Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Thông tin trong nước và quốc tế
# Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) vừa công bố văn kiện chương trình quốc gia mới cho Việt Nam.
Theo đó, chương trình đặt mục tiêu đến năm 2026, người dân Việt Nam sẽ đóng góp và hưởng lợi từ chuyển đổi kinh tế bền vững, toàn diện.
# Theo thống kê mới nhất, đa số các bộ ngành, địa phương đã ban hành quyết định phân bổ ngân sách năm 2022.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước trong tháng 1 đã giảm gần 4% so với cùng kỳ năm trước. (TàiChính)
# UBND TP.Hà Nội dự kiến sẽ có khoảng 920 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong năm nay.
# Còn tại TPHCM, cùng với các điểm bán lẻ, hầu hết hệ thống nhà hàng, kinh doanh ăn uống đã mở cửa kinh doanh sau Tết, giá cả tương đối ổn định.
# Giá vàng trong nước và thế giới đều tăng mạnh sau kỳ nghỉ Tết. Trong phiên đầu tuần, vàng SJC đã vượt ngưỡng 63 triệu đồng/lượng, cao nhất từ trước đến nay.
# Đáng chú ý, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, NHNN điều chỉnh giảm mạnh tỷ giá trung tâm giữa VNĐ và USD xuống mức 23.081 đồng.
# Vương quốc Anh ước tính sẽ thất thu thuế lên tới hơn 47 tỷ USD, khi dừng tiêu thụ xe chạy xăng vào năm 2030.
# Đáng chú ý, triển vọng nợ dài hạn của Ukraine vừa bị giảm từ mức ‘tích cực’ xuống ‘ổn định’, do tình hình căng thẳng giữa nước này với Nga.
# Còn theo Forbes, với khối tài sản ròng 84,3 tỷ USD, lần đầu tiên Mark Zuckerberg không còn trong nhóm 10 người giàu nhất thế giới kể từ năm 2015.
Thông tin thị trường chứng khoán
# Phiên giao dịch đầu năm, VN-Index tăng 18,7 điểm lên 1.497,66 điểm. Tính chung 3 sàn, có 856 cổ phiếu tăng giá trong đó HoSE có 64 mã tăng trần.
# Đáng chú ý, loạt mã vốn hóa lớn như VCB, GAS, VHM, MSN, VJC, POW dẫn dắt thị trường. Ngược lại, các mã ngân hàng như CTG, BID, EIB, VPB, TPB, VIB,… gây thêm áp lực cho chỉ số.
# Phiên đầu năm, thanh khoản thấp hơn phiên trước. Giá trị khớp lệnh ở sàn HoSE giảm 10,5% so với phiên trước đó, xuống mức 17.152 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 339 tỷ đồng.
Xuất khẩu hàng hóa đầu năm 2022 có những tín hiệu khởi sắc
Tiếp đà tăng trưởng ấn tượng của năm 2021, trong tháng đầu tiên của năm 2022 và những ngày đầu xuân mới Nhâm Dần, hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã có những tín hiệu khởi sắc. Nhưng các doanh nghiệp cần làm gì để tiếp tục duy trì tăng trưởng bền vững, đạt mục tiêu xuất khẩu?
Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo các chuyên gia, việc khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) dường như là một trong những thế mạnh của xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi các FTA thế hệ mới có hiệu lực; đặc biệt Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm nay cũng tiếp tục là xung lực mới cho xuất khẩu của Việt Nam.
Như thực tế của ngành thủy sản qua chia sẻ của bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP. PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): "Các doanh nghiệp đã biết tận dụng các thuế quan nhập khẩu để tạo ra được việc làm và thu nhập cho người lao động, và tận dụng được công suất cho các nhà máy chế biến… thì chúng tôi dự đoán là nhập khẩu thủy sản sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới vì ngành công nghiệp chế biến thủy sản trong nước ngày càng phát triển với công nghệ chế biến sâu hiện đại, với đội ngũ lao động tay nghề cao và với lợi thế về thuế quan nhập khẩu sau khi có các hiệp định EVFTA, CPTPP… và các hiệp định khác..."
Có thể nói, việc chủ động nguồn nguyên liệu và tăng “chất” cho hàng hóa xuất khẩu đang là đòi hỏi tất yếu, khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ngày càng đòi hỏi chất lượng cao hơn, với các tiêu chuẩn khắt khe hơn, không chỉ từ nguồn gốc xuất xứ, mà còn kể cả từ nguồn năng lượng, nhiên liệu đầu.
Theo ông Vương Đức Anh - Chánh văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, chủ động trong việc làm chủ nguyên liệu để phát triển bền vững là mục tiêu hướng tới: "Chúng tôi phát triển chuỗi cung ứng nội địa trong hệ thống Tập đoàn, từ sợi, dệt, nhuộm, may và hướng đến trở thành một nhà cung cấp trọn gói, một điểm đến cho các doanh nghiệp là khách hàng lớn.
Dự kiến chúng tôi tập trung từ giờ cho đến năm 2025 sẽ phát triển một chuỗi dệt kim hoàn chỉnh. Ngoài kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì ngành dệt may cũng luôn đặt mục tiêu về an sinh xã hội, đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.."
Cũng theo các chuyên gia, dệt may là một trong những ngành được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong hoạt động xuất khẩu năm 2022.
Còn theo dự báo của Bộ Công Thương, các mặt hàng như cà phê, chè, gạo, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, đồ gỗ… tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường Liên nh châu Âu (EU) và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022. với giá trị xuất khẩu lâm sản đạt kỷ lục gần 16 tỷ USD, việc “nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng trong nước để chủ động nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp hướng tới giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 16,3 tỷ đô la Mỹ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành lâm nghiệp trong năm 2022.
Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Nguồn nguyên liệu trong nước hiện đã đáp ứng hơn 70% và cũng tạo ra giá trị xuất siêu rất lớn trong xuất khẩu sản phẩm gỗ và đồ gỗ. Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu để đẩy mạnh việc trồng rừng tập trung, sử dụng giống chất lượng và chú trọng vào trong trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng bền vững để nâng cao giá trị thặng dư cho các chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp".
Bên cạnh đó, các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu biên giới cũng đã thông quan ngay trong những ngày đầu năm mới này, cho thấy một năm xuất khẩu đầy khởi sắc, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 8% và tiếp tục cân bằng cán cân thương mại, có xuất siêu trong năm 2022 hoàn toàn có khả năng đạt được.