Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thiên lý hữu tình

Dọc miền Tết Việt (Kỳ 2): Niềm vui ngày mơ biển

Nguyễn Trúc: Thứ hai 12/02/2024, 14:12 (GMT+7)

Hành trình đón xuân “xuyên Việt” của chúng tôi lần này dọc theo mảnh đất miền Trung nắng, gió. Nếu miền Bắc đón xuân mới và tiễn mùa đông với hoa đào, bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ thì người miền Trung náo nức đón xuân với hương thơm của bánh tét, nem chua, thịt giãm và những cành mai vàng.

Cũng như các vùng miền khác, chiều 30 Tết, nhà nhà sẽ làm mâm cơm tất niên cúng tổ tiên, cả gia đình quay quần cùng nhau ăn bữa cơm tiễn đưa năm cũ. Ở miền Trung cũng vậy. Mâm cúng giao thừa của người miền Trung thì lại đơn giản, không cầu kỳ, chỉ gồm một ít bánh trái, mứt và xôi chè.

Người miền Trung quan niệm rằng, mâm cúng giao thừa là vật phẩm cho sáng mùng một nên đón nhận những thứ thanh tao, ngọt ngào.

Với người miền Trung vùng biển, những ngày Tết còn là những ngày rộn ràng của biển. Khi không khí xuân đang tràn ngập khắp mọi nhà, mọi ngõ ngách, phố phường thì tại các cảng biển miền Trung lại nô nức những ngày “khai biển”, “mở biển”.

Tuỳ theo từng nơi sẽ có những ngày mở biển khác nhau nhưng đều hướng đến những kỳ vọng về một năm mới thuận buồm xuôi gió, thắng lợi, bình an cho bà con ngư dân vốn bao đời bám biển mưu sinh.

Lễ ra quân khai thác thuỷ sản năm 2024

Lễ ra quân khai thác thuỷ sản năm 2024

Bước vào mùa vụ cá Bắc, cùng với ngư dân cả nước, ngư dân Khánh Hòa cũng đang tất bật vươn khơi bám biển những mong một chuyến biển bội thu, thuyền về đầy ắp cá tôm. Tại cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa - cảng lớn nhất duyên hải Nam Trung Bộ, không khí tưng bừng, náo nức trong ngày ra quân đánh bắt đầu Xuân.

Trên bến, dưới thuyền, các chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân tất bật chuẩn bị cho chuyến vươn khơi xuyên Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Hầu hết ở các tàu, ngư dân đều chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết và nhiên liệu để đảm bảo một chuyến đi an toàn và hiệu quả. Và tất nhiên cũng không quên mang không khí rộn ràng của những ngày Tết.

Tàu nào cũng chuẩn bị sẵn những chiếc bánh chưng, kẹo mứt, cành hoa để giữa trùng khơi, trong hành trình bám biển mưu sinh, ngư dân vẫn có thể đón một cái Tết trọn vẹn, đủ đầy.

Ông Nguyễn Văn Lượng – Chủ tàu KH 94276 TS – người đã có hơn 20 lần đón Tết trên biển chia sẻ mong muốn lớn nhất của những bạn tàu, chủ tàu là chuyến ra khơi được thuận buồm xuôi gió. Theo ông Lượng, mỗi chuyến ra khơi của ông phải đánh bắt được từ 60 đến 70 con cá ngừ đại dương thì mới đủ chi phí và trả tiền lương cho người lao động. Bởi chi phí dầu và nhân công của mỗi chuyến đi biển từ 120-150 triệu đồng/tàu.

"Tôi mong muốn cho được trúng cá nhiều nhiều, về nhà vợ với anh em bạn bè vui, chớ tại chuyến vừa rồi đi lỗ. Biển thì không đi đây đi đó được chớ nhưng mình cũng mua đồ đạc bỏ theo, đêm giao thừa cũng ly rượu bánh trái đem ra ăn, đồ ăn, chả đem cúng xong mình cũng ăn", ông Nguyễn Văn Lượng nói.

Cũng như các lão ngư khác, ông Lê Tuấn Hiệp - Chủ tàu KH 95247 TS dịp này cũng vươn khơi bám biển xuyên Tết. Ông Hiệp cho rằng, là ngư dân ăn Tết ở đâu cũng vậy, nhưng ăn Tết trên biển thì đặc biệt hơn. Trong những ngày đầu năm mới, tàu của ông đã tiếp đủ dầu, đá lạnh, chuẩn bị đủ nhu yếu phẩm cho chuyến biển xuyên Tết.

Sau lễ xuất quân khai thác hải sản là nổ máy, vươn khơi ngay. Với thời gian dự kiến khoảng 20-25 ngày, ông Hiệp hy vọng sẽ có một chuyến biển thuận lợi, bội thu để ngư dân vững tin, có một năm đi biển hiệu quả: "Mong ước của tôi là đầu năm đi chuyến biển cho được bội thu có thêm thu nhập để lo cuộc sống cho anh em lao động dưới tàu, 11 người. Thì nói chung là cảm giác tết trên biển cũng như mọi người thôi, ra khơi làm ăn phấn đấu vì mưu sinh."

Sau lễ xuất quân khai thác hải sản là nổ máy, vươn khơi ngay với thời gian dự kiến khoảng 20-25 ngày

Sau lễ xuất quân khai thác hải sản là nổ máy, vươn khơi ngay với thời gian dự kiến khoảng 20-25 ngày

Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân, chuyến đi biển cuối tháng Chạp, trở về đầu tháng Giêng thường trúng lớn nên năm nay nhiều tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới rê hoạt động xa bờ sẵn sàng vươn khơi, ăn Tết trên biển.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh Khánh Hoà có 3.192 tàu cá, trong đó có 659 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, chủ yếu khai thác cá ngừ đại dương như: Cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa... với 309 chiếc hoạt động nghề câu; 126 chiếc hoạt động nghề lưới rê, 22 chiếc hoạt động nghề lưới vây, 16 chiếc hoạt động nghề mành chụp.

Trong dịp Tết năm nay, có 103 tàu cá xa bờ đăng ký bám biển xuyên Tết. Sau lễ ra quân khai thác hải sản năm 2024, các tàu đồng loạt rời cảng tiến về cái ngư trường.  

Để động viên bà con ngư dân vươn khơi bám biển trong dịp Tết, năm nay, Sở NN-PTNT phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức tặng 50 phần quà Tết cho các chủ tàu vươn khơi bám biển xuyên Tết và 50 phần quà Tết cho các đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh.

Ông Nguyễn Duy Quang - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa mong muốn bà con ngư dân tiếp tục chấp hành tốt các quy định khi đánh bắt trên biển: "Đối với lễ ra quân khai thác thủy hải sản năm 2024 là 1 khích lệ tinh thần và động viên ngư dân vươn khơi bám biển nhằm thực hiện các chính sách theo tinh thần cho ngư dân thực hiện 1 số nội dung liên quan chống khai thác IUU đối với vấn đề rút thẻ vàng của Uỷ ban Châu Âu.

Nội dung thứ 2 là lễ ra quân hôm nay nhằm tạo không khí vui tươi, phấn chấn tinh thần để ngư dân tạo 1 thế mạnh tinh thần để ngư dân ra khơi thực hiện mùa bội thu nhất của năm 2024 đối với vấn đề đánh bắt thủy hải sản vùng khơi. Nội dung thứ 3 là tạo nên tinh thần chung cho bà con ngư dân trên bờ cũng như là gia đình ngư dân yên tâm để như dân yên tâm thực hiện đánh bắt hải sản đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo tổ quốc của tổ quốc, của tỉnh Khánh Hòa."

Cũng như Khánh Hoà, tại nhiều tỉnh thành ven biển miền Trung, sau những ngày Tết, tầm mùng 3 đến mùng 8 hàng năm, ngư dân ở nhiều làng biển bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ “mở biển”. Lễ “mở biển” đầu năm là nét đẹp văn hóa độc đáo đã tồn tại hàng trăm năm ở các làng biển. Đây là dịp để ngư dân bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với biển khơi và cầu mong mưa thuận gió hòa, khoang thuyền đầy ắp cá tôm…

Để thực hiện nghi thức “xông biển” đầu năm, chủ tàu thường làm lễ cúng cá ông, cúng thuyền, cúng bến trước khi cho tàu nhổ neo. Đây là nghi lễ truyền thống có từ hàng trăm năm trước của ngư dân thể hiện tấm lòng thành kính của con dân miền biển đối với đất trời đã giúp họ bình yên trong những chuyến ra khơi và cầu mong năm mới đánh bắt thuận lợi, sóng yên, biển lặng và trúng nhiều mẻ cá lớn.

Các gia đình ngư dân sẽ chuẩn bị mâm cỗ để mang lên tàu cho một lão ngư lớn tuổi trong làng thực hiện nghi lễ “cúng thuyền”. Mâm cỗ được ngư dân chuẩn bị đầy đủ với những sản vật được đánh bắt từ biển cả, như: tôm, cá, mực…, ngoài ra còn có gà, bánh chưng, trái cây,…

Một nghi thức rất quan trọng với người dân miền biển, đó là cắm trên nóc thuyền chiếc lá cờ Tổ quốc thiêng liêng. Ông Nguyễn Ai – một ngư dân Bình Định mong mỏi:"Năm 2024, trước mắt cầu mong trời êm biển lặng hài hòa, cá nhiều, ngư dân đánh bắt đạt hiệu quả. Thứ 2 nữa cũng nhờ sự ủng hộ của Nhà nước có ưu ái gì đó cho những người đánh bắt xa bờ đạt nhiều hiệu quả. Chứ bây giờ đánh bắt xa bờ nhiều hạn chế quá, con hải sản bây giờ đánh bắt không được bao nhiêu, nhờ Nhà nước hỗ trợ thêm để bà con mạnh dạn ra khơi đánh bắt hiệu quả, giữ biển đảo quê hương."

Sau những ngày Tết, tầm mùng 3 đến mùng 8 hàng năm, ngư dân ở nhiều làng biển bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ “mở biển”.

Sau những ngày Tết, tầm mùng 3 đến mùng 8 hàng năm, ngư dân ở nhiều làng biển bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ “mở biển”.

Nắng xuân trải mềm dọc dài trên những làng biển miền Trung. Tết với cư dân miền biển không chỉ là sự sum vầy, là khoảnh khắc cả nhà quay quần chờ đợi tiếng pháo hoa đêm giao thừa, Tết còn là những ngày vươn khơi đánh bắt. Ngư dân miệt biển bao đời lớn lên từ biển, mưu sinh từ biển và làm giàu từ biển.

Dẫu đôi lần đối diện hiểm nguy khi mưu sinh trên đầu sóng dữ, khi những cơn bão chực chờ nuốt chửng lấy những cơn tàu lênh đênh giữa biển khơi trùng điệp, khi bên cạnh nụ cười tàu về tôm cá đầy khoang là những giọt mồ hôi, nước mắt của người vợ, người mẹ, người cha chốn hậu phương nhưng những người con vùng biển vẫn can trường, cần mẫn, hướng biển mà đi.

Dường như biển đã ngấm sâu vào máu thịt, trở thành hơi thở để mỗi câu chuyện họ mang theo bên mình đều mang dáng hình của biển. Với họ, biển giờ đây không còn là nơi để mưu sinh, mà biển là cả cuộc đời…

Nguyễn Trúc/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn