Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Giảm chi phí sản xuất lúa, nói đi đôi với làm

Mộng Toàn - Thanh Phê: Thứ ba 11/10/2022, 15:37 (GMT+7)

Sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với những thách thức từ chi phí vật tư đầu vào tăng cao, nguy cơ hạn mặn có thể xảy ra đối với các địa phương ven biển và đặc biệt là thị trường lúa gạo thế giới đang có nhiều biến động...

Một trong những giải pháp được đưa ra là phải giảm chi phí sản xuất. “Khẩu hiệu” đã đưa ra từ lâu, vụ lúa nào cũng kêu gọi, thế nhưng, thực tế sản xuất lại khác nhau...

Cánh đồng mẫu lớn ở xã Phú cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh là minh chứng rõ nét trong việc giảm chi phí sản xuất lúa. Nông dân liên kết những thửa ruộng nhỏ lẻ lại với nhau, cùng áp dụng đồng bộ một quy trình sản xuất. Qua đó, giúp bà con giảm chi phí đầu vào, dễ tiêu thụ sản phẩm, tăng năng suất sản xuất.

Anh Thạch Thắng,  nông dân trong cánh đồng mẫu lớn ở xã Phú cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, cho biết: Cánh đồng mẫu lớn diện tích 110 ha. Hồi khi chưa tham gia cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng cao manh mún đủ ăn thôi không dư giả. Lúa chất lượng cao, có thương lái mua đầu ra dễ dàng.

Hiện nay, xã Phú Cần có 126 hộ dân tham gia mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Trong sản xuất lúa của nông dân đã tích hợp được mô hình sản xuất “ngập - khô xen kẽ” nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài tiết kiệm chi phí, mô hình này còn giúp cho lúa nở tốt hơn, tăng năng suất, hạn chế lúa đổ ngã.

Ông Bùi Trường An, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh cho biết: Trước đây, năng suất lúa bình quân 4,2 tấn lúa/ha nhưng từ khi xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, năng suất lúa tăng lên từ 6,5 đến 7,5 tấn lúa/ha.

Thu nhập của bà con tăng lên đáng kể. Đối với cánh đồng mẫu lớn, xã giao Hợp tác xã nông nghiệp Phú Cần quản lý. Trong quá trình sản xuất có tập huấn cho hộ dân về kỹ thuật canh tác lúa, phòng trừ sâu bệnh. Nông dân đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

ảnh minh hoạ (laodong.vn)

ảnh minh hoạ (laodong.vn)

Còn tại Hậu Giang, theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh, lượng giống gieo sạ trong vụ lúa Thu đông 2022 có xu hướng giảm đáng kể. Cụ thể, diện tích gieo sạ dưới 100kg lúa giống/ha là 2.033ha, chiếm tỷ lệ 5,7%, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Diện tích gieo sạ từ 100-150kg lúa giống/ha là 32.109,8ha, chiếm 90,8%, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Diện tích gieo sạ trên 150kg lúa giống/ha là 1.219ha, chiếm 3,5%, giảm 13,8% so với cùng kỳ.

Hiện nay, HTX Thuận Tiến, ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao bằng phương pháp cấy máy. Sử dụng máy cấy lúa đem lại nhiều cái lợi cho nông dân, nhất là giảm lượng lúa giống. Đặc biệt, trong bối cảnh chi phí giống, vật tư đầu vào tăng thì việc giảm lượng giống là một phần quan trọng để giảm chi phí.

Bởi thực tế, hiện lúa giống nguyên chủng trên thị trường có giá trên 40.000 đồng/kg, giống xác nhận khoảng 27.000 đồng/kg. Như vậy, khi sử dụng máy cấy, nông dân có thể giảm 3 lần số lượng giống, kéo theo giảm tiền giống. Hiện nay, HTX có khoảng 120ha sản xuất lúa, trong đó 80% diện tích áp dụng cấy máy.

Ông Trương Phú Quốc, Giám đốc HTX Thuận Tiến, nói: Thường thường người ta sạ tay khoảng 20kg lúa, giờ sạ thưa khoảng 15 ký, còn dùng máy chỉ tốn khoảng 6kg lúa giống/công. Tương đương 1ha 60 ký, cái kia 1ha cả trăm ký. Thưa hạn chế sâu bệnh tại vì ánh nắng mặt trời chiếu tới gốc lúa, độ nở bụi lúa mạnh, cây nở bao ra bông, ra chòi cũng tốt hơn.

Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, cho biết, tỉnh Vĩnh Long là địa phương được Trung tâm khuyến nông quốc gia và Viện lúa ĐBSCL thực hiện mô hình thí điểm giảm lượng giống gieo sạ từ năm 2017 – 2018, qua đây cho thấy kết quả rất tốt.

Ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm: Khi giảm lượng giống gieo sạ, xống thậm chí 60-80kg/ha vẫn cho năng suất rất là cao và tốt. Đảm bảo trong mùa mưa nếu tỷ lệ nảy mần giống tốt và chúng ta có chế độ chăm sóc và quản lý tốt thì việc giảm lượng giống gieo sạ là rất cần thiết.

Trên thực tế hiện nay chúng tôi thấy người nông dân có áp dụng, có giảm nhưng vẫn còn đâu đó mật độ sạ còn khá cao mà mật độ dày lượng hao tốn chúng ta nhiều và thuốc BVTV cũng nhiều mà hiện giá phân bón chúng ta biết là quá cao nên chúng tôi thấy, đây là giải pháp căn cơ để giảm giá thành, giảm chi phí.

Báo cáo của Cục Trồng trọt cho thấy, hầu hết các tỉnh đều triển khai kế hoạch và thực hiện giảm lượng giống gieo sạ theo chương trình giảm lượng giống lúa gieo sạ của Bộ NN&PTNT phát động. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc giảm lượng giống cần phải được các địa phương đẩy mạnh hơn nữa, nhất là vụ Đông xuân tới. Đây là chìa khóa để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận cho người dân và thích ứng với tình hình vật tư tăng cao.

 Ông Lê Thanh Tùng cho rằng: Việc giảm lượng giống gieo sạ, tất nhiên tốc độ còn chậm. Qua điều tra có thể thấy việc gieo sạ dưới 100kg hiện nay chỉ chiếm khoảng 15%, từ 100-150kg chiếm khoảng 70% và trên 150 ký vẫn còn chiếm khoảng 20%. Như vậy việc giảm giống này cần phải được các địa phương, các sở đẩy mạnh hơn nữa dù các mô hình khuyến nông quốc gia, các chứng minh của các nhà khoa học đã rõ ràng.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, cơ cấu giống lúa cho vụ Đông Xuân vùng ĐBSCL phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu gạo của Việt Nam. Trong vụ lúa này, các địa phương ven biển sẽ xuống giống theo đúng lịch thời vụ khoảng 400.000 ha để né hạn mặn cuối vụ, những diện tích còn lại sẽ xuống giống trong tháng 11 và dứt điểm trong tháng 12.

Một trong những vấn đề mà các địa phương cần quan tâm là giảm lượng giống gieo sạ. Hiện nay, người dân đã từng bước giảm lượng giống nhưng vẫn chuyển biến chậm, gây lãng phí hạt giống làm tăng phát thải khí nhà kính và tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, cần phải giảm lượng giống trong gieo sạ, ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất, nhất là phân bón, thuốc BVTV. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh lưu ý: Cơ cấu giống lúa chúng ta rất phong phú, đa dạng, ngắn ngày, năng suất chất lượng cao thì chúng ta lựa chọn cơ cấu giống ưu tiên các giống lúa cho năng suất cao và phục vụ xuất khẩu, cân đối vừa phải tỷ lệ giữa chế biến cũng như nhóm giống đặc sản, lúa thơm, phát huy lợi thế của vùng, đấp ứng phân khút thị trường. Về kỹ thuật canh tác cần hướng đến nâng cao năng suất, hiệu quả, thông qua giảm giá thành sản xuất…

Thứ trưởng Doanh cũng lưu ý, song song tuyên truyền, phổ biến cho bà con nông dân các địa phương nên chú ý giảm lượng giống, lượng phân bón hóa học, thuốc bảo thực vật, hướng đến nâng cao năng suất lúa nhưng phải giảm giá thành sản xuất, đặc biệt là lượng phân bón.

Có thể thấy, mục đích lớn nhất của việc giảm chi phí sản xuất là mang lại lợi nhuận nhiều nhất cho nông dân và mục tiêu xa hơn là mang nền sản xuất nông nghiệp trở lại đúng quỹ đạo, canh tác thuận thiên bền vững. Tuy nhiên, thực tế dù các quy trình giảm chi phí đã được các địa phương triển khai sâu rộng nhưng bà con nông dân lâu nay đã quen làm theo tập quán cũ nên kết quả mang lại còn chậm.

ảnh minh hoạ (congthuong.vn)

ảnh minh hoạ (congthuong.vn)

Giảm chi phí sản xuất lúa nói đi đôi với làm

Có thể nói, chuyển dịch sang trồng gạo thơm, gạo chất lượng cao, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất đang là xu hướng được nhiều địa phương ĐBSCL áp dụng. Từ đó, giúp nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho nông dân.

Thực tế và các chuyên gia đều nhận định, vấn đề chờ đợi giá lúa gạo tăng cao là điều rất khó, muốn tăng thu nhập cho mình thì việc giảm chi phí sản xuất là rất quan trọng. Hiện nay, chìa khóa để giảm chi phí sản xuất lúa gạo là giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha là cần thiết, giảm lượng giống sẽ tạo tiền đề giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều chi phí khác. Qua đó, giá thành sản xuất giảm, giúp lợi nhuận của nông dân tăng lên.

Một ý nghĩa lớn hơn là nước ta đang phải cạnh tranh xuất khẩu gạo với nhiều quốc gia, nếu giá thành sản xuất thấp, doanh nghiệp có những thuận lợi để mua lúa gạo xuất khẩu, tạo thuận lợi đẩy mạnh xuất khẩu. Việc giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sẽ làm cho mức độ an toàn thực phẩm được nâng lên, thuận lợi cho việc đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm của các thị trường khó tính và góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh gạo Việt Nam an toàn, thân thiện và tốt hơn trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề giảm chi phí sản xuất lúa nói phải đi đôi với làm và rất cần sự chung tay từ nhiều phía, nhất là người nông dân. “Mưa dầm thấm lâu, muốn thay đổi nhận thức của người dân, phải có kế hoạch thực hiện kiên quyết, thay đổi suy nghĩ, thói quen sản xuất với cây lúa và các cây trồng khác.

Đồng thời nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như “cánh đồng lớn”; “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái”, giảm lượng gieo sạ để hạn chế sâu bệnh và phân bón hay quản lý dịch hại tổng hợp IPM, kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ,...

Việc này hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa như: san lấp phẳng đồng ruộng, áp dụng máy sạ hàng và máy cấy…đã giúp giảm lượng giống lúa gieo sạ được thực hiện tốt hơn.

Với sự đồng hành hỗ trợ từ ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, đã đưa khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, giải pháp canh tác thông minh đến gần hơn với nông dân. Thế nhưng, lợi nhuận có cao hay không, thu nhập có tốt hay không, hơn ai hết, chính bà con nông dân là người làm chủ, nắm bắt cơ hội, mạnh dạn thay đổi cách làm mới, để từ đó tạo nên các giá trị kinh tế cho chính mình. 

Làm nông hiện đại thời 4.0 không đơn thuần là câu chuyện của kinh nghiệm, sự chăm chỉ mà còn cần phải hướng đến sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn, giảm chi phí sản xuất nhưng chất lượng và năng suất vẫn đảm bảo.

Chỉ khi làm được như vậy, nông nghiệp ĐBSCL sẽ có trong tay chìa khóa vàng để mở nhiều cánh cổng thị trường. Hướng đến mục tiêu canh tác lúa theo hướng xanh, bền vững để đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường, khẳng định thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mộng Toàn - Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.