Yếu tố nào tác động đến lạm phát từ nay đến cuối năm?

Dự báo, lạm phát Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức 3,5-3,8% và còn dư địa cho điều chỉnh chính sách kích thích phục hồi kinh tế. Đây là một trong những nhận định được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra mới đây.

Ảnh nh họa: VnEconomy

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tin tức trong nước và quốc tế

# Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ Tài chính tăng và mở rộng cơ sở thu ngân sách nhà nước, chống thất thu thuế; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. 

Còn theo Bộ Tài chính vừa, sắp tới sẽ nghiên cứu giảm thêm thuế với xăng-dầu, gồm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt..., để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. 

# Đáng chú ý: Dự báo, lạm phát Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức 3,5-3,8% và còn dư địa cho điều chỉnh chính sách kích thích phục hồi kinh tế. Đây là một trong những nhận định được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra mới đây.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Việt, phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định:

"Tôi cho rằng bên cạnh duy trì sự ổn định và giảm áp lực lạm phát thì phân tích cho thấy dư địa cho điều chỉnh chính sách vẫn còn, nên chúng ta vẫn có thể mạnh dạn hơn trong việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đã được Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đưa ra, hoặc việc triển khai gói đầu tư công, đó là những nền tảng phục hồi và ổn định trong những năm tiếp theo".

Đồng thời, theo TS Nguyễn Quốc Việt, cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của môi trường kinh doanh, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các loại hình DN, để DN tăng cường hợp tác, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu và khai thác các thế mạnh từ Hiệp định thương mại tự do.

Ảnh: TTXVN

# Chỉ một tuần sau động thái hạn chế XK gạo của Ấn Độ, giá gạo của VN tăng khoảng 30 USD/tấn. Nhiều DN Việt tin tưởng, sẽ đạt được 3,3 tỷ USD kim ngạch XK trong năm nay. 

Còn vào ngày mai (21/9), sẽ diễn ra ngày giao thương trực tiếp DN Việt Nam-Hàn Quốc tại Hà Nội, với hơn 160 cuộc làm việc sẽ được tổ chức. 

# Kinh tế số của Việt Nam dự kiến đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng 29%/năm. 

Còn ở lĩnh vực BĐS, tại dự thảo luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất phương án bãi bỏ quy định thời hạn sau 5 năm bên mua, bên thuê mua NƠXH được bán lại nhà ở này. 

# Tính đến trung tuần tháng 9, nhiều mẫu xe máy tay ga tại VN có mức giảm tương đối mạnh (từ 10-15%) và không còn tình trạng khan hàng. 

Đáng chú ý, lực lượng Hải Quan đang mở nhiều Tổ giám sát để kiểm tra mặt hàng thiết bị điện tử viễn thông, đặc biệt là Iphone 14 nhập lậu về VN. 

# Với thị trường giao dịch hàng hóa, đóng cửa ngày giao dịch đầu tuần, diễn biến phân hoá chia bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới thành 2 nửa xanh đỏ. Lực mua và bán giằng co khiến chỉ số MXV- Index tăng không đáng kể, giữ ở mức 2.519 điểm. GTGD toàn Sở đạt mức 4.400 tỷ đồng.

Giá lúa mì bất ngờ giảm mạnh, dẫn dắt xu hướng của thị trường nông sản. Lúa mì Chicago giảm hơn 3% xuống còn 305 USD/tấn. Lúa mì Kansas cũng giảm mạnh gần 3%. Ukraina cho biết, nước này đã xuất khẩu khoảng 3,7 triệu tấn ngũ cốc từ cuối tháng 7 đến nay. Bên cạnh đó có thêm 10 tàu chở theo 169 nghìn tấn nông sản dự kiến sẽ rời cảng trong ngày hôm qua.

Rạng sáng nay, báo cáo Tiến độ Mùa vụ của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy tiến độ thu hoạch lúa mì vụ xuân và gieo trồng bụ đông nhanh hơn so với dự đoán của thị trường. Đây sẽ là yếu tố gây sức ép lên giá trong sáng nay.

Trong khi đó, giá dầu thô bất ngờ bật tăng gần 1% bất chấp xuất khẩu dầu thô của Ả Rập Xê Út tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm.

# Trung Quốc vừa công bố các chỉ số kinh tế chủ chốt trong tháng 8, với nhiều lĩnh vực có mức tăng vượt dự báo, còn tỷ lệ lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. 

Và dự kiến tháng 11 tới, 5 nền kinh tế lớn khu vực ĐNÁ là Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia sẽ ký một thỏa thuận liên kết hệ thống thanh toán bằng mã QR. 

# Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa cảnh báo nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ suy thoái vào năm tới, trong khi gánh nặng nợ đang kìm hãm sự phục hồi của các nền kinh tế mới nổi.

Chủ tịch Ngân hàng thế giới David Malpass cảnh báo:

"Nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nguy cơ lớn nhất trong 80 năm. Khi COVID-19 được cải thiện, nền kinh tế đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong năm ngoái. Song triển vọng này đã bị đảo ngược khi lạm phát tăng cao hơn dự báo và làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương không đủ khả năng kiềm chế lạm phát. Cuộc xung đột tại Ucraina đã gây ra cú sốc lớn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu".

Tuy nhiên WB vẫn lạc quan thận trọng khi cho rằng, bức tranh không chỉ có những gam màu xám bởi với nỗ lực cải thiện các chính sách và quản lý kinh tế, các quốc gia đã có khả năng bảo vệ nền kinh tế và người nghèo tốt hơn.

Thị trường chứng khoán

# Với TTCK Mỹ, các chỉ số gằng co và hồi phục trở lại trong phiên giao dịch đêm qua. DJIA tăng gần 200 điểm, còn Nasdaq và S&P 500 tăng lần lượt 0,69% và 0,76%. Trong phiên có lúc DJIA mất đến 263 điểm, nhìn chung cả 3 chỉ số đều cùng bật lại từ vùng giá thấp.

# Còn ở trong nước, sau một phiên đầu tuần biến động, chỉ số VN-Index đang ở quanh ngưỡng tại 1.205 điểm, đi cùng với khối lượng cao hơn đáng kể so với bình quân 20 phiên, đạt hơn 607,6 triệu cổ phiếu. 

# Trước phiên giao dịch sáng nay, SSI Reseach cho rằng, theo quán tính giảm, chỉ số VNIndex nhiều khả năng sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ gần 1.200 – 1.190 điểm trong phiên hôm nay. Nếu cân bằng từ khu vực này, có thể sẽ xuất hiện một nhịp hồi phục trên chỉ số với vùng mục tiêu gần là 1.220 điểm. Ngược lại, chỉ số VNIndex có thể sẽ tiếp tục thoái lui và tìm điểm cân bằng quanh vùng đáy hình thành vào đầu tháng 7 (1.150 – 1.160 điểm).