Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Cảm hứng Mekong

Hơ Phấn - Người gieo chữ kiên cường

Ngọc Quý: Thứ hai 13/11/2023, 15:06 (GMT+7)

Ở cái tuổi xế chiều, vậy mà Hơ Phấn – cô giáo Đinh Thị Kim Phấn, giáo viên chủ nhiệm lớp học chữ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vẫn buộc chặt đời mình với phấn trắng, bảng đen để mang đến cho những đứa học trò mà cuộc sống của chúng đôi khi chỉ còn được tính bằng giây.

Lớp học của cô Hơ Phấn vào năm 2009. Ảnh: Hồng Lĩnh

Lớp học của cô Hơ Phấn vào năm 2009. Ảnh: Hồng Lĩnh

"Tôi là Đinh Thị Kim Phấn. Tôi đã trót làm nghề giáo, tôi có những học sinh thật đặc biệt, bởi vì cuộc đời các em rất ngắn…"

45 năm dấn thân cho sự nghiệp trồng người

15 năm kiên trì gieo chữ nơi lằn ranh của sự sống và cái chết

Những đứa học trò đến rồi đi, những cuộc chia ly không hẹn trước

Đó là những gì mà chúng tôi muốn nhắc về Hơ Phấn – cô giáo Đinh Thị Kim Phấn, giáo viên chủ nhiệm lớp học chữ Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh. Ở cái tuổi xế chiều, vậy mà Hơ Phấn vẫn buộc chặt đời mình với phấn trắng, bảng đen, vẫn miệt mài “cõng chữ” xuyên qua những phố phường bỏng rát để mang đến cho những đứa học trò mà cuộc sống của chúng đôi khi chỉ còn được tính bằng giây.

PV: Chúng tôi đang có mặt tại một lớp học rất đặc biệt, chúng tôi gọi lớp học là lớp học của những chiến binh hoa mặt trời, bởi các em như những bông hoa hướng dương luôn trân trọng sự sống và từng ngày chiến đấu để giành lấy sự sống. Dẫu đang mang trong mình những căn bệnh hiểm nghèo, nhưng các em vẫn luôn khát khao con chữ. Và có những người thầy, người cô như Hơ Phấn đã tiếp thêm sức mạnh trên hành trình gieo chữ và nhận chữ này.

Thưa cô Phấn, cơ duyên nào đưa cô đến với lớp học này?

Hồi đó, cô đọc Báo Tuổi trẻ, Chương trình Ước mơ của Thúy thì cô biết được cô bé Lê Thanh Thúy bị ung thư xương, nhà ở Quận 1. Cô bé này có nghị lực, biết nghĩ đến các bệnh nhi và kêu gọi cộng đồng chung tay để giúp các em. Cô mới gọi điện thoại về tòa soạn của Báo Tuổi trẻ, cô xin số điện thoại của Lê Thanh Thúy và cô trực tiếp đến nhà Lê Thanh Thúy.

Lúc đó, em bị cắt hết một chân rồi nhưng mà vẻ mặt của em đến mãi bây giờ cô vẫn nhớ, nó rạng ngời như không có gì xảy ra. Thế là, cô mới lấy tấm gương nghị lực của Lê Thanh Thúy về cô dạy cho học trò của cô, lúc đó, cô đang dạy lớp 5 – Trường Tiểu học Đuốc Sống Quận 1.

Sau này, bên Báo Tuổi trẻ mới phát động Chương trình Viết tiếp ước mơ của Thúy – chăm sóc, hỗ trợ về mặt vật chất cũng như tinh thần cho những em bé bị bệnh ung thư mà xuất phát từ Bệnh viện Ung bướu, thì cô tham gia.

Ví dụ như có quà, có tiền của học sinh cô, cô gửi về chương trình rồi tới mùa Noel, Tết thì cô cho viết thư, học sinh cô viết thư rồi cô chuyển vô trong đó. Cho tới năm 2009, nhà báo Tố Oanh – chủ nhiệm của Chương trình Ước mơ của Thúy biết cô là giáo viên nên mới tới nhà cô đề nghị là bây giờ sẽ mở một lớp học chữ trong bệnh viện bởi vì những bé tới tuổi đi học mà phải ở trong bệnh viện suốt, hỏi cô là có thể nhận phụ trách lớp hay không, cô gật đầu liền tức thì mà không hề suy nghĩ.

PV: Khó khăn lớn nhất trong hành trình gieo chữ ở lớp học đặc biệt này là gì, thưa cô?

Cô cũng gồng mình lắm, mình dạy cho học sinh phổ thông bình thường bây giờ tự nhiên đối tượng mình là bệnh nhi, dạy làm sao đây mà trình độ còn lộn xộn. Mới vô thì chỉ mở lớp cho 4,5 em học sinh lớp 1 nhưng mà sau đó thì các em lớp 2, 3, 4, 5 cũng đang học giữa chừng và bệnh phải vô đây thế mình phải nhận luôn, cuối cùng nhận tới lớp 9.

Cô mới huy động giáo viên trong trường cô, đầu tiên chỉ có giáo viên trường Đuốc Sống thôi, xong rồi lan tỏa ra các trường rồi tầng lớp sinh viên đến đông lắm. Thế là cô tuyển, cô có mở lớp tập huấn vừa có năng lực, vừa có tâm huyết, có trái tim tình nguyện thì mới theo cô được. Chọn lọc cũng khó lắm, vài bạn đến một vài lần rồi thôi, các cô giáo cũng vậy. Có người chứng kiến cảnh rồi ám ảnh quá không muốn tới nữa, không muốn đi ngang bệnh viện luôn.

PV: Cô đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Cô tự mày mò, cái gì mà trong nghiệp vụ sư phạm mình thì mình cố gắng, rồi thực tế thì mình cố gắng tìm hiểu.

PV: Điều mong mỏi lớn nhất của cô lúc này là gì?

Cô thấy là cô đã đem được niềm vui đến cho các bé và thấy các bé thời gian không còn bao lâu nữa. Cô đã chứng kiến rất nhiều trường hợp rồi cô biết cần phải quý trọng thời gian hiện tại. Cô 67 tuổi rồi thời gian cô còn lại cũng không nhiều nên còn lại cô làm được gì thì cô làm và bé với cô giống nhau chỗ đó.

Đối với các bạn trẻ thì thời gian còn rất dài nhưng đối với cô là như vậy nên là cô có bao nhiêu cô cho hết bấy nhiêu. Cô có cái chữ cô cho cái chữ, có được việc này việc nọ thì cô làm.

PV: Xin cảm ơn cô rất nhiều. Chúc cô luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành với các học sinh của mình.

Ảnh: Hồng Lĩnh

Ảnh: Hồng Lĩnh

Đây là lớp học đặc biệt của Hơ Phấn. 1 thầy, 20 trò, 8 cái bàn gỗ bé xíu được kê sát nhau đặt tại Phòng sinh hoạt nhi Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh. Lớp học “dã chiến” này được mở từ năm 2009 để viết tiếp “Ước mơ của Thúy” - chương trình dành cho bệnh nhi ung thư. Từ đó, lớp học chữ trở thành ngôi nhà chung cho những bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn khát khao con chữ.

Nhanh tay sắp xếp lại bàn ghế chuẩn bị cho buổi học chiều, Hơ Phấn kể cho chúng tôi nghe về hành trình 15 năm kiên trì gieo chữ ở vùng đất “cõi cằn” mà nghị lực nhất này, nơi mà lẽ ra những đứa trẻ phải được tự do khám phá thiên nhiên của đất trời, được nghe tiếng trống trường giòn giã ngày ba bận thì ở đây, các em lại phải truyền dịch, chọc tủy, vô thuốc, xạ trị, chịu đựng những cơn đau bào xé ruột gan, vắt kiệt sức lực. Vậy mà, những “chiến binh hoa mặt trời” ấy vẫn khao khát được sống, được học chữ, vẽ tranh, làm toán, viết văn, vẫn mê lời giảng của người giáo viên ở cái tuổi 60 này.

"Bé Như Ý này, vì nó mà mở lớp. Nó hỏi bà nó là “Làm sao phân biệt số 6 với số 9?” Phụ huynh muốn cho con họ được học, rồi thông tin đó tới cô Tố Oanh của Báo Tuổi trẻ, sau đó cổ mới nung nấu ý định mở lớp. Sau đó biết cô là giáo viên, nên là cô liên lạc, hỏi giờ cô Phấn có chịu nhận lớp không thì cô nhận".

15 năm gắn bó với lớp học chữ, hơn 1.600 bệnh nhi được học cái chữ của Hơ Phấn, vậy mà, cô có thể nhớ và kể từng chi tiết về bất cứ một đứa học trò nào của mình, từ quê chúng ở đâu, gia cảnh ra sao, bệnh tình như thế nào… Phải yêu trẻ và một trái tim ấm áp thì Hơ Phấn mới có thể làm được những điều diệu kỳ như vậy. Trước khi bắt đầu mỗi buổi học, Hơ Phấn thường có thói quen đi qua từng phòng bệnh để xem học trò của mình hôm nay như thế nào, những liều thuốc hóa trị có làm cho chúng đau đớn và gục ngã.

Cứ mỗi lần lớp trống một chỗ ngồi là lòng Hơ Phấn như lửa đốt: "Cứ em này đến rồi em kia đi, đi có nghĩa là các em không còn trên cõi đời này nữa. Cứ trung bình, có em thì vài tháng, có em vài năm, có em thì 10 năm. Các em rất ham học, khao khát được học, mong cô đến, mong cô mở cửa lớp rồi mong được vào làm bài".

Hôm nay là ngày đầu tiên cậu bé Thạch Lâm Thái Hòa đến lớp học chữ của Hơ Phấn. Thái Hòa năm nay 7 tuổi, quê ở Sóc Trăng, là người dân tộc Khmer. Năm bước vào lớp 2, gia đình phát hiện em mắc bệnh ung thư máu. Tưởng chừng như cuộc sống đã khép lại với cậu học trò nghèo này, nhưng may mắn thay, được sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội, Hòa được chuyển lên điều trị tại Khoa nhi Bệnh viện ung bướu thành phố Hồ Chí Minh. Hòa thích học toán, viết chữ cũng rất đẹp. Để có thể học cái chữ, hôm nay, em phải năn nỉ các bác sĩ truyền thuốc ở tay trái để tay phải em cầm viết.

Em sợ nghỉ một ngày sẽ mất một cơ hội được học. Bởi em biết thời gian của em còn rất ít: “Không được đi học buồn, lớn lên không biết chữ, chỗ nào có lớp học là con xin đi học liền”.

Thấy con ham học, lòng người mẹ Lâm Thị Xi Nưng – mẹ của bé Thạch Lâm Thái Hòa vừa mừng, mừng tủi. Từ ngày con bệnh, vợ chồng chị bỏ hết công ăn việc làm dưới quê, vay mượn khắp nơi để có tiền chữa chạy cho con. May mà có lớp học của Hơ Phấn, điểm tựa tinh thần cho những hạt mầm mỏng manh trước giông bão cuộc đời.

“Khi mà nó phát bệnh thì nó hỏi mẹ ơi con gần chết rồi hả mẹ, không kìm được nước mắt. Xong khi vào tới đây thì thấy mấy bé cũng điều trị được, được mấy năm thì mình cũng hi vọng. Bây giờ không có ước mơ gì cao sang, học giỏi học dở cũng không quan trọng nữa, chỉ cần con đọc chạy chữ, biết được chữ này, chữ kia là được, không cần con học cao, làm ông này ông nọ nữa…”, chị Xi Nưng chia sẻ.

Ảnh: Hồng Lĩnh

Ảnh: Hồng Lĩnh

Dạy chữ cho một lớp học bình thường đã khó. Hành trình dạy chữ cho những bệnh nhi ung thư của lớp học chữ đặc biệt như Hơ Phấn lại càng khó hơn. Vậy mà, những chông gai, gập ghềnh ấy nào có ngăn được những bước chân âm thầm đầy nhẫn nại của người giáo viên này. Có lẽ, 12 năm ròng rã cõng chữ, gieo chữ cho bà con Ê-đê – vùng đồng bào dân tộc Tây Nguyên của cô nữ sinh sư phạm ngày nào hăng hái vào vùng kinh tế mới đã tạo nên một Hơ Phấn đầy bản lĩnh, kiên trì, ấm áp và trách nhiệm đến vậy.

Nói về Hơ Phấn và lớp học chữ của các “chiến binh hoa mặt trời”, BS Chu Hoàng Minh – Phó trưởng Khoa Ung bướu nhi Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chương trình này rất nhân văn, có ý nghĩa đối với các bé và đối với xã hội. Các bé bị bệnh đã kém may mắn rồi, mà bệnh ung thư nữa là còn kém may mắn hơn nữa. Và khi như vậy thì các bé không được tới lớp, không được gặp bạn bè, thầy cô thì tâm sinh lý nó phát triển không như ý mình, mình vừa điều trị bệnh vừa điều trị về tâm lý. Cho nên, cô Phấn đã mở lớp này, cũng đã phụ bác sĩ điều trị tốt hơn cho bé về mặt tinh thần. Các bé có thể học chữ, vẽ tranh, cá hát. Các bé đã đi học thì có thể tiếp nối để theo, để sau khi điều trị xong thì các bé có thể hòa nhập cộng đồng nhanh hơn, có thể tiếp tục đi học, không bỡ ngỡ".

Mỗi bệnh nhi là một câu chuyện, một mảnh đời. Mỗi học trò là một thế giới riêng. Nhưng tất cả ở lớp học Hơ Phấn đều có chung một hoàn cảnh. Hơ Phấn không chỉ là người gieo chữ mà còn gieo cả niềm tin để những tâm hồn yếu ớt, mong manh giữa lằn ranh sinh tử tìm được chút hi vọng để giằn níu cuộc sống này.

 

Ngọc Quý/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Cách nào gấp rút phủ kín trạm dừng nghỉ trên cao tốc?

Cách nào gấp rút phủ kín trạm dừng nghỉ trên cao tốc?

Một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận và được các chuyên gia giao thông đề cập tới trong Hội thảo “An toàn giao thông trên cao tốc” do VOV Giao thông vừa tổ chức vừa qua là thiếu trạm dừng nghỉ trên cao tốc.

Tai nạn rình rập từ các thanh sắt ở dải phân cách trên cầu Thanh Trì

Tai nạn rình rập từ các thanh sắt ở dải phân cách trên cầu Thanh Trì

Mới đây ngày 17/4, một ô tô tải lưu thông trên cầu Thanh Trì (Hà Nội) đã bất ngờ mất lái, đâm vào dải phân cách, làm các thanh sắt nối văng ra, khiến 2 người đi xe máy bị thương.

Những hình ảnh gợi nhắc 'thời COVID'

Những hình ảnh gợi nhắc "thời COVID"

Dù dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã không còn ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của chúng ta, thế nhưng những ảnh hưởng của nó vẫn còn, và đôi khi hiện hữu như nhắc nhở cộng đồng cần có ý thức hơn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mọi người xung quanh mình...

Hà Nội sống và yêu: Nơi giữ gìn nghề truyền thống làm ô mai

Hà Nội sống và yêu: Nơi giữ gìn nghề truyền thống làm ô mai

Phố Hàng Đường khác trước nhiều, chỉ còn vài nhà giữ nghề làm ô mai nhưng trong tiềm thức người dân tên phố Hàng Đường vẫn gắn liền với món quà đậm đà bản sắc, tạo nên một nét riêng cho Hà Nội.

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho cao tốc phân kỳ đầu tư

Để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho cao tốc phân kỳ đầu tư

Theo Bộ GTVT, đến nay cả nước đã đưa vào khai thác khoảng 1.892km đường bộ cao tốc, đang xây dựng 1.802km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 805km, đang nghiên cứu đầu tư khoảng 729km.

Thiếu thông tin, lái xe “dò dẫm” trên cao tốc

Thiếu thông tin, lái xe “dò dẫm” trên cao tốc

Nhiều tài xế mong muốn được cung cấp thông tin về tình trạng giao thông trên cao tốc thông qua các bảng thông tin điện tử không chỉ để quyết định có tham gia giao thông trên cao tốc hay không mà còn đảm bảo sự chủ động của người lái xe khi tham gia giao thông trên cao tốc.