Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Podcast

Các dự án cao tốc ĐBSCL: Cần chọn mặt gửi vàng

Mỹ Phụng: Thứ tư 10/08/2022, 10:59 (GMT+7)

Là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới, ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước, thế nhưng, hạ tầng giao thông nói chung và cao tốc nói riêng của khu vực này lại hết sức khiêm tốn.

 

Để tháo gỡ điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của vùng ĐBSCL, Chính phủ đã chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc. Hiện nay các địa phương có tuyến cao tốc đi qua đang khẩn trương chuẩn bị các công tác cần thiết để thực hiện dự án. Trong đó, chú trọng việc lựa chọn nhà đầu tư phù hợp để đảm bảo tiến độ công trình.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng đã chỉ đạo, nếu nhà thầu không đảm bảo, phải kiên quyết cắt hợp đồng. Đây cũng chính là vấn đề mà chuyên mục góc nhìn Miền tây sẽ đề cập trong số phát sóng hôm nay.

Xây dựng cao tốc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ảnh minh hoạ: vov.vn)

Xây dựng cao tốc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ảnh minh hoạ: vov.vn)

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông và logistics, báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2022 mới đây đã phân tích và chỉ ra rằng trong nhiều năm qua, hạ tầng đường bộ là một điểm nghẽn cơ bản kìm hãm sự phát triển của vùng ĐBSCL.

Đây là vùng có tỷ lệ đường quốc lộ thấp nhất trong 7 vùng kinh tế.

Những yếu kém về hạ tầng giao thông của ĐBSCL cũng được bộc lộ qua hiện trạng cao tốc của ĐBSCL so với các vùng khác trong cả nước. ĐBSCL chưa có một cảng biển quốc tế thực thụ, tổng lượng hàng xuất/nhập khẩu container từ các cảng biển ở ĐBSCL chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với cả nước.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Nếu như định hướng giao thông sắp tới triển khai và thực hiện được trong nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tới chúng tôi hy vọng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ.

Chỉ với 6,7% chiều dài đường cao tốc cả nước, ĐBSCL chỉ cao hơn Tây Nguyên và thấp hơn rất nhiều so với tỉ trọng diện tích, dân số cũng như đóng góp GDP của ĐBSCL cho cả nước. Vì vậy, để thay đổi tương lai của đồng bằng tươi sáng hơn, vừa qua nhà nước đã chủ trương đẩy mạnh đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc. Về quy hoạch đường bộ cao tốc, Bộ GTVT đã hoạch định đến năm 2050 toàn vùng ĐBSCL có khoảng 1.180 km/9.014 km cao tốc của cả nước, trong đó đến năm 2030 có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km.

Về chủ trương này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định: Bộ Chính trị thống nhất đầu tư cho ĐBSCL 150.000 tỉ đồng, trong đó có tuyến cao tốc quan trọng Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng kết nối với cao tốc TP.HCM – Cần Thơ – Cà Mau.

Điểm cuối của cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng là cảng nước sâu Trần Đề. Hàng hóa có thể sử dụng các tuyến cao tốc này để kết nối với Trần Đề. Bức tranh rõ ràng về cao tốc là đến năm 2025 chúng ta sẽ có gần 500 km đường cao tốc.

Sự khẳng định của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã mang đến kỳ vọng rất lớn cho sự chuyển mình bứt phá của vùng ĐBSCL. Để sớm có được những công trình cao tốc trọng điểm như mong muốn, bên cạnh sự trợ lực của Chính phủ thì các địa phương có các tuyến cao tốc đi qua cũng đang khẩn trương bắt tay vào công tác thực hiện dự án.

Đối với cao tốc Cần Thơ – Cà Mau (đoạn Cần Thơ – Hậu Giang), mới đây, lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ đã có buổi làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận về công tác giải phóng mặt bằng để triển khai dự án xây dựng công trình này. Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu các sở, ngành có liên quan và UBND quận Cái Răng cần nhanh chóng thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, phải kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh vướng mắt trong công tác giải phóng mặt bằng, nếu gặp khó khăn cần sớm báo cáo để tháo gỡ, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ đến tháng 11/2022 bàn giao ít nhất 70% mặt bằng để thi công dự án: UBND quận Cái Răng lập kế hoạch giải ngân của năm 2022 và năm 2023. Giao Sở xây dựng phối hợp với Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, UBND quận Cái Răng công bố giá vật liệu xây dựng theo đúng quy định.

Đối với dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, mới đây Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cùng đoàn công tác đã có chuyến khảo sát vị trí thực hiện cao tốc này. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên trong khu vực, hình thành trục ngang trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long qua thành phố Cần Thơ, tỉnh An Giang, tỉnh Hậu Giang và tỉnh Sóc Trăng với chiều dài 188,2 km, chia thành 4 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là khoảng 44.600 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành nhấn mạnh, mục tiêu đề ra đến 30/6/2023 sẽ khởi công, do đó, từ nay đến thời điểm khởi công đòi hỏi sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt từ các cơ quan Trung ương, sự nỗ lực của các địa phương để có những giải pháp triển khai kịp thời các dự án, tạo sự chuyển biến mạnh về hạ tầng giao thông: “Đề nghị: với vai trò là cơ quan thẩm quyền, UBND các tỉnh phải chọn đơn vi tư vấn, mà đơn vị tư vấn phải tham mưu cho mình. UBND các tỉnh, thành phố, phải có các sở nhành phối hợp chặt chẽ để giám sát. Đơn vị tư vấn phải tư vấn cho địa phương về tiến độ, làm sao để 30/6 này phải khởi công được công trình.

Việc giải phóng mặt bằng phải làm song song là phải vừa thực hiện thiết kế, vừa cắm mốc chỉ giới. Điểm thứ 3 là về mỏ vật liệu xây dựng, cái này quyết định: một là chất lượng công trình, hai là tiến độ và yếu tố nữa là giá thành.

Việc lựa chọn nhà thầu phải thật công tâm, khách quan, không được tác động vào bất cứ một đối tượng nào; chọn nhà thầu phải có kinh nghiệm, có thực lực”

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc chỉ định thầu phải lưu ý đảm bảo tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu. Sau khi ký hợp đồng thì các đơn vị cũng phải giám sát, theo dõi, nếu nhà thầu không đảm bảo, phải kiên quyết cắt hợp đồng. Có như vậy thì chất lượng cũng như tiến độ các dự án mới được đảm bảo, để vùng đất chín rồng không còn là nơi “nghèo nàn” về các công trình cao tốc trong tương lai.  

ảnh minh hoạ (dothi.net)

ảnh minh hoạ (dothi.net)

Các dự án cao tốc tại ĐBSCL được chính Phủ phê duyệt mang lại niềm phấn khởi cho người dân với hy vọng tháo gỡ điểm nghẽn giúp ĐBSCL sớm vươn mình bứt phá về kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, để giấc mơ ấy sớm thành hiện thực thì các dự án cần phải được hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Để làm được việc ấy thì: Cần chọn mặt gửi vàng...

Có thể thấy, các công trình, dự án giao thông chậm tiến độ hay chất lượng không đảm bảo sau khi bàn giao thì không hiếm ở nước ta. Có rất nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan đưa ra để biện minh cho sự chậm trễ, tắc trách ấy.  

Nói về nguyên nhân chậm tiến độ các dự án, lãnh đạo các địa phương và nhà thầu thi công hầu hết đều vin vào công tác giải phóng mặt bằng chậm, gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc; nhất là việc xây dựng giá đất bồi thường cho người bị thu hồi đất thường thấp hơn giá thị trường, nhưng giá nộp tiền sử dụng đất khi bố trí tái định cư hiện nay có sự chênh lệch lớn so với giá bồi thường đất khi giải tỏa, bố trí tái định cư…

Tuy nhiên, một thực tế hiện hữu là, bên cạnh một số lý do khách quan tác động khiến nhà thầu thi công “lực bất tòng tâm” thì có một số nhà thầu thi công các gói thầu thể hiện năng lực yếu, không tập trung phương tiện, nhân lực thi công, có lúc, có nơi lực lượng thi công dàn trải dẫn đến công trình bị chậm tiến độ và kéo theo nhiều hệ luỵ khác.

Mới đây, tại Cà Mau, một nhà thầu thi công đường Hồ Chí Minh đoạn cuối Cà Mau vừa bị xử phạt 12 triệu đồng, do thi công không đảm bảo ATGT. Cụ thể là thi công trên đường bộ đang khai thác có bố trí biển báo hiệu cọc tiêu di động, rào chắn nhưng không đầy đủ theo quy định. Bên cạnh không đảm bảo an toàn giao thông thì dự án này cũng đang chậm tiến độ.

Dự án được Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai từ đầu năm 2022, mục tiêu thi công sẽ hoàn thành trong quý I, tuy nhiên, đến nay tiến độ thi công vẫn rất chậm. Đặc biệt, đoạn cuối tuyến gần Khu du lịch Mũi Cà Mau hiện nay mới chỉ thi công đắp cát nền đường.

Đơn vị thi công cũng không đảm bảo các biện pháp ATGT, không đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo bức xúc trong dư luận. Thế nhưng, ngoài việc xử phạt vì thi công không đảm bảo thì việc chậm tiến độ vẫn còn bỏ ngõ.

Đây chỉ là một trong rất ít những nhà thầu bị phạt vì thi công không hiệu quả. Thời gian qua, có không ít công trình giao thông chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, tuy nhiên, vì những lý do đưa ra được cho là “thuyết phục” nên việc chậm trễ tiến độ vẫn được “lướt qua”.

Các công trình chậm tiến độ sẽ sinh ra rất nhiều hệ lụy cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, để không xảy ra tình trạng chậm tiến độ hay công trình kém chất lượng thì cần phải ưu tiên chọn đúng nhà thầu có năng lực, có tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là các dự án lớn.

Tại ĐBSCL giai đoạn 2021-2025 sẽ triển khai đồng loạt 4 dự án đường bộ cao gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh. Đây là những dự án lớn và cũng là kỳ vọng thay đổi vận mệnh của người dân châu thổ Cửu Long.

Vì vậy, từng ngày, từng giờ người dân luôn mong ngóng dự án sớm được hoàn thành. Thế nên, để các dự án có thể vận hành suôn sẻ thì khâu chọn lựa nhà thầu của các dự án cao tốc ĐBSCL cần nên được chú trọng “chọn mặt gửi vàng”.

Mỹ Phụng/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.