Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Thành phố tôi yêu

Đa dạng mô hình bảo vệ môi trường của chị em

Mộng Toàn - Thanh Phê: Thứ năm 20/10/2022, 14:30 (GMT+7)

Nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường đối với việc nâng cao sức khỏe, những năm qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ trên địa bàn Hậu Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả.

Những tuyến bê tông với hàng rào cây xanh thẳng tắp, những khóm hoa rực rỡ sắc màu hay rác thải được phân loại và đặt đúng nơi quy định để ủ phân compost sử dụng cho cây trồng, …

Đây là những mô hình thiết thực mà hội LHPN các cấp trong tỉnh Hậu Giang đang triển khai thực hiện, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương.

Bên cạnh các mô hình đã để lại dấu ấn thì nhiều mô hình dù mới đi vào hoạt động nhưng đã trở thành hoạt động thiết thực, nâng cao nhận thức cho người dân, từng bước đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.

Hội viên Hội LHPN tỉnh Hậu Giang tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn. Ảnh: Bộ TNMT

Hội viên Hội LHPN tỉnh Hậu Giang tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn. Ảnh: Bộ TNMT

Ghé thăm ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chúng tôi được các chị em giới thiệu về mô hình ủ phân hữu cơ theo quy trình compost, do hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch.

Tham gia mô hình, các chị em được cán bộ hội hướng dẫn phương pháp, cách chọn nguyên liệu và quy trình thực hiện ủ phân compost. Từ ngày áp dụng mô hình, mọi người có phân hữu cơ cho cây trồng từ đó tạo ra nông sản an toàn hơn.

Còn tại xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, các chị em ở đây truyền tai nhau về mô hình “Đổi rác thải thành cây xanh”. Rác thải, chai nhựa thay vì bán ve chai hay vứt bỏ vô tội vạ, nay được gom lại để đổi thành cây xanh mang về trồng trong sân nhà, hàng rào. Không chỉ bảo vệ môi trường mà tạo cảnh quan đẹp cho địa phương. Đến nay, mô hình đã đổi được khoảng 2.600 cây xanh các loại điểm tô cảnh quan cho các gia đình trong xã.

Bà Đặng Thị Ngọc Ước, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thuận Hưng, cho biết: "Từ khi thành lập mô hình đổi rác thải thành cây xanh thì ý thức hội viên và nhân dân được nâng cao, không có vứt rác bừa bãi, biết cách phân loại rác hữu cơ, vô cơ riêng."

Một mô hình khác của chị em phụ nữa Hậu Giang đang được nhiều bà con ủng hộ đó là  “Đổi rác thải nhựa lấy BHYT” của thành phố Vị Thanh. Cái được lớn nhất là giúp chị em phụ nữ khó khăn của địa phương thẻ BHYT và nâng cao ý thức chung tay cùng xã hội bảo vệ môi trường.       

Mỗi tháng gia đình bà Dương Thanh Hương, ở phường IV, thành phố Vị Thanh thu gom, bán phế liệu khoảng 3 lần với số tiền trên 100 ngàn đồng. Số tiền này được đóng góp vào quỹ để mua thẻ bảo hiểm y tế hỗ trợ phụ nữ khó khăn.

Bà Dương Thanh Hương ở Khu vực 4, phường IV, Tp Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết: "Vừa bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch đẹp vừa mua BHYT cho những hộ khó khăn không có tiền mua, chút ít tiền góp lại dần dần giúp được mấy hộ khó khăn người ta cũng mừng…"

Mô hình phân loại rác thải tại nguồn do Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Báo TNMT

Mô hình phân loại rác thải tại nguồn do Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Hậu Giang triển khai thực hiện đang phát huy hiệu quả. Ảnh: Báo TNMT

Nhằm nâng cao ý thức của hội viên trong công tác bảo vệ môi trường và tích cực thực hiện Đề án Hậu Giang xanh của tỉnh, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phụng Hiệp luôn quan tâm thực hiện các nội dung của đề án. Các chị em đã thực hiện mô hình Vườn ươm hoa kiểng, đến nay, 15/15 đơn vị của huyện đều có mô hình này. Các chị tận dụng chai nhựa, phân hữu cơ được ủ từ rác phân hủy. Đơn cử như mô hình tại xã Phương Bình, các chị bán mỗi chậu hoa giá 2.000 đồng, giúp mọi người dân dễ tiếp cận vừa làm đẹp cảnh quan, vừa bảo vệ môi trường.

Bà Dương Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phụng Hiệp, chia sẻ về mô hình: "Đổi rác thải nhựa thành cây xanh thì các chị sẽ gom rác thải nhựa trong sinh hoạt hàng ngày, như chai nước suối hoặc là vỏ của các loại khác. Định kỳ trong 1 tháng có 1 buổi nào đó các chị em sẽ gom lại để đổi cây xanh, đem về trồng để tạo cảnh quan. Một ký chai thì đổi khoảng 5 chậu cây. Có một số đơn vị tận dụng chai nhựa, cắt chai nhựa ra để ươm bầu từ chai nhựa. Các chị ươm nhiều cây lắm như bông trang, hoàng yến, các loại cây xanh khác."

Để chung tay xây dựng Hậu Giang là nơi đáng sống, bằng nhiều cách làm, mô hình hay, các cấp hội phụ nữ Hậu Giang đã tuyên truyền, vận động và nhân rộng trong hội viên thực hiện. Việc làm này luôn được hội viên duy trì và nhân rộng, nhờ đó góp phần tích cực cho các xã, thị trấn hoàn thành các tiêu chí về môi trường. Ý nghĩa của mô hình không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn lan tỏa điều tốt đẹp đến xã hội.

Bà Dương Thị Thùy Trang, chia sẻ thêm: "Phần lãi từ mô hình này thì các chị sẽ mua quà cho học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi định kỳ khoảng 500 đến 1 triệu. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục thực hiện, cũng như tiếp tục nhân rộng mô hình đổi rác thải nhựa lấy cây xanh, phối hợp với các ngành tuyên truyền bảo vệ môi trường, những nơi có điều kiện hơi khăn, các chị em có cách làm mới, sáng tạo, góp phần cùng địa phương bảo vệ môi trường."

Để hành động bảo vệ môi trường ngày càng lan tỏa, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phụng Hiệp cũng có kế hoạch tổ chức cuộc thi ảnh. Theo đó, kết hợp bài viết mô tả ý nghĩa ảnh dự thi, phản ánh những nét đẹp của gia đình trong các hoạt động tham gia thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Thông qua cuộc thi nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

Với những hoạt động phong phú về hình thức và đa dạng về nội dung, phong trào bảo vệ môi trường của chị em phụ nữ Hậu Giang đã góp phần xây dựng môi trường sống ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Trồng thêm một cây xanh, giảm sử dụng túi nilông, đồ nhựa dùng một lần, tận dụng, tái sử dụng, tái chế vật đều có thể làm cho môi trường và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta thêm xanh và sạch hơn.

Ảnh: Báo TNMT

Ảnh: Báo TNMT

Phát huy vai trò của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Hội LHPN tỉnh Hậu Giang đã chủ động xây dựng nhiều cách làm hay, ý nghĩa, thiết thực, mang lại hiệu quả cao, đảm bảo các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Để hiểu rõ hơn về các mô hình mà chị em phụ nữ tại đây đang thực hiện, VOVGT đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang:

PV: Thời gian qua, chị em phụ nữ Hậu Giang đã chung tay thực hiện nhiều mô hình thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, như thu gom, phân loại rác, đổi rác lấy cây xanh, v.v … Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả các mô hình này?

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp thực hiện rất nhiều mô hình để cùng với địa phương trong công tác bảo vệ môi trường như là mô hình đổi rác thải thành cây xanh, đổi rác thải lấy thẻ bảo hiểm y tế cũng như là các cái mô hình xách giỏ đi chợ, hay các mô hình bếp cần là có, trồng các loại cây gia vị hàng ngày.

Đối với các mô hình đó thì hội phụ nữ các cấp cùng với chính quyền địa phương tham gia công tác bảo vệ môi trường, hướng dẫn người dân phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, không sử dụng chai nhựa, túi ni lông.

Cùng với tuyên truyền thì hội liên hiệp phụ nữ thành lập các mô hình thí điểm cũng như vận động người dân tham gia vào các mô hình điểm đó để cùng với các cấp hội, hội viên để vận động người dân trong khu phố, ấp, khu vực, nơi sinh sống cùng thực hiện với chị em, bảo vệ môi trường cùng với địa phương.

PV: Hiệu quả các mô hình do Hội LHPN các cấp thực hiện đã được chứng minh khi tình trạng vứt rác bừa bãi đã không còn, diện mạo nông thôn cũng dần đổi thay. Theo bà thì điều gì làm nên thành công này?

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Mình sẽ chọn ra mô hình điểm vận động chị em thực hiện, sau đó mình lan tỏa ra. Các mô hình đó thì chị em sẽ thực hiện theo. Đối với các mô hình địa phương thực hiện công tác bảo vệ môi trường thì thực hiện trong phong trào phụ nữ xây dựng nông thôn mới xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch. Khi vận động có các tiêu chí để chấm điểm để bình xét, phân loại để chị em đăng ký tham gia được hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện.

Thông qua các hoạt động của hội, lồng ghép để tuyên truyền, vận động, từ các hoạt động đó thì chị em nhận thức và hiểu rõ hơn, thực hiện với hội. Trong các tổng kết công tác hội hàng năm, thì đều có sơ kết, đánh giá các mô hình để nhân rộng.

PV: Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, bà có chia sẻ gì đến những chị em phụ nữ nói chung và phụ nữ Hậu Giang nói riêng?

Bà Nguyễn Thị Thuỳ Linh: Thông qua sóng phát thanh, rất là mong chị em chị em luôn luôn mạnh khỏe và xinh đẹp. Đối với phụ nữ Hậu Giang thì chị em hãy bản lĩnh và nghị lực, tự tin và có khát vọng để cùng với tỉnh, với các cấp, các ngành đưa tỉnh Hậu Giang ngày càng phát triển.

PV: Cám ơn bà với những thông tin vừa rồi!

 

Mộng Toàn - Thanh Phê/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn