Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Hà Nội sống và yêu: Đặc sản cháo se Hạ Mỗ

Thùy Linh - Ngọc Tiến: Thứ bảy 11/01/2025, 14:01 (GMT+7)

Đã từ nhiều đời nay, dân làng Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Hà Nội) vẫn coi cháo se là món ăn của tình thân bởi ở đây, cứ vào dịp hội hè, đám cưới hay dịp vui của gia đình, mọi người lại quây quần bên nồi cháo se chuyện trò rôm rả.

Món cháo ăn bằng đũa này đã được mang vào nội đô bởi hai người trẻ yêu ẩm thực. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về món cháo độc đáo này khi xuống phố…

BÊN DÒNG THỜI GIAN

Hạ Mỗ nằm cạnh các con sông lớn như sông Nhuệ sông Hồng và sông Hát được phù sa bồi đắp. Lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp ở đây rất đa dạng và phong phú. Người dân Hạ Mỗ từ xa xưa đã làm các món ăn như bánh gio, đậu phụ và bột sắn dây. Nhưng đặc biệt nhất là món cháo se Hạ Mỗ. Món cháo ăn bằng đũa.

Vẫn là cách nấu cháo thông thường. Nhưng thay vì đổ bột vào nồi và khuấy đều, người làng Hạ Mỗ vo từng nắm bột trên tay và se đều. Cứ se như thế, sợi gạo dài xuống nồi nước đang sôi thì lại ngắt để se tiếp. Chị Thanh – người dân làng nói về món cháo đặc biệt này:

"Từ ngày xưa tới giờ công đoạn đều như vậy. Chọn gạo ngon, ngâm gạo và mua xương về ninh. Bột lọc cho khô rồi nhạo cho dẻo rồi đem vào se. Khi se thì nắm chặt hai tay và đều đều, thỉnh thoảng cho nước sủi lên để con se không cháy. Cháo se được nấu ở các ngày lễ, đám hội hay khi bạn bè đông vui cũng bày ra ăn. Đặc biệt ngày hội làng có thể 5-7 nồi hàng bao nhiêu người làm. Món ăn này dễ ăn".

Ảnh: Lao động

Ảnh: Lao động

Theo truyền thuyết, món cháo se tại làng Hạ Mỗ đã có từ hàng trăm năm trước, gắn liền với câu chuyện khao quân. Tương truyền, mỗi lần giành chiến thắng trở về, Hoàng tử Lý Bát Lang thường tổ chức mổ lợn để đãi quân.

Thịt lợn được chia cho các tướng lĩnh, còn phần xương ninh thành nước canh để binh lính ăn kèm với cơm. Trong một lần đi thăm quân, thấy họ phải ăn uống thiếu thốn, Hoàng tử đã ra lệnh cho cận thần của mình chế biến một món ăn mới từ xương lợn và các nguyên liệu có sẵn để khao quân.

Là một người thích ăn cháo, tình cờ được ăn món cháo se của làng nghề Đan Phượng tại một hội chợ ẩm thực, anh Đỗ Viết Thảo chủ cửa hàng cháo se nghệ nhân Punnata (Hà Nội) cùng một người bạn đã tìm về Hạ Mỗ để học nấu món ăn này và mang món cháo của làng đến gần hơn với thực khách:

"Học món cháo này tôi học khoảng gần 2 tháng vì việc chọn gạo, ngâm gạo rồi xay gạo nước với kỹ thuật nhào bột nữa nên tốn thời gian. Kỹ thuật để ninh xương cũng là điều rất đặc biệt và cần tỉ mỉ để tạo ra được chất cháo ngọt đậm và có vị thanh của một vài loại xương kết hợp để ra một chất cháo như thế này.

Cá nhân tôi cảm thấy cháo này về chất cháo khá tương đồng với các món cháo sườn của Hà Nội. Các quán cháo sườn của Hà Nội thường có hai trường phái là xay gạo nước hoặc xay bột khô thì cháo se là xay gạo nước. Còn sự khác biệt là trong cháo se có 1 sợi se hoàn toàn là bột gạo tẻ, không pha tạp thêm các bột khác để tạo nên độ dẻo đấy với kỹ thuật nhào bột riêng của làng nghề".

Ảnh: Lao động

Ảnh: Lao động

Có những người tới quán để thưởng thức món cháo của tuổi thơ bởi họ là người Đan Phượng. Có những người đã từng ăn món này ở hội chợ ẩm thực nên tìm tới. Còn có những người đến vì thích ăn cháo và tò mò bởi cách ăn cháo bằng đũa như chia sẻ của bạn Ngọc Phương, sinh sống tại quận Tây Hồ, Hà Nội:

"Tôi là người mê cháo sườn. Trong một lần vô tình xem youtube tôi có biết món cháo se. Nhìn rất giống cháo sườn nhưng bên trong bát cháo lại có những sợi se làm từ gạo tẻ mà ăn món đó ở Hà Nội chưa có. Thế rồi một hôm nữa mình lại vô tình lướt tiktok thôi thì mình lại biết ở Hà Nội có 1 quán bán cháo se thì mình cũng muốn đi ăn thử và mình cũng rất mong đợi là nó sẽ gây cho mình điều gì đó khác biệt và thú vị.

Và đúng khi mà các bạn nhân viên ở cửa hàng vừa mở nồi cháo rất thơm mùi nước xương ninh. Khi bê bát cháo ra đúng là không làm mình thất vọng đâu. Cái vị cháo sườn khi mà mọi người ăn ở cái thời bé bé ngày xưa khi mà chỉ có 2000 – 5000 đồng là ăn được bát cháo sườn rồi, đúng vị ngày xưa vị tuổi thơ.

Xong bát cháo còn có sợi se ăn vào khiến cho mình phải wow lên vì đúng là bát cháo sườn bình thường thôi nhưng khi có những sợi se thêm vào khiến cho mình cảm giác thích thú hơn khi ăn. Đây là lần đầu tiên mình ăn cháo se và chắc chắn mình sẽ còn quay lại nhiều lần nữa".

Hiện nay ở Hà Nội cháo se không phải là món ăn quá phổ biến. Để thưởng thức món này thì bạn có thể về làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Tại đây có nhiều quán cháo bình dân với hương vị đúng điệu nhất để bạn lựa chọn.

Tuy nhiên, vì xã này ở khu vực ngoại thành nên quãng đường khá xa. Bởi vậy, việc có một địa chỉ bán món cháo se ngay trung tâm cũng giúp lan toả câu chuyện ẩm thực của một làng quê giàu văn hoá như chia sẻ của anh Đỗ Viết Thảo - chủ cửa hàng cháo se nghệ nhân Punnata (Hà Nội):

"Điều mà tôi thích nhất ở món cháo se này thì khi mà một món cháo được múc lên thì tôi cảm nhận được sự sâu sắc của một cháo có lịch sử hàng trăm năm, sự sâu sắc của vị hoàng tử cho tuỳ tùng nấu 1 món cháo khao quân khi đánh thắng giặc trở về. Tôi thấy món cháo này điểm nổi bật nhất là sự hoà quyện từ nước xương tới bột gạo rất sánh mịn tạo ra vị nước cháo rất chất…"

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

SỐNG Ở HÀ NỘI

Hà Nội là đất trồng hoa. Thời Lý đã có cánh đồng hoa ở Quảng Bá, phía nam kinh thành cả một vùng mênh mông hoa Mai nên mới có làng Hoàng Mai, Bạch Mai, Tương Mai. Không chỉ trồng, Hà Nội có thú chơi hoa, cây cảnh quanh năm, mùa nào hoa nấy. 

Người Hà Nội quan niệm chơi hoa là di dưỡng tinh thần nên họ buộc phải am hiểu kỹ thuật trồng, cắt tỉa lá cành, bón phân, lại  tuân theo tín ngưỡng. Trồng ngâu phải trồng đôi vì ngâu kiêng trồng lẻ. Nhà kinh thành xưa không rộng, không có hồ ao trước mặt, vì thế để thu năng lượng từ vũ trụ xuống cho nhà cửa tràn trề dương khí cần phải có nước, nhu cầu đó mới sinh ra hòn non bộ đặt trong cái ang nước. Người Hà Nội xưa hiểu tính biểu trưng của từng loài hoa hay cây theo quy ước dân gian.

Đào màu đỏ là ấm khí dương, lan là “vương giả hương” không phàm tục, thanh nhã; hải đường nụ to, hoa lớn cánh dầy nhưng hương kín đáo bỉểu tượng cho sự phúc hậu, đầy đủ. Hoa cúc tượng trưng cho sự khiêm tốn, điềm đạm giàu tâm hồn vì thế vào mùa thu, dịp tết Trùng cửu, các nhà Nho thường lên núi uống “hoàng hoa tửu”  mạn đàm thơ phú. Rồi mẫu đơn là hoa phú quý, hoa “thiên hương quốc sắc”.

Ở ven Hà Nội xưa, các nhà đều có cấu trúc: Nhà - hiên - sân - vườn và bao quanh nhà thường là hàng dâm bụt lá xanh thẫm, hoa đỏ tươi được xén phẳng. Từ cổng ngõ vào sân hai bên thường trồng  tóc tiên, một luống hồng, luống huệ, mấy khóm nhài. Bên chum nước là cây lan tiêu hay dạ hợp lan ưa ẩm. Trước hiên có  bụi sói, một cây tầm xuân “nở ra cánh biếc”.

Chơi cây, hoa phải biết làm nó đẹp hơn, ngâu to thì cắt tỉa tạo thành hình tròn như mâm xôi hoặc đôi hạc đứng chầu. Không chỉ chơi hoa, người Hà Nội xưa  còn chơi cây thế. Khác với hoa là màu sắc và hương thơm thì cây thế lại do con người uốn tỉa, làm trái với quy luật để tạo ra những cây cổ thụ thân cằn cỗi bé tí.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cùng với đó, người ta còn uốn, ép tạo ra các thế cây như ý muốn. Hai cây ghép với nhau gọi là thế “song trụ”, cây to đứng bên cạnh cây nhỏ là thế “phụ tử đồng khoa” (hai cha con cùng thi đỗ một khoa), thân thẳng đứng là thế “trực”, ngả rạp mới xòe tán gọi là thế “hoành”, hai cành lớn xoắn vào nhau là “giao long”…

Tùy tính cách và mong muốn của  người chơi mà chọn cây, hoa hay cây thế phù hợp. Những ai thích tính cách quân tử, ngoan cường thì chơi tùng hay trúc, vì thế ca dao Hà Nội xưa có câu: “Ai chơi ta cũng chơi cùng/Chơi trúc quân tử, chơi tùng trượng phu”.

Chơi hoa  phải theo ước lệ như công thức, phải có bộ ví như: Mai, lan, cúc, trúc hay  theo theo tứ quý: Mai, sen, cúc, tùng. Bên cạnh hoa và cây thế, người chơi còn kèm theo vài loài chim quý và bể cá cảnh. Không hiểu biết thì sự chơi sẽ cọc cạch, ngớ ngẩn làm trò cười cho thiên hạ.

Một chậu hoa, cây thế, một hòn núi giả không những thể hiện trình độ thẩm mỹ mà còn nói lên tâm tư tình cảm của chủ nhân. Người Hà Nội xưa thường cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật trong cách chơi mà vẫn cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa, tảng đá để ký thác hoài bão cao cả.

Hà Nội ngày nay có vùng  trồng hoa Mê Linh mênh mông. Còn lối chơi cũng có phần thay đổi, một số  phá qui tắc truyền thống, họ  săn lùng những  giống lạ, thế cây độc đáo tạo ra khác biệt trong phòng khách ngày Tết. 

Chợ hoa Hàng Lược - một trong những chợ hoa cổ nhất tại Hà Nội, nơi lưu giữ nhiều nét đẹp của Tết cổ truyền dân tộc sẽ được tái hiện giữa lòng khu đô thị Mailand Hanoi City (Ảnh: Tạp chí Thương trường)

Chợ hoa Hàng Lược - một trong những chợ hoa cổ nhất tại Hà Nội, nơi lưu giữ nhiều nét đẹp của Tết cổ truyền dân tộc sẽ được tái hiện giữa lòng khu đô thị Mailand Hanoi City (Ảnh: Tạp chí Thương trường)

TIN YÊU

- Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử, Hà Nội là nơi lưu giữ những di sản vô cùng quý giá. Thủ tướng vừa quyết định công nhận 33 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia đợt 13 năm 2024, trong đó, có ba bộ sưu tập hiện vật từ Hoàng thành Thăng Long là đầu phượng thời Lý, bình ngự dụng và gốm Trường Lạc thời Lê sơ.

- Nhân dịp xuân Ất Tỵ 2025, Thành phố Hà Nội yêu cầu, các địa phương quản lý và tổ chức lễ hội năm 2025 phải bảo đảm không khí tươi vui, an toàn cho người dân và du khách, đồng thời thành phố cung cấp số điện thoại “đường dây nóng” để xử lý các thông tin về hoạt động lễ hội: 0965404557.

- Nhằm góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa, bảo tồn, phát huy và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên vùng cao, biên giới đến du khách nhân dịp năm mới 2025, đồng thời giúp du khách hiểu thêm những nét văn hóa truyền thống đón Tết cổ truyền của từng dân tộc, từ ngày 1 đến 31/1, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật mang chủ đề 'Xuân về trên bản làng'.

- Chào đón năm mới Ất Tỵ, đường hoa Home Hanoi Xuan 2025 trở lại với chủ đề đặc biệt “Bản hòa ca Tết Việt” được tổ chức tại Khu đô thị Mailand Hanoi City, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Thùy Linh - Ngọc Tiến/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn