Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Dự án “treo” và trách nhiệm trước nhân dân”

Tấn Đạt: Thứ hai 03/10/2022, 15:20 (GMT+7)

Thời gian qua, Chính phủ đã có chỉ đạo các địa phương triển khai hàng loạt giải pháp để xử lý nghiêm các dự án có tiến độ…“rùa bò”.

Là một trong những cửa biển tập trung nhiều phương tiện đánh bắt hướng biển Đông của tỉnh Cà Mau, năm 2019, Hố Gùi được đầu tư xây dựng bến cá. Chính quyền địa phương lẫn người dân đều kì vọng dự án hơn 70 tỉ này sẽ là “cú hích” giúp địa phương vươn lên.

Thế nhưng khác với sự tấp nập, ồn ả vốn có của một bến cá, nơi này lại tiêu điều, đang ngày càng xuống cấp. Hàng trăm bà con nơi này suốt 03 năm qua, vẫn mòn mỏi trông chờ… 1 con đường.

Anh Diệp Viễn Dương, nhân viên trông coi Bến cá Hố Gùi cho biết: Từ lúc đưa vô hoạt động tới giờ thì tàu không có chiếc tàu nào cập bến hết, do đường chưa có nên ghe cộ không có vô.

Tàu của dân bản địa ở đây, người ta có nhà người ta về nhà hết, còn tàu lạ thì không vô rồi. Cần nhất là phải có cái đường lộ.

Dự án treo gây bức xúc trong dư luận (ảnh: thanhnien.vn)

Dự án treo gây bức xúc trong dư luận (ảnh: thanhnien.vn)

Không thể phát huy công năng vì chẳng có đường giao thông đấu nối, cống trình Bến cá Hố Gùi có dấu hiệu lún, bong tróc nhiều nơi. Thời điểm khảo sát, phóng viên ghi nhận chỉ lác dác vài đứa trẻ chơi đùa trong khoảng không rộng lớn của một khu chợ hoang vắng, 3 năm qua chưa từng có tàu ghe cập bến để mua bán hải sản.

Được biết sau khi Bến cá Hố Gùi hoàn thành, UBND tỉnh Cà Mau đã giao Ban Quản lý dự án Xây dựng Công trình giao thông lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tuyến đường kết nối Bến cá. Đến cuối năm 2020, cơ quan chức năng đã trình chủ trương đầu tư, đến nay vẫn chưa được đầu tư.

Ông Nguyễn Phương Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi cho biết, đã có những kiến nghị nêu rõ sự cần thiết, tuy nhiên vẫn phải chờ tỉnh quyết định đầu tư tuyến đường này: Huyện Đầm Dơi rất là cần tuyến đường này. Khi tuyến đường này xây dựng sẽ giúp cho trước mắt là bà con khu vực ở đây kết nối với trung tâm xã, trung tâm huyện để phát triển kinh tế xã hội. Thứ hai, giúp cho cái cảng cá này hoạt động, vận hành đầy đủ các công năng. Thứ ba, cái tuyến đường này rất cần cho việc cứu hộ, cứu nạn, phòng chống thiên tai; ngay việc quản lý quốc phòng, an ninh khu vực và biển của huyện cũng sẽ tốt hơn.

Không chỉ tính bằng năm, nhiều dự án, công trình trọng điểm ở ĐBSCL đã đắp chiếu… hàng chục năm trong sự trông ngóng của bà con. Đến đây, chắc chắn phải kế đến một Dự án đã “treo” hơn 10 năm đang được đẩy nhanh tiến độ. Đó là “nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2”. Thời gian qua, địa phương đã nỗ lực giải phóng mặt bằng, xây khu tái định cư cho người dân bị giải toả trắng nhưng công tác này vẫn gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hạng, người dân ở khu 4, thị trấn Chợ Gạo kiến nghị: Người dân thì cuộc sống quá vất vả rồi, đi lại khó khăn mấy chục năm nay chứ đâu phải mới đây đâu. Khi làm thì làm cho tới, làm cho xong, còn như vầy sao mà được, cứ để dây dưa hoài, đường đi nước bước không được mà ở cũng không xong”

Thực tế, nhằm đẩy nhanh tiến độ cho Dự án này, UBND huyện Chợ Gạo đã yêu cầu Ban Quản lý dự án & phát triển quỹ đất huyện phối hợp với các nhà thầu cùng các đơn vị có liên quan khẩn trương đốc thúc công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Địa phương cũng đặt mục tiêu tập trung giải ngân hết vốn Dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo trong tháng 8/2022. Dẫu vậy, với một dự án chậm trễ hàng chục năm, thì nỗ lực này là chưa đủ.

Còn tại Hậu Giang, trong buổi giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” diễn ra hồi đầu tháng 04, UBND tỉnh đã được đề nghị làm rõ việc giao đất trên 207 ha giao cho 119 dự án, cho thuê trên 1.780ha cho 112 dự án,… có bao nhiêu dự án hiệu quả, đồng thời, cần đánh giá từng dự án kéo dài, gây lãng phí nguồn tài nguyên đất. Bởi đây là vấn đề được người dân, cử tri rất quan tâm.

Ông Nguyễn Hoàng Mạnh - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Hậu Giang phát biểu: “Bây giờ mình bỏ hoang như vậy đất đai tài nguyên, tài lực có lãng phí hay không? Nhiều năm, mười mấy hai chục năm nay, nhiều năm cử tri hỏi mà tôi không trả lời được, bản thân tôi rất buồn”.

Việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, trong đó sử dụng tài nguyên đất tại các dự án thu hồi đất, sử dụng sai mục đích, đất bỏ hoang gây lãng phí… đang được địa phương này quyết liệt triển khai. Với các dự án chậm tiến độ, vừa qua, tỉnh đã ban hành quyết định thu hồi sáu chủ trương đầu tư, tổng số vốn 398 tỉ đồng. Đến nay UBND tỉnh vẫn đang thanh tra, xử lý nhiều dự án còn chậm tiến độ, các chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân thấp để kịp thời xử lý.

Tương tự, tại Cần Thơ, ngày 31/8 vừa qua, UBND TP đã có công văn gửi các sở, ban ngành của thành phố và một số UBND quận, huyện về việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri sau kỳ họp thứ 6 HĐND TP, báo cáo kết quả giải quyết đến Thường trực HĐND, UBND TP và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố trước ngày 20-9-2022.

Theo đó, nhiều dự án chậm làm, quy hoạch treo được cử tri nêu ra như Trung tâm Văn hóa Tây Đô, cầu Trần Hoàng Na, đường Hoàng Quốc Việt, kè sông Cần Thơ…. Nổi bật như cử tri Ô Môn phản ánh dự án Công viên Vĩnh Hằng miền Tây được quy hoạch 150 ha, quá trình triển khai quy hoạch thực hiện thu hồi đất kéo dài, đến nay dự án này đã bị hủy, gây khó khăn và thiệt hại cho người dân.

Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt dự án, “siêu dự án” đầu tư chậm tiến độ, có vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai… cũng đang được rà soát, xử lý tại các tỉnh thành ĐBSCL cũng như cả nước. Đánh giá chung về thực tế hàng loạt công trình trọng điểm nhiều năm vẫn “đắp chiếu” trong sự nóng ruột của bà con địa phương.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Uỷ ban Thường trực Quốc hội nhận định: Tất cả những người dân có liên quan đến dự án treo, rõ ràng họ đang bị gián tiếp xâm hại đến quyền và lợi ích của họ nhưng không có biện pháp tháo gỡ. Rõ ràng nhà quản lý đã không nhìn nhận đầy đủ và cân đối các lợi ích, không đủ tầm nhìn từ khi huy hoạch đến chỉ đạo thực hiện dự án mà đến điểm cuối không sẵn sàng, không dám, không muốn thu hồi dự án để chuyển cho nhà đầu tư khác có năng lực hơn.

Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, “tiền để đấy không tiêu được” là “rất xót ruột và sốt ruột”.  Rõ ràng, việc các công trình, dự án chậm trễ tiến độ là “cục máu đông” cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công trình chậm tiến độ, “trùm màn đắp chiếu”, vẫn ngấm ngầm xảy ra tại nhiều địa phương ở ĐBSCL. Các công trình, dự án “treo” hay thi công nhỏ giọt, chậm trễ đã phá vỡ quy hoạch và dẫn đến nhiều hệ luỵ ở các địa phương nói riêng cũng như cản trở sự phát triển của đất nước nói chung.

ảnh minh hoạ: thanhnien.vn

ảnh minh hoạ: thanhnien.vn

“Dự án “treo” và trách nhiệm trước nhân dân”

Vực dậy sau đại dịch, việc các địa phương nỗ lực xây dựng hoặc mời gọi các doanh nghiệp cùng đầu tư xây dựng các công trình, dự án trọng điểm nhằm phát triển kinh tế nước nhà, trước tiên, là những cố gắng cần được ghi nhận. Song, cũng phải đánh giá thực tế nắm bắt nhu cầu này, không ít dự án, siêu dự án tiền tỉ đến ngàn tỉ “đẹp như mơ” được liên tục “vẽ” ra.

Khác với cam kết về các công trình đáng tự hào trên những “khu đất vàng”, đến nay nhiều dự án lại trở thành bãi đất cỏ mọc um tùm, công trình tạm bợ hoặc bỏ cho hoang hoá. Tình hình này đặt ra yêu cầu cấp thiết các địa phương phải mạnh tay xử lý kịp thời.

Xử lý ở đây, là cảnh báo công bố công khai, là thu hồi, không giao dự án mới… Nhưng khi “đâu vẫn vào đấy”, hàng trăm dự án cứ “treo” mà chẳng thể “hạ”, thậm chí còn ngang nhiên “trơ gan cùng tuế nguyệt” thêm vài chục năm…thì rõ ràng các biện pháp này chưa đủ mạnh, hoặc rõ hơn là trách nhiệm của chính quyền địa phương chưa tới nơi tới chốn. Điều này khiến bức xúc trong dư luận kéo dài, lãng phí, thất thoát vẫn xảy ra kéo lùi sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Vậy, giải pháp nào để “hạ” các dự án treo, triệt để xử lý các vi phạm liên quan? Chắc chắn không phải bằng các kiến nghị hết lần này đến lần khác của bà con, của cử tri; cũng không thể là các khẩu hiệu chung chung như “xử lý nghiêm các vi phạm” của sở, ngành liên quan… mà phải bằng các chỉ thị, nghị quyết riêng được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng.

Đó có thể là “đánh” mạnh và trực tiếp vào “túi tiền” của các cá nhân, nhà đầu tư có dự án “siêu rùa bò”; siết chặt các quy định về thuê, đấu thầu đất; thu hồi theo quy hoạch để có đất sạch đấu giá… một cách công khai, minh bạch và phát huy quyền giám sát của người dân.

Mặt khác, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương, người đứng đầu, cán bộ, công chức… đối với chủ đầu tư chậm triển khai dự án, tránh tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm và xử lý thật nghiêm đối với những tập thể, cá nhân vi phạm...

Lãnh đạo địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước người dân cả nước, quyết không để xảy ra sai sót nhằm xóa bỏ, làm khơi thông các dự án, giải quyết các vướng mắc. Chỉ có như vậy mới nâng cao được hiệu quả quản lý, không để việc xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật chỉ là khẩu hiệu; từng bước khắc phục và “hạ” các dự án “treo”. 

Tấn Đạt/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

TP.HCM: UBND quận Bình Tân phản hồi về cơ sở sản xuất bao bì gây ô nhiễm

TP.HCM: UBND quận Bình Tân phản hồi về cơ sở sản xuất bao bì gây ô nhiễm

Ngay sau phản ánh của VOV Giao thông về hộ kinh doanh Thái Khá hoạt động sản xuất bao bì đóng trú tại hẻm 688 đường Tân Kỳ Tân Quý, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Chính quyền địa phương đã có chỉ đạo kiểm tra và giải quyết những nội dung phản ánh.