Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Tài chính - Thị trường

Đề xuất tích hợp quyền sử dụng đất với căn cước công dân

Như Ngọc : Thứ ba 03/06/2025, 20:35 (GMT+7)

Giải pháp này giúp cơ quan quản lý dễ dàng tra cứu, xác lập quyền sở hữu, tiết kiệm thời gian, chi phí cho chủ thể liên quan, góp phần minh bạch các giao dịch bất động sản.

Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thành ủy thành phố, đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) dưới dạng điện tử thay cho hình thức giấy chứng nhận hiện hành.

Việc cấp sổ hồng điện tử sẽ mang lại những lợi ích ra sao? Các cơ quan chức năng có sẵn sàng cho việc này?

Những khó khăn tồn tại hiện nay là gì?

Hiện nay, theo các quy định pháp luật toàn bộ quá trình được thực hiện trong khoảng thời gian từ 10 đến 30 ngày, thời gian tùy thuộc vào từng loại giao dịch chuyển nhượng.

Ví dụ, thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thời gian 30 ngày, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 15 ngày, đăng ký biến động đất đai, thừa kế, cho tặng, hoặc đăng ký góp vốn 10 ngày. Toàn bộ quá trình đều thực hiện trực tiếp.

Ảnh minh hoạ: Tuổi trẻ Thủ đô

Ảnh minh hoạ: Tuổi trẻ Thủ đô

Các lỗi phổ biến hay gặp nhất là tính hợp lệ của hồ sơ, tiếp theo là sự phối hợp giữa các bên liên quan như bên bán, bên mua, thời gian xử lý hồ sơ cũng phụ thuộc vào khối lượng, năng lực của đơn vị tiếp nhận, xử lý hồ sơ:

“Vừa rồi thì tôi cũng có mua một miếng khoảng tầm 40m2 trong một cái thửa to khoảng 170 - 180 m2 gì đó thì những cái liên quan đến như trích lục bản đồ rồi những giấy tờ đều không sử dụng lại được từ năm trước mà phải làm lại mất nhiều thời gian. Đơn giản nhất như cái túi hồ sơ chúng tôi cũng phải mua lại, rồi cái trích lục bản đồ cũng phải xử lý làm lại hết nói chung cũng mất thời gian”.

Nói thêm về một trong những thủ tục liên quan đến đất đai, nhà cửa phổ biến khác nữa, việc thế chấp, giải chấp khoản vay sử dụng bất động sản làm tài sản đảm bảo, một cán bộ ngân hàng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại các thủ tục đều làm thủ công rất mất thời gian:

“Đối với trường hợp thế chấp giao dịch bất động sản hay gọi là giao dịch bảm đảm thì bây giờ 100% phải đẩy lên dịch vụ công trước khi nào đăng ký xong mình mang hồ sơ đến văn phòng đăng ký đất đai để nộp trực tiếp, việc mà gọi là đẩy hồ sơ online nó cũng không giải quyết được gì cả.

Em không biết người ta có kiểm trả, lưu trữ hay gây dựng dữ liệu không. Nhưng đa số bây giờ đều phải mang hồ sơ trực tiếp đến hết. Giải chấp khi khách hàng tất toán với ngân hàng giống như thế chấp cũng phải chuẩn bị hồ sơ mang đến văn phòng đất đai nộp. Tất cả hồ sơ đều nộp bản cứng tại trung tâm hành chính công”.

Xu thế tất yếu để hiện đại hoá công tác quản lý

Theo Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, trong bối cảnh chuyển đổi số, việc số hóa sổ hồng là xu thế tất yếu nhằm hiện đại hóa công tác quản lý đất đai và giảm thủ tục hành chính. Viện đề xuất tích hợp thông tin sổ hồng với căn cước công dân, trong đó thửa đất, tờ bản đồ sẽ được định danh, liên kết với dữ liệu cá nhân của người sử dụng đất.

Giải pháp này giúp cơ quan quản lý dễ dàng tra cứu, xác lập quyền sở hữu, tiết kiệm thời gian, chi phí cho chủ thể liên quan, góp phần minh bạch các giao dịch bất động sản.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Nói về đề xuất này, TS Phạm Viết Thuận – Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết, việc tích hợp dữ liệu nhằm giúp các cơ quan quản lý nhà nước quản lý tài nguyên hiệu quả hơn:

"Để chúng ta cập nhật được tất cả dữ liệu liên quan đến tài nguyên cho mặt quản lý nhà nước chứ không đơn thuần là chúng ta quản lý từng chủ hộ, không quan trọng là chúng ta quản lý từng thửa đất mà chúng ta quản lý dữ liệu liên quan đến tài nguyên môi trường trong vấn đề chuyển dịch, đánh giá số liệu thống kê về phát triển tài nguyên, đặc biệt là thuế”.

Tương tự với đề xuất của Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch triển khai năm 2025 thực hiện Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp dữ liệu đất đai liên thông với dữ liệu dân cư thông qua căn cước công dân điện tử, các giao dịch chuyển nhượng bất động sản chắc chắn minh bạch hơn, hạn chế tối đa hiện tượng lách thuế bằng cách ghi hai giá.

Nội dung này cũng chính là vấn đề mà TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, rất đồng tình: “Hiện nay thì nhà nước cũng đã quan tâm và trên cơ sở của trung ương đã chỉ đạo, như Công điện số 03/2025 chỉ đạo rất rõ là chính phủ cần khẩn trương giao Bộ Xây dựng chủ trì các bộ Tài nguyên nghiên cứu xây dựng những đề án, những sàn giao dịch Nhà nước quản lý về dữ liệu thông tin thị trường bất động sản.

Cái này thì các cơ quan cũng đang nghiên cứu nhưng trên tinh thần mục tiêu đặt ra là làm thế nào tất cả các dữ liệu bất động sản như đất đai, công trình nhà ở trên toàn quốc là phải có dữ liệu phải được mã hóa. Từ đó liên thông dữ liệu với tất cả các ngành như đất đai, xây dựng, thuế, quy hoạch, qua đó giúp minh bạch hóa các giao dịch bất động sản trên thị trường, gắn với đó là dữ liệu công dân”.

Đến nay, cả nước đã có 495/696 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng dữ liệu đất đai. Bộ yêu cầu tiếp tục khai thác hiệu quả dữ liệu đã số hóa, làm sạch, phục vụ cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, giảm tối đa việc người dân phải kê khai lại thông tin cá nhân. Việc kết nối dữ liệu đất đai - dân cư góp phần phục vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao dịch đất đai, thực hiện thủ tục hành chính minh bạch, thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp.

 

Như Ngọc /vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn