Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Ký ức xe ngựa miền Tây

Mỹ Phụng: Thứ năm 10/11/2022, 10:12 (GMT+7)

Ngày nay, nhắc đến xe ngựa nhiều người miền Tây chỉ hình dung được những chuyến xe ngựa chở du khách tham quan ở một số khu du lịch. Còn đối những ai đã từng ngồi lên chiếc xe ngựa khi còn là một trong những phương tiện giao thông chính, ắt hẳn những ký ức khó quên lại ùa về trong tâm thức.

Tại miền Nam vào những năm 1880, xe ngựa là phương tiện đi lại bình dân và phổ biến ở vùng Sài Gòn-Gia Định. Đây là loại xe do một ngựa kéo được bắt nguồn từ kiểu cỗ xe song mã sang trọng của Pháp được người dân miền Nam chế tác cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và địa hình của Việt Nam.

Theo một số nguồn tư liệu thì xe ngựa đã xuất hiện ở Sài Gòn vào năm 1920, cho đến năm 1930 mới xuất hiện ở Nam kỳ lục tỉnh.

Những người cao niên kể trước đây, một số tỉnh miền Tây như An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Bến Tre cũng từng có xe ngựa "loại sang" kiểu dáng Pháp, có mui, có đèn để chuyên chở khách. Nhưng loại xe này đã vắng bóng dần từ sau năm 1980. Và sau đó, những chiếc xe ngựa còn sót lại là loại xe thô sơ không có mui hay được người dân gọi vui là "xe mui trần" chủ yếu ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang).

Nhưng thời cuộc đổi thay, phát triển, sau thời gian dần mai một, vùng sơn cước Bảy Núi giờ cũng chỉ còn sót lại vài chiếc xe ngựa bạc màu thời gian. Khác với ngày xưa lộc cộc khắp nơi, giờ xe ngựa vùng Bảy Núi chủ yếu chỉ chở người và hàng hóa từ các phum sóc xuống phố huyện và chở phân bón, hàng gia dụng từ thị trấn ngược lên các xã núi.

Không chỉ là phương tiện giao thông hữu dụng, những chiếc xe ngựa còn mang đậm dấu ấn về nét văn hóa phum sóc độc đáo cũng như bản sắc đặc trưng vùng thất sơn.

Xe thổ mộ trên đường phố Sài Gòn xưa. Ảnh: Tư liệu

Xe thổ mộ trên đường phố Sài Gòn xưa. Ảnh: Tư liệu

 

Hồi tưởng về những thời kỳ xe ngựa còn thịnh hành, chú Cao Hồng Thế, ngoài 70 tuổi, một người con ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang chia sẻ, lúc còn nhỏ chú được ba cho đi xe ngựa lên vùng Bảy Núi để tham quan. Cảm giác khi ngồi trên xe ngựa ngắm cảnh ấn tượng đến lạ kỳ:

"Lúc đó đi với ông già trên vùng Bảy Núi đó, rồi được xe ngựa từ chợ mà đi lên tới gần cửa khẩu Tịnh Biên. Cảm giác lần đầu tiên đi xe ngựa nó thú vị hơn đi xe bằng máy như vespa, da-su hồi đó đó. Mình lên xe ngựa ngồi thấy nó nhàn hơn, xe ngựa thoải mái lắm. Mà ngựa sải mình ngồi lên xe thấy nó nhàn lắm, nó sải cái móng nó xuống lộ kêu cộc cộc cộc nghe nó hay lắm kìa", chú Thế nhớ lại.

Về sau, khi những chiếc xe máy ồ ạt xuất hiện ở Việt Nam, nhiều người đã cải tiến xe lôi đạp thành xe lôi máy. Trẻ con ngày xưa thường chạy theo những chiếc xe ngựa trang trí lộng lẫy nào pa nô, áp phích để xin tờ quảng cáo về truyện phim hoặc tuồng cải lương sắp trình chiếu. Nay những hình bóng ấy đã đi vào quá khứ, nhưng mỗi lần về Tri Tôn nghe tiếng nhạc ngựa nhiều người lại cảm thấy nao nao như được sống lại một thời tuổi thơ êm ả.

Giống như chú Cao Hồng Thế, chú Phạm Văn Lộc, quê ở Ô Môn (Cần Thơ) cũng nhớ mãi cảm giác lâng lâng thú vị như vậy khi được ngồi trên chiếc xe ngựa thuở thiếu thời.

Chú Lộc chia sẻ: "Ban đầu thì cũng sợ, nhưng sau đó nó chạy thì thích thú. Thấy lạ lạ nên thích. Cái móng nó sải ở dưới nghe lộc cộc theo nhịp thích lắm. Tiếng lộc cộc lộc cộc, nó cũng có cái thú vị của nó, nghe cũng vui. Cái gì nó lạ lạ là thấy vui!".

Không chỉ đi xe ngựa ở vùng Bảy Núi, chú Phạm Văn Lộc còn nhiều lần được đi xe ngựa ở TP. Cần Thơ. Khi xe chạy người cầm cương thường bóp còi bi bo lại còn gắn thêm chuông hoặc lục lạc lên cổ phát ra tiếng leng keng nghe rất vui tai. Hồi đó, xe cộ còn hạn chế, ở Cần Thơ, bãi xe ngựa vẫn còn xuất hiện nhiều nơi để phục vụ hành khách đi lại trong vùng.

Chú Lộc kể lại: "Nhà chú ở Ô Môn, ở đó nó có hai chiếc xe ngựa, bị tình trạng lúc đó xe cộ cũng khó đi nữa. Rồi nó đậu ngoài lộ trước cửa nhà chú. Nó đậu đó để chở khách ra bến xe, ra bến đò Đu Đủ đồ đó. Chú với mấy thằng bạn bao nó chở đi vòng vòng để chơi".

Dù được nhiều lần ngồi sau xe ngựa, nhưng chú Phạm Văn Lộc không thể nào quên kỉ niệm lần đầu tiên ngồi trên lưng ngựa khi gặp phải con ngựa bất kham khiến chú Lộc bị một phen hú vía nhớ đời, chú kể lại: "Đi dọc đường con ngựa nó giở chứng nó phóng tưng tưng, nó không chịu chạy đi nữa. Nó phóng mình vịn không kỹ là bật ngửa đó. Nó cất cái đầu lên. Hên là chú vịn hai bên thành xe nó có cái đố đứng đó vịn vô. Tại hồi đó xe chạy cũng sợ nên vịn vô. Rồi một hồi cái ông điều khiển xe ngựa đó ổng vỗ dành làm sao đó rồi một hồi nó mới chịu chạy".

Để có được chú ngựa “dũng mãnh” chinh chiến trên khắp nẻo đường thuận lợi, thường những người đánh xe ngựa (hay còn gọi là xà ích) khi đi mua ngựa, họ không để ý đến ngựa ốm hay mập mà thường nhắm tướng ngựa chân cao, mình thon, mũi khô, mắt ướt, hay có xoáy ở tai là tai rất thính hoặc ở gối con ngựa có đủ 4 xoáy, người sành ngựa gọi là “tứ mục trung đồng” rất quý hiếm, còn gọi là thiên lý mã.

Người đánh xe ngựa bao giờ cũng chậm rãi, thong dong và nhàn hạ, không vội vàng, khẩn trương như các loại xe cơ động. Những người khách ngồi trên xe cũng không có gì hối hả, họ cứ râm ran hết chuyện này đến chuyện nọ.

Ngày nay, khi các phương tiện hiện đại dần thay thế, những cỗ xe ngựa ngày xưa cũng lui dần vào quá khứ. Tuy nhiên, không ít người vẫn chưa từng được đi xe ngựa lần nào cũng muốn trải nghiệm cảm giác ngồi trên xe ngựa. Vì vậy ngày nay ở nhiều khu du lịch tại miền Tây đã tận dụng, cải biên những chiếc xe ngựa để chở du khách tham quan lòng vòng khu du lịch như một nét đặc trưng riêng để thu hút du khách.

picture-102-1649501819-881-width1600height1067

Đã từng được ngồi xe ngựa trong một chuyến du lịch, chú Phạm Tấn Vui quê ở Chợ Gạo, Tiền Giang chia sẻ: "Giống chiếc xe lam ngày xưa, rồi nó có 2 bên mình bước lên ngồi có 2 cái cạnh đối diện nhau giống như nhà vòm, cái nhà đám cưới đó. Có cái người ngồi đằng trước rồi người ta đánh đánh con ngựa chạy cộc cộc rồi nó cứ nhấp nhô, nhấp nhô cũng không khó chịu lắm. Con ngựa đó thì lớn, tương đối lớn chứ không nhỏ, chở được khoảng 7,8 người".

So với những phương tiện đi lại hiện đại ngày này, xe ngựa được tận dụng ở các khu du lịch như một nốt nhạc trầm đưa người ta quay về thời quá khứ xa xưa khiến không ít người mê mẩn. Cảm giác thư thái khi ngồi trên chiếc xe nhỏ, đếm thời gian trôi qua trong tiếng vó ngựa lóc cóc, lóc cóc…trên con đường làng :

"Nó cũng khó tả là con ngựa chạy cộc cộc ngoài trước, mình ngồi ngoài sau rồi cảm giác không rung lắm, cảm giác như bồng bềnh vậy đó. Người mình ngồi không có yên mà nó nhích nhích theo điệu nhịp của cái chân ngựa cộc cộc, theo con ngựa chạy cộc cộc đó.

Nó thú vị cái là nó lạ, rồi nó mát mẻ, nhìn phong cảnh hai bên khi con ngựa chạy. Thấy nó cũng lạ vì cái phương tiện ngày xưa ông bà mình đi rồi giờ mình đi cho mình biết cái cảm giác ngày xưa ông bà mình đi sao vậy đó. Mấy đứa con nít đi nó cũng thích lắm!".

Những chú ngựa kéo xe chở khách ở các khu du lịch thường được chăm sóc rất kỹ lưỡng trông rất oai vệ, mượt mà. Có những chú ngựa được trang trí lên đầu những bông hoa hay chiếc nơ xinh xắn để du khách chụp hình. Ngồi trên chiếc xe gỗ chậm rãi, ngắm nhìn sự yên bình của vùng quê và thưởng thức tiếng vó ngựa hòa lẫn tiếng reo của lục lạc trong sương sớm chính là những thứ níu chân lữ khách.

Giờ đây, xe ngựa với sứ mệnh như một phương tiện giao thương chính đã đi vào dĩ vãng nhưng trong tiềm thức của những người con miền Tây sông nước vẫn luôn có một hình ảnh chiếc xe ngựa với âm thanh lộc cộc, lộc cộc, khắc khoải đến nao lòng...

 

Mỹ Phụng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Thoát nước ở nông thôn

Thoát nước ở nông thôn

Nếu cứ mỗi mùa mưa, nước lại đọng trong vườn, trong nhà mà không thể chảy đi đâu được, rồi nước thải cũng sẽ như vậy, thì dần dần sẽ tạo ra một sức ép rất lớn đến môi trường sinh sống ở vùng nông thôn của chúng ta.

Xe buýt là phương tiện ưu tiên, không có nghĩa được bỏ qua vi phạm

Xe buýt là phương tiện ưu tiên, không có nghĩa được bỏ qua vi phạm

Với tâm lý xe buýt là phương tiện hành khách công cộng được ưu tiên, nhiều tài xế đã cố tình vi phạm ATGT, ngang nhiên vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, thậm chí chạy trên cả vỉa hè

Giá cafe trong nước và thế giới đều biến động mạnh

Giá cafe trong nước và thế giới đều biến động mạnh

Sau đợt tăng vọt lên sát mức đỉnh lịch sử, giá cà phê Việt Nam đang đứng trước đà giảm mạnh.

Xin đừng lạm dụng phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Xin đừng lạm dụng phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm từ lâu vốn được ví như “trái tim của thủ đô”, là không gian văn hóa của Hà Nội và là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Thế nhưng thời gian qua, khu vực này lại liên tục được dùng để làm nơi tổ chức các hội chợ và sự kiện.

Lưu thông trên cao tốc: Tại sao đường càng đẹp, tai nạn lại càng nhiều?

Lưu thông trên cao tốc: Tại sao đường càng đẹp, tai nạn lại càng nhiều?

Thời gian qua, trên các tuyến cao tốc liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Tại sao ngày càng có nhiều tuyến đường cao tốc được khánh thành với chất lượng tốt, nhưng tai nạn giao thông lại có xu hướng tăng cao?

Không hiểu tiếng Việt

Không hiểu tiếng Việt

Dạo gần đây, trên các phương tiện truyền thông hoặc thậm chí là một vài tác phẩm văn học, chúng ta thường thấy xuất hiện cách hành văn khá “kỳ lạ”, không theo chuẩn thông thường của tiếng Việt. Cách viết này được dùng khá phổ biến, đến mức được cho là chuyện bình thường và mặc nhiên coi lối viết đó là đúng.

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 2):  Ùn tắc liên miên nhưng cầu đường vẫn “ế”

Đẩy lùi lãng phí trong giao thông, bắt đầu từ đâu? (Bài 2): Ùn tắc liên miên nhưng cầu đường vẫn “ế”

Như VOV Giao thông đã đề cập, ùn tắc giao thông đang lấy đi khoảng 3% tổng thu nhập của các đô thị hàng đầu nước ta, gây thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm, gây tổn thất và lãng phí xã hội khổng lồ.