảng 60 cái dao. Đa số sản phẩm được người dân tự sản xuất và bán lẻ ở các chợ nhỏ chứ không có hợp tác xã hay làng nghề như ngày nay, vậy mà vẫn không đủ để bán. Cái nghề mặt nám, tay chai, hoa lửa lóe lên mồ hôi đổ xuống, người thợ rèn dù không giàu có nhưng cuộc sống cũng thuộc dạng đủ đầy.

Cái tài của người thợ cả là trui đúng lửa, nếu già lửa thì lưỡi giòn, còn non lửa thì lưỡi lụt

Cái tài của người thợ cả là trui đúng lửa, nếu già lửa thì lưỡi giòn, còn non lửa thì lưỡi lụt

Thế rồi qua một thời gian dài, đất nước phát triển, cuộc sống của người dân cũng được cải thiện. Những nông cụ cho sản xuất thủ công ngày trước đã dần được thay thế bằng máy móc. Những cánh đồng ngày nay chủ yếu được làm đất bằng máy cày thay vì phảng phát cỏ ngày xưa, xem như kết thúc một thời kỳ người nông dân gắn liền với cây phảng và cây cào cỏ trên đồng ruộng. Thị trường “đổ bộ” các loại dao bằng công nghệ đúc, mẫu mã đẹp, giá rẻ. Tuy nhiên, Cái Tàu Hạ vẫn có sức sống riêng dù thị trường thu hẹp.

Ông Nguyễn Văn Công – chủ lò rèn Tư Công, thị trấn Cái Tàu Hạ bộc bạch: “Nghề này nói chung cũng còn đường duy trì yêu cầu mình làm chất lượng, đạt theo yêu cầu của khách hàng. Tồn tại hay không là do mình. Tôi làm nghề từ năm 1968 và nay tôi nhất quyết phải truyền nghề cho con”.

Vẫn còn một bộ phận nông dân vẫn chuộng những sản phẩm do nghề rèn truyền thống làm ra. Nhiều khách hàng lâu năm đã quen việc sử dụng những công cụ thủ công và cho rằng, dụng cụ bằng inox trên thị trường hiện nay rất nhiều, mẫu mã đẹp nhưng không sắc, bền bằng sản phẩm thủ công truyền thống, bởi sản phẩm rèn thủ công là kết quả của sự đúc kết kinh nghiệm của cha ông ta trong quá trình lao động sản xuất.

Riêng đối với hệ thống lò rèn Cái Tàu Hạ, từ 100 hộ sản xuất thì giờ chỉ còn lại hơn 10 hộ bám nghề. Xuất phát từ nhu cầu cơm, áo, gạo, tiền… tuy cực nhưng cũng có thu nhập bình quân 200.000 đồng/ngày, từ đó mấy ông thợ cũng đeo nghề bền bỉ. Dù thị trường bị thu hẹp, sản lượng ít lại theo nhu cầu nhưng được cái làm bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Điều đặc biệt ở Cái Tàu Hạ là những hộ sản xuất tương trợ lẫn nhau và mỗi hộ đều có một thị trường riêng. Nếu lò này đi hàng TP. HCM thì hộ kia gánh vác thị trường Bạc Liêu, Cần Thơ hay Đồng Nai, Bình Phước.

Người dân Nam Bộ ưa chuộng lưỡi dao của Cái Tàu Hạ suốt một thời gian dài cũng bởi ở đây có những bậc thầy tài hoa trui mài bén ngót

Người dân Nam Bộ ưa chuộng lưỡi dao của Cái Tàu Hạ suốt một thời gian dài cũng bởi ở đây có những bậc thầy tài hoa trui mài bén ngót

Thời thế đổi thay buộc xóm lò rèn cũng phải tự làm mới mình để giữ lấy nghề. Ngoài giữ vững chất lượng cũng phải có thêm sản phẩm mới. Nếu trước đây Cái Tàu hạ mạnh về lưỡi hái và phảng phát cỏ thì nay mạnh về dao yếm, dao bào, dao đẩy cỏ năn, cuốc, xẻng. Bất kể loại công cụ nào còn được dùng tới thì thợ rèn đều đưa vào lửa lò như cách khẳng định, dân còn xài thì nghề rèn còn mãi.

Anh Lê Minh Cường – thợ rèn ở thị trấn Cái Tàu Hạ khẳng định: “Hồi trước 5 anh em tôi theo nghề rèn, mướn thêm 5 người phụ là ra 10 người. Dần dà mấy anh em bỏ đi làm nghề khác còn lại 2 người đeo mà tôi vẫn làm. Ngày xưa Ba tôi làm nghề này nuôi tôi nên tôi nhớ Ba tôi vẫn đeo nghề”.

