Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Hoa gói làng Ngọc Hà giờ đâu?

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 23/03/2024, 21:02 (GMT+7)

Thoang thoảng hương ngọc lan, hoàng lan dịu ngọt, man mát hoa bưởi, những cánh hoa mỏng manh được gói ghém khéo léo trong chiếc lá dong giềng, mộc mạc mà tinh tế.

Thú chơi hoa gói của người Hà Nội xưa có lẽ đang dần vắng bóng giữa sự nhộn nhịp, hối hả cùng vòng xoáy phát triển đô thị. Hoa gói làng Ngọc Hà giờ đâu…? 

Giữa con phố Hàng Khoai tấp nập xe cộ qua lại, gần đoạn giao với Hàng Lược, bà Phan Thị Thu 84 tuổi – người làng Ngọc Hà, lưng còng, đang gấp tấm lá dong riềng khum khum, nhón những cánh hoa, nhẹ nhàng đặt vào giữa lá, sau đó dùng dây lạt tước thật mảnh, buộc hững hờ cho hoa khỏi nát. Sợi lạt còn thắt nút thành tay cầm, tạo ra những gói hoa nhỏ xinh:

"Gói hoa này là truyền thống ngày xưa của các cụ. Các cụ kén lắm, phải hoa thơm hoa ngát mới cúng đĩa hoa đẹp. Của người Hà Nội là hoa ngày xưa có bông mẫu đơn, bông hồng lam, bông hồng quế, bông huệ, bông sói, bông móng rồng, bông trứng gà, bông lan tây, bông lan ta, một chùm lý. Người Hà Nội chính gốc mà mua hoa phải kén như thế và đầy đủ các thứ hoa như thế".

Hình ảnh làng hoa Ngọc Hà ngày nay (Ảnh: Vinpearl)

Hình ảnh làng hoa Ngọc Hà ngày nay (Ảnh: Vinpearl)

Một người phụ nữ ngoài 50 tuổi dừng xe, gọi “Bà ơi, cháu lấy một gói hoa như mọi khi nhé”.

Người phụ nữ mua hoa gói của bà Thu tên Hằng, sống ở Hàng Khoai từ nhỏ, là khách hàng trung thành với gánh hoa gói này. Vì là người hoài cổ, thích sự tinh tế của các cụ trong cách chơi hoa gói nên cô Hằng vẫn giữ lại nét đẹp này trong việc thờ cúng gia tiên:

"Thường các hoa đấy toả ra một hương thơm thanh tịnh nhẹ nhàng an bình, hương thơm đó quyện vào mùi hương rất hoài cổ. Nhưng mà đặc biệt thì tôi thấy là không bao giờ có hoa nhài. Gần đây thì mọi người hay cho cả hoa nhài nhưng thường là ngày xưa các cụ không thắp hương hoa nhài, mặc dù có hương thơm. Ngày nay hoa gói các bạn làm phong phú hơn: thêm cả hoa sen hoa hồng rất đẹp to; thậm chí có thêm cả Phật thủ, hồng, bưởi trong mẹt hoa cúng đấy".

Nhận gói hoa hoàng lan, ngọc lan từ bà Thu, cô Hằng nói: "Tôi nghĩ là nó cũng là một tình yêu hoa quả để dâng lên gia tiên. Nhưng dù sao đi chăng nữa tuổi của chúng tôi thì vẫn hoài cổ nên vẫn rất mong muốn cái gói hoa gói thanh tịnh dung dị của ngày xưa".

Cứ nói người Hà Nội cầu kỳ nhưng không hẳn, ngay cả chơi hoa cũng vậy, tất cả đều giản dị nhưng phải thanh cao. Theo bà Thu thì “Người Hà Nội gốc chơi hoa theo mùa, chứ không phải cứ hoa đắt tiền là sang trọng”. Thế mới thấy cái ý nhị của người Hà Nội xưa.

Thời xưa, vào ngày Giỗ, Tết, hay ngày Rằm, mồng Một hằng tháng, người Hà Nội lại sửa biện bàn thờ với các đĩa hoa cúng, oản, quả và hương nhang. Mùi nhang quyện cùng mùi hoa tạo nên một thứ hương thơm đặc trưng, xao xuyến khó tả.

Những gánh hàng hoa đã in sâu vào tiềm thức của những người con Hà thành (Ảnh: Vinpearl)

Những gánh hàng hoa đã in sâu vào tiềm thức của những người con Hà thành (Ảnh: Vinpearl)

Theo nét văn hóa ấy, trước đây Hà Nội có rất nhiều người bán hoa gói, họ thường ngồi trên các góc phố, hay những cổng chợ lớn và cả gánh đi bán rong. Họ đến từ làng hoa Ngọc Hà và cả những làng lân cận như Làng Mỗ, Làng La, Làng Cót, Làng Canh.

Hoa gói thường có ít nhất là 5 loại hoa tỏa hương. Ngoài ra, mùa nào thức nấy, đĩa hoa của người Hà Nội cũng được thêm những loại hoa theo mùa. Mùa thu, gói hoa cúng thơm nhất vì có cả ngọc lan và hoàng lan. Bà Thu kể: ngày xưa có nhiều loại hoa ngát, nhưng giờ cũng hiếm dần:

"Ngày xưa bán sướng lắm, 10 người thì 8 người mua hoa đĩa. Bây giờ thì các bà già mất hết rồi, toàn thanh niên thì chẳng biết đằng nào mà cúng cả. Ngày xưa có nhiều loại hoa ngát. Bây giờ thì hiếm, thỉnh thoảng có thì tôi mới bán. Chẳng hạn ngày xưa có hồng lam hồng quế nhưng giờ mất hẳn rồi. Bây giờ ngày thường là bà bán lan tây lan ta, rằm và mùng 1 là bà có mẫu đơn và hoa phụ".

Câu chuyện của tôi và bà Thu thi thoảng lại ngắt quãng bởi những người đến mua hoa.

Cuộc sống thay đổi, đất trồng hoa không còn nhiều như xưa, người mua hoa gói không còn mấy và người bán hoa gói cũng chẳng còn nữa. Chỉ cách vài số nhà là những cửa hàng hoa to đẹp, bày bán nhiều loại hoa tươi nhập khẩu từ nước ngoài, khác hẳn gánh hoa của bà Thu:

Chị ơi chị bán hoa ở đây lâu chưa ạ

Tôi bán lâu rồi, từ lúc về nhà chồng gần 10 năm nay.

Nhu cầu của khách như thế nào ạ?

Chủ yếu khách mua hoa ôm hoa bó để đi lễ hoặc cắm bày ở nhà.

Thế có ai hỏi mua hoa gói không ạ?

Có nhưng cũng ít, nhà tôi cũng không làm loại đó.

Tại sao vậy ạ?

Vì không phục vụ số đông, mà bán theo ôm bó thì nhanh gọn được nhiều tiền hơn.

Những bó hoa nhỏ được xếp gọn để dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày rằm, mùng 1 (Ảnh: Vinpearl)

Những bó hoa nhỏ được xếp gọn để dâng lên bàn thờ tổ tiên ngày rằm, mùng 1 (Ảnh: Vinpearl)

Cũng bởi được nhiều tiền hơn là trồng hoa nên một dạo người làng thi nhau bán đất. Bà Thu không bán đất, nhưng con cháu không ai biết cách vun trồng ra sao, bà đành chia mảnh đất cho các con xây nhà.

Thế nên, những giống hoa cổ như hồng lam, hồng quế mỏng mảnh ngày xưa cũng mất hẳn vì không có đất mà trồng. Làng Ngọc Hà giờ đây chỉ còn bà Thu vẫn cố gắng giữ lại gói hoa truyền thống của các cụ để lại. Cũng phải vất vả lắm bà Thu mới gom mua được những thứ hoa cho hoa gói – mà hiện giởi chỉ những vùng như Đông Anh, Sóc Sơn, Sơn Tây. Bà trăn trở:

"Giờ nhà cao tầng chả còn tí đất nào trồng hoa. Bà cứ ngậm ngùi cặm cụi mà đi chợ, con cháu nó còn chả theo. Bà yêu bà thích thì bà giữ lại. nhưng bà cứ lo là bà giữ được cái phong tục của người Hà Nội như thế này, nhưng nay mai bà chết đi rồi chả có người nối dõi bán hoa cúng".

Nét văn hóa đẹp đẽ ấy dường như chỉ còn loáng thoáng giữa cuộc sống đô thị hiện đại.

Chỉ mong sao những gói hoa ấy vẫn giữ được nét dung dị, mộc mạc của ngày xưa.

Từng gói hoa như gói trọn gói cả miền ký ức xa xôi của bao thế hệ đi trước…

Trong quan niệm dân gian của người làng quê Bắc Bộ, cây gạo là cây “giữ ma” vì vậy được trồng nhiều ở cánh đồng hay đầu làng (Ảnh: VOV)

Trong quan niệm dân gian của người làng quê Bắc Bộ, cây gạo là cây “giữ ma” vì vậy được trồng nhiều ở cánh đồng hay đầu làng (Ảnh: VOV)

SỐNG Ở HÀ NỘI

Hiện ngoại thành có rất nhiều cây gạo, có làng trồng hàng hai bên đường. Tuy nhiên khu nội đô cũ chỉ còn vài cây, có nhà văn đã ví cây gạo như hải đăng trong phố… Câu chuyện về đời sống của cây gạo ở Hà Nội sẽ được nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến kể lại dưới đây.

Sau mùa đông giá rét, trời  chuyển sang  tiết xuân, nhiệt độ nhích lên làm cây bật chồi này lộc và những cái nụ bé nhỏ cũng lớn dần và bừng nở làm nên mùa xuân. Phố mùa xuân không tươi tắn, không thoảng  hương như rừng núi nhưng tháng 3 gạo nở hoa khiến phố xôn xao.

Gạo là cây vô tích sự nhất trong các loài cây, không có tán cho bóng mát, không có quả ăn, gỗ thì mềm chẳng thể làm cột nhà hay xẻ ra đóng đồ. Thế nhưng xưa thôn phường nào ở Hà Nội  cũng trồng vì tin rằng  “thần cây đa, ma cây gạo”.

Ma thích cây gây gạo vì thân cây to, có gai  lại cao nên  trốn vào bên trong không bị lộ. Dân các thôn phường trồng cây gạo cho ma trú ngụ để ma không đi lang thang quấy phá. Cuối thế kỷ 19, người Pháp làm đường quanh Hồ Gươm đã giữ lại bốn cây gạo, hai cây bên cạnh đền Bà Kiệu, hai cây trước đền Ngọc Sơn.

Cứ tưởng chỉ người Việt tin tâm linh hóa ra người Pháp  cũng tin mê tín. Họ trồng thêm ba cây bên hồ để ma quỉ không vào tòa đốc lý quấy phá. Hiện một cây bên Hồ Gươm, đối diện với Ủy ban nhân dân thành phố tháng Ba vẫn sống và nở hoa.

Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có ít nhất một cây gạo, sừng sững giữa cánh đồng hay trầm lặng đứng cạnh cổng làng (Ảnh: VOV)

Hầu như làng quê Bắc Bộ nào cũng có ít nhất một cây gạo, sừng sững giữa cánh đồng hay trầm lặng đứng cạnh cổng làng (Ảnh: VOV)

Trước đó, ở khu lãnh sự Đồn Thủy (tương ứng với phố Phạm Ngũ Lão, Viện Quân y 108 ngày nay), người Pháp cũng trồng hai cây, tầu thuyền nhà binh đi qua nhìn thấy biết là lãnh sự kéo còi chào. Năm 1932, Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử) khánh thành, người Pháp cho trồng một cây ở sân. Ở Viện thú y (gần Bệnh viện Bạch Mai ngày nay) cũng có một cây.

Cây gạo thân thẳng, ít tán có thể cao gần 20m nên còn có thể định vị  trí làng. Trong sản xuất nông nghiệp, cây gạo còn “nhắc  nhở” nhà nông “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”.

Trong thế giới sinh học, cây to lớn cánh hoa bao giờ cũng bé nhưng cây gạo thì ngược lại, cánh rất to. Tháng Ba nồm ẩm, nhưng đi qua cây gạo, ngước lên thấy chấm đỏ ẩn hiện trong sương rất liêu trai. Vào ngày có nắng từ xa trông như mâm lễ phủ lụa điều. Nhà văn Pháp Madrolle đã ví những bông hoa đỏ như mũ của ông già Noel.

Xung quanh các cây gạo cũng có nhiều truyền thuyết. Ở ngoài đê Nhật Tân xưa có bẩy cây gạo. Tương truyền bẩy cây gạo cổ thụ do bà Lạc Phi, vợ Lạc Long Quân trồng để ứng với việc bà sinh ra một cái bọc có bảy quả trứng nở ra bảy con rồng bay lên trời.

Cũng như cây đa, giếng nước, sân đình… cây gạo từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của hồn quê Bắc Bộ (Ảnh: VOV)

Cũng như cây đa, giếng nước, sân đình… cây gạo từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu của hồn quê Bắc Bộ (Ảnh: VOV)

Dưới gốc cây to nhất có ngôi miếu nhỏ gọi là Cung. Tháng Ba, cả bẩy cây nở hoa như nấm đỏ. Năm 1960, cả bẩy cây bị chặt vì “liên quan” đến mê tín, dân xã không ai dám đụng, toàn người ở đâu hạ rìu. Nội thành từng có một cây gạo rất lớn, nằm ở góc ngã tư  Nguyễn Thái Học- Hàng Bột. Không rõ từ bao giờ, dưới gốc cây có một ngôi miếu nhỏ.

Người ta đồn rằng, ở ngã tư này một cô gái bị chết chẹt tầu điện, vì chết trẻ nên cô rất  thiêng, cứ quẩn quanh nhập vào nhiều người gây ra tai nạn. Vào ngày rằm, mồng một, rất  nhiều người đến đây thắp hương lễ bái.

Cho rằng đó là mê tín dị đoan, ngành văn hóa xin ý kiến thành phố chặt hạ. Dù quan niệm chính thống là vô thần song không ai dám quyết, cuối cùng đưa Hội đồng nhân dân đã ra quyết định chặt cây, phá miếu.

Hiện ngoại thành có rất nhiều gạo, có làng trồng hàng hai bên đường. Tuy nhiên khu nội đô cũ chỉ còn vài cây, có nhà văn đã ví cây gạo như hải đăng trong phố… 

Tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội)

Tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội)

TIN YÊU

# Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thành phố Hà Nội chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) với chủ đề “Phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

# UBND huyện Thanh Oai sẽ tổ chức Liên hoan nghệ thuật múa rồng mở rộng lần thứ 2 năm 2024 vào ngày 14-4-2024, tức ngày 6-3 âm lịch. Nghệ thuật múa rồng là nét đẹp văn hóa của người Việt, vừa thể hiện tính thẩm mỹ, vừa mang đặc trưng văn hóa của dân tộc.

# Từ ngày 26 đến 30-3, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm sẽ tổ chức Lễ hội Đền chùa Bà Tấm gắn với kỷ niệm 980 năm Ngày sinh Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (1044-2024).

Tuần lễ phim về môi trường và sống xanh tại Hà Nội

Tuần lễ phim về môi trường và sống xanh tại Hà Nội

# Tuần lễ Phim Quốc tế về Thiên nhiên diễn ra tại Hà Nội (21/03 - 29/03). Với chủ đề “Thiên nhiên thì thầm - Nảy mầm hành động”, tuần lễ phim giúp mọi người tiến gần hơn tới những câu chuyện, có góc nhìn mới mẻ hơn trong công cuộc phát triển bền vững, cùng mục tiêu truyền tải thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, thôi thúc hành động tích cực vì một tương lai xanh.

# Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong việc phát triển du lịch đêm với khoảng 20 sản phẩm du lịch, từ biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, đến trải nghiệm văn hóa... Các sản phẩm du lịch đêm tại Thủ đô được tổ chức vào nhiều ngày trong tuần, bởi thế bất cứ thời điểm nào du khách đều có được lựa chọn phù hợp để khám phá đêm Hà Nội.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Bữa cơm bán trú ‘bất ổn’ ở trường chuẩn Lương Định Của giờ ra sao?

Sau loạt bài về câu chuyện “Quá nhiều bất ổn ở ngôi trường chuẩn” của VOV Giao thông cách đây nửa tháng, nhiều phụ huynh bày tỏ tán thành với những phản ánh là đúng sự thật, và bữa cơm bán trú của các em có chút chút cải thiện.

Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Chuyện về chiếc máy bay huấn luyện và tuần tra lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam

Ở tuổi 50, ông Trần Hải Đăng đã có một quyết định táo bạo: cùng các đồng sáng lập khởi nghiệp bằng việc sản xuất chiếc máy bay huấn luyện tuần tra TP-150.

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Hà Nội cấm phương tiện gây ô nhiễm bằng cách nào?

Chỉ còn hơn một tuần nữa, Hà Nội sẽ hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở một số khu vực. Tuy nhiên, quyết tâm này không dễ thực hiện khi công tác chuẩn bị chưa sẵn sàng.

Nhớ thời cà phê vợt

Nhớ thời cà phê vợt

Với những ai thích cà phê thì cà phê vợt luôn có sức hấp dẫn riêng. Không chỉ đơn thuần là một loại thức uống, mỗi ly cà phê vợt còn chứa đựng những câu chuyện và kỷ niệm khó quên của một thời đã qua.

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Bếp chay 0 đồng cho bệnh nhân nghèo

Với tất cả tâm huyết và lòng nhân ái, suốt 2 năm qua, vợ chồng ông Mạch Phú Cường và bà Nguyễn Thị Kim Lan ở quận Cái Răng, TP. Cần Thơ cần mẫn chuẩn bị những phần cơm chay ấm nóng, mang đến cho những bệnh nhân nghèo và người nuôi bệnh tại các bệnh viện ở TP. Cần Thơ...

Xe điện trẻ em vẫn 'tung hoành' ở phố đi bộ Hồ Gươm

Xe điện trẻ em vẫn "tung hoành" ở phố đi bộ Hồ Gươm

Dù đã có lệnh cấm, nhưng dịch vụ cho thuê ô tô điện, xe cân bằng và đặc biệt là xe drift, dòng xe biến tướng từ xe điện vẫn ngang nhiên hoạt động ở phố đi bộ Hồ Gươm.

Hàng me thì thầm

Hàng me thì thầm

Không chỉ mang trong mình những ký ức lãng mạn với lá me bay, mà những cây me trăm tuổi còn tồn tại ở Hà Nội, còn mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử - xã hội đáng nhớ, đáng ngẫm.