Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Đối thoại

Lời cảm ơn trên xe buýt

Chu Đức: Thứ năm 22/09/2022, 06:00 (GMT+7)

Một năm học mới đã bắt đầu, kéo theo tỉ lệ học sinh, sinh viên sử dụng phương tiện công cộng cũng tăng lên đột biến. Lúc này, sự quá tải trên xe làm nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó không ít tình huống hành khách cảm thấy bối rối, khó xử, thậm chí bức xúc.

Điển hình như câu chuyện nhường ghế cho người cao tuổi. Trên một diễn đàn về xe buýt, nhiều người chia sẻ câu chuyện gặp người lớn tuổi nhưng họ không muốn nhường ghế.

Lý do thì nhiều, nhưng đa phần là do thái độ.

Chẳng hạn, khi chưa nhường ghế, họ thường bị nhìn bằng ánh mắt chằm chằm ngầm ra lệnh. Đôi khi, họ nhận được đề nghị lạnh băng từ một người “trẻ chưa qua, già chưa tới”.

Đến khi nhường chỗ rồi, họ hụt hẫng vì chẳng có lời cảm ơn, hoặc chí ít một nụ cười lịch thiệp. Có lý do đơn giản khác là họ cảm thấy không được khỏe sau một ngày dài học tập, làm việc căng thẳng.

Nhường ghế cho người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai và người khuyết tật là nét đẹp văn hóa trên xe buýt. Với số lượng ghế ít ỏi trong khi khách rất đông, ghế ngồi rõ ràng nên được ưu tiên cho người yếu thế, bởi họ không đủ sức khỏe để đứng suốt chuyến đi, hay đứng vững mỗi khi xe vào cua, phanh gấp.

Ảnh minh họa: Nguyễn Sử

Ảnh minh họa: Nguyễn Sử

Mâu thuẫn trong quá trình nhường ghế phần nhiều do thiếu trao đổi, tương tác để thấu hiểu tình trạng, nhu cầu của nhau.

Tình trạng sức khỏe nhiều khi không phụ thuộc vào độ tuổi. Do đó, người trẻ sẽ thấy thoải mái hơn nếu nhận được một lời cảm ơn, một nụ cười, một cái gật đầu sau khi được nhường ghế, dù chính họ cũng đang không khỏe. Điều đó khích lệ họ tiếp tục ứng xử đẹp nơi công cộng.

Ở chiều ngược lại, hành khách trẻ cũng không nên chỉ vì vài tình huống mà thay đổi thói quen nhường ghế. Bởi đa phần người cao tuổi thường gặp khó khăn khi đi xe buýt, sự khô khan trong giao tiếp đôi khi cũng chỉ là thói quen, cho nên không cần quá nặng nề, chấp nhặt.

Vả lại, làm việc tốt để giúp người, chứ đâu phải để mong nhận lại một lời cảm ơn.

Mặt khác, với một số người cao tuổi, không hỏi ý kiến mà nhường chỗ cho họ được cho là một hành động gây tổn thương, vì họ tự tin vào sức khỏe và không thích người khác cho rằng mình đã quá già để phải hưởng quyền ưu tiên.

Để tránh điều này, bạn cũng nên mở lời khi định nhường ghế, và để họ lựa chọn.

Còn nếu bạn đang trẻ nhưng không khỏe hoặc vì một lý do nào đó bất khả kháng buộc phải ngồi, bạn có thể trao đổi với tài xế hoặc phụ xe để có chỗ ngồi và tránh bị hiểu nhầm là thất lễ./.

Chu Đức/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn