Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   
Chuyện hôm nay

Biểu hiện “sùng ngoại”

Phạm Quang Vinh: Thứ sáu 28/02/2025, 08:24 (GMT+7)

Trồng một cái cây, xây một ngôi nhà, với chúng ta đôi khi chỉ là một ý niệm về thẩm mỹ. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh văn hoá, đây còn là câu chuyện bản sắc.

Sự đối lập giữa một bể cá Koi sang trọng phong cách Nhật Bản và một hồ cá truyền thống của Việt Nam – lựa chọn nào phản ánh đúng bản sắc văn hóa của chúng ta? (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Sự đối lập giữa một bể cá Koi sang trọng phong cách Nhật Bản và một hồ cá truyền thống của Việt Nam – lựa chọn nào phản ánh đúng bản sắc văn hóa của chúng ta? (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Tôi có người bạn, gần đây anh ấy có xây một bể cá trong nhà. Tuy anh ấy gọi là hồ, nhưng với diện tích khoảng 3-4 m2, sâu 1m thì tôi nghĩ gọi là bể thì đúng hơn. Trong hồ có nuôi cá Koi và khi tôi hỏi giống cá này đẹp như thế nào, ngoài việc mô tả vẻ ngoài của cá Koi, chủ nhân còn giới thiệu cho tôi tên của mỗi con cá kèm theo mức giá từng này, từng kia tiền.

Nhưng khi tôi hỏi: “Tại sao loại cá này đắt vậy?”. Bạn tôi trả lời: “Vì nó là giống cá quý của Nhật!”. “Nhưng chúng ta đang ở Việt Nam mà?” – tôi hỏi tiếp.

Nhiều người từng nói, người Nhật quý và thích cá Koi có lẽ là bởi sự gần gũi với tôn giáo của họ, tục thờ Thần Lửa - với những con cá thân màu trắng và có đốm đỏ, giống với quốc kỳ của Nhật thì đó là những con cá quý hơn, đắt tiền hơn.

Tôi hỏi tiếp: “Anh có hiểu chữ Koi trong tiếng Nhật có nghĩa là gì không?”. Theo tôi tìm hiểu, Koi có nghĩa là cá chép, mà cá chép thì có nhiều loại và là giống cá phổ biến nhất trong số các loài cá nước ngọt. Tôi nghĩ, có thể những con cá có màu sắc như vậy trước đây đã được nuôi ở nhiều nơi và cũng có ở thiên nhiên (sông, suối) nhưng người Nhật quý cá Koi vì hợp với tư tưởng, triết học của họ.

Một khu vườn Nhật Bản tĩnh lặng và một khu vườn Việt Nam xanh mát – đâu mới là không gian thực sự gần gũi với người Việt? (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Một khu vườn Nhật Bản tĩnh lặng và một khu vườn Việt Nam xanh mát – đâu mới là không gian thực sự gần gũi với người Việt? (Ảnh minh họa: ChatGPT)

Tương tự, tôi có một câu chuyện khác. Một người bạn của tôi khi xây nhà, làm vườn đã mua một vài cây tùng cổ của Nhật với chi phí khá đắt đỏ. Tôi nghĩ, là một người Việt Nam, tại sao anh bạn tôi lại không nghĩ đến một khu vườn Việt Nam, trồng những loại cây đẹp của Việt Nam?

Sau khi bày tỏ băn khoăn như vậy, anh bạn tôi viện dẫn về những cơ sở thờ tự, thậm chí là nhiều di tích của chúng ta cũng trồng những cây tùng Nhật lâu năm giống vậy. Thật ra, tôi nghĩ đó nó là một vấn đề văn hóa mà có lẽ nhiều người khó nói ra, nhưng tôi xin gọi thẳng đó là một sự thiếu tự tin, đó là một sự lai căng nhất định.

Chúng ta trân trọng người Nhật, trân trọng văn hóa Nhật, trân trọng văn hóa của những dân tộc khác. Nhưng ai cũng muốn nuôi con cá của Nhật, ai cũng muốn xây ngôi nhà kiểu châu Âu, ai cũng xây dựng những cái giống một chỗ này, chỗ kia… thì những nét đặc trưng của người Việt Nam ở đâu, những điều trong văn hóa Á Đông của chính chúng ta ở đâu?

Ngay ở những nước láng giềng như Lào, Campuchia, họ có rất nhiều công trình công cộng với những nét đặc thù dân tộc, truyền thống. Hay tại sân bay Incheon (Hàn Quốc), dù ở bên ngoài rất hiện đại, nhưng bên trong là những họa tiết trang trí, chi tiết giúp chúng ta nhận ra ngay đó là văn hóa của người Hàn Quốc.

Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần nói với nhau một cách thẳng thắn, góp ý với nhau một cách thẳng thắn là mọi người nên quan tâm nhiều hơn đến văn hóa Việt Nam, đến những giá trị Việt Nam, những giá trị của đất nước, của dân tộc, thay vì đi sao chép những giá trị không thuộc về chúng ta./.

Phạm Quang Vinh/vovgiaothong.vn
Ý kiến của bạn