Xuống cấp nghiêm trọng, khu tạm cư Thủ Thiêm hóa khu ổ chuột

17 năm trôi qua, chính sách vẫn chưa rõ ràng còn những căn nhà tạm bợ thì đang xuống cấp trầm trọng.

Khu tạm cư An Phú xuất hiện từ năm 2002, là một trong hai khu tạm cư lớn nhất, lâu đời nhất của TP.HCM. Là nơi cư ngụ của nhiều hộ dân có nhà nằm trong khu quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm di dời về sinh sống trong lúc chờ đợi chính quyền thành phố giải quyết bồi thường. 

Đi vào tầm 100m nhìn về phía bên trái là các dãy nhà dài được xây dựng tạm bợ bao bọc xung quanh bởi những tấm tôn rỉ sét, lộ rõ vẻ củ kĩ hoang tàn. Đa phần những hộ dân còn bám trụ lại đây do chưa được chính quyền quận 2 đưa ra chính sách bồi thường hợp lý.

Hơn 10 hộ dân cuối cùng còn bám trụ nơi đây hằng ngày đều đặt câu hỏi đến khi nào họ mới nhận được phần đền bù thỏa đáng từ chính quyền để thoát khỏi kiếp sống trong sự tồi tàn nơi đây. Dường như người dân nơi đây bị đẩy vào cảnh muốn chạy trốn khỏi nơi ở của chính mình dù chưa biết sẽ đi đâu, về đâu.

Dãy nhà tạm được bao bọc từ những tấm tole cũ nằm trong hẻm 311 đường Lương Định Của, phường An Phú quận 2. Nhìn từ xa, rất dễ nhầm lẫn đây là khu nhà kho hoặc những phân xưởng lâu năm cũ kĩ, xập xệ.
Nằm lặng lẽ sau những tòa nhà cao tầng hiện đại. Đây là nơi 17 năm trước, hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng bởi chính sách thu hồi đất để xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Các hộ dân di dời về đây sẽ được cấp một căn nhà tạm không phân biệt gia đình có bao nhiêu nhân khẩu. “Mỗi căn nhà” là một gian phòng khoảng 18 mét vuông bao gồm cả nhà vệ sinh bên trong.Sau gần 20 năm tồn tại, những gian nhà vốn dĩ chật chội nay trở nên hoang tàn vì ẩm thấp, loang lỗ do nước thải sinh hoạt từ nhà tầng trên thấm xuống.
Đây là một trong nhiều căn nhà trống của một gia đình đã dọn lên khu tái định cư Bình Khánh bị chính quyền quận 2 niêm phong lại. Vài gia đình dọn đi một thời gian nhưng vì nhiều lý do khác nhau, họ lại muốn quay trở về thì sẽ không bao giờ được bước vào căn nhà của mình ngày trước. Cũng có những hộ dân bất chấp về lại nhà sinh sống nhưng cũng bị cô lập hoàn toàn vì không có điện nước.
Là một trong số ít người còn trụ lại, chị Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết mùa nắng thì nóng đỏ cả da thịt, mùa mưa thì dột nước. 
“Hôm trước trong lúc mẹ tôi và con tôi ngủ trưa, thì những tấm la phông trên trần nhà rớt xuống nhưng may mắn là có chiếc bàn kế bên nó đỡ lại. Nếu không cái tấm này nó rớt lên mặt, tôi cũng không biết bà cháu nó thế nào. Lúc trước có những tấm la phông này nó còn đỡ nóng còn bây giờ bước vào nhà như ngồi trong lò lửa”. Chị Nguyễn Thị Kim Hoa kể lại.
Còn lối đi độc đạo dành cho các cư dân trên tầng 1 lên xuống mỗi ngày là hai cầu thang làm bằng sắt, đặt ở giữa dãy nhà cũng đã bị xuống cấp trầm trọng. Các cụ già mỗi lần di chuyển trên cầu thang phải có người dìu dắt vì các bậc thang đã mục nát sẽ rất nguy hiểm nếu để các cụ đi một mình trên những bậc thang này.
Những bậc cầu thang bằng kim loại đã hư hỏng vì thời gian
Hệ thống diện được lắp đặt sơ sài, lộ thiên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chập điện, cháy nổ
Nhiều căn nhà phần nền bị sụp lún nghiêm trọng, khiến nước bẩn hôi thối qua các khe nứt trào ngược lên sàn nhà. Vì các hầm chứa nước thải sinh hoạt đặt ngay dưới nền nhà. Người dân không còn cách nào khác ngoài chịu đựng.
Người dân nơi đây như đang sống chung với lũ ngay trong nhà của mình.
Dù thiếu thốn, cơ cực nhưng gia đình chị Nguyễn Ngân Phượng vẫn bám trụ vù nếu phải dời đi nơi khác thì không biết phải làm gì để sinh nhai.” Những phụ nữ nơi đây đa phần là làm việc gia công theo yêu cầu, hoặc buôn bán nhỏ lẻ tại nhà, nếu chính quyền bắt chúng tôi dọn lên khu tạm cư là chung cư Bình Khánh ở tuốt lầu cao thì chúng tôi biết làm gì ra tiền. Chưa kể các chi phí như gửi xe hằng tháng, rồi phí bảo vệ, phí dọn rác… đủ loại tiền, vậy nên tôi ở đây chịu trận cho đỡ khổ”- chị Phương nói.
Một đứa trẻ trong khu tạm cư loay hoay với trò giải trí đơn giản của mình.
Ít được quan tâm sửa chữa, khu nhà này dần trở thành một khu ổ chuột.