Xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong quý 2 (Phần 1): Làm gì để giữ thị trường và tăng giá trị?

4 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của nước ta ước đạt 210,79 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhóm hàng XK chủ lực của VN vẫn đang gặp khó khăn khi tình trạng thiếu đơn hàng tiếp diễn. Bài toán và động lực để tăng giá trị xuất khẩu thời gian tới là gì?

 

4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hàng dệt may đạt khoảng 10 tỷ USD, giảm hơn 19%. Quý 2 năm nay, mặc dù có một số tín hiệu khả quan hơn từ thị trường xuất khẩu nhưng trong bối cảnh các thị trường xuất khẩu tồn kho lớn, sức mua giảm mạnh, các doanh nghiệp dệt may đang linh hoạt tìm kiếm thị trường mới, đảm bảo chuyền may không bị ngưng nghỉ.

Tình hình khó khăn trong xuất khẩu dệt may dự kiến sẽ chưa thể kết thúc sớm. Do đó, các doanh nghiệp đã và đang tích cực tìm các giải pháp chủ động ứng phó. Hiện, các nhà mua hàng không đặt đơn hàng dài hạn mà chỉ đặt đơn hàng ngắn.

Ông Thân Ðức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết: "Thiếu đơn hàng thì không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà cả các nước đang sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc, trong đó có cả Bangladesh, Ấn Độ hay Trung Quốc. Các đơn hàng chúng tôi đang làm là chủ yếu tập trung vào đơn hàng chất lượng cao, giá ở mức trung bình cao trở lên, đơn hàng thì mang tính nhỏ lẻ, thời trang đòi hỏi chất lượng tốt, thời gian giao hàng nhanh".

Còn các thị trường xuất khẩu chính của ngành da giày như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm do tình hình lạm phát, đặc biệt tồn kho khá lớn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trước đây, thường có đơn hàng trước từ 1-2 quý, song hiện nay đã giảm khoảng 20-30% so với năm trước.

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – túi xách Việt Nam cho biết, dự kiến phải đến hết quý II năm nay tình hình mới có thể khả quan hơn:

"Từ quý IV năm 2022 thì những ngành xuất khẩu, trong đó có ngành da giày chịu tác động rất là lớn của thị trường thế giới và dự kiến cho đến hết quý II/2023 thì tình hình mới có thể có tín hiệu khả quan và điều này cũng tác động khá là lớn tới đơn hàng cũng như là lao động của ngành da giày. Chúng tôi cũng xác định đây là một trong những thách thức rất lớn đối với ngành".

Ảnh nh họa: VnEconomy

So với các ngành hàng khác thì xuất khẩu nông sản có vẻ khả quan hơn. Nhưng so với cùng kỳ thì các mặt hàng chủ lực như thuỷ sản và lâm sản đều suy giảm hơn 20% về mặt giá trị. Các doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Thủy sản Thuận Phước cho biết: thời gian qua, các đơn hàng xuất đi EU, Nhật Bản đã giảm đã giảm 30% do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm. Bên cạnh đó hiện nay lãi suất ngân hàng vẫn đang ở mức cao, các doanh nghiệp cũng hạn chế vay vốn  chỉ ở mức duy trì hoạt động kinh doanh:

"Hiện nay các doanh nghiệp cũng phải tự mình phát huy thế mạnh của mình tìm những con đường để duy trì lực lượng công nhân, duy trì mối quan hệ với khách hàng, chấp nhận giảm sút về doanh số, lợi nhuận và phải chờ thời cơ thôi bởi vì có những vấn đề khó khăn nó không phải đến từ doanh nghiệp, chính phủ mình mà toàn thế giới nữa".

Đại diện các Hiệp hội, ngành hàng như thuỷ sản, cà phê- ca cao đều cho biết, xuất khẩu những tháng đầu năm giảm mạnh ở tất cả các thị trường. Ông Đỗ Xuân Hiền – Chánh văn phòng Hiệp hội cà phê- ca cao Việt Nam thông tin, xuất khẩu cà phê, ca cao giảm về lượng và giá trị.

Doanh nghiệp trong nước mua hàng rất khó khăn do người nông dân và doanh nghiệp FDI trữ hàng chờ giá cao mới bán ra. Giá thu mua trong nước cao trong khi giá xuất khẩu không ổn định, thậm chí giảm mạnh:

"Niên vụ năm nay tất cả doanh nghiệp VN đều bị động về tài chính. Lãi suất cao thì không có hàng tồn kho nhiều cho các doanh nghiệp tồn. DN nước ngoài mua hàng vào rất nhiều và họ để trong kho để chờ các doanh nghiệp VN thiếu hàng thì sẽ bán lại và hiện tượng này cũng đã xảy ra vụ 2021- 2022, nhưng mới hai tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã không mua được. Do vậy, các doanh nghiệp không ký hợp đồng nhiều".

Trong những tháng tới, tình xuất khẩu dự báo vẫn chịu nhiều tác động do ảnh hưởng bởi giá năng lượng và suy thoái kinh tế toàn cầu. Các hàng rào kỹ thuật, nhất là quy định xanh về kinh tế tuần hoàn đang siết chặt tại một số thị trường cũng khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam phải vất vả, tốn kém để đạt được các thỏa thuận trong các hiệp định thương mại tự do (song phương, đa phương).

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhận định:

"Chắc chắn là tổng cầu thế giới còn giảm và sự cạnh tranh sẽ còn tăng lên. Hiện đã và đang khó nhưng tình hình sẽ còn khó hơn… Tôi nghĩ cần phải đặt ra tình huống xấu nhất để mà giải quyết".

Trong bối này, giải pháp ngắn hạn và dài hạn sẽ là gì để các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu cũng như các hiệp hội ngành hàng có thể giữ đơn hàng và cùng nhau tồn tại?

Kênh VOV Giao thông sẽ tiếp tục cập nhật đến quý thính giả vào số tiếp theo.