Thương hiệu dao 3 chữ K của lò rèn Ba Khanh nổi tiếng chất lượng

Thương hiệu dao 3 chữ K của lò rèn Ba Khanh nổi tiếng chất lượng

Để bảo tồn, giữ vững và phát triển làng nghề lò rèn truyền thống Cái Tàu Hạ, thời gian qua chính quyền địa phương huyện Châu Thành đã vào cuộc, hỗ trợ, kiến nghị với các cơ quan chức năng trong tỉnh để tìm ra giải pháp nhằm duy trì, xây dựng và phát triển nghề rèn. Qua đó, các lò rèn được hỗ trợ vốn nhằm đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp, bắt kịp xu thế công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.

Lợi thế hiện nay của nghề rèn Cái Tàu Hạ là dễ dàng tìm kiếm nguyên liệu thép và độ nổi tiếng là thợ rèn vẫn duy trì khâu mài thủ công bằng tay, dù hơi lâu một chút nhưng đây là mấu chốt chứng minh độ chín nghề rèn, lưỡi bén và bền.

Ở những góc nhỏ của đời sống bộn bề, hiện đại, vẫn không thể phủ nhận giá trị thực tế và tinh thần mà các sản phẩm thủ công mang lại. Với những người thợ yêu nghề rèn, chừng nào người ta còn xài dao, xài búa thì chừng ấy “hoa lửa” vẫn bừng lên. Đó là nghề tổ nghiệp đã truyền lại, dù cực nhưng vui, dù đủ ăn nhưng ký ức đong đầy nhiệt huyết.

Kim Loan/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Lưu ý gì khi chọn biển số, đăng ký xe tại nhà?

Lưu ý gì khi chọn biển số, đăng ký xe tại nhà?

Mới đây, Bộ Công an cho phép người dân thực hiện đăng ký xe lần đầu bằng dịch vụ công trực tuyến đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước mà không phải đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để bấm chọn biển số như trước.

Nước rút, ưu tiên xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường

Nước rút, ưu tiên xử lý nước sạch và vệ sinh môi trường

Sau bão số 3, người dân đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, nguồn nước bị ô nhiễm... Vấn đề vệ sinh môi trường sau bão lũ trở nên cấp bách, với tinh thần nước rút đến đâu thì vệ sinh môi trường, quét dọn đến đó.

Sớm thay thế hạ tầng cũ đường sắt quốc gia

Sớm thay thế hạ tầng cũ đường sắt quốc gia

Việc dừng chạy tàu qua cầu Long Biên và cầu Đuống, Hà Nội ngày 10/9 vừa qua do lũ lớn dâng cao cho thấy, đường sắt quốc gia cần sớm thay thế hạ tầng cũ để đảm bảo an toàn, nâng cao năng lực chạy tàu, nhất là trong những tình huống đặc biệt như mưa bão.

Món quà Trung thu đặc biệt từ máu hiến

Món quà Trung thu đặc biệt từ máu hiến

Do ảnh hưởng của bão lũ, hoạt động hiến máu bị gian đoạn, nên ngay sau khi bão đi qua, nhiều người dân đã tranh thủ đi hiến máu tình nguyện để đảm bảo điều trị kịp thời cho người bệnh.

Trải nghiệm đỗ xe miễn phí tránh ngập lụt

Trải nghiệm đỗ xe miễn phí tránh ngập lụt

Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua, một số khu vực ngoài đê Hữu Hồng trên địa bàn quận Ba Đình, Hoàn Kiếm bị ngập nặng. Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân di dời tài sản, phương tiện, thành phố Hà Nội đã bố trí 10 điểm đỗ xe miễn phí để tránh ngập xe.

Học sinh Mầm non Tả Giàng Phìn trở lại trường sau khi nhà công vụ bị sập

Học sinh Mầm non Tả Giàng Phìn trở lại trường sau khi nhà công vụ bị sập

Lào Cai là một trong những địa phương chịu thiệt hại nghiêm trọng do bão số 3. Tại xã Ngũ Chỉ Sơn, nơi diễn ra sạt lở khiến hai dãy nhà công vụ sử dụng cho giáo viên cắm bản ở lại làm việc bị sập hoàn toàn, mọi công tác khắc phục đang được tiến hành khẩn trương.

Chuyên nghiệp hóa hoạt động cứu trợ

Chuyên nghiệp hóa hoạt động cứu trợ

Để hoạt động cứu trợ được hiệu quả, đến được tận tay người có ngu cầu thì rất cần có một cơ quan, tổ chức đứng ra điều phối.