Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Không dễ xử lý buôn bán lấn chiếm lòng lề đường

Mộng Toàn - Thanh Phê: Thứ ba 18/10/2022, 10:40 (GMT+7)

Hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh mua bán không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn là một trong những nguyên nhân gây cản trở, ùn tắc giao thông và nảy sinh nhiều nguy cơ về tai nạn giao thông đường bộ. Giải pháp bàn đã nhiều, nhưng tình trạng này vẫn đâu vào đấy.

Dù liên tục được tuyên truyền, nhắc nhở không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, nhưng tình trạng lấn chiếm vẫn diễn ra ở nhiều chợ ở Hậu Giang như cơm bữa. Chỉ khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng thì người bán lại nháo nhác dọn dẹp.

Chợ Cầu Móng, ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có vị trí nằm trên tuyến Quốc lộ 61, đối diện với trục đường chính vào trụ sở UBND xã Hòa An, thị trấn Cây Dương và đi thành phố Ngã Bảy. Vì vậy, hàng ngày lượng phương tiện tham gia giao thông qua lại khu vực này rất nhiều. Tuy nhiên, người bán vẫn thường xuyên lấn chiếm hai bên đường, còn người mua thì vô tư đậu gây cản trở giao thông.

Hành lang ATGT đường bộ bị người dân lấn chiếm. Ảnh: ATGT.vn

Hành lang ATGT đường bộ bị người dân lấn chiếm. Ảnh: ATGT.vn

Trong khi đó, tại chợ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành dù có nhà lồng chợ hẳn hoi, nhưng vì ế ấm nên tiểu thương đành lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán.

Một trong những tiểu thương, cho biết lý do: "Cái chợ này cái đường vô nhỏ xíu, xe chạy vô mắc quay đầu ra. Mấy cái lô tạp hóa này mấy nay chợ ế quá nên người ta đóng cửa nghỉ hết."

Theo như các tiểu thương vì cuộc sống nên để bán được hàng bà con không còn lựa chọn khác. Khi gặp lực lượng chức năng thì “tay xách nách mang” ôm hàng chạy và có người cũng phải đóng phạt vì vi phạm của mình.

Một tiểu thương bộc bạch:  "Ế quá buộc phải bưng ra lề đường bán. Giờ bán vầy, sáng là người ta đuổi, tới 11h bưng ra bán được chút xíu là đuổi nữa rồi bưng chạy vô. Giờ cuộc sống nó khổ thì phải chịu chứ biết sao giờ."

Ế quá, nên những người tiểu thương phải liều, dù biết rằng việc buôn bán lấn chiếm là vi phạm. Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành, trên địa bàn huyện có 5 chợ. Trong đó, 2 chợ người dân mua bán, lấn chiếm lồng lề đường nhiều nhất là khu vực chợ Trung tâm thị trấn Ngã Sáu và chợ tự phát xã Phú Hữu.

Đối với các chợ này, dù địa phương thường xuyên ra quân tuyên truyền, xử lý nhưng thực tế cho thấy, chưa giải quyết dứt điểm. Điều này, cũng dễ hiểu do hạ tầng thương mại còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu. Riêng về việc xác định mốc lộ giới, để thực hiện giải tỏa hành lan, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện đã xịt sơn, kẻ vạch rõ ràng, làm căn căn cứ xử lý theo quy định.

Ông Phan Thành Nhu, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Cơ bản là ra quân xử lý, đến thời điểm này có trường hợp xử lý, có trường hợp cho cam kết, thời gian tới đề nghị các địa phương các đồng chí tăng cường hơn nữa, ra quân quyết liệt hơn, xử lý nghiêm. Mình cam kết đã cho cam kết rồi, vận động đã vận đồng rồi, còn lại là xử lý. Thêm nữa đối với các chợ, khu vực chợ đã cấm các biển dừng, đỗ. Thời gian qua người dân mua bán trên tuyến đường này mua cũng dừng đỗ sai quy định, đề nghị các xã trong thẩm quyền của mình kiểm tra, xử lý và phạt mạnh…”

Đối với nhiều người, việc dừng xe để mua một món hàng thiết yếu bên đường thường tiện lợi hơn, vì vậy hầu như cứ ở nơi nào có tập trung đông người thì chắc chắn diễn ra cảnh lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán.

Đoàn liên ngành nhắc nhở người dân tháo dỡ, di dời các vật dụng lấn chiếm hành lang ATGT. Ảnh: ATGT.vn

Đoàn liên ngành nhắc nhở người dân tháo dỡ, di dời các vật dụng lấn chiếm hành lang ATGT. Ảnh: ATGT.vn

Không phải chúng ta không có các quy định về xử phạt việc, thậm chí đã có rất nhiều các văn bản chỉ đạo, vấn đề là tổ chức thực hiện ra sao và như thế nào. Trên thực tế, phần lớn các đợt ra quân xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường thì đối tượng bị xử phạt hầu như chỉ là các hộ kinh doanh, người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường mà đã đôi khi quên đi người mua. Ở khía cạnh khác, với lực lượng mỏng, việc duy trì liên tục các đợt ra quân xử phạt rất khó khăn và dễ rơi vào tình trạng tái chiếm như ở nhiều nơi.

Từ những thực tế đó, tại khu vực chợ Cái Tắc, nằm trên quốc lộ 61, điểm nóng về tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường bao năm qua ở Hậu Giang, ngành chức năng đã thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp, trọng tâm là thực hiện tuyên truyền, sắp xếp người dân buôn bán không lấn chiếm lòng lề đường, cho ký cam kết, lấp rào chắn trên khu vực cầu.

Đặc biệt, lắp camera giám sát để ghi nhận, xử lý các trường hợp buôn bán, lấn chiếm và các phương tiện dừng trên cầu mua hàng hóa khi không có lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra để xử lý nghiêm, chính điều này đã trả lại sự thông thoáng cho khu vực này vào giờ cao điểm.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: "Dọn dẹp những điểm mua bán, lấn chiếm trên các tuyến đường, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè. Vừa qua Công an tỉnh, CSGT tỉnh đã có chỉ đạo tuần tra, kiểm soát nghiêm và xử lý. Và có công tác giáo dục tuyên truyền đối với người tham gia giao thông, làm sao phải chấp hành nghiêm các quy định, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…"

Để chấn chỉnh tình trạng này, cùng với việc xử lý người lấn chiếm, đã đến lúc cần cân nhắc đến cả việc xử lý người mua. Về lâu dài, cần làm tốt được việc quy hoạch “mua có nơi, bán có chỗ”. Từ đó, câu chuyện “biết rồi nói mãi”, mới có thể giải quyết căn cơ, trả lại hè thông, lề thoáng, đảm bảo ATGT, tránh đi những vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Mộng Toàn - Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn