Xuất khẩu trái cây có nhiều điểm sáng

Trong khi một số mặt hàng nông sản có dấu hiệu sụt giảm xuất khẩu thì ngành hàng rau quả trong 8 tháng qua tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu quả quan, góp phần quảng bá hình ảnh, chất lượng sản phẩm trái cây Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Một trong những thành công đối với thị trường xuất khẩu của nước ta trong 8 tháng đầu năm đó chính là kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới hơn 57% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỷ USD. Trong đó, đáng chú ý là sầu riêng đã vượt thanh long dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trái cây, xếp sau là chuối, xoài, mít. Các chuyên gia dự báo, nếu giữ vững đà tăng trưởng này, bức tranh xuất khẩu hàng rau quả những tháng còn lại sẽ đầy tươi sáng.

Cách đây ít ngày, Công ty TNHH XNK Trái Cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã cho lăn bánh chuyến xe container dừa uống nước xuất khẩu sang Mỹ với 5 container (tương đương 100 ngàn trái). Đây là chuyến hàng đầu tiên kể từ khi Cục Kiểm dịch động thực vật, thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ thông tin cho phép Việt Nam xuất khẩu dừa sang thị trường này vào đầu tháng 8/2023. Thành quả này góp phần tô điểm bức tranh xuất khẩu trái cây một gam màu tươi sáng. Trước đó, các nghị định thư mà Việt Nam đã ký với Trung Quốc trong năm ngoái đã giúp hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay có nhiều thuận lợi.

Tại Hậu Giang, từ những loại nông sản chỉ sản xuất và tiêu thụ nội địa thì nay bưởi, chanh, xoài, nhãn… của nông dân trong tỉnh đã vươn ra thị trường thế giới. Năm nay, HTX Trái cây sinh học OCOP, huyện Châu Thành phấn đấu đưa ra thị trường khoảng 3.500 tấn nông sản, đến nay đơn vị đã hoàn thành gần 70% kế hoạch.

Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP, cho biết: Bắt đầu từ tháng 7 trở đi, ở đây xuất cao hơn rồi, khoảng 30% so với các tháng còn lại, thí dụ mình mở rộng được thị trường Úc, Zealand. Giá thì không tăng nhưng vẫn giữ bình ổn. Tuy nhiên, mình bán thì được số lượng nhiều hơn. Hiện tại, chủ lực là cái bưởi năm roi và chanh không hạt, khoảng 80-85% tổng sản lượng xuất khẩu.

Muốn đi xa, nông sản phải đạt các tiêu chuẩn khắc khe của nước bạn và giữ uy tín để mối liên kết được bền chặt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Hậu Giang hiện có 117 mã số vùng trồng đã được cấp mã số (bao gồm 106 mã số duy trì và 9 mã số cấp mới trong năm 2022 và 2 mã số sầu riêng đã được cấp trong năm 2023). 

Trái cây trong nước đang dần nâng giá trị. Ảnh: VOV

Ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, thông tin: Hiện nay trong sản xuất, thì nhu cầu của thị trường để xuất khẩu đưa ra nhiều tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu thì ngày càng khắt khe, họ đưa ra những tiêu chuẩn. Đặc biệt là những tiêu chuẩn về làm sao sản phẩm sản xuất ra phải đảm bảo những tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn GlobalGAP, hay các tiêu chuẩn về hữu cơ hoặc theo những tiêu chuẩn theo nhu cầu thị trường của nước đó. Do đó, việc sản xuất, làm sao bà con phải gắn với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm ra đạt theo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới 57,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng đã lập kỷ lục mới về kim ngạch khi cán mốc 1,2 tỷ USD trong 8 tháng, chiếm 30% trong tổng kim ngạch rau quả.

Ngoài lợi thế về chất lượng, nhiều loại trái cây Việt Nam có đặc tính rải vụ nên xuất khẩu rau quả năm nay được đánh giá còn nhiều dư địa để xuất khẩu. Chỉ riêng 5 loại trái cây gồm thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn, diện tích rải vụ đã chiếm trên 62% tổng diện tích thu hoạch, sản lượng rải vụ chiếm trên 54% tổng sản lượng. Vấn đề cốt lõi là phải quan tâm đến vấn đề chất lượng nông sản để giữ vững uy tín trên thị trường, muốn làm được điều này đòi hỏi phải hướng đến nông dân phải là những người nông dân chuyên nghiệp.

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, cho rằng: Hồi xưa mình khuyến nông bằng cách đi dạy người nông dân trồng. Bây giờ, mình dạy người nông dân liên kết. Từ chỗ kết nối này, những đơn vị mua hàng, đặt ra yêu cầu đi nước này sao, nước kia sao thì chúng ta có chuẩn hàng hóa rất là tốt để đáp ứng yêu cầu từng nước.

Ngoài Trung Quốc, rau quả xuất khẩu tới Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao từ đầu năm đến nay. Hiện, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU. Nhập khẩu từ Việt Nam năm 2022 chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU. Có thể thấy, hiện vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây và rau củ Việt Nam thâm nhập thị trường EU vì quy mô của thị trường này chiếm tới 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu.

Xuất khẩu tăng mạnh là rất đáng mừng, tuy nhiên, việc mở rộng diện tích tràn lan, ngoài quy hoạch khi giá tăng của một số nhà vườn cũng là vấn đề đáng lo ngại. Thêm vào đó, việc buông lỏng kiểm tra, giám sát tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói… đã dẫn đến tình trạng kiểm soát không chặt các đối tượng kiểm dịch thực vật mà nước nhập khẩu quan tâm, làm gia tăng số lượng các lô hàng vi phạm quy định của Trung Quốc; thậm chí có nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu quan trọng này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thông tin không chỉ phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản mà còn gợi mở cho nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất theo cơ chế thị trường: Việt Nam đã mở cửa rất nhiều thị trường khó tính cho nông sản để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn là chúng ta chứng nh được rằng chất lượng nông sản Việt Nam có thể đảm bảo ở các thị trường khó tính nhất. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ hay nói cách khác là tư duy sản xuất ngày xưa là làm ra những gì mình có thể làm, còn tư duy thị trường là mình làm ra những gì thị trường yêu cầu, chuyển từ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần. 

Có thể thấy, thị trường rộng mở, nhưng để xuất khẩu đi các thị trường lớn, với số lượng lớn và lâu dài, theo các chuyên gia, rau quả Việt Nam phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao của thị trường, đảm bảo chất lượng. Ngoài ra, người dân cũng cần tập trung trồng loại cây theo đúng định hướng của chính quyền địa phương, giúp tập trung vùng trồng, nâng cao tỷ lệ chế biến và đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm.