Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Sự việc

Dẹp bến cóc xe dù: Các đô thị đang lúng túng hay lùng nhùng lợi ích?

Quách Đồng - Kiều Tuyết: Thứ ba 30/08/2022, 15:55 (GMT+7)

Nạn “xe dù, bến cóc” không chỉ gây khó khăn, cạnh tranh không lành mạnh mà còn gây mất ATGT nghiêm trọng cho các đô thị. Mặc dù vậy, việc chấn chỉnh, dẹp bỏ tình trạng này vẫn là bài toán khó, khi các lực lượng chức năng chưa thể xử lý triệt để.

Đâu là nguyên nhân của tình trạng này? Do lúng túng, hay vì lùng nhùng lợi ích nhóm khiến việc xử lý thiếu hiệu quả?

Phản ánh đến VOVGT, đại diện lãnh đạo bến xe Bắc TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết, có thời điểm, riêng bến xe phía Bắc TP. Thanh Hóa có khoảng 100 lốt xe chạy tuyến Hà Nội – Thanh Hóa, song hiện phần lớn các nhà xe đã bỏ bến. Chỉ riếng tháng 7 vừa qua, đã có 42 lốt xe chạy tuyến Thanh Hóa- Hà Nội bỏ bến, ra ngoài chạy dù, gây mất trật tự an toàn trên tuyến:

"Trước kia hàng trăm xe, bây giờ chỉ có vài xe, gây lộn xộn trong công tác quy hoạch giao thông, cạnh tranh không lành mạnh giữa các xe trong bến và doanh nghiệp bên ngoài. Doanh nghiệp đầu tư bến hàng mấy chục tỷ đồng nhưng không có xe vào hoạt động".

Ông Trần Minh Thành, Giám đốc bến xe Vinh (Nghê An) cũng cho biết, qua rà soát, đối chiếu với một số bến xe trên địa bàn Hà Nội cho thấy, có một lượng lớn doanh nghiệp vận tải bằng xe hợp đồng tuyến Hà Nội – Vinh chạy như xe khách tuyến cố định: "Xe hợp đồng có lợi thế hơn là đi sâu vào trong thành phố, người ta không thông qua bến bãi gì cả thì không công bằng với các xe chấp hành đúng quy định của pháp luật và gây mất trật tự giao thông trong khu vực nội thành".

Thông tin từ các bến xe tại Hà Nội cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay, tình trạng nhà xe bỏ bến diễn ra khá phổ biến. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho hay, trong khi bến có khoảng 1.200 phương tiện đăng ký hoạt động, nhưng hiện chỉ khoảng 600 lốt xe hoạt động mỗi ngày. Nhiều doanh nghiệp không đăng ký hoạt động tại bến Giáp Bát, những vẫn thường xuyên đón khách ngoài bến:

"Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc họp, phối hợp với các lực lượng chức năng và cũng nêu rõ các phương tiện có hợp đồng nhưng bỏ bến, không có hợp đồng nhưng vẫn hoạt động xung quanh bến xe", ông Nguyễn Tất Thành cho biết.

Xe khách đón trả khách sai quy định trên đường Võ Văn Kiệt, huyện Đông Anh. Ảnh: Kinh tế đô thị

Xe khách đón trả khách sai quy định trên đường Võ Văn Kiệt, huyện Đông Anh. Ảnh: Kinh tế đô thị

Báo cáo do bến xe Nước Ngầm gửi tới Sở GTVT Hà Nội cũng cho thấy, có 95 phương tiện đã bỏ bến để chạy dù. Một số doanh nghiệp ngang nhiên lập điểm đón trả khách ngay trên đường Trần Thủ Độ, đường Ngọc Hồi và tập trung chủ yếu đi các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đắc Lắc…

Trao đổi với VOVGT, trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội – nơi có các bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý gần 600 trường hợp xe khách vi phạm, chủ yếu tập trung vào lỗi dừng đỗ sai quy định, đón trả khách không đúng nơi quy định...

"Các nhà xe thường có các đối tượng “cò mồi” bám theo các tổ tuần tra kiểm soát để thông báo cho các nhà xe, để tránh né chỗ khác để dừng đỗ, đón trả khách. Do vậy thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với tất cả các lực lượng như Thanh tra, Công an các quận huyện để xử lý triệt để các trường hợp này", Trung tá Anh Tuấn cho biết.

Thiếu tá Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý được hơn 1.000 trường hợp xe khách vi phạm, trong đó chủ yếu là các lỗi dừng đỗ sai quy định, mở cửa khi xe đang chạy, chạy dưới tốc độ tối thiểu…

"Các văn phòng xe hợp đồng, xe du lịch hiện tại là quá nhiều, vì vậy cần sự quản lý nhất định, quy định rõ ràng để xử lý các trường hợp trên, để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tránh việc bất chấp, bằng mọi cách để các nhà xe cố tình vi phạm, gây mất TTATGT", Thiếu tá Trần Quang Chinh nói.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, tình trạng xe dù, bến cóc tồn tại nhiều năm nay, một phần bắt nguồn từ sự yếu kém trong công tác quản lý, phần khác do công tác xử lý chưa nghiêm.

Ông Than nói thêm: "Lực lượng hoạt động bến cóc xe dù thì liên kết, liên minh với nhau thành nhóm lợi ích và quy định của pháp luật chưa có gì đổi mới để quản lý được. Các cơ quan chức năng xử lý vi phạm thì chưa quyết liệt, chưa đến nơi đến chốn, thậm chí còn dung túng, chống lưng, bảo kê…"

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, quy định hiện hành có kẽ hở khá lớn đối với xe hợp đồng, khiến rất nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định cũng tìm cách chạy hợp đồng: "Thứ nhất là đỗ xe bến dù, có thể là quán nước thôi, một số nhà mà được mặc định giữa lái xe, đối tượng bảo kê, mà đối tượng bảo kê này có thể bao gồm cả chính quyền địa phương.

Thậm chí là bán theo giờ, mỗi xe được đỗ không quá 30 phút, đến giờ là phải xuất phát, mỗi tháng nộp 2 triệu chẳng hạn, thế là rất nhiều tiền".

Việc xử lý tình trạng này chưa triệt để, cùng với lúng túng của cơ quan quản lý càng khiến tình trạng xe dù, bến cóc có lý do để tồn tại. Ảnh: Báo Giao thông

Việc xử lý tình trạng này chưa triệt để, cùng với lúng túng của cơ quan quản lý càng khiến tình trạng xe dù, bến cóc có lý do để tồn tại. Ảnh: Báo Giao thông

Tình trạng “xe dù bến cóc” tồn tại dai dẳng và ngày càng công khai, gây mất trật tự an toàn giao thông khiến dư luận rất bức xúc. Việc xử lý tình trạng này chưa triệt để, cùng với lúng túng của cơ quan quản lý càng khiến tình trạng xe dù, bến cóc có lý do để tồn tại.

Đây cũng là góc nhìn của VOVGT qua bài bình luận: "Tỏ ra phức tạp".

 

Chỉ trong vòng 1 tháng, Bộ Giao thông vận tải liên tiếp 2 lần đề nghị Hà Nội có biện pháp dẹp xe dù bến cóc để đảm bảo công bằng cho vận tải khách tuyến cố định. Trong khi, TPHCM cũng ra quân dẹp xe dù bến cóc với lý do tương tự.

Vì sao phải đề nghị các đô thị làm việc này, trong khi họ đã nhiều lần thông tin về công tác xử lý? Đó như một động thái sốt ruột của bộ chuyên ngành, khi tình hình đang trở nên xấu đi nhiều mà địa phương vẫn đủng đỉnh hoặc làm chưa tới.

Sự sốt ruột của Bộ Giao thông là đương nhiên. Bởi cứ sau mỗi lần báo chí phản ánh, dư luận lên tiếng, các lực lượng lại rốt ráo vào cuộc. Hoặc, thỉnh thoảng vẫn có những kế hoạch của CSGT, thanh tra giao thông, cả công khai lẫn mật phục để phát hiện, xử lý các xe chạy “rùa”, xe chạy “dù” ở quanh bến xe hay các tuyến đường nội thị. Nhưng rồi, đâu vẫn hoàn đó.

Điều đáng nói, chiêu thức vi phạm không có gì tinh vi. Đến người đi đường cũng rất dễ nhận ra, dễ bắt gặp. Hàng loạt bằng chứng hình ảnh được đưa lên mạng xã hội và các kênh truyền thông. Nhưng biện pháp chỉ dừng lại ở “đẩy đuổi”. Mà đẩy đuổi, thì vi phạm chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, lúc này sang lúc khác.

Không phải bộ Giao thông vận tải, mà ngay cả người dân cũng thấy sốt ruột và lấy làm lạ. Bởi từ góc nhìn của họ, việc xử lý dứt điểm các vi phạm này đâu có gì quá khó khăn.

Các hành vi lập bến cóc xe dù, đón trả khách sai quy định, dừng đỗ sai quy định gây ách tắc giao thông, đều đã có chế tài. Không cần phải kỳ công mật phục theo dõi, cũng không cần quá nhiều camera đầu tư tốn kém, chỉ cần công khai kế hoạch xử lý, sẽ có rất nhiều bằng chứng được người dân cung cấp.

Cơ quan chức năng chỉ cần hoàn thiện quy trình để phạt nguội thật hiệu quả từ các chứng cứ này, tiến hành xử phạt thật nghiêm, công khai lên phương tiện thông tin đại chúng, vi phạm nhiều lần thì rút giấy phép hoạt động… Các chủ xe và tài xế sẽ không có nhiều cơ hội để tái phạm.

Lực lượng chức năng địa phương cũng đâu cần phải “bắt tận tay” mới xử phạt được. Tất cả xe khách đã buộc phải lắp camera trên xe và giám sát hành trình. Vậy các thiết bị này đi đâu, làm gì, vì sao không hoạt động, hoặc hoạt động thì dữ liệu được quản lý ra sao. Dữ liệu liên thông, chỉ cần kiểm tra là hoàn toàn có thể xác thực vi phạm.

Nếu lý do là sự “nương tay” khó nói nên lời của lực lượng thực thi công vụ, do thông cảm với tình cảnh của các nhà xe sau 2 năm “đắp chiếu” vì dịch bệnh, điều đó lại càng không thuyết phục, vì đó là việc của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Không thể đánh đổi trật tự an toàn giao thông bằng danh nghĩa của lòng thương cảm.

Tiếp cận câu chuyện bến cóc xe dù từ người quản lý vận tải, người dân cũng không thấy phức tạp gì ghê gớm.

Nếu nhà xe buộc phải chạy “dù” vì ít khách quá, không đủ tiềm lực kinh tế để tồn tại, đương nhiên phải tái cấu trúc doanh nghiệp, liên kết để tăng tiềm lực thay vì hoạt động nhỏ lẻ manh mún;

Nếu khó vì bến xe quá ít khách, thì phải xem lại vị trí bến có còn phù hợp trong sự thay đổi mau chóng nhu cầu đi lại của người dân nữa hay không.

Nếu xe hợp đồng trá hình, hay việc cấp phù hiệu hợp đồng quá dễ dãi để cho các xe nhỏ, xe limousine luồn sâu vào nội đô và ngang nhiên hoạt động như vận tải tuyến cố định, thì phải xem lại việc cấp phù hiệu đã ổn chưa, vì sao bó tay trước xe hợp đồng trá hình.

Nếu các văn phòng giao dịch nhà xe dễ dàng được thành lập trong trung tâm và trở thành nơi tập kết, đón trả khách - tức một bãi xe thu nhỏ, thì không thể không xét đến trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi đó.

Mạch lạc từng lý do dẫn đến bến cóc xe dù, sẽ thấy lý do nào cũng có cách giải quyết. Nhưng vấn đề thực sự, có vẻ như không nằm ở đó, mà ở điểm nhìn.

Bộ GTVT đề nghị địa phương xử lý, với lý do chính là để bảo vệ môi trường cạnh tranh công bằng cho xe khách tuyến cố định.

Còn các đô thị giãi bày chưa thể xử lý được, vì lý do thiếu trang thiết bị, thiếu phương tiện, thiếu người.. điểm nhìn đặt vào sự khó khăn của lực lượng thực thi công vụ.

Trong khi đó, điểm nhìn của người dân hướng về sự ùn tắc vô lý ở những tuyến đường có bến cóc xe dù hoạt động. Sự vô lý của việc, bến cóc xe dù vẫn cứ ngang nhiên hoạt động, ngay cả khi có lực lượng chức năng ở đó.

Dưới quan sát của nhiều người, câu chuyện đang được làm cho phức tạp hơn nó vốn có.

Khi các điểm nhìn chưa gặp nhau, thì con đường đưa tới giải pháp sẽ vẫn cứ lùng nhùng. Và dù ứng dụng công nghệ trong quản lý giao thông vận tải có “mấy chấm không”, thì bến cóc xe dù vẫn sẽ chuyện “biết rồi, khổ lắm”.

Quách Đồng - Kiều Tuyết/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Tổ chức lại giao thông đường Minh Khai, gỡ “nút thắt cổ chai”

Đã 1 tuần kể từ khi nút giao phố Minh Khai - Ngõ 349 Minh Khai - Lối vào Bệnh viện Vinmec Times City (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được tổ chức lại giao thông. Hiện tượng ùn ứ, ách tắc, đặc biệt theo hướng từ cầu Vĩnh Tuy hướng vào trung tâm thành phố đã có sự chuyển biến khá tích cực.

Làm luật để “hoãn”

Làm luật để “hoãn”

Khi một quy định được ban hành nhưng không thể thực thi, chúng ta đều biết hậu quả sẽ là sự khinh nhờn luật lệ. Vì thế, việc đưa ra nhiều quy định pháp luật mà không tính toán được khả năng thực thi, chính là cách để làm giảm sự tôn nghiêm của pháp luật.

TP.HCM: Mong thoát cảnh kẹt xe khi Quốc lộ 13 được đầu tư 20.000 tỷ

TP.HCM: Mong thoát cảnh kẹt xe khi Quốc lộ 13 được đầu tư 20.000 tỷ

Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn TP.HCM chỉ dài gần 6km nhưng suốt hai thập kỷ qua chưa thể mở rộng, trong khi đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương hiện đang triển khai thi công mở rộng lên 6 - 8 làn xe.

Người khuyết tật vẫn khó sử dụng xe buýt

Người khuyết tật vẫn khó sử dụng xe buýt

Hà Nội có hơn 100.000 người khuyết tật, nhưng số lượng người khuyết tật trực tiếp tham gia giao thông nói chung và xe buýt nói riêng rất thấp, đặc biệt là những người khuyết tật vận động. Vậy đâu là lí do khiến người khuyết tật ngại hòa nhập cộng đồng?

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

TP.HCM: Cháy quán bar ở trung tâm Quận 1

Lửa kèm khói bốc lên từ 1 quán bar trên đường Lý Tự Trọng cách chợ Bến Thành không xa…

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Đập lúa lấy rơm ngày ấy - bây giờ

Khi nắng phương Nam rọi ấm các cánh đồng Đông Xuân sớm cũng là lúc mùa gặt chớm đến trên đồng. Hình ảnh mái nhà tranh nép mình bên ụ rơm vàng hực, tụi trẻ chơi trò ú tim dưới gốc rơm mềm đã trở thành biểu tượng của một đồng quê yên ả, thanh bình.

Mong chờ một diện mạo mới của du lịch đường sông

Mong chờ một diện mạo mới của du lịch đường sông

Du lịch đường sông đang nổi lên như một loại hình dịch vụ quan trọng của ngành du lịch ĐBSCL khi vùng sở hữu thế mạnh sông nước với 28.000 km đường thủy. Mới đây nhất, cú bắt tay giữa TP.HCM và ĐBSCL đã “phác họa” được 22 tuyến và 4 trung tâm trung chuyển hành khách để phát triển ngành du lịch.