Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Điểm tựa trong cuồng lũ

Nhóm Phóng viên VOV Tây Bắc: Chủ nhật 13/10/2024, 08:12 (GMT+7)

151 người chết và mất tích; 50 người bị thương; hơn 7.000 ngôi nhà; hơn 200 trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và nhiều công trình bị sập đổ, ảnh hưởng… Tổng thiệt hại ước tính trên 6.600 tỷ đồng.

Đây là những thiệt hại to lớn mà hoàn lưu bão số 3 gây ra tại tỉnh Lào Cai. Đồng thời, đây cũng là minh chứng rõ nét nhất cho sự bất lực của đồng bào vùng cao trước thảm họa khó lường của lũ quét, sạt lở đất.

Mất mát và đau thương là quá lớn, nhưng trong bóng tối của thiên tai, những đảng viên, cán bộ, người đứng đầu ở cơ sở đã luôn đi trước dẫn đường. Sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là điểm tựa để bà con vững tâm vượt qua đau thương; thắp sáng ngọn lửa đoàn kết, lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái trong cộng đồng.

VÌ MÌNH LÀ TRƯỞNG THÔN

28 người chết, 06 người mất tích, 19 người bị thương là những gì trận lũ từ hoàn lưu bão số 3 đã gây ra cho huyện vùng cao Bắc Hà của tỉnh Lào Cai. Trong bối cảnh đó, một nhóm 17 hộ gia đình, với 115 nhân khẩu, thuộc thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu của Bắc Hà, dưới sự dẫn dắt của Trưởng thôn, đảng viên trẻ Ma Seo Chứ cũng rơi vào tình huống chưa bao giờ có.

"Trời mưa tầm 3 ngày liên tục. Không liên hệ được đâu vì mất sóng điện thoại, mất điện hoàn toàn. Sáng hôm đấy em ra ngoài mới thấy thôn đối diện bên kia sông có mấy quả đồi sạt lở xuống nhà máy thủy điện và mấy ngôi nhà bên đó. Sau đó em mới sợ, liền vận động anh em cùng đi lên đồi kiểm tra thì mới phát hiện trên đỉnh đồi có vết nứt dài tụt xuống tầm 20 cm." - Vừa kể, Trưởng thôn Kho Vàng – Ma Seo Chứ vừa cố gắng định thần khi nghĩ tới tình huống ngàn cân treo sợi tóc từng phải đối mặt.

"Lúc phát hiện ra tầm khoảng 9h, xong em mới quay sang bảo mấy anh em rằng mình đã phát hiện thấy thế rồi thì cứ chủ động lên dựng lán trước, sau đó về thông báo, vận động tất cả mọi người cùng nhau lên rừng chặt tre, dựng lán trên đồi bằng cách đó khoảng 500m. 10h bắt đầu làm rồi, đến 4h chiều hoàn thành tất cả các nhà thì mới lên đấy hết."

Khu vực làng Nủ sau lũ quét

Khu vực làng Nủ sau lũ quét

Bốn bề sạt lở, chia cắt, 3 ngày mất liên lạc với trung tâm, những câu chuyện thương tâm ở Làng Nủ, Nậm Tông không khỏi khiến mọi người lo lắng về tình huống xấu nhất có thể xảy ra đối với thôn Kho Vàng. Chỉ cho đến khi tổ công tác của công an địa bàn vượt hơn 7 cây số đường rừng tìm đến dẫn đầu là đại úy Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an xã Cốc Lầu:

"Khi tới gần đỉnh núi, chúng tôi phát hiện ra một số cây tre nứa bị chặt mất ngọn, sát gốc, độ dài đoạn bị chặt tầm từ 2 – 4m. Đi tiếp càng thấy nhiều cây bị chặt hơn, lúc đó chúng tôi có gì đó rất phấn khởi, cũng phán đoán rằng nếu chặt nhiều thế này chắc chắn có người dùng để làm gì đó như làm phản đề nằm hoặc dựng lều lán. Cứ đi tiếp, chúng tôi nhìn thấy có một khu vực lều lán, với rất nhiều phụ nữ và trẻ em đang vui chơi. Bản thân tôi lúc đó thực sự không biết phải dùng lời lẽ nào để nói. Cảm xúc tưởng như vỡ òa, lúc đó tôi cũng chảy cả nước mắt."

Niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của những người cán bộ khi đó là tìm được dân, biết dân vẫn an toàn:

"Vừa gặp mấy đứa trẻ, tôi lao vào ôm chầm lấy chúng. Tiến lên gặp mấy chị phụ nữ, một chị hồ hởi nói: “Các chú Công an đến rồi”. Tôi mới hỏi chị rằng “17 hộ trên khu vực của mình có vấn đề gì không?”. Tất cả các chị đều trả lời rằng: “Không có ai bị thương, chúng tôi đều an toàn”. Hỏi tiếp về tình hình đồ ăn thì các chị nói: “2 – 3 ngày ở trên đó họ hết đồ ăn rồi”. Lúc đấy tôi mới chỉ đạo các đồng chí đi cùng bỏ tất cả mì tôm và nước lọc mang theo ra cho người dân nấu ăn ngay để không bị đói. Và tôi cũng cam kết với mọi người rằng trong ngày hôm nay chúng tôi sẽ mang tất cả những nhu yếu phẩm cần thiết lên cho bà con."

Cuộc sống của bà con trong những chiếc lán tạm giữa rừng những ngày mưa lũ còn nhiều điều để kể. Nhưng vui hơn cả là mọi người đều bình an vô sự. Đến hôm nay, 17 hộ đã được tạm cư trong khu lều bạt ngay cạnh trụ sở Đảng ủy, UBND xã. Dù là tạm, nhưng cũng có đủ điện, đủ nước sạch, đủ cái ăn. Câu chuyện thoát hiểm họa núi lở, người dân Kho Vàng làm sao có thể quên:

"Lúc đấy mưa to mấy ngày trời, trong nhà đầy nước luôn, sạt lở rất nhiều nơi, chỉ là chưa vào đến làng mình. Rồi nghe Trưởng thôn và các anh em nói xong là sợ, di chuyển luôn, không dám ở nữa."

"Trưởng thôn rủ mấy anh em thanh niên có sức khỏe cùng đi kiểm tra xem có bị gì không, xong thấy có vết nứt mới bảo là không dám ở nữa, mình phải đi cắt vầu làm lều ở tạm, xong trời cứ mưa liên tục thì mình vẫn cứ ở đấy, thấy vẫn may mắn hơn những làng khác."

Trưởng thôn Kho Vàng - Ma Seo Chứ

Trưởng thôn Kho Vàng - Ma Seo Chứ

Ma Seo Chứ, người đảng viên, Trưởng thôn, năm nay vào tuổi 33, nhưng thực sự đã trưởng thành, với những trải nghiệm quý giá:

"Từ ngày xưa nghe ông bà kể chỗ đó cũng từng bị sạt rồi. Nên trong thời điểm đó em mới nghĩ cần vận động bà con đi kiểm tra trước, từ đó mới nhận thức được nguy cơ để biết cách phòng tránh."

Với Ma Seo Chứ, đơn giản, mình là một Trưởng thôn:

"Mình là một Trưởng thôn, trách nhiệm của mình là phải tuyên truyền cho bà con hiểu, dùng biện pháp nào đó để giúp bà con biết cách phòng tránh thiên tai  và mình đã ở đấy lâu, gắn bó với họ nên khi mình nói thì họ sẽ nghe mình."

Qua đánh giá của cơ quan chức năng, nơi ở cũ của 17 hộ dân thôn Kho Vàng quả đúng không thể tiếp tục sinh sống bởi nguy cơ sạt lở đang ngày một trầm trọng, hàng nghìn mét khối đất đá luôn chực chờ sẵn sàng đổ ụp bất cứ lúc nào.

Trưởng thôn Ma Seo Chứ là người đã vận động thành công 117 hộ dân với 115 nhân khẩu ra nơi an toàn, tránh thảm họa sạt lở

Trưởng thôn Ma Seo Chứ là người đã vận động thành công 117 hộ dân với 115 nhân khẩu ra nơi an toàn, tránh thảm họa sạt lở

Nhờ kinh phí viện trợ từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, một khu tái định cư với những ngôi nhà khang trang, an toàn đang được khởi công, hứa hẹn sớm hoàn thành để bà con Kho Vàng đón Tết.

Câu chuyện người đảng viên, Trưởng thôn Kho Vàng Ma Seo Chứ nhạy bén, chủ động và kịp thời tổ chức cho 115 người dân trong thôn thoát khỏi nguy cơ thảm họa, là minh chứng sinh động về vai trò đứng mũi chịu sào, dẫn dắt cộng đồng trong những lúc cam go của cán bộ, đảng viên cơ sở.

Trong hoàn cảnh thiên tai khốc liệt, giữa những thảm họa tang thương, nguy hiểm, lại xuất hiện hình ảnh người đảng viên - cán bộ, vì sự an toàn của người dân, đã có quyết định quyết đoán và thực tế.

ÔNG BÍ THƯ HUYỆN UỶ VÀ BỨC THƯ TAY

Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, ngày 10/9/2024.

Trung úy Lý Ngọc Tuyên: "Đường đi lúc đó trời mưa. Cách khoảng 100 m lại có điểm sạt. Có những điểm sạt lở nước vẫn chảy. Thỉnh thoảng có miếng đất ụp xuống đường. Đi dưới đường mà lòng cứ nao nao, vừa sợ nhưng vì công việc phải đi thôi."

Bí thư huyện Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo: "Tôi chỉ nghĩ là nếu vào sớm được thì sẽ cứu được nhiều bà con hơn. Đi đến đâu mượn xe ở đó, không mượn được thì đi bộ. Nguy hiểm nhất là đi vào nhà một chị bí thư chi bộ, đường bị sạt chị bảo xe máy không đi được để chị dẫn đi bộ vòng đường đồi. Vừa đi qua một cái thì nghe tiếng nổ như bom, quay lại nhìn thấy sạt hàng trăm mét. Chị bảo Bí thư quá liều, không ai đi vào cái giờ này cả, quá nguy hiểm."

Trung úy Lý Ngọc Tuyên - người chuyển bức thư tay của Bí thư Huyện ủy về trung tâm

Trung úy Lý Ngọc Tuyên - người chuyển bức thư tay của Bí thư Huyện ủy về trung tâm

Trung úy Lý Ngọc Tuyên: "Lần đầu tiên chứng kiến một thảm họa kinh khủng như vậy. Vào đến nơi tổ công tác ai cũng nhìn nhau ứa nước mắt. Dọc đường vào hiện trường, nhiều nhà đã vớt được thi thể nạn nhân, lúc đó đang mặc áo quan rồi làm một số thủ tục để mai táng. Đi vào sâu hiện trường thì một số người dân tìm thấy thêm thi thể 2 người nữa, đặt trên đường, khung cảnh cực kì tan hoang."

Bí thư huyện Bảo Yên Hoàng Quốc Bảo: "Mọi người ở đấy ai cũng cứ vừa khóc vừa phân công nhau, bối cảnh không thể cầm được nước mắt. Lúc đấy bắt đầu trời chiều rồi, mưa xuống vẫn cứ rả rích, rả rích. Sau khi họp hành, phân công nhiệm vụ xong, gọi là đêm chẳng phải, mà phải là rạng sáng hôm sau rồi, chợp mắt một tí thì tiếng cưa máy ám ảnh, ám ảnh vô cùng.

Vì lúc đó đã phát hiện được 15 thi thể, nhân dân ở đó cầm cưa máy đi, lấy tất cả tấm ván, gọi là tận dụng thôi chứ làm gì có đâu, pha dọc ra để ghép làm áo quan, không phải áo quan đóng sẵn, chẳng có sơn son hay gì cả, tiếng cưa máy nghe văng vẳng, khủng khiếp."

Bí thư Huyện ủy Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) – ông Hoàng Quốc Bảo và Trung úy Công an huyện Lý Ngọc Tuyên là hai trong số những người đầu tiên tiếp cận hiện trường sạt lở, lũ quét ở Làng Nủ, đến hôm nay đã ghi nhận gần 70 người chết và mất tích, 14 người bị thương. Bối cảnh ban đầu vô cùng cam go.

"Điện mất, sóng hết. Không thể bằng cách nào liên lạc được nữa thì bắt đầu anh em công an, dân quân tự vệ cũng vào tới đó, tôi mới lấy ngay quyển vở của anh trưởng bản, ghi ngay Bí thư yêu cầu: một là UBND làm gì, công an vào thế nào, quân đội ra làm sao, chuẩn bị đèn pin, nước uống thế nào, rồi chuẩn bị cho dân ra làm sao.

Muốn kê các đầu mục cho anh em mang ra để huy động từ ngoài vào. Sau đó, tôi mới lấy tiếp một tờ khác, kê lên đùi để viết ra mấy thư gửi lãnh đạo tỉnh để chỉ đạo chi viện khẩn cấp. Viết với mục đích là vì trời vẫn đang mưa, chỉ sợ anh em cầm ra nhỡ bị rách, bị nhòe thì cũng chẳng đọc được. Tôi bảo với cậu Tuyên là cậu chụp ảnh vào, xong ghi cái số điện thoại của anh Nghĩa - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy vào rồi về gửi ngay vào Zalo cho anh ấy để báo cáo", ông Hoàng Quốc Bảo kể lại

Bí thư Huyện ủy Bảo Yên - Hoàng Quốc Bảo (bên trái) kể lại câu chuyện về bức thư tay trong nguy cấp

Bí thư Huyện ủy Bảo Yên - Hoàng Quốc Bảo (bên trái) kể lại câu chuyện về bức thư tay trong nguy cấp

Trung úy Lý Ngọc Tuyên chia sẻ: "Tổ công tác của Công an huyện tầm khoảng 10h đã xuất phát, đi qua nhiều điểm ngập lụt, sạt lở, đến gần 2h chiều mới tiếp cận được hiện trường. Lúc vào thì cũng gặp đoàn công tác của đồng chí Bí thư Huyện ủy. Tôi may mắn được chọn để mang thư về. Vào đấy được tầm 15 phút, tiếp nhận thông tin xong lập tức quay lại luôn.

Cảm nhận thực sự khó tả, lúc đó không nghĩ được gì, được giao nhiệm vụ cầm bức thư tay là chạy gần 5 km từ hiện trường về chỗ xe người dân để ở chỗ sạt mà không đi tiếp được, bình thường không chạy được như thế. Có 2 mũi đường chính vào Làng Nủ đều bị tê liệt hết, hôm đấy đều phải đi theo những lối mòn của người dân chở ngô, chở sắn. Đi xe máy nói thật cũng không di chuyển được mấy, đa số phải xuống xe và đẩy hết.

Nhớ nhất qua đoạn thuộc xã Lương Sơn, đi xe lốp mòn lại phải đẩy cái dốc khoảng 45 độ. Bình thường 2 người đi 1 xe thì hộ nhau đẩy, nhưng lúc đó tôi một mình một xe, trời thì mưa, định bỏ xe đi nhưng vì xe mượn của dân nên phải cố đẩy, về tay chân rã rời hết. Lúc về đồng chí Trưởng Công an huyện vẫn đang trực, giải quyết công việc, cứu nạn cứu hộ ở khu vực thị trấn thì tôi đã báo cáo lại và gửi lời của đồng chí Bí thư Huyện ủy."

Trong tình huống ấy, bức thư tay là một nội dung truyền tải thông tin giá trị nhất, đầy đủ nhất, không có biện pháp nào hiệu quả hơn và nhanh hơn được nữa.

"Với trách nhiệm là người đứng đầu ở cơ sở thì mình phải tiếp cận đầu tiên, phải thông tin đầu tiên, chỉ đạo đầu tiên. Thiên tai vốn rất khắc nghiệt và rất khó lường. Khi thiên tai diễn ra, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, nhất là cấp huyện, cấp xã, cộng với sự chỉ đạo nhanh chóng, ráo riết, quyết liệt của Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch UBND tỉnh đã xuống hiện trường để chỉ đạo ngay;lực lượng công an, quân đội cũng đã vào cuộc kịp thời, chính vì thế đến hôm nay cũng đã khắc phục được hậu quả bước đầu."

Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích

Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích

Từ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, không màng hiểm nguy và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo địa phương mà người dân Làng Nủ đã có thêm điểm tựa để sớm vượt qua đau thương mất mát, từng bước hồi sinh sau lũ dữ.

Đặc biệt là sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tại chuyến thị sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở tại Làng Nủ vào chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, và các bộ, cơ quan, lực lượng liên quan tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm để khắc phục hậu quả thiên tai. Thủ tướng nhấn mạnh:

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Người dân cũng đã nói với tôi rằng: "Mong bác tìm chỗ nào ổn định để bà con có chỗ ở. Do đó, tôi đề nghị các đồng chí đến 31/12 phải hoàn thành, xong nhưng phải ổn định lâu dài, nhà cửa phải tốt hơn trước khi cơn lũ quét qua. Còn các đồng chí cần gì, thiếu gì thì báo với tôi, Thủ tướng Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm cùng các đồng chí!"

Trong vòng 10 ngày kể từ khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát, giao nhiệm vụ khắc phục tại vùng lũ Lào Cai, ngoài Làng Nủ, 2 khu dân cư khác gồm thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu và thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc của huyện Bắc Hà cũng lần lượt được khởi công. Cả 3 địa phương cùng phấn đấu trước 31/12 sẽ đưa  bà con về ở, kịp đón Tết như lời cam kết của người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh – ông Trịnh Xuân Trường: "Ngôi làng này mất đi do bão lũ, thiên tai thì chúng ta sẽ quyết tâm xây dựng một ngôi làng mới đẹp hơn, đáng sống hơn, an toàn hơn, nghĩa tình hơn."

Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại lễ khởi công khu tái định cư Làng Nủ hôm 21/9

Ông Trịnh Xuân Trường - Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phát biểu tại lễ khởi công khu tái định cư Làng Nủ hôm 21/9

Mưa lũ đã đi qua, những dòng suối, con sông lại ôn hòa xuôi chảy, nắng thu trải vàng trên các nương đồi vùng cao cũng dần xanh trở lại, che bớt những vết xói mòn, sạt lở, dù những nỗi đau sẽ vẫn in hằn rất lâu nữa. Và trong những lúc hoạn nạn, khó khăn tột cùng, mới thấm thía nhiều điều lắng đọng, như một phần lịch sử khắc ghi lại nơi mảnh đất kiên cường Lào Cai.

Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh: "Điều đáng trân trọng nhất là tình người của người Việt Nam chúng ta ở khắp mọi miền Tổ quốc và ngoài nước đã hướng về Phúc Khánh, hướng về Làng Nủ, để bà con chúng tôi bớt khó khăn. Trong tương lai tiếp tục lại phải vươn lên, biến đau thương thành hành động, xây dựng quê hương Phúc Khánh chúng tôi ngày một giàu đẹp, văn minh."

Bí thư Huyện ủy Bắc Hà: "Qua cơn bão này mới thấy sức mạnh đoàn kết của nhân dân rất lớn, đây chính là cơ sở để huyện Bắc Hà tin rằng trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ khắc phục, tái thiết, khôi phục lại tất cả lĩnh vực."

Khu tạm cư Làng Nủ gần đó đã cơ bản hoàn thành để bà con về ở trong khi chờ tái định cư

Khu tạm cư Làng Nủ gần đó đã cơ bản hoàn thành để bà con về ở trong khi chờ tái định cư

Bí thư Huyện ủy Bảo Yên: "Điều đọng lại trên hết và sẽ là xuyên suốt đó là tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực tự cường, tinh thần tương thân tương ái, vì nhân dân phục vụ của tất cả các lực lượng chức năng, của cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương, và tấm lòng hảo tâm của bà con trong và ngoài nước đã dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt tới Bảo Yên – mảnh ghép nhỏ thôi của Tổ quốc nhưng đã phải chịu rất nhiều đau thương trong thời gian vừa qua."

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai: "Lào Cai càng khó khăn bao nhiêu, chúng tôi càng đoàn kết, càng cố gắng vươn lên, càng chủ động, càng tích cực và càng sáng tạo, huy động được sức mạnh của cán bộ, đảng viên, người dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay khắc phục, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới."

 

Nhóm Phóng viên VOV Tây Bắc/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn