Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thuế và Cuộc sống

Giải đáp thắc mắc về Luật thuế GTGT (sửa đổi)

Như Ngọc: Thứ hai 18/11/2024, 08:21 (GMT+7)

Kể từ thời điểm ban hành Luật thuế GTGT đầu tiên vào năm 1997 đến nay, Luật thuế này đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng giai đoạn.

Trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Luật thuế GTGT (sửa đổi) cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào để trình Quốc hội thông qua, ban hành.

Để người nộp thuế, người dân và doanh nghiệp có thêm thông tin về nội dung này, VOVGT có nội dung trao đổi với bà Phạm Thị Minh Hiền – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách – Tổng cục Thuế:

Nhiều điểm mới có trong Dự thảo sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng

Nhiều điểm mới có trong Dự thảo sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng

PV: Trong các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) lần này, thuế suất đối với mặt hàng phân bón đang được là vấn đề rất nhiều doanh nghiệp, người dân và đại biểu Quốc hội quan tâm. Vậy bà có thể cho biết chính sách thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón được đều chỉnh ra sao trong dự thảo Luật Thuế VAT lần này?

Bà Phạm Thị Minh Hiền: Nội dung sửa đổi bổ sung quy định về thuế GTGT mặt hàng phân bón trong dự thảo Luật lần này rất được nhiều người dân, doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội quan tâm. Và đến thời điểm hiện tại, theo thảo luận tại Hội trường của các đại biểu Quốc hội thì hiện vẫn còn 02 phương án liên quan tới thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón:

- Phương án thứ nhất: chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng áp dụng thuế suất 5%.

Việc chuyển phân bón (đầu vào cho sản xuất nông nghiệp) sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% sẽ tạo thuận lợi cho ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh cạnh tranh với hàng nhập khẩu, hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp vì toàn bộ thuế GTGT đầu vào của sản xuất sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Như vậy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có dự địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi.

Tuy nhiên, với việc đưa phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT 5% dẫn điến khu vực sản xuất nông nghiệp có thể sẽ bị ảnh hướng do giá phân bón nhập khẩu tăng thêm 5%.

- Phương án 2: Giữ như quy định hiện hành (phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng).

Với chế độ thuế GTGT hiện hành, phân bón không chịu thuế GTGT, không nộp thuế đối với đầu ra nên toàn bộ thuế GTGT đầu vào đối với nguyên liệu, máy móc thiết bị không được khấu trừ mà tính vào chi phí giá thành sản xuất làm tăng chi phí sản xuất phân bón trong nước, doanh nghiệp trong nước sẽ khó cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.

Như vậy, việc chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng áp dụng thuế suất 5% hay giữ như quy định hiện hành thuộc đối tượng không chịu thuế đều phải được đánh giá một cách kỹ lưỡng, hài hòa giữa 2 mục tiêu: phát triển sản xuất phân bón trong nước và đảm bảo lợi ích của người dân.

thue-vat-1718384549097565619862-0-0-496-794-crop-17183845532051558655699

PV: Ngoài các quy định về thuế suất, bà có thể cho biết nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT có điều chỉnh, bổ sung gì trong dự thảo Luật lần này hay không?

Bà Phạm Thị Minh Hiền: Hiện tại trong Luật hiện hành có 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và đang thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo hướng là phải thu hẹp nhóm đối tượng không chịu thuế.

Trong đợt thảo luận dự thảo Luật lần này cũng đã thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế theo hướng vẫn giữ nguyên 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế, tuy nhiên trong 26 nhóm đó thì sẽ thu hẹp lại.

Theo đó, chuyển 12 loại hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT gồm: phân bón; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; lưu ký chứng khoán; dịch vụ tổ chức thị trường của sở giao dịch chứng khoán hoặc trung tâm giao dịch chứng khoán; dịch vụ bưu chính công ích; dịch vụ viễn thông công ích; dịch vụ In-ter-net phổ cập theo chương trình của Chính phủ; dịch vụ duy trì vườn thú; dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên; dịch vụ duy trì cây xanh đường phố; dịch vụ chiếu sáng công cộng.

Như vậy, việc thu hẹp một số loại hàng hóa, dịch vụ trong 26 nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế đã đáp ứng được yêu cầu của chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo Quyết định số 508 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.

PV: Vâng, xin cảm ơn bà đã tham gia cuộc trao đổi này!

Như Ngọc/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn