Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Dân sinh

Khốn khổ vì lục bình

Xuân Quang: Chủ nhật 02/06/2024, 20:53 (GMT+7)

Lục bình là loài thủy sinh quen thuộc với người dân miền Tây. Nếu như trước đây, người ta trồng lục bình để phục vụ cho việc đan lát thì nay, lục bình bỗng trở thành nỗi lo ngại của nhiều người khi trên hầu khắp các nhánh sông, rạch đều ken kín loài cây này.

Lục bình phát triển dày đặc không chỉ gây cản trở dòng chảy, gây khó khăn cho giao thông thủy mà còn làm ô nhiễm môi trường. Dẫu hàng năm, các địa phương đã phải tiêu tốn hàng tỉ đồng để xử lý nhưng dường như vẫn không hiệu quả.

Nếu có dịp xuôi dòng trên các tuyến kênh rạch vùng Tiền Giang, Đồng Tháp, người ta không khó để bắt gặp lục bình. Lục bình có mặt khắp nơi, từ lung, rạch, xẻo ít tàu ghe qua lại, đến các nhánh sông Tiền, Kênh Chợ Gạo, Kênh Nguyễn Văn Tiếp – những dòng kênh lớn chuyên phục vụ giao thương, tàu ghe qua lại đông xiết, lục bình vẫn sinh sôi. Tại 1 đoạn kênh Đầu Ngàn trên địa bàn xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang – Đoạn từ tiếp giáp với Kênh Chà kéo dài tới đầu Kênh 10, lục bình ken đặc cả 1 khúc sông với chiều dài khoảng 4 cây số. Ghe tới cũng không được, mà xuồng ra cũng không xong.

Người nông dân vùng này chỉ biết lắc đầu ngao ngán mỗi lần chở phân thuốc cho ruộng vườn hay đưa lúa ra lộ lớn sau thu hoạch. Họ không còn cách nào khác ngoài việc cứ vài ba tháng phải phun thuốc diệt cỏ một lần.

Ông Nguyễn Văn Be, ngụ tại địa phương cho biết: "Việc lục bình sinh sôi nảy nở đã trở thành vấn nạn từ nhiều năm nay rồi. Nó sinh sôi nẩy nở nhanh như thế sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Các loài thủy sản sinh sống cũng rất khó bởi vì lục bình bít luôn thì không còn ánh sáng, không còn chổ để nó lên nó thở. vì thế thủy sản nó không phát triển được."

Lục bình xuất hiện trên nhiều tuyến kênh rạch vùng Tiền Giang, Đồng Tháp

Lục bình xuất hiện trên nhiều tuyến kênh rạch vùng Tiền Giang, Đồng Tháp

Một số tuyến kênh tại xã Mỹ Trung của huyện Cái Bè cũng xảy ra tình trạng tương tự. Người dân nơi đây cho biết, lục bình dày đặc trên các sông, kênh, rạch trên địa bàn đã xuất hiện từ nhiều năm trước. Lục bình nhiều đến nổi tàu ghe không thể đi được.

Ở vùng Đồng Tháp Mười, ngoài Tiền Giang thì một số khu vực của Đồng Tháp và Long An cũng bị lục bình “tấn công”. Tại một con kênh nhỏ trên địa bàn xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, lục bình còn bám kính cả mặt sông và cao quá khỏi thắt lưng. Việc lục bình sinh sôi nhanh chóng mặt khiến địa phương loay hoay xử lý, còn người nông dân thì bị thương lái ép giá để bù trừ vào chi phí cho phần vận chuyển:

"Tôi nói thiệt với mấy chú, bây giờ lúa người ta mua 6 ngàn rưỡi chứ vô đây là chỉ mua 6 ngàn tư. Tui hỏi mấy chú con kênh như vầy sao chạy được. Mới hôm trước, nó nói phải biết con kênh như vầy thì tôi không vô."

"Thường thường thì mình tốn khoảng 2 lít dầu là mình tới nơi. Nhưng hôm nay nếu mình phải qua nhiều chướng ngại vậy lục bình cản ngang khoảng chừng 500m thôi thì phải tốn khoảng 10 lít dầu mới tới nơi."

Theo ông Đoàn Thanh Trung – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, hiện nay việc xử lý triệt để lục bình là một vấn đề khó. Thời gian qua, việc vớt lục bình, khơi thông dòng chảy luôn được chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể thường xuyên quan tâm, nhưng do thực hiện bằng biện pháp thủ công nên kết quả đạt không cao, trong khi việc thuê mướn cơ giới lại tốn rất nhiều tiền, vượt quá khả năng tài chính:

"Hồi trước tới giờ nó cũng có nhiều nhưng mà cũng nhờ vận động bà con rồi ở xã lâu lâu cũng ra quân trục với. Chỉ trục với thôi chứ bây giờ nhà nước mình không cho xịt thuốc, xịt thuốc thì ô nhiễm môi trường nên phải vận động bà con trục vớt. Đặc biệt là bà con sống quanh khu vực đó và những người thường sử dụng nước thì họ khai thông đỡ thôi chứ 1 vài tháng nó cũng tái lại. Tụi em ở đây lâu lâu cũng phải làm hoài vậy đó. Hồi lúc trước mấy ông cấp trên bắt buộc phải đưa cơ giớ vô để trục vớt nhưng mà ở đây tụi em đâu có kinh phí do đó mỗi lần thuê cũng khó. Nên đa số là tụi em phải vận động người dân và các đoàn thể tham gia làm thôi."

Điệp khúc “Trục vớt, xịt rồi lại sinh sôi”, “Sinh sôi rồi lại tiếp tục xịt, trục vớt” như 1 vòng lẩn quẩn mà không có lối thoát đối với lục bình. Đặc thù của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long là hệ thống sông ngòi chằng chịt, việc lục bình lấn chiếm lòng sông, kênh rạch đang đặt ra nhiều thách thức trong việc quản lý kinh tế, môi trường và giao thông, đòi hỏi các địa phương cần quyết liệt hơn với những giải pháp căn cơ và hiệu quả hơn.

Có như vậy mới không còn những dòng sông “chết” chỉ vì lục bình sinh sôi.

Xuân Quang/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn