Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Lối xưa xe lửa

Nhóm PV: Thứ ba 04/10/2022, 14:18 (GMT+7)

Tuyến đường sắt từ Sài Gòn tới Mỹ Tho là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương và được coi là một tuyến xe lửa lịch sử khi đã chứng kiến những thăng trầm của gần 100 năm Pháp đô hộ Việt Nam.

Một chuyến tàu chờ đợi để khởi hành Sài Gòn - Mỹ Tho vào ngày 20/7/1885, ngày mở đầu của tuyến đường sắt. Ảnh: Maison Asie-Pacifique (MAP).

Một chuyến tàu chờ đợi để khởi hành Sài Gòn - Mỹ Tho vào ngày 20/7/1885, ngày mở đầu của tuyến đường sắt. Ảnh: Maison Asie-Pacifique (MAP).

"Mười giờ tàu lại Bến Thành

Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao"

Đó là câu vè được người dân Nam bộ truyền miệng lại đã phác thảo cảnh ga Bến Thành trên tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, được học giả Vương Hồng Sển ghi lại trong cuốn “Sài Gòn năm xưa”. Đây được coi là một tuyến xe lửa lịch sử khi đã chứng kiến những thăng trầm của gần 100 năm Pháp đô hộ Việt Nam.

 

"Ít người biết lắm, ít người biết. Còn ga xe lửa nằm mé trong bây giờ là đường 30/4 đó. Cái xe lửa của Mỹ Tho nó yếu lắm, chạy chậm lắm".

"Nghĩa là ngay chỗ cái cây da mọi lần đó. 1 ngày nó chạy có 1 chuyến. Khuya thì nó chạy lên (Sài Gòn) rồi chiều khoảng 4 giờ (16h) nó chạy về".

"Từ nhỏ tới lớn, Tui chỉ đi có 1 lần thôi".

Đó là những gì mà tuyến xe lửa lịch sử Sài Gòn – Mỹ Tho cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 còn đọng lại trong ký ức của người dân Mỹ Tho. Dù năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Vàng và bà Hồ Thị Bảy vẫn còn nhớ như in những ký ức của gần 100 năm về trước – Ký ức về những chuyến xe lửa Mỹ Tho – Sài Gòn.

Khi biết chúng tôi muốn tìm lại những hình ảnh của chuyến xe lửa Mỹ Tho – Sài Gòn của thế kỷ trước, Bà Hồ Thị Bảy dẫn chúng tôi ra băng ghế đá đặt cạnh mái hiên nhà dưới tán cây mát rượi. Những con gió chiều nhè nhẹ thoáng qua phất phơ mái tóc bạc của người phụ nữ hơn 90 năm từng trãi.

Chỉ tay về hướng cây Da được trồng trong 1 gốc Vườn Hoa Lạc Hồng trên địa bàn phường 1, thành phố Mỹ Tho, bà Bảy nhớ lại: "Nghĩa là ngay gốc cây Da đó. Hồi đó ở đó không có nhà cửa gì hết á. Chỉ có 1 cái quán ăn, rồi có 1 cái cầu tàu – cầu tàu lục tỉnh, mé trên đó là cầu tàu ông Chánh. Nhưng mà cái nhà ga nó nằm mé trên này nè, rồi xe lửa nó mới chạy vòng xuống dưới này mới có cái đường quẹo để trở đầu. Cái đường ray từ đó chạy ra Trung Lương, nó chạy trên con đường Lý Thường Kiệt. Nó chạy có 1 đường ray thẳng vậy. Từ Trung Lương nó mới quẹo đi theo lộ đá. Có khúc thì nó đi theo lộ Đông Dương (Quốc lộ 1) còn có khúc nó đi riêng".

Chuyến xe lửa đầu tiên tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho - Ảnh tư liệu

Chuyến xe lửa đầu tiên tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho - Ảnh tư liệu

Theo một số tài liệu ghi chép, ngày 12 tháng 11 năm 1880, sau khi đã bình định được lục tỉnh Nam Kỳ, người Pháp đã tiến hành cho xây dựng tuyến đường sắt đầu tiên ở Việt Nam nhằm khai thác thuộc địa. Đầu năm 1881, nhà thầu Joret bắt tay vào xây dựng tuyến đường sắt này đi từ Sài Gòn đến các tỉnh Miền Viễn tây của Việt Nam.

Đây là tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương và cũng là tuyến đường sắt thứ hai được người Pháp xây dựng ở nước ngoài, sau tuyến đường sắt dài khoảng 13 km đầu tiên đặt tại Pondichéry là khu vực thương điếm của Pháp tại Ấn Độ.

Tuyến đường sắt từ Sài Gòn tới Mỹ Tho đã được xây dựng với chiều dài hơn 70 km. Chi phí dự kiến của công trình hơn 12 triệu franc với vật liệu được đưa từ Pháp sang. Đến giữa năm, mọi dự trù đã hoàn tất và công trường đi vào hoạt động. Việc tổ chức xây dựng tuyến đường sắt khá quy mô, khẩn trương, với hơn 11.000 lao động của cả Pháp và Việt Nam. Trong đó phía Pháp chủ yếu các sĩ quan công binh và các kỹ sư, còn các lao động thủ công là người Việt.

Lúc đầu người Pháp cho cả đoàn tàu 10 toa vượt các sông Chợ Đệm ở Bình Điền, Vàm Cỏ Đông ở Bến Lức và Vàm Cỏ Tây ở Tân An bằng phà. Một năm sau cầu đường sắt vượt các sông này mới được xây xong và dùng đi chung với quốc lộ 1. Tuyến đường sắt Sài Gòn – Mỹ Tho đã làm thay đổi tư duy giao thông của người Việt ở cuối thế kỷ 19 khi trước đây chỉ di chuyển bằng hai phương tiện chính bằng ngựa trên bờ và ghe thuyền dưới nước.

Thời gian đầu, xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho sử dụng đầu kéo là máy hơi nước. Xe lửa chạy có lúc nhanh, lúc chậm, bất thường. Khi lên dốc, qua cầu, nhiều lúc nồi không đủ hơi để chạy, có khi bị tuột xuống. Thế nên mới có câu ca rằng: Tàu chiều lên dốc Tân An/ Leo lên, tuột xuống mới sang bên nường.

Ông Nguyễn Văn Vàng - người đã từng đi chuyến xe lửa này từ Mỹ Tho lên Sài Gòn nhớ lại: "Xe lửa Mỹ Tho chạy chậm lắm. Bởi vậy hồi xưa họ có câu “Mầy giống xe lửa Biên Hòa” nghĩa là thằng đó chạy giỏi, chạy mạnh lắm. Còn xe lửa Mỹ Tho chạy chậm lắm. Xe lửa hồi xưa chạy bằng máy lửa, chỉ có mấy bữa Tết thì nó có chiếc xe chạy bằng máy dầu, mà cái đó nó không kéo Ga-Gông, nó chỉ 1 cái xe thôi mà chạy nhanh. Chỉ có 1 lần đó thôi. Còn bình thường thì máy lửa kéo Ga-Gông, có Gông hành khách, rồi sau chót là cái Gông chở hàng hóa. Mà không có nhiều, máy yếu lắm. Muốn qua cầu Bến Lức thì xe phải ngừng lại. Chờ chụm lửa vô cho hơi lên bởi vì máy đó là máy hơi nước phải chụm lửa để nhiệt độ lên cao rồi mới qua nổi cầu".

Ông Vàng cho biết thêm: Ngoài nguyên nhân máy yếu khiến xe lửa chạy chậm, còn có 1 nguyên nhân khác là trên lộ trình 70 cây số từ Mỹ Tho lên Sài Gòn có đến 16 điểm dừng. Do máy kéo tàu chạy bằng hơi nước nên đến mỗi ga phải ngừng lại để chờ cho nhiệt độ tăng lên mới đi tiếp. Một điều đặc biệt là các nhà ga đều xây theo một kiểu giống nhau, nhà hai mái, tường bằng gạch đinh dày 20 cm, hai đầu hồi của hè nhà hướng ra phía đường rầy xây theo kiểu vòm cuốn:

"Nó có mấy ga như thế này: Mỹ Tho, Trung Lương, Thân Cửu Nghĩa – Lương Phú, đó là mấy ga nó ngừng ít. Nó ngừng ngắn lắm. Tân Hiệp lớn, Tân Hương thường (nhỏ) rồi tới Tân An là lớn. Lên cầu Tân An thì xe lửa nó hơi yếu mà cầu Tân An thì cũng không cao lắm thành ra nó qua được. Rồi lên Bình Ảnh, rối tới Bến Lức – Bến Lức là ga lớn, Gò Đen, rồi tới Bình Chánh. Rồi Bình Điền tới An Lạc tới Phú Lâm rồi mới tới Chợ Lớn. Chợ lớn là ga lớn, Chợ Lớn rồi mới tới Sài Gòn. Ga Sài Gòn bây giờ là Công viên 23/9 đó. Đó là cái ga lớn đó. Xe lửa Mỹ Tho là như vậy đó", ông Vàng nhớ lại.

Tàu lửa Sài Gòn - Mỹ Tho ngừng hoạt động sau 73 năm gắn bó người dân Nam Bộ. Ảnh tư liệu

Tàu lửa Sài Gòn - Mỹ Tho ngừng hoạt động sau 73 năm gắn bó người dân Nam Bộ. Ảnh tư liệu

Năm 1896, tổng lãi thu được từ tuyến đường sắt là 3,22 triệu francs, đến năm 1912 thì số lãi còn cao hơn đến 4 triệu francs. Sau khi đã hoạt động được ba năm, trước sự phát triển và lợi nhuận thu về của tuyến đường sắt này, thống đốc Nam kỳ sau những tranh cãi đã quyết định đền bù cho nhà thầu Joret là 315.755 Franc để lấy lại quyền khai thác của hãng này.

Từ ngày 1 tháng 10 năm 1888, tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho do nhà nước khai thác và quyết định dời nhà Ga từ vườn Hoa Lạc Hồng lên khu vực Ao Súng – Chợ Vòng Nhỏ nằm ở đầu đường Trần Hưng Đạo, cách vị trí ga cũ khảng 1 cây số, do khu vực này xưa kia là đồng ruộng, đất nhiều, rộng rãi:

"Ở đường Trần Hưng Đạo, Chợ Vòng Nhỏ cũ đó. Ở ngoài đi vô bên tay mặt – Hồi đó chỗ đó có cái cống, Có một thời gian tụi xe lửa tính dời ga xe lửa Mỹ Tho lên đó, thành ra nó mới mướnchiếc xáng mút chỗ chợ Vòng Nhỏ bây giờ đó – Bây giờ nó bị lấp đi rồi, nó thổi đất lên đường đi vô đó , nó tính dời lên đó nhưng sao không biết mà không có dời. Khu đó bây giờ là Chợ Hàng Còng đó", ông Vàng cho biết.

Đến những năm 50 của thế kỷ 20, thời kỳ này xe hơi phát triển mạnh. Hệ thống đường bộ Sài Gòn – Mỹ Tho cũng được đầu tư nên người dân chuyển dần sang đi đường bộ để thuận lợi hơn. Có những ngày cả đoàn tàu chỉ có vài chục người đi dẫn đến thua lỗ nặng. Đến năm 1958, tuyến đường sắt Mỹ Tho – Sài Gòn đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm cho ngưng hoạt động, kết thúc 73 năm tồn tại.

Chiến tranh và thời gian đã xóa dần các dấu vết của “tuyến đường sắt đầu tiên ở Đông Dương”, đến nay chỉ có thể hình dung ra nó qua các hạng mục còn sót lại như trụ cầu, nhà ga, các trụ điện đứng rải rác hoặc bị quăng quật ở Sài Gòn, Tân An, Mỹ Tho… Thế nhưng, với những bậc cao niên như ông Vàng, bà Bảy thì biết bao kỉ niệm vẫn còn đó, như mới ngày nào:

"Một ngày nó chạy có 1 chuyến hà, Khuya nó chạy lên Sài Gòn rồi chiều khoảng 4 giờ thì nó về. Bởi vì tụi này hồi đó bán báo, cho nên chiều 4 giờ ra đó đón lấy báo. Nó chở hàng rồi chở người nữa nhưng người thì ít mà chở hàng thì nhiều. Tui tôi thường thường là chủ nhật hay đi chơi. Đi chơi mà đi bằng đôi guốc Vông đi trên đường rây xe lửa, đi từ đó ra tới Trung Lương, đi đôi guốc vong về nó mòn cạo râu được luôn", bà Bảy cho biết.

"Nó chạy ban ngày không hà, không có ban đêm với lại người đi cũng ít lắm. Chỉ có những người đi bán, chỉ có người chở trái cây đi bán là nhiều chứ người đi cũng ít lắm. Nó chạy chậm lắm. Từ nhỏ tới lớn, tôi chỉ đi có 1 lần thôi. Lần đó khi tôi đã 18, 19 tuổi. Lúc đó ba tôi làm ở trên Sài Gòn. Tôi hẹn Ba tôi tới ga Sài Gòn rồi tôi hẹn ở đây, lên đó ba toi đón tôi. Nó chạy chậm lắm với lại ghé hoài mà. Chạy lên Trung Lương cái ghé, Chạy lên Lương Phú ghé, rồi Tân An ghé, ghé hoài hà", ông Vàng hồi tưởng.

Nhóm PV/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Chỉ hơn một tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 , nhưng giá vé máy bay nội địa hiện tại không những “đắt đỏ” mà còn “khan hiếm”. Nhiều người thay vì “đu đỉnh” với giá vé thì đã chọn chuyển hướng du lịch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...