Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Người cũ cảnh xưa

Chuyện về ông Hổ ở xứ cù lao

Hồng Lê - Văn Thắng: Thứ năm 06/10/2022, 14:26 (GMT+7)

Giữa Thành phố Long Xuyên náo nhiệt, xã Mỹ Hòa Hưng được biết đến như một ngôi làng cổ xưa bởi giữ được nét quê đậm chất, có nhà cổ và cả cuộc sống thuần nông. Một trong số đó là Bửu Long Cổ tự mà người dân còn hay gọi với cái tên thân thuộc “Chùa ông Hổ”.

Chùa ông Hổ cổ xưa và mang giá trị tinh thần của người dân xứ cù lao

Chùa ông Hổ cổ xưa và mang giá trị tinh thần của người dân xứ cù lao

Nhiều người biết đến xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) ngày nay với tên gọi quen thuộc là cù lao Ông Hổ. Nguồn gốc của tên gọi này gắn với nhiều giai thoại rất thú vị. Sự tồn tại của chùa Ông Hổ là minh chứng sinh động cho sự có mặt của “Ông Ba Mươi” trên xứ cù lao này.

Theo nhiều bậc cao niên địa phương, thuở xưa, vùng đất này được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu, cây cối bén rễ rậm rạp, không người lui tới. Đến thời khai hoang, sau những người đi tiên phong, người dân bắt đầu đến đây dựng nhà, lập làng, làm ăn và sinh sống cho đến ngày nay. Gắn liền với địa danh ông Hổ có rất nhiều giai thoại để giải thích tên gọi này.

Một trong những giai thoại được cho là có sức thuyết phục nhất là xưa kia có vợ, chồng ông lão chèo xuồng đi bắt cá, lượm củi thì thấy bám trên mảng lục bình trôi trên sông có một con vật giống như mèo. Nhưng khi đến gần, không phải mèo mà là một con hổ con vừa đói, vừa rét trông đáng thương nên mang về nuôi nấng.

Ông Hồ Văn Sẻn, ngụ ấp Mỹ Long 2, xã Mỹ Hòa Hưng kể lại: “Quá trình mang về sống chung, cọp sống cùng với người, ông bà nuôi nấng cọp, nên cọp trở thành cọp hiền. Nơi đây, dân mỗi ngày đến đông, phá rừng làm nương rẫy, ông bà lão trong nhà mỗi ngày già rồi mất đi. Cọp lúc bấy giờ không còn người thân, nên sang sông rút về rừng sâu, nhưng ơn cứu tử thì cọp lúc nào cũng nhớ. Cứ mỗi năm đến ngày giỗ của ông bà, cọp từ rừng sâu, cõng heo rừng, nai rừng về tế trên mộ của ông bà.”

Ông Sẻn kể thêm: Cù lao Mỹ Hòa Hưng này nghe nói đã có trên trăm năm và mang tên cù lao “Ông Hổ” bởi nhiều câu chuyện tâm linh huyền thoại nhưng sâu đậm chất nhân văn về lòng yêu thương loài vật; lòng thủy chung của thú dữ khi được cảm hóa; sự hung hãn của những dòng nước lũ mỗi năm tràn qua cù lao này.

Theo những người cao niên ở cù lao Ông Hổ, tổ tiên của họ trước kia ở Tiền Giang, về khai hoang và sinh sống ở cù lao Ông Hổ đến nay đã được bốn đời. Hiện nay, các cụ đã có cháu nội, cháu chắt gọi là cụ cố nên tính ra gần 300 năm. Còn theo sử sách, nếu kể từ khi Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700) dẹp giặc trở về đóng quân ở cồn Cây Sao năm 1700 (tức là cù lao Ông Chưởng), đất cù lao Ông Hổ có người Việt sinh sống đã trên 300 năm.

Cù lao Ông Hổ không lớn, chiều dài 8km, chiều ngang nơi rộng nhất 5km, nằm chếch về hướng Tây Bắc, cách thành phố Long Xuyên khoảng 4km. Cù lao Ông Hổ nối tiếp với cồn Bà Hòa ở thượng lưu và cù lao Phó Ba, cồn Phó Huế ở hạ lưu, chia sông Hậu thành hai luồng nước, rộng phía tả ngạn, hẹp phía hữu ngạn. Cù lao Ông Hổ nằm song song với cù lao Ông Chưởng - cù lao lớn nhất An Giang.

Thời trước, xung quanh cù lao là bãi bùn, có nơi cồn cát nổi lên. Cây bần mọc lên từng nhóm dựa theo mé nước, xung quanh đâm tua tủa những rễ khí sinh to bằng cổ tay, cao năm ba tấc, nhọn như mũi dùi. Những cây bần đi tiên phong trong việc giữ đất, làm cho cù lao này càng bồi tụ dài, rộng thêm mỗi năm một ít.

Trên cù lao, cây gáo, cây tràm mọc lên thành từng nhóm, chúng đều là những cây chịu nước. Xen lẫn trong các chòm tràm, gáo là bạt ngàn lau sậy, đế và các loại cây chằng chịt như choại, giác, bìm bìm, hắc sửu… Thời trước, rừng rậm, đất hoang, người thưa nên chim muông, thú rừng, cá đồng, cá sông, ong mật… còn nhiều vô kể.

Người dân phục dựng mộ ông Hổ

Người dân phục dựng mộ ông Hổ

Nổi bật nhất của cù lao ông Hổ là chùa ông Hổ. Chùa ông hổ ngày nay tuy diện tích nhỏ, nằm thu mình dưới tán những cây dầu cổ thụ, nhưng bản thân mang trong mình nét cổ xưa, mặc dù đôi chỗ đường nét chưa thật sắc sảo. Đối với những người muốn tìm hiểu về văn hóa thì chùa ông Hổ sẽ là điểm dừng chân thú vị vì mọi thứ đều có giá trị: từ tượng thờ, không gian, tích xưa… Vì những nét mộc mạc đó mà người ta thấy mình như đang ở trong bối cảnh của thời trước với không gian mát mẻ, không khí trong lành, con người mộc mạc, tình nghĩa, làng quê yên bình.

"“Chùa này ở đây là dạng cổ 3 nóc lầu. Nóc chính là chánh điện, nóc thứ hai là Võ ca, nóc thứ ba dung để diễn văn nghệ, vui chơi trong làng, được coi như là nơi tụ họp.”

Hàng năm, lễ giỗ ông Hổ được tổ chức vào ngày 28/10 (Âm lịch) với sự tham gia rất đông của người dân địa phương cũng như du khách gần xa. Đây là dịp cầu mong mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, an yên…

“Dù ai xuôi ngược bốn bề Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang.”

Ngày nay, cù lao Ông Hổ, Mỹ Hòa Hưng đã trở thành một địa chỉ du lịch văn hóa, giáo dục truyền thống về nguồn. Cứ đến dịp lễ, Tết, đặc biệt là vào những ngày tháng Tám mùa thu, du khách khắp nơi lại nô nức xuống phà Ô Môi qua sông Hậu để đến với cù lao Ông Hổ.

Là xã cù lao, đất đai trù phú, thiên nhiên ưu đãi với những dãy đất bãi bồi, Mỹ Hòa Hưng được xem là công viên cây xanh, lá phổi của thành phố Long Xuyên. Mỹ Hòa Hưng ngày nay đang chuyển mình mạnh mẽ, tất cả các tuyến giao thông toàn xã đã hoàn thiện láng nhựa. Các tuyến đường ra cánh đồng ngày trước giờ cũng được bà con hùn hạp nhau làm cầu đường bê-tông vững chắc. Bộ mặt nông thôn mới Mỹ Hòa Hưng vì vậy đã thật sự thay da đổi thịt từ hơn chục năm qua.

Ông Phạm Văn Chua, người dân Mỹ Hòa Hưng phấn khởi nói: “Về đường thì trước kia ban đêm đâu dám đi, nhưng bây giờ ban đêm đèn chiếu sáng, gà ban đêm có thể đi ăn được. Bà con đi tới lui, lên xuống thuận lợi, bến đò lên xuống cũng dễ dàng, tấp nập. Hơn nữa bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển. Không còn nhà tre lá như xưa, nhà bây giờ là nhà tường, nhà gỗ, nhà đúc theo kiểu nông thôn mới.”

Bến phà Ô Môi (bờ Mỹ Hòa Hưng)

Bến phà Ô Môi (bờ Mỹ Hòa Hưng)

Về Mỹ Hòa Hưng hôm nay, người ta cảm nhận được không khí vui tươi, phấn khởi; trên đường đến chùa ông Hổ hay khu nhà lưu niệm Bác Tôn, hai bên đường là hàng cây xanh rợp bóng, xen lẫn những ngôi nhà mới khang trang....Và hơn hết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng quyết tâm phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương Bác Tôn ngày thêm giàu đẹp, văn minh.

Ông Dương Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng cho biết: “Đổi mới thứ nhất của quê hương chúng tôi là hệ thống giao thông trên địa bàn ngày càng được hoàn thiện. Thứ hai là về cơ cấu kinh tế, bên cạnh đó thương mại, dịch vụ cũng dần dần phát triển, đặc biệt là bộ mặt xã NTM nâng cao.”

Vùng đất cù lao Mỹ Hòa Hưng xưa vốn nổi tiếng là miệt “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”. Từ những bước chân đầu tiên trên vùng đất mới, người ta đã sớm nhận ra đây là vùng đất của những loài thú dữ. Những đổi thay của Cù lao Ông Hổ hôm nay là minh chứng tươi đẹp cho mảnh đất tình người trên xứ cù lao.

Với những ai yêu thích thiên nhiên, muốn thưởng ngoạn cảnh sống yên bình thì có thể về với Cù lao Ông Hổ thỏa sức đắm mình vào cảnh sắc và lắng nghe những câu chuyện nghĩa tình để yêu hơn vùng đất cù lao được dòng sông Hậu chở che, bồi lắng phù sa bao đời./.

Hồng Lê - Văn Thắng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Nghĩa tình những chuyến xe “cứu khát miền Tây”

Kênh rạch trơ đáy, ruộng vườn xơ xác, lượng nước dự trữ cho việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày đang cạn dần… Đó là tình cảnh chung của nhiều bà con đang chịu ảnh hưởng từ đợt hạn hán, xâm nhập mặn năm nay.

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Từ 15/4, Hà Nội thu phí trông giữ xe không dùng tiền mặt

Sau gần 2 tháng triển khai, việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt tại một số vị trí ở quận Tây Hồ, Hà Nội đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân.

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Vé buýt ảo, số hoá để tiết kiệm thời gian và công sức 

Mới đây, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng thành phố Hà Nội  triển khai áp dụng thẻ vé tháng ảo (thẻ phi vật lý) cho hệ thống vận tải hành khách công cộng. Đây là ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh có tên gọi “Thẻ vé Giao thông Hà Nội”.

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Vĩnh Long: Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nhà máy xay xát lúa gạo

Bước vào những ngày nắng nóng, người dân ở xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long liên tục “kêu cứu” vì trình trạng khói, bụi từ nhà máy xay xát lúa gạo trong khu vực trực tiếp thải ra môi trường.

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Cao điểm nắng nóng, nâng cao cảnh báo cháy rừng

Hiện nay, Nam Bộ đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng, khô hạn, đặt nhiều cánh rừng vào tình trạng cảnh báo cháy cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cấp cực kỳ nguy hiểm).

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Máy hát từ rác thải điện tử của anh kiến trúc sư mê âm nhạc

Thống kê chỉ ra, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử. Đây là mối lo ngại rất lớn cho môi trường. Vì vậy, việc tái chế các linh kiện điện tử đã qua sử dụng là một việc làm rất ý nghĩa, góp phần hạn chế rác thải điện tử xả ra môi trường.

Đảo Ngọc 'thay áo mới'

Đảo Ngọc "thay áo mới"

Nếu các bạn đã quen thuộc với con phố Ngũ Xã khi tới đây thưởng thức món ngon Hà Nội, thì nay sẽ không khỏi ngạc nhiên với một Ngũ Xã vào buổi tối lên đèn. Các tuyến phố trên Đảo Ngọc đã đổi thay kể từ khi khu vực được xây dựng thành không gian văn hóa, ẩm thực mới.