Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Mùa rươi

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 23/11/2024, 09:30 (GMT+7)

 "Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mùng năm" - Đây là câu nói để nhắc về những ngày có rươi, một món ăn rất đặc biệt của mùa đông miền Bắc. Tháng 10 Âm lịch, hương thơm của rươi đã bay đầy những mảnh vỉa hè khuất nẻo của phố cổ.

Rươi không xuất xứ từ Hà Nội nhưng lại nổi tiếng ở đây với những con phố bán rươi đặc trưng qua bao năm tháng. 

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Khi các con phố ở Hà Nội vang lên tiếng rao của người bán rươi cũng là lúc tiết trời hanh hao, se lạnh. Tiếng rao ấy đã trở thành âm thanh quen thuộc với những người dân trên phố cổ, báo hiệu một mùa rươi lại về.

Ngay từ sáng sớm, chợ Thanh Hà đã khá nhộn nhịp. Ngõ chợ xưa nằm trên quận Hoàn Kiếm luôn nổi tiếng bán nhiều thực phẩm ngon bổ, nhất là các mặt hàng đặc trưng theo mùa.

Bà Tuyết bán hàng ở đây đã mấy chục năm. Mặt hàng chính mà bà thường bán vào mùa này chính là rươi tươi, vận chuyển từ đất Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng ra Hà Nội:

"Nhà tôi 6h bắt đầu bán rươi tươi nhưng đến 10 rưỡi thì thôi, tôi bán buôn buổi sáng. 12h thì tôi bán rươi rán, sứa đỏ. Tôi bán đến mùa rươi tôi rao thì ở phố xung quanh đây ai cũng biết nên người ta ra mua ủng hộ tôi".

Ảnh: VnExpress

Ảnh: VnExpress

Có lẽ, khó có thứ chả nào thơm hơn chả rươi. Rươi chưa chế biến và rươi nằm trong miếng chả là hai thực thể hoàn toàn khác nhau. Một thứ lành lạnh, tanh tanh mùi bùn nước lợ, nhìn hơi ghê với những ai nhạy cảm.

Còn một thứ đã được nhiệt biến đổi thành thứ đồ ăn có hương thơm và mùi vị có thể tóm gọn trong 4 chữ "quyến rũ tột cùng". Nằm ngay đầu phố Hàng Chiếu, vào mùa rươi, cửa hàng của chị Nga cũng tất bật từ sáng sớm:

"Mùa rươi bắt đầu từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch hàng năm gọi là vụ rươi mùa. Còn vụ rươi chiêm là từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hàng năm. Cửa hàng mình làm theo phương thức truyền thống. Nguyên liệu tươi ngon buổi sáng, mình mua để làm. Còn đâu là mình làm theo cái gốc của người Hà thành. Nguyên liệu rất đơn giản như thịt, hành, thì là, vỏ quýt và rươi, một ít trứng".

Phải như thế, rươi mới trở thành một món ăn ngon rất đặc trưng của người Hà Nội mặc dù rươi không phải sản vật của đất này. Sự khao khát mức độ tinh tế trong cuộc sống, trong đó ăn uống đóng vai trò rất lớn, của người Hà Nội đã biến rươi trở thành món ăn đặc biệt của những ngày chớm lạnh của đông miền Bắc.

Với ưu thế nằm gần hồ Hoàn Kiếm, quán chả rươi trên phố Gia Ngư luôn có nhiều du khách đến chơi Hà Nội ghé qua để thưởng thức món đặc sản nức tiếng của mùa se lạnh:

"Em thì ở ngoại thành Hà Nội. Thu Hà Nội thì em đi chơi cũng nhiều rồi nhưng đây là lần đầu tiên được bạn dẫn đến đây ăn và thưởng thức chả rươi. Ăn miếng chả rươi vào thấy nó khá ngọt miệng, có vị ngon riêng khó diễn tả. Ăn thì thấy rất ngon và có ấn tượng riêng".

"Từ ngày xa xưa thời bao cấp là có mẹ làm cho mình ăn nhưng thời xưa là rươi có vụ mà ngày đấy bảo quản rất khó. Cái rươi đem từ Tứ Kỳ, Hải Dương lên Hà Nội đã không còn tươi rồi. Nói đúng là ngày xưa thế, bảo quản kém chứ bây giờ rươi rất ngon. Đúng vụ thì tuần nào tháng này lúc nào cũng có rươi tươi".

Ảnh minh họa: Vinpearl

Ảnh minh họa: Vinpearl

Chả rươi ăn đến đâu làm đến đấy chứ không rán đầy đĩa mới ăn như nem. Miếng chả phải tươi, nóng còn giữ trọn vẹn hương vị của rươi thì mới cảm nhận được sự ngon đặc biệt của rươi và chả rươi. Chia sẻ của bà Bích Loan – chủ quán chả rươi trên phố Gia Ngư, Hà Nội:

"Thông thường khách cũng thích ăn chả rươi nhưng riêng chả rươi ăn mùa thu này là hợp lý nhất bởi vì tất cả các nguyên liệu đều tươi và đều hợp với mùa rươi. Như ngày xưa rươi chỉ có trong tháng 9, tháng 10 nhưng bây giờ rươi sẽ có quanh năm và cửa hàng cũng phục vụ quanh năm. Nhưng mà lượng bán chả rươi thì mùa thu hoặc mùa đông sẽ bán đắt hàng hơn.

Từ bây giờ đến hết tháng 2, tháng 3 là thời tiết mát thì rất nhiều người muốn thưởng thức món chả rươi. Một là khách du lịch trong và ngoài nước thì đến cửa hàng ăn thấy ngon thì mua đem đi về làm quà như đem đi khắp các tỉnh thành và còn mang tận ra nước ngoài luôn.

Đi sang nước ngoài thì mình sẽ hút chân không và bảo quản lạnh. Tất nhiên chất lượng không thể bằng tươi rán trực tiếp nhưng chất lượng được khoảng 80-90%".

Chỉ cần ăn một vài miếng chả rươi là thấy đầy đủ một mùa rươi. Không cần nhiều, không cần no nê, không cần thoả mãn con mắt vốn to hơn cái bụng mà chỉ cần được ngồi nhìn ngắm miếng rươi, hít hà hương rươi, nhấm nháp miếng rươi. Thế là đủ:

"Tôi thỉnh thoảng cũng làm ở nhà vì rươi này tháng 9 đôi mươi tháng 10 mùng 5, nhiều ở khu vực Hải Dương, Hải Phòng thì mình có người thân ở đó gửi rươi lên trên này để mình làm. Nhưng mà mùa thu Hà Nội cũng muốn đi ra phố trải nghiệm các món ăn phố cổ, đây cũng là một đặc sản mùa thu Hà Nội. Rươi có thể quanh năm sau mùa này có thể cấp đông rươi nhưng đây đang là thời điểm rươi ngon nhất".

"Cái mùa này là mọi người đang đau người, dở trời rươi thì ăn vào, các cụ ăn đỡ đau với thanh niên, nói chung ở Hà Nội thì các cụ hay ăn rươi rồi".

"Khi tôi nghe tiếng rao trên phố là  “Ai mua rươi đi” thì lại nhớ mẹ mình làm đủ loại món rươi. Từ rươi hấp cách thuỷ, rươi xào với liễng, có rất nhiều món. Bây giờ thì họ làm đơn giản chứ ngày trước các cụ làm nhiều món lắm".

Ở những góc nhỏ 36 phố phường, dưới chân Ô Quan Chưởng, bên mé chợ Thanh Hà, phía đầu Lò Đúc đang lan toả hương rươi. Có thể bạn sẽ thấy miếng chả nặng phần thịt, nhẹ phần rươi. Có thể, hương rươi trong miếng chả hè phố giờ chỉ "chạy qua hàng rươi", bị lấn át bởi hương vỏ quýt để đánh lừa người thật thà. Nhưng dù thế nào, đừng bỏ lỡ một miếng rươi khi mùa rươi đang đi qua thành phố…

Ảnh minh họa: giochacuongthinh

Ảnh minh họa: giochacuongthinh

SỐNG Ở HÀ NỘI

Nói đến hai chữ Văn Điển, hầu hết người Hà Nội nghĩ ngay đến nghĩa trang lớn của Hà Nội. Nghĩa trang mang tên Văn Điển vì khu đất này xưa là ruộng của làng Văn Điển thuộc huyện Thanh Trì. Sau năm 1954, giò lụa và rượu Văn Điển không còn xuất hiện, nguyên nhân là gì?

Nói đến hai chữ Văn Điển, hầu hết  người Hà Nội  nghĩ ngay đến nghĩa trang lớn của Hà Nội. Nghĩa trang mang tên Văn Điển vì khu đất  này xưa là ruộng của  làng Văn Điển thuộc  huyện Thanh Trì.

Văn Điển là làng cổ. Năm 1968, các nhà khảo cổ đã phát hiện được di chỉ  ở vùng đất này  thuộc hậu kỳ đồ đá mới với các công cụ đá mài. Văn Điển có tên là Giấy vì thời Đinh khu vực này có nghề buôn giấy, sau do  kỵ húy  thân mẫu hai thành hoàng là Phạm Thị Giấy nên gọi trại là Ráy. Tên chữ của làng là  Vạn Điền, nghĩa là làng nhiều ruộng.

Có thể chữ Vạn trùng với tên hoàng thân quốc thích triều vua nào đó nên  đổi thành Văn. Văn Điển xưa có  sông Tô Lịch chảy qua, có bến thuyền vì thế  mới có xóm Bến, nơi trung chuyển hàng hóa từ kinh đô xuôi xuống phía nam.  Phía nam làng có một đầm rất lớn. 

Theo  dân gian, nơi đây là nơi vua Lê Thái Tổ (1385 - 1533) tuyển các quan  và quân  đi đánh giặc Minh bởi vậy gọi là đầm Quang Lai. Lại có ý kiến cho rằng, thời Lê, nhiều vị quan chết được chôn ở các gò đống quanh  đầm, dân gian mới gọi là “đầm Quan lại”, sau gọi chệch là Quang Lai. Tên Quan Lại khớp có vẻ chính xác bởi sau này  phát hiện nhiều mộ táng của người thuộc tầng lớp trên.

Theo thời gian, đầm Quang Lai bị thu hẹp. Đình làng Văn Điển thờ Nguyễn Bồ và Nguyễn Phục, hai vị tướng có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Chùa Quang Minh của làng xây từ đời Lê, hiện còn  quả chuông đúc năm 1797.

Ảnh minh họa: giochacuongthinh

Ảnh minh họa: giochacuongthinh

Đầu thế kỷ 20,  Pháp làm đường  sắt Bắc Nam chạy qua thì Văn Điển là một ga trên tuyến đường sắt này.  Trước năm 1945, Văn Điển là một xã độc lập thuộc huyện Thanh Trì. Năm 1946, Văn Điển sáp  nhập với các làng Cổ Điển, Cương Ngô, Đồng Trì thành xã Tứ Hiệp thuộc quận 6, ngoại thành Hà Nội. Sau năm 1954 lại thuộc tỉnh Hà Đông. Năm 1958, xóm phố Văn Điển tách ra thành thị trấn Văn Điển. Đầu tháng 6-1961, Tứ Hiệp cùng một số xã, thôn của huyện Thanh Trì được chuyển về thành phố Hà Nội.

Làng có nhiều nghề nhưng nổi tiếng nhất chính là  nghề làm giò, giò Văn Điển có thể sánh với giò làng Chèm. Vì giò Văn Điển giòn, thơm và đậm đà  nên dân Quánh Gánh chuyên làm bánh dầy đã  mua về bán kèm. Giò Văn Điển còn được làng  Thanh Trì đặt mua để bán cùng với bánh cuốn lá   rất hợp khẩu vị người Hà Nội. Ngoài nghề làm giò, rượu Văn Điển rất  nổi tiếng.

Đầu thế kỷ 20 khi thực dân Pháp cấm nấu rượu thủ công, một người Việt đã đầu tư xây nhà máy rượu  ở đây. Vì sử dụng kinh nghiệm và bí quyết  của làng nên ông đã lấy tên làng đặt  cho rượu đóng chai là Văn Điển cạnh tranh thành công với rượu đóng chai của chủ Pháp.

Chủ nhà máy còn mời thi sĩ Tản Đà làm thơ trên lịch 365 tờ quảng bá cho rượu Văn Điển. Tại phố cô đầu Khâm Thiên cũng chỉ loại  rượu này. Có lần bốn  văn sĩ trong nhóm Tự Lực Văn đoàn uống hết hơn 10 chai Văn Điển loại nửa  lít sau đó còn rủ nhau thì bơi trên Hồ Tây và rất may không ai gặp nguy hiểm.

Sau năm 1954, giò lụa và rượu Văn Điển không còn xuất hiện, nguyên nhân là do Văn Điển thành nghĩa  trang năm 1945 khi chôn cất quá nhiều người chết đói. Người ta cho rằng nước giếng ở khu vực này bị ô nhiễm mà  giò và rượu đều dùng đến nước vì thế  hai nghề truyền thống bị khai tử.

Nét cổ kính của Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây luôn làm say lòng du khách (Ảnh: Báo Nhân dân)

Nét cổ kính của Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây luôn làm say lòng du khách (Ảnh: Báo Nhân dân)

TIN YÊU

- Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản. Các hoạt động sẽ diễn ra đến đầu tháng 12/2024, trong đó một số hoạt động chính diễn ra vào ngày 23 và 24/11, tại nhiều không gian khác nhau trong khu phố cổ.

- Điển hình như, Trưng bày “Đồng Ta” giới thiệu về lịch sử, văn hóa Đông Sơn, về nghề đúc và chế tác đồng của người Việt từ cổ đại đến hôm nay diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, số 50, phố Đào Duy Từ; Trưng bày không gian gia đình người Hà Nội xưa làm nghề thuốc Đông y, chủ đề “Chuyện Phố Hàng” tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây

- Hay các sự kiện như: Hòa nhạc di sản cổ truyền - đương đại, Biểu diễn nghệ thuật “Chuyện của Đó”, Chương trình tour thực cảnh “Chuyện phố Hàng”, Chương trình triển lãm, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động trải nghiệm, giới thiệu Làng nghề - Phố nghề: Gốm Bát Tràng, đậu bạc Định Công, thêu Mỹ Đức, nón làng Chuông…

- Hơn 70 gian hàng đến từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ sẽ tham gia Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024, diễn ra từ ngày 7- 8/12 tại Khu Ngoại giao đoàn (298 Kim Mã, Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội). Năm nay, liên hoan với chủ đề "Gastronomy of unity - Ẩm thực kết nối" là cơ hội để thúc đẩy tôn vinh các đẹp văn hóa của Việt Nam, thúc đẩy ngoại giao văn hóa, đẩy mạnh hình ảnh quốc gia và mở rộng, phát huy hơn nữa về tinh thần hợp tác quốc tế.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